Mấy hôm rồi, nhà tôi có con bé cháu lên thi đại học. Tôi nhận nhiệm vụ tài xế “bất đắc dĩ”, đưa cháu đến cổng trường xong rồi tạt vào quán nước gần trường ngồi chờ. Cái quán trông cũng đơn sơ mà đông khách, có lẽ do bà cụ bán hàng xởi lởi và rất dễ tính. Mọi người cũng ngồi chờ con đang thi, vẻ mặt ai nấy bồn chồn, thắc thỏm.
Con bé cháu tôi nhà nghèo nhưng được cái rất ham học. Bố mẹ nông dân, suốt ngày cắm cúi làm lụng vất vả ngoài đồng mà ăn tiêu chả đủ. Tôi hy vọng nó học lên đại học để sau này có công ăn việc làm tử tế còn phụng dưỡng cha mẹ lúc về già.
Đang nghĩ về tương lai đứa cháu, bỗng một đứa trẻ khoảng hơn chục tuổi gầy đét, da đen nhẻm bê rổ chanh đến mời: “Cô ơi mua chanh cho cháu”. “Cô không mua đâu. Chanh nhà cô vẫn còn nhiều lắm”.
Nó vẫn nhì nhèo: “Cô mua giúp cháu đi, nhà cháu ở quê nghèo lắm. Bố cháu đưa anh cháu lên đây thi đại học. Cháu theo lên đây bán chanh để có tiền đỡ anh cháu trọ mấy ngày thi đại học. Chanh này nhà cháu trồng cô ạ”.
Nhìn thằng bé gầy gò như kiểu trẻ em suy dinh dưỡng, tôi động lòng thương hại, hỏi nó: “Cháu có đói không?”. Nó nói: “ Cháu không đói, cháu chỉ khát thôi, cháu thèm… uống sữa”.
Tôi mua hộp sữa đưa nó. Nó chìa tay ra chộp lấy hộp sữa, bóc lớp ni lông ra cắm ống mút và uống rất ngon lành. Nhìn cách nó uống chứng tỏ rất “thành thạo”. Nó không phải mới ở quê lên.
Cháu nói là bố đưa anh đi thi, vậy bố cháu đâu? Nó nói: “Cháu không biết”.
Tôi vặn lại: “Sao lại không biết?”. Nó liền nói: “Chắc bố cháu chạy đâu thôi”.
Tôi hỏi: “Thế bố cháu tên gì? Anh cháu tên gì? Chắc anh cháu sắp ra rồi nhỉ? Cô sẽ chờ để gặp anh cháu”.
Nó nghe thấy thế liền cụp đôi mắt nhìn xuống đất, chân di di mẩu giấy nói lí nhí: “Cháu nói dối, cháu xin lỗi”.
Tôi rất bực mình vì sự dối trá của thằng bé, nhưng tôi bình tĩnh lại hỏi nó: “Tại sao cháu lại nói dối? Cháu nói dối cô để làm gì?”.
Nó nói như mếu: “Bà bán hàng trong chợ xui cháu nói thế để bán được nhiều chanh”.
Bà hàng nước và một số khách ngồi uống nước đã chứng kiến sự việc trên rất bất bình, mỗi người một câu mắng xa xả thằng bé, có người còn bảo: “Tát cho nó một cái, bé tý mà đã điêu chác, lọc lừa”.
Tôi vội vàng can ngăn: “Tôi xin bác, cháu bé này không có lỗi. Lỗi là ở bà bán hàng trong chợ đã xui cháu nói dối. Bà ấy mới đáng trách”.
Thằng bé nãy giờ cứ đứng như trời trồng. Mặt cúi gằm xuống có lẽ vì xấu hổ và một phần sợ sệt.
Tôi nói: “Cháu hứa đi. Từ nay không được phép nói dối như thế nữa. Cô sẽ mua hết chỗ chanh này cho cháu”.
- “Cháu sẽ không bao giờ như thế nữa ạ”.
Tôi đã mua cả rổ chanh cho nó và nhẹ nhàng vuốt lên mái tóc cứng xác xơ của nó. Nó cảm ơn tôi và mắt vẫn không dám nhìn ai, mặt vẫn cúi gằm rồi từ từ rảo bước trên con đường tấp nập xe cộ.
Nó nghĩ gì về người đã mua chanh giúp nó? Người đã dạy cho nó bài học làm người? Có lẽ khi lớn thêm chút nữa nó sẽ hiểu hơn về giá trị cuộc sống, giá trị của việc làm ra những đồng tiền chân chính, và nó sẽ thầm cảm ơn những ai đã kéo nó ra khỏi lỗi lầm ngày hôm nay.
Mai, lên cơ quan, tôi lại có quà cho mấy bạn đồng nghiệp. Tôi lại phải nói dối là quà quê mang lên, tặng mỗi bác cân chanh để uống nước. Vì nói thế mọi người mới vui vẻ nhận cho.
[Đăng nhập để xem liên kết. ]
__________________
Không có gì phụ nữ không làm được!