Tình trạng “Đôla hoá” nền kinh tế ở nước ta đang là tiếng chuông cảnh báo đối với công tác quản lý ngoại hối ở Việt Nam.
Bên hành lang Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy đã trao đổi với báo chí về những giải pháp chống “Đôla hoá”.
Nhiều đại biểu trong phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, không ở nơi đâu đồng Đôla được tiêu dễ dàng như ở Việt Nam. Có đúng vậy không, thưa ông?
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thế giới, tình trạng “Đôla hoá” ở Việt Nam mới ở mức trung bình. Việc giảm “Đôla hoá” nền kinh tế gần đây đã có những chuyển biến nhanh (biểu hiện qua lượng ngoại tệ thu hút vào ngân hàng).
Nếu như năm 1995, chỉ có khoảng 1,5 tỷ USD tiền gửi từ khu vực dân cư, thì hiện nay, con số này đã lên tới khoảng 8 tỷ USD. Việc người dân ít “găm” Đôla cũng biểu hiện lòng tin của họ đối với ngân hàng.
Xét cho cùng vẫn là lợi ích của người dân, cụ thể là người nhận và người tiêu. Nếu thấy giữ ngoại tệ lợi hơn nội tệ thì ai cũng giữ. Do vậy, cần phải có những chính sách điều tiết vĩ mô, sau đó đến các biện pháp hành chính đủ mạnh.
Các nước trên thế giới quản lý việc thu nhận ngoại tệ rất chặt chẽ. Tại các khách sạn, họ không chấp nhận ngoại tệ, mà bắt khách phải quy đổi ra nội tệ với phí dịch vụ rất cao.
Sử dụng ngoại tệ phổ biến sẽ dẫn đến hậu quả gì, thưa ông?
Nếu để đồng ngoại tệ “lấn lướt” nội tệ, có nghĩa là khả năng thực thi chính sách tiền tệ của Việt Nam yếu. Theo tôi, cần có chính sách, biện pháp tiền tệ khôn ngoan, chứ không thể chỉ bằng sự nhiệt tình.
Chính phủ mới đây giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng Đề án chống “Đôla hoá”. Những giải pháp nào sẽ được đưa ra trong Đề án này?
Tôi cho rằng, biện pháp hành chính như cấm đoán sẽ không mang lại hiệu quả. Quan trọng là phải có những biện pháp mang tính kinh tế. Nếu giữ được tỷ giá hối đoái tương đối ổn định, người dân sẽ không phải lo đồng nội tệ mất giá.
Đứng về mặt quản lý, vẫn luôn có sự chênh lệch giữa tỷ giá chính thức với tỷ giá thực tế. Quan trọng là phải đưa ra được một biên độ linh hoạt để người mua và người bán dễ dàng “tìm” nhau.
Chúng ta đang đứng trước thực tế, nếu nới lỏng hơn nữa việc kiểm soát về tỷ giá chính thức thì phải quan tâm đến những biến động khác trong nền kinh tế chưa ổn định. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã nới biên độ giao dịch trong phạm vi 0,25% so với tỷ giá giao dịch ngày hôm trước (ở các nước khác, biên độ này có thể lên tới 1-2%, nhưng cũng không gây tác động đến tâm lý người dân).
Tuy nhiên, nếu nới một cách tuỳ tiện sẽ có biến động tức thì.
Ý kiến của ông về việc một số ngân hàng quốc doanh kinh doanh ngoại tệ thua lỗ?
Kinh doanh bao giờ cũng có rủi ro. Kinh doanh ngoại tệ càng dễ rủi ro, vì tỷ giá các đồng tiền trên thị trường quốc tế biến động từng phút. Chỉ cần tính sai là lỗ.
Do vậy đối với từng tổ chức, cần có biện pháp quản lý phù hợp để hạn chế rủi ro, phải có điểm dừng và cơ chế quản lý đối với điểm dừng này.