Sáng 22/6, các cổ đông của Sony đã đồng ý đưa ông Howard Stringer lên làm Giám đốc điều hành mới. Đây là người nước ngoài đầu tiên cầm lái tập đoàn điện tử và công nghiệp giải trí hàng đầu của Nhật Bản.
Stringer, 63 tuổi, người Mỹ gốc xứ Wales, được bổ nhiệm nhờ những đóng góp rất lớn giúp đưa lĩnh vực âm nhạc và phim ảnh của Sony lên tầm cao mới trong mấy năm vừa qua. Ông sẽ thay thế Nobuyuki Idei, người lãnh đạo tập đoàn có trụ sở tại Tokyo này trong suốt một thập kỷ qua.
Giám đốc điều hành người nước ngoài ở Nhật là chuyện rất hiếm xảy ra từ nhiều năm nay. Trước nay chỉ có một người gốc Brazil là Carlos Ghosn làm được chuyện tương tự tại tập đoàn Nissan Motor của Nhật, nhưng là khi nó đang lâm vào khủng hoảng và đứng bên bờ vực phá sản. Cuộc bỏ phiếu quan trọng của các cổ đông diễn ra tại một khách sạn ở Thủ đô Tokyo, chật cứng với khoảng 6.000 người dự khán.
Trong suốt 2 giờ thảo luận, cả Stringer và người tiền nhiệm Idei phải trả lời chất vấn của hàng loạt cổ đông về việc Sony đã và sẽ làm như thế nào để đưa "đế chế" này trở lại vị trí huy hoàng như cách đây 5 năm, khi cổ phiếu của họ trên thị trường đạt giá cao nhất. Đáp lại, Stringer cam kết với các nhà đầu tư rằng ông đã lên kế hoạch để đưa Sony quay lại vị trí xứng đáng trên toàn cầu, bất chấp ông không cùng quốc tịch với đại bộ phận cổ đông của hãng này.
Stringer sẽ đối mặt với thử thách khổng lồ đang vây quanh Sony trong thời điểm này, khi doanh thu về lĩnh vực điện tử sụt giảm do bị cạnh tranh gay gắt với các đại gia châu Á khác. Trong khi đó, ở mặt trận âm nhạc và các thiết bị hỗ trợ ngành này, Sony đi sau một cách đáng ngạc nhiên so với các đối thủ của Mỹ. Chẳng hạn, Sony đã phải chứng kiến Apple Computer Inc. làm mưa làm gió trên thị trường này với sản phẩm mới đang được người Mỹ ưa chuộng là thiết bị nghe nhạc iPod.
Lý giải cho việc này, cựu Giám đốc Idei thừa nhận: "Tôi đã không thể theo kịp những thay đổi của thị trường. Tôi cảm thấy trách nhiệm của mình thật nặng nề". Tuy nhiên, Idei tin rằng việc bổ nhiệm Giám đốc mới sẽ giúp ích nhiều cho cơ đồ tương lai của Sony, luôn là niềm tự hào của người Nhật. "Vấn đề không phải là người Nhật hay người ngoại quốc lãnh đạo tập đoàn", ông nói về người kế nhiệm của mình, "Điều quan trọng hơn là người đó có đủ năng lực lãnh đạo và ý chí quyết tâm hay không".
Stringer tỏ ra là người có đủ các tố chất lãnh đạo nói trên. Trước khi gia nhập Sony năm 1997, Stringer đã trải qua 30 năm làm báo. Ông cũng từng là nhà sản xuất chương trình và là Giám đốc điều hành hãng truyền hình nổi tiếng của Mỹ là CBS Inc. Do vậy, vai trò của ông ở Sony sẽ là thiết lập các mối quan hệ chiến lược giữa ngành giải trí với kinh doanh thiết bị điện tử cho hãng, một kế hoạch mà Sony đã tiên liệu, theo đuổi nhưng chưa bao giờ hoàn thiện nổi.
Stringer cũng gắn bó nhiều năm với Sony với tư cách Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành chi nhánh Sony tại Mỹ, nhưng không hề nói được chút tiếng Nhật nào. Với cương vị này, ông sẽ vẫn tiếp tục sống và làm việc tại New York, nhưng sẽ liên tục đi lại giữa Mỹ và Nhật Bản để điều hành công việc chung.
Stringer hé lộ rằng ông sẽ liên hệ chặt chẽ với tân Chủ tịch của hãng là Ryoji Chubachi và Giám đốc tài chính Katsumi Ihara để bàn thêm về chiến lược phát triển của hãng, đặc biệt là vực dậy mảng thiết bị điện tử bấy lâu bị lép vế.
(Theo TBKTVN)