Go Back   Cựu Học Sinh Lê Quý Đôn - Long An > :: Sân trường :: > ..:: Thảo luận nghiêm túc ::..

..:: Thảo luận nghiêm túc ::.. Các vấn đề Xã hội , Giáo dục , Kinh tế ...

Xây danh dự cho dân tộc Việt

Xây danh dự cho dân tộc Việt

this thread has 2 replies and has been viewed 14672 times

Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
Old 06-01-2010, 12:13 AM   #1
Hồ sơ
duonghoanghiep
Hội CHS
 
duonghoanghiep's Avatar
 
Tham gia ngày: Oct 2004
Tuổi: 46
Số bài viết: 1,658
Tiền: 25
Thanks: 277
Thanked 3,026 Times in 681 Posts
duonghoanghiep is an unknown quantity at this point
Default Xây danh dự cho dân tộc Việt

Đọc bài viết này trên Vietnamnet thấy vui vui, post lên đây để mọi người có dịp tham khảo.


Tác giả: Nguyễn Lương Hải Khôi
Bài đã được xuất bản.: 05/01/2010 10:00 GMT+

Thế kỷ XIX, với một trái tim đập lạc nhịp với thế giới, cha ông ta đã thất bại khi đối đầu với làn sóng thực dân hóa. Ngày nay, chúng ta đối đầu với làn sóng toàn cầu hóa không thể bằng đôi mắt sợ hãi hay phòng thủ mà phải bằng "tinh thần toàn cầu" và ý thức xây dựng danh dự cho dân tộc thông qua những đóng góp của mình cho nhân loại chung.
LTS: Cũng trong mạch [Đăng nhập để xem liên kết. ] Nguyễn Lương Hải Khôi, nghiên cứu sinh văn học tại Nhật Bản có sự so sánh thú vị sự nghiệp Đổi Mới của Việt Nam và Duy Tân Minh trị của Nhật Bản, từ đó đưa ra kết luận: Để Việt Nam có chỗ đứng trong thế giới toàn cầu hóa này, đất nước cần một cuộc khai hóa văn minh tinh thần quyết liệt như Nhật Bản đã từng thực hiện, trong đó nền văn hóa cần được tái cấu trúc theo hướng tìm đường khai mở cho dân tộc "những chân trời có người bay", nơi "những người bay" luôn tìm thấy mọi loại "chân trời".
Bài viết dưới đây thể hiện quan điểm riêng của tác giả, trong đó có thể có những vấn đề cần được bàn bạc để làm sáng tỏ thêm. Mời độc giả tham gia tranh luận.

Nghiên cứu so sánh sự nghiệp Đổi mới của Việt Nam từ 1986 đến nay với Duy tân của Nhật Bản thời Minh Trị (1868 - 1912), sẽ giúp nước ta có một điểm nhìn tham chiếu để nhìn lại chặng đường hôm qua và hoạch định chiến lược ngày mai tốt hơn.
Quyền tự do cho mỗi người: Từ Fukuzawa Yukichi đến Karl Marx
Một số sách sử về Nhật Bản ở Việt Nam thường nói về cuộc canh tân Minh Trị chỉ đơn giản như là một chiến lược "mở cửa", nhập khẩu các kỹ thuật hiện đại của các nước tiên tiến. Không phải vậy! Sự nghiệp Duy tân Minh Trị trong bản chất là một sự nghiệp tự khai hóa văn minh của dân tộc Nhật Bản. Chuyện "mở cửa giao thương" và "nhập khẩu kỹ thuật mới" chỉ là bề nổi của sự nghiệp vĩ đại đó.
Hầu hết các nghiên cứu về lịch sử tinh thần Nhật Bản thời Minh Trị đều khẳng định rằng, bản chất của 30 năm Duy tân Minh Trị là quá trình dân tộc Nhật Bản nhìn văn minh châu Âu để tự khai sáng tinh thần cho chính mình. Họ có cả một dòng "văn học khai sáng", ở đó các nhà văn viết hàng loạt "tiểu thuyết chính trị" để giải thích, không phải chỉ cho quốc dân mà trước hết là cho chính những người lãnh đạo đất nước, hiểu về những giá trị của con người cá nhân, về bản chất của "Tinh thần luật pháp", về dân chủ như một "giá trị đạo đức" và "phương thức quan hệ" trong xã hội, về con đường để rèn luyện văn hóa dân chủ trong mỗi cá nhân, những lợi ích của Nhà nước khi được giáo dục và tuân thủ giá trị đạo đức đó...

Chúng ta thường chỉ nghĩ đến một Nhật Bản chỉ trong vòng 30 năm mà đuổi kịp Phương Tây về kinh tế và kỹ thuật, nhưng chúng ta gần như không nghĩ đến một Nhật Bản khác, một Nhật Bản của "khai hóa tinh thần", cũng chỉ trong vòng 30 năm, các lãnh chúa của họ từ chỗ là những tên chúa đất sống ăn bám vào nông dân, đã tự mình học tập kinh doanh để trở thành tư sản; người nông dân của họ từ chỗ chỉ là "tá điền" của một lãnh chúa nào đó, tiến hóa đến chỗ trở thành "quốc dân".
Và ngày nay, quan chức nhà nước của họ từ chỗ nghĩ rằng giá trị của bản thân nằm ở sự phục tùng của nhân dân, tiến hóa đến chỗ coi sự lễ phép của mình với mỗi người dân là giá trị đạo đức bình thường trong công việc. Thời Minh Trị kết thúc vào năm 1912, đến nay là 2009, chưa đầy 100 năm!

Hội nhập với thế giới có nghĩa là đi tìm cơ hội cho dân tộc mình ở phạm vi toàn cầu, thông qua việc tự mình cũng trở thành một cơ hội cho kẻ khác. Để làm được điều đó, Việt Nam không cần đến nỗi sợ hãi, mà cần một "tinh thần toàn cầu" - không phải là vong bản để trở thành "thế giới" - mà là ý thức xây dựng danh dự cho dân tộc.
Đầu thế kỷ XIX, khi các nước thực dân châu Âu bắt đầu đánh lan đến châu Á, "làm thế nào để bảo vệ tự do của Nhật Bản?" trở thành nỗi đau đáu của trí thức Nhật đương thời. Fukuzawa Yukichi1 đã đề xuất trả lời của mình bằng một câu ngắn gọn. Câu trả lời cho bài toán thời đại đặt ra, đã được ông viết lên lên một tấm lụa trắng bằng lối chữ thảo cực đẹp, và tôi đã được chiêm ngưỡng nó trong Bảo tàng Mỹ thuật Tokyo. Câu trả lời không phải là sức mạnh quân sự, bởi điều đó là hiển nhiên - mà là: "Bảo vệ tự do của Nhật Bản thông qua bảo vệ tự do của mỗi người dân Nhật Bản"
Trong lịch sử cận đại Nhật Bản, ngành xuất bản và báo chí hiện đại ra đời và phát triển trong ánh sáng của tư duy minh triết đó. Sự nghiệp khai hóa văn minh của họ năm 1868, khác với cuộc Đổi mới của ta năm 1986, bắt đầu không phải bằng mở cửa kêu gọi đầu tư hay nhập khẩu máy móc, mà bắt đầu bằng báo chí và sách vở. Trong trường hợp Nhật Bản, việc khai sáng những tư tưởng và năng lực tư duy sao cho thích ứng với tính hiện đại đã được tiến hành trước và trở thành tiền đề văn hóa cho sự nghiệp canh tân về kỹ thuật và kinh tế.
Mặt khác, sự nghiệp Duy tân của Nhật Bản không chỉ được bắt đầu bằng khai sáng văn minh, mà còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi một triết học về "tái cấu trúc quốc gia".
Đọc quyển "Khuyến học" (Gakumon no Susume"), 2 tập hợp các bài diễn thuyết của Fukuzawa Yukichi, ta hiểu rõ một điều mà với đất nước ta đang là một bài học nhãn tiền. Tinh thần cốt tủy của sách này, theo như tôi hiểu, là nếu Nhật Bản bắt đầu bằng nhập khẩu phương tiện kỹ thuật và mở cửa buôn bán, và chỉ dừng lại ở đó, thì sẽ chỉ phát triển đến một mức nào đó rồi dừng lại, bởi lẽ, một dân tộc cắm rễ trong những thiết chế văn hóa và xã hội đối lập với văn minh hiện đại, không thể xây dựng được một nền văn minh hiện đại đích thực.
Cũng với cái nhìn triết học này, sau khi Nhật canh tân được 17 năm, Fukuzawa Yukichi đề xướng thuyết "Thoát Á luận". Ông cho rằng, để hiện đại hóa thành công, Nhật Bản cần thoát khỏi hệ thống tín điều, hệ thống giáo dục, chính trị và xã hội... theo mô hình lạc hậu của Trung Quốc đương thời, tái cấu trúc thành một hệ thống mà các giá trị hiện đại có thể vận hành."Thoát Á luận", do đó, có thể coi là "con đường thoát khỏi Trung Quốc" của Nhật Bản thời Minh Trị. 3
Chẳng phải Fukuzawa vẫn đang nói về tất cả các quốc gia đang phát triển ở thế kỷ XXI này đó sao? Đương thời, Thái Lan cũng "mở cửa" nhưng không "khai sáng tinh thần" và "tái cấu trúc" như Nhật Bản, nên dù không bị mất nước nhưng đến bây giờ, sau một thế kỷ rưỡi "mở cửa" trong hòa bình, nước này vẫn đứng chung hàng ngũ các nước đang phát triển.
Còn Trung Quốc ngày nay, cũng vì lý do tương tự mà sau 30 năm cải cách của Đặng Tiểu Bình, dù có "tăng trưởng" (đến ngoạn mục) nhưng vẫn không có "phát triển". Những gì mà người Trung Quốc đóng góp vào nền kinh tế của chính họ hầu như vẫn chỉ là những gì thuộc về nền công nghiệp cũ. 4
Trường hợp Việt Nam cũng không khác. Các trường đại học và doanh nghiệp của chúng ta, với một hệ thống tương tự mô hình của các cơ quan hành chính, đã giúp đất nước xây dựng được nền công nghiệp kiểu cũ, nhưng khó có thể xây dựng được nền kinh tế dựa trên tri thức. Bởi dòng chảy sáng tạo không thể khơi nguồn trong một cấu trúc như vậy.

Nếu Nhật Bản bắt đầu bằng nhập khẩu phương tiện kỹ thuật và mở cửa buôn bán, và chỉ dừng lại ở đó, thì sẽ chỉ phát triển đến một mức nào đó rồi dừng lại, bởi lẽ, một dân tộc cắm rễ trong những thiết chế văn hóa và xã hội đối lập với văn minh hiện đại, không thể xây dựng được một nền văn minh hiện đại đích thực.
Đứng trước bức lụa của Fukuzawa Yukichi, là "quốc dân" của một nước Xã hội chủ nghĩa, tôi nhớ đến Karl Marx:
"... Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người!"
Marx nói vậy ở đoạn cuối chương 2 trong "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" 5 năm 1848, trước Fukuzawa Yukichi 30 năm. Quả có những trùng hợp thú vị giữa Karl Marx và... tinh thần Nhật Bản thời khai sáng.
Về tư tưởng, có lẽ nhiều người Việt Nam sẽ phải trăn trở về sự tương đồng giữa tuyên ngôn của K. Marx và câu trả lời của Fukuzawa. Về cái năm 1848, ở Nhật Bản cũng là năm ra đời cuốn sách "Keihatsu Roku" (Luận văn về Khai sáng) của Hashimoto Sanai. 6 Trong lịch sử tinh thần Nhật Bản, cuốn sách này được coi là điểm khởi đầu của một hành trình tinh thần dẫn đến cuộc Duy tân 30 năm sau đó.
Dân chủ là một giá trị văn hóa có tính toàn nhân loại mà Châu Âu đã xây dựng từ thời Hi Lạp cổ đại và phát triển không ngừng từ thời Phục Hưng đến nay. Ngày nay, trí thức Châu Âu vẫn nói về Karl Marx như là con người thuộc về nền văn hóa của chính họ. "... Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người!" là hình ảnh lý tưởng của thế giới Cộng sản mà K. Marx mơ ước cho nhân loại và ông đặt cho các Đảng Cộng sản nhiệm vụ kiến thiết thế giới ấy.
Hồ Chủ tịch, sau những ngày đất nước vừa độc lập, đã nói: Đất nước độc lập nhưng nếu nhân dân không tự do, hạnh phúc, thì độc lập ấy không có ý nghĩa gì. Tư tưởng ấy của Bác hoàn toàn tương đồng với K. Marx và Fukuzawa Yukichi. Tự do của mỗi quốc dân tạo nên tự do của cả đất nước, và tự do của mỗi con người tạo nên tự do của cả cộng đồng nhân loại. Độc lập trước ngoại bang chỉ là tiền đề, không phải là đích cuối cùng!
Có sự tương đồng giữa Karl Marx, Hồ Chủ tịch và Fukuzawa Yukichi, nhưng tại sao có thể nhìn thấy trong tinh thần Nhật Bản hiện đại và các nước Châu Âu tư tưởng cao đẹp của K. Marx, nhưng điều cao đẹp ấy vẫn là một cái gì xa lạ trong nền văn hoá, trong cách tư duy của đất nước chúng ta?
Câu trả lời nằm ở chỗ lịch sử cận hiện đại của chúng ta chưa từng có một công cuộc khai hóa văn minh tinh thần quyết liệt và rực rỡ như xứ họ. Chúng ta từng có một Đông Kinh nghĩa thục của Lương Văn Can năm 1908, học tập theo mô hình Khánh Ứng nghĩa thục của Fukuzawa Yukichi ở Nhật Bản, từng có một Phan Chu Trinh, nhưng tiếc thay, dù hết sức sâu sắc về tư duy nhưng tất cả đều ngắn ngủi và chưa triển khai đến tận cùng những giá trị tinh thần mà mình ấp ủ.
Trong lịch sử hiện đại, trên toàn cõi Phương Đông, trừ Nhật Bản, chưa từng có một quốc gia nào thực sự nghiêm túc tiến hành một cuộc khai hóa tinh thần đúng với bản chất của văn minh hiện đại: xây dựng và bảo vệ tự do của quốc gia thông qua xây dựng và bảo vệ tự do của mỗi công dân!
Điểm yếu của văn hóa dân tộc trước thời đại mới
Đầu thế kỷ XXI, dân tộc Việt Nam đối đầu với những thử thách khó khăn hơn Nhật Bản một trăm năm trước. Thế giới ngày nay khi chúng ta mở cửa ra và nhìn thấy đã khác xa thế giới mà một thế kỷ trước người Nhật đã đối mặt. Chúng ta đang cần gấp một công cuộc khai sáng văn minh, và công cuộc ấy không giống với những gì người Nhật đã làm.

Họ canh tân trong thời đại của máy dệt và xe lửa chạy bằng than. Trước mắt chúng ta ngày nay là thời đại của chip điện tử, một thế giới toàn cầu hóa, và một nền kinh tế - khoa học mà sự phát triển đích thực phụ thuộc trực tiếp vào khả năng sáng tạo của con người.
Cuối thế kỷ XIX, Cao Thắng đã dùng khả năng bắt chước tuyệt vời của mình để chế tạo những khẩu súng kíp, chính xác đến mức giặc Pháp phải khâm phục. Nhưng chip điện tử của thế kỷ XXI không phải là cái có thể bắt chước. Từ điểm nhìn này, chúng ta có thể thấy được điểm yếu của văn hóa dân tộc trước thời đại mới.
Marx cho rằng "lực lượng sản xuất" không bao giờ đứng yên, vì con người luôn có "nhu cầu" phát triển, và do đó, việc cải tiến và sáng tạo trong lao động là "tất yếu", thế nhưng, cái điều "tất yếu" kỳ diệu ấy ở Châu Âu không phải là "tất yếu" ở nước ta.
Đến tận đầu thế kỷ XX, các cô thôn nữ Việt vẫn dệt vải theo cách mà các cung nữ nhà Lý đã dệt bên hồ Trúc Bạch. Ngày nay, phần đông người Việt đã có thể dễ dàng bỏ tiền ra mua một chiếc xe máy. Nhưng giữa việc biết đi xe máy và việc có thể sản xuất xe máy là cả một khoảng cách về văn hóa.
Giữa việc sản xuất xe máy và việc cải tiến nó theo hướng tốt hơn cho thế giới lại là một khoảng cách khác, bởi cần đến một năng lực văn hóa cao hơn. Còn khi cái xe máy chưa ra đời mà đầu óc có thể sáng rực rỡ toàn bộ hình ảnh kỹ thuật của nó, lại cần đến một nền tảng văn hóa cao hơn gấp bội.
Nền tảng ấy là năng lực của tư duy lý tính hướng vào sáng tạo, những phương thức tổ chức khai phóng cho tư duy, và một môi trường xã hội lấy dân chủ làm nguyên tắc quan hệ giữa người với người. Hầu hết những phát minh và sáng tạo quan trọng trong lịch sử hiện đại đều được cống hiến từ các dân tộc mà tính dân chủ của nền văn hóa đạt đến trình độ cao. Mối quan hệ ấy không hề ngẫu nhiên.
Tất cả những điều trên đã và đang là một cái gì xa lạ với văn hóa của chúng ta. Do đó, nền văn hóa của chúng ta cần được tái cấu trúc theo hướng tìm đường khai mở cho dân tộc "những chân trời có người bay", nơi "những người bay" 7 luôn tìm thấy mọi loại "chân trời".
Khai phá để phát triển trong kỷ nguyên sáng tạo
Động lực phát triển của lịch sử nhân loại nói chung và của mỗi dân tộc nói riêng, không chỉ là đấu tranh giai cấp, mà là năng lực sáng tạo của nó. Hay nói như chính K. Marx, trong lịch sử châu Âu, giữa việc sáng tạo ra nền văn minh cơ khí và các cuộc cách mạng tư sản có một mối quan hệ gián tiếp nhưng tất yếu.
Ngày nay, trong thời đại "toàn cầu hóa", các dân tộc có sức sáng tạo phong phú tìm kiếm con đường sinh tồn bằng cách truyền bá các thành quả sáng tạo của mình đến phần còn lại của thế giới. Lực lượng xung kích của các dân tộc này là các cơ sở R&D ("Nghiên cứu và Phát triển"), các tập đoàn đa quốc gia với hệ thống cải tiến và sáng tạo toàn cầu 8
Trước đây, những sáng tạo, phát minh, cải tiến đôi khi xuất hiện như là những ngẫu nhiên trong dòng chảy lịch sử, nhưng ngày nay, ở bộ phận tiên phong của thế giới, con người đã tiến đến trình độ có thể vạch kế hoạch kiến tạo những "thời đại mới" trong từng mảng khác nhau của cuộc sống, chủ động như thực hiện một "dự án".
Do đó, sự chệnh lệch giữa chúng ta và bộ phận tiên phong của thế giới không chỉ là sự chênh lệch về GDP hay những thứ tương tự, mà trước tiên là chênh lệch về thời đại. Để hội nhập vào thời đại này, chúng ta cần một trái tim đập cùng nhịp đập với thế giới, một ý thức về sáng tạo như là danh dự và trách nhiệm của dân tộc trước nhân loại chung, và một cấu trúc mà các giá trị hiện đại có thể vận hành.

Đầu thế kỷ XX, Rabindranath Tagore, trong một lần thỉnh giảng tại Đại học Keio Gijutsu, Tokyo, đã phát biểu rằng mỗi một dân tộc trên trái đất này đều mang gánh nặng một nghĩa vụ với toàn nhân loại, đó là nghĩa vụ cống hiến những sáng tạo của riêng mình cho tiến trình tiến hoá chung của loài người. Thi thánh của Ấn Độ còn tán dương Nhật Bản một cách cường điệu rằng với việc cống hiến quyển tiểu thuyết trường thiên đầu tiên cho nhân loại, kiệt tác "Truyện Genji", dân tộc Nhật đã hoàn thành nghĩa vụ của mình. 9
Nhưng, "Truyện Genji" ra đời từ nghìn năm trước, mà nhân loại thì tiến hoá không ngừng. Cho nên, nghĩa vụ ấy của mỗi dân tộc không phải chỉ thực hiện một lần là hoàn tất. Ứng với mỗi thời đại, các dân tộc lại phải mang một nghĩa vụ sáng tạo mới đối với giống loài. Đó là một nghĩa vụ vĩnh viễn!
Danh dự của Dân tộc được tính bằng những sáng tạo
Và bởi vì cống hiến những sáng tạo cho lịch sử tiến hoá của nhân loại là trách nhiệm của mỗi dân tộc, nên sáng tạo cũng đồng thời là danh dự! Danh dự của mỗi quốc gia được tính bằng những sáng tạo mà nó cống hiến cho thế giới. Trong kỷ nguyên của văn minh sáng tạo, còn gì đáng buồn hơn cho một dân tộc, khi nó chỉ biết ăn sẵn những gì mà trí tuệ của kẻ khác đã tạo ra, còn mình thì không cống hiến được gì hết, dù chỉ là cải tiến một chiếc bút bi?
Trong lịch sử văn hóa Việt Nam, có lẽ Nguyễn Huy Tưởng là người đầu tiên đặt vấn đề về năng lực sáng tạo của dân tộc, trong vở bi kịch "Vũ Như Tô" (năm 1941). Nguồn lực vật chất eo hẹp của đất nước, sự giản đơn trong tư duy của nhân dân, sự bạo ngược và ngu dốt của kẻ cầm quyền không phải là một "chân trời" để nhà nghệ sỹ sáng tạo nên kiệt tác "Cửu trùng đài". Thông điệp của Nguyễn Huy Tưởng thôi thúc ta suy nghĩ về cái chết của năng lực sáng tạo ở rất nhiều dân tộc trong thế giới hiện đại ngày nay, ví dụ ở một số nước châu Phi, và, quay trở lại, nhìn vào chính mình.
Năm 1831, Lý Văn Phức đi sứ Trung Quốc, đã tranh cãi kịch liệt với các trí thức Trung Quốc về việc Việt Nam là một vùng đất "man di" hay có "văn hóa", ta có "bản sắc" hay chỉ là "mô phỏng" Trung Quốc. Câu chuyện này cho thấy đầu thế kỷ XIX trí thức Việt Nam vẫn đang chìm vào những chuyện vớ vẩn, trong khi đương thời, năm 1848, Nhật Bản đã có một Hashimoto Sanai bất cần bận tâm đến thái độ của Trung Quốc với mình, ở độ tuổi 15, đã vạch cho dân tộc mình những giá trị tinh thần của thời đại mới. 10
Mười năm sau "Luận văn về khai sáng" của ông, Fukuzawa Yukichi thành lập Đại học Khánh ứng Nghĩa thục (Keio Gijutsu Daigaku), sau khi đại học này thành lập 10 năm, Nhật Bản canh tân (1868). Từ sau Canh tân, xứ Phù Tang, vốn cũng nhỏ bé như chúng ta, nền văn minh cũng sinh sau đẻ muộn như chúng ta, đã tiến hóa từ chỗ là học trò của Trung Quốc thành người thầy của nó.
Thế kỷ XIX, với một trái tim... đập lạc nhịp với thế giới, cha ông ta đã thất bại khi đối đầu với làn sóng thực dân hóa. Ngày nay, chúng ta đối đầu với làn sóng toàn cầu hóa, và sẽ ra sao? Việt Nam và Nhật Bản đang tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa với hai tâm thế khác nhau. Người Nhật đang là một trong những lực lượng kiến thiết quá trình ấy, còn Việt Nam, phải chăng chúng ta đang nhìn làn sóng khách quan này của lịch sử bằng đôi mắt sợ hãi và tư thế phòng thủ? "Hội nhập" trong nỗi lo "đánh mất", chúng ta không in hình ảnh của dân tộc mình lên diện mạo của nó, lại càng không thể làm cho nhịp sống có một không hai trong lịch sử này mang một phần hơi thở của chúng ta.
Hội nhập với thế giới có nghĩa là đi tìm cơ hội cho dân tộc mình ở phạm vi toàn cầu, thông qua việc tự mình cũng trở thành một cơ hội cho kẻ khác. Để làm được điều đó, Việt Nam không cần đến nỗi sợ hãi, mà cần một "tinh thần toàn cầu" - không phải là vong bản để trở thành "thế giới" - mà là ý thức xây dựng danh dự cho dân tộc thông qua những đóng góp của mình cho nhân loại chung.
Là một hệ thống nhỏ tiến vào một hệ thống lớn hơn để phát triển chính mình, và do đó, thay đổi chính hệ thống bên ngoài, Việt Nam cần một triết học về hội nhập, tìm ra con đường tái cấu trúc chính mình thành một hệ thống thích ứng với tính hiện đại. Việc này tuy khó, nhưng không khó bằng những thử thách mà Đảng đã từng vượt qua trong lịch sử.
Trong triết học cận hiện đại, có triết học về khai sáng (Philosophies of Englightment). Ngày nay, cùng với thời đại của sáng tạo, sự ra đời của "Triết học về Sáng tạo" sẽ là tất yếu. Chúng ta cần du nhập triết học về khai sáng đã có, và không được bỏ lỡ dòng triết học về sáng tạo sẽ đến, hơn thế, cần góp phần định hình diện mạo của dòng triết học ấy, xóa bỏ nỗi buồn của một dân tộc chưa từng cống hiến cho nhân loại một tư duy triết học nào.
----
Ghi chú:
[1] Fukuzawa Yukichi (1835 - 1901), nhà khai sáng Nhật Bản. Là nhà tư tưởng vạch hướng đi cho đất nước đến thành công, tinh thông nhiều ngoại ngữ châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Hà Lan...) và góp phần chủ yếu quảng bá văn minh phương Tây vào Nhật, thành lập Đại học Khánh Ứng nghĩa thục (Keio Gijutsu Daigaku) năm 1858 để khai sáng tinh thần cho dân tộc. Ông được người dân Nhật ngày nay tôn xưng là "Người đàn ông tạo nên Nhật Bản hiện đại". Hình của ông được in trên tờ 10.000 Yên (mệnh giá cao nhất). Trường tư Keio Gijutsu hiện vẫn là nơi xuất thân của các chính khách chủ chốt của Nhật.
[2] Fukuzawa Yukichi, Khuyến học, Nhà xuất bản Tri thức, 2008
[3] Xem thêm 福沢諭吉、脱亜論 (Fukuzawa Yukichi, "Thoát Á luận") [Đăng nhập để xem liên kết. ] Thực ra, "Thoát Á luận" có cũng phần tiêu cực không thể quên. Nó gợi ý Nhật cần "đối xử" với Trung Quốc, Triều Tiên và các nước châu Á khác "như người châu Âu đã đối xử", tức chiếm làm thuộc địa. Tuy vậy, phần tích cực của nó, tức triết lý về tái cấu trúc để quốc gia thích ứng với các giá trị hiện đại, thì vẫn còn nguyên giá trị.
[4] Andre Chieng cho rằng Trung Quốc "thành công" là nhờ vào truyền thống tư duy nương theo "thế" của "Đạo". (Xem: Andre Chieng, Bàn về thực tiễn Trung Hoa cùng với Francois Jullien, NXB Đà Nẵng, 2007). A. Chieng đã "quên" một phê phán nghiêm khắc của F. Jullien với văn hóa Trung Hoa. Tư duy "nương theo thế" có thể giúp con người đạt đến hiệu quả, nhưng đó không phải là con đường đi đến tự do, nền tảng của sáng tạo. Tư duy sáng tạo, cơ sở cốt tử của kinh tế tri thức, là đối lập với tư duy nương theo "thế". Bắt chước, mô phỏng và ăn cắp bản quyền không phải là con đường xây dựng được nền kinh tế này.
[5] K. Marx, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản [Đăng nhập để xem liên kết. ]
[6] Xin xem: 橋本左内, 啓発録(Hashimoto Sanai, "Luận văn về Khai sáng") [Đăng nhập để xem liên kết. ]
[7] Chữ của Trần Dần
[8] Ví dụ, xin xem C.K.Prahalad và M.S.Krishnan, "The new age of Innovation: Driving Cocreated Value Through Global Networks", Tata Mgraw Hill, 2008
[9] Xem trong: 川端康成、美の存在と発見、一草一 、講座社、2007, p. 44 (Kawabata Yasunari, Tồn tại của cái đẹp và sự khám phá, in trong "Nhất thảo nhất hoa", Kouza-sha, 2007, tr. 44)
[10] Hashimoto Sanai sinh năm 1833, tinh thông 3 ngoại ngữ (Anh, Đức và Hà Lan), viết "Luận văn về khai sáng" năm 1848, khi tròn 15 tuổi. Cuốn sách này lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng phương Đông luận về giá trị của tính độc lập trong tư tưởng ở mỗi cá nhân. Về khoa học, năm 1856, ở tuổi 22, ông tham gia dịch các sách kỹ thuật, ví dụ như kỹ thuật tinh chế sắt, của châu Âu sang tiếng Nhật. Về giáo dục, năm 1857 khi 23 tuổi, ông đề xướng chủ trương hiện đại hoá nền giáo dục Nhật, du nhập giáo dục toán học của châu Âu vào Nhật, và làm hiệu trưởng trường Meikokan, một trường theo mô hình châu Âu đương thời. Về kinh tế và ngoại giao, năm 24 tuổi, ông đề xướng mở rộng giao thương với Mỹ và cải tổ hệ thống quốc nội làm nền tảng khai phóng cho cuộc phát triển kinh tế. Phái bảo thủ chống đối ông kịch liệt và ép ông tự sát năm 25 tuổi. Cái chết của ông đã thúc đẩy tinh thần canh tân của trí thức Nhật mạnh mẽ hơn. Năm đó, Đại học Keio Gijutsu ra đời.

Nguồn: [Đăng nhập để xem liên kết. ]-
__________________
Mọi lý thuyết đều là màu xám. Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi...
duonghoanghiep is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Đã có 2 thành viên gửi lời cám ơn đến duonghoanghiep vì bạn đã đăng bài:
HienTrang94C (13-01-2010), Lai Quoc Dat (06-01-2010)
Old 06-01-2010, 09:00 AM   #2
Hồ sơ
TheDeath
CEO CLBCK
 
Tham gia ngày: Oct 2007
Số bài viết: 5,744
Tiền: 8283
Thanks: 456
Thanked 3,066 Times in 1,371 Posts
TheDeath is an unknown quantity at this point
Default Ðề: Xây danh dự cho dân tộc Việt

Tiến trình dân chủ là không thể đảo ngược, nó không phụ thuộc vào ý chí của thể chế cầm quyền!
__________________
Không thể thay đổi ngày hôm qua!
TheDeath is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Đã có thành viên gửi lời cám ơn đến TheDeath vì bạn đã đăng bài:
JosephDora (18-11-2014)
Old 06-01-2010, 09:42 AM   #3
Hồ sơ
Lai Quoc Dat
Senior Member
 
Tham gia ngày: Apr 2009
Số bài viết: 1,437
Tiền: 0
Thanks: 150
Thanked 598 Times in 388 Posts
Lai Quoc Dat is on a distinguished road
Default Ðề: Xây danh dự cho dân tộc Việt

Trích:
Nguyên văn bởi TheDeath View Post
Tiến trình dân chủ là không thể đảo ngược, nó không phụ thuộc vào ý chí của thể chế cầm quyền!
Bác TD lại nhạy cảm rồi.

Còn lâu dân ta mới phát triển theo kiểu vượt vũ môn đó (cả tinh thần lẫn vật chất). Chỉ có cái lễ hội hoa ở Thủ Đô mà mấy năm nay làm hoài ko ra hồn thì chắc chúng ta còn phải chờ đợi nhiều dù cũng đang rất cố gắng.

Cứ xem cả thế giới là 1 lớp học, mỗi nước là 1 học sinh. Học chung 1 lớp ắt có người giỏi kẻ dở. Vấn đề là xác định cho được năng lực của chính bản thân để có mục tiêu phù hợp với chính sức của mình. Giống như học sinh chuẩn bị thi TNPT và Đại học: giỏi thì vào trường ĐH Danh tiếng, Khá thì vào ĐH Ít danh tiếng, trung bình thì học Cao đẳng, trung cấp nghề. Chứ cứ hão huyền về năng lực của mình thì dễ đánh mất tất cả, còn tự ti thì sẽ mãi là anh nông dân chân lấm tay bùn.
__________________
Kẻ lang thang đã gặp tiểu thư...
Lai Quoc Dat is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Đã có 3 thành viên gửi lời cám ơn đến Lai Quoc Dat vì bạn đã đăng bài:
HienTrang94C (13-01-2010), JosephDora (18-11-2014), TheDeath (06-01-2010)
Trả lời



Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Mở
Chuyển đến

Chủ đề tương tự
Ðề tài Người Gởi Chuyên mục Trả lời Bài mới gởi
Tiếng Việt dưới con mắt của một người nước ngoài Gem ..:: Thảo luận nghiêm túc ::.. 4 15-10-2008 05:15 PM
Danh sách trúng tuyển các trường Đại Học 2008 Gem Dùi Mài Kinh Sử 1 27-08-2008 08:08 PM
Việt Nam và WTO Tr.Giang ..:: Điểm tin ::.. 4 07-01-2007 01:35 AM
ĐiỀu LỆ HỘi Sinh ViÊn ViỆt Nam LeGiang ..:: Bản Tin Trường ::.. 0 07-10-2006 10:52 AM


Website sử dụng phần mềm vBulletin phiên bản 3.6.8
do Công ty TNHH Jelsoft giữ bản quyền từ 2000 - 2024.
Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 11:16 AM.

Hội CHS Lê Quý Đôn-Long An giữ bản quyền nội dung của website này

Tự động[F9]TELEX VNI VIQR VIQR* TắtKiểm chính tảDấu cũ
phan mem quan ly ban hang | thuê vps