Bụng đói đi thi
TT - Những ngày này, trong khi gia đình các thí sinh lo bồi bổ cho các em thì gia đình Võ Thị Kiều Oanh, thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Long An (59 điểm), nhiều ngày qua phải đi khắp xóm mượn từng ký gạo ăn hằng ngày.
Oanh tranh thủ vừa trông em ngủ vừa học bài - Ảnh: Kim Tuyến
Nhà Oanh ở sâu trong đồng thuộc ấp 2, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (Long An). Đó là một gia đình nghèo không thể nghèo hơn. Trong căn nhà đơn sơ này có lẽ chỉ có đống sách vở của Oanh là tài sản đáng giá nhất. Nhưng Oanh bảo toàn bộ sách vở đó do thầy cô tặng chứ không có quyển nào bạn mua. Cuộc sống và việc học hành của Oanh đầy bi kịch và cũng lắm vinh quang.
Nghỉ học ba năm làm công nhân
Nhà nghèo, Oanh phải nghỉ học giữa chừng đi làm công nhân ba năm ròng rồi quay trở lại trường. Nghị lực phi thường của bạn đã đem về những phần thưởng mà bất cứ học sinh nào cũng mơ ước: giải nhất quốc gia thi giải toán nhanh trên máy tính Casio, giải nhất toán bổ túc quốc gia và mới nhất là thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp tỉnh Long An.
Thấy tôi thở không ra hơi vì đói, Oanh thỏ thẻ: “Em muốn mời chị ăn cơm nhưng nói thiệt nhà em giờ không còn hột gạo nào cả. Mấy hôm nay phải đi mượn của bà con trong xóm”. Oanh đứng dậy định đi mượn gạo nhưng tôi ngăn lại. Oanh tâm sự: “Dù gì thì em cũng phải mượn gạo nấu cơm cho ba mẹ đi làm về ăn chứ nhà đâu còn gạo mà nấu”. Nghe tới đây tôi có cảm giác đau nhói và cũng quên luôn cơn đói xấu xí của mình.
Oanh chững chạc và bươn chải hơn nhiều so với các cô cậu học sinh cấp III. Oanh giải thích: “Tại em nghỉ học ba năm để đi làm công nhân phụ gia đình nên nhìn già hơn mấy bạn cùng lớp”. Trong thời gian bạn bè tập trung ôn thi đại học thì Oanh lại đầu tắt mặt tối ngoài đồng làm thuê. Là con gái nhưng công việc bạn làm vô cùng vất vả: đốn mía thuê. Mãi tới cận ngày phải lên TP.HCM chuẩn bị làm thủ tục thi đại học, Oanh mới chịu ở nhà chuẩn bị quần áo, xem lại bài vở. Oanh cho biết có người quen ở TP.HCM cho ở nhờ mấy ngày đi thi. “Em sẽ ra quốc lộ đón xe xin quá giang lên thành phố. Lên đó chắc cũng sẽ ăn ké nhà người quen luôn” - Oanh nói về kế hoạch đi thi của mình.
Oanh bảo ước mơ đến trường luôn hừng hực trong trái tim bạn, nhưng năm 2008 gia đình rơi vào túng quẫn nên cô học trò chín năm liền là học sinh giỏi phải nghỉ học phụ giúp gia đình. Vì chưa đủ tuổi đi làm nên Oanh đánh liều mượn giấy tờ của các chị trong xã để xin làm công nhân. Tuổi nhỏ, công việc nhiều và tăng ca liên tục, nhưng hễ rảnh lúc nào Oanh lại lôi sách vở ra ôn bài để hi vọng sẽ có ngày quay trở lại trường học tiếp lớp 10. Oanh kể: “Có những bữa nghỉ trưa, nhìn các bạn tan trường về, em rớm nước mắt vì thèm được như các bạn mà không được. Khi ấy em là lao động chính của gia đình, nếu nghỉ làm đi học thì gia đình em sống bằng gì. Thế là tiếp tục đi làm”.
Kiều Oanh và cúp quốc gia giải toán trên máy tính - Ảnh: K.T.
Mượn gạo đi học
Thương cô học trò giỏi dở dang việc học, nhiều người trong xóm khuyên gia đình nên cho Oanh đi học lại. Và bạn quyết định học bổ túc. Đó là những ngày khó khăn nhất của gia đình. Cha mẹ thất nghiệp không có thu nhập, Oanh không kiếm tiền mà đi học nên gia đình phải mượn gạo đầu trên xóm dưới. Cảnh gia đình bữa đói bữa no kéo dài suốt ba năm ròng rã. Cũng suốt ba năm trời Oanh thường đạp xe 20km đến trường với cái bụng “đánh trống”.
Thầy Nguyễn Văn Ánh, người dạy Oanh môn toán, cho biết Oanh thông minh nhưng đến cả cái máy tính làm toán cũng không có, mỗi lần giải toán phải chạy mượn đầu này đầu nọ. Thầy đã tặng cô học trò nghèo chiếc máy tính trị giá 300.000 đồng. Và cũng với chiếc máy tính ấy, Oanh đã đoạt giải nhất kỳ thi giải toán nhanh trên máy tính Casio toàn quốc.
Trước khi lên thành phố thi đại học, Oanh nói rằng hình dung được những khó khăn trong những ngày sắp tới nhưng sẽ cố gắng vượt qua. Mục tiêu của Oanh là đặt chân vào giảng đường Đại học Công nghiệp TP.HCM. “Đậu đại học rồi em sẽ tiếp tục đi làm thêm để có tiền ăn học. Em tin mình sẽ chịu được và vượt qua tất cả những khó khăn vất vả trong những ngày tới” - Oanh quả quyết.
KIM TUYẾN
__________________
Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Cuộc đời như nước chảy hoa trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương mãi để đời.
"Nhớ câu kiến ngãi bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng "
Kiến ngãi (nghĩa) bất vi: thấy việc nghĩa không làm. Sách Luận ngữ có câu: "Kiến nghĩa bất vi, vô dũng dã", nghĩa là thấy việc nghĩa không làm, không phải là người mạnh vậy. Còn Phi anh hùng: chẳng phải anh hùng. ^^ !
__________________ Ông hỏi một nhà thơ Colombia – một đất nước đang chịu sự đe dọa của ma túy, cờ bạc, mại dâm: “Làm thế nào để những bài thơ đẹp tác động được đến bộ phận xã hội màu đen kia”. Nhà thơ Colombia trả lời: "Họ bên kia đường. Chúng ta bên này đường. Chúng ta có thể chưa làm cho phía bên kia đường sáng lên, nhưng hãy giữ cho phía bên này đừng đen tối".
Cở tuổi em thì cha mẹ cũng đâu đến nỗi già yếu mà em phải là lao động chính từ năm lớp 9? Em có thể đi làm công nhân, đầu tắt mặt tối ngoài đồng làm thuê nhưng tại sao ba mẹ em thất nghiệp mãi thế? Bài báo lại k hề đề cập gì đến cha mẹ thế nào. Nhiều dấu chấm hỏi đặt ra quá, hay đây cũng chỉ là việc nói quá của các nhà báo hiện nay nhằm trục lợi (như nhiều trường hợp đã xảy ra).