Go Back   Cựu Học Sinh Lê Quý Đôn - Long An > :: Câu Lạc Bộ :: > ..:: CLB Văn Thơ ::..

..:: CLB Văn Thơ ::.. Văn học , Thơ , Truyện , tùy bút , ..

Bước đầu của văn học Miền Nam

Bước đầu của văn học Miền Nam

this thread has 0 replies and has been viewed 37460 times

Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
Old 07-02-2007, 04:47 PM   #1
Hồ sơ
LeGiang
Banned
 
Tham gia ngày: Jan 2005
Số bài viết: 473
Tiền: 25
Thanks: 41
Thanked 595 Times in 241 Posts
LeGiang is an unknown quantity at this point
Default Bước đầu của văn học Miền Nam

Bước đầu của văn học Miền Nam

Chặng cuối cùng của lịch sử Nam tiến cho thấy công cuộc khai phá đất Gia Định được bắt đầu hơn ba thế kỷ nay. Những người quá nghèo khổ, có lẽ còn vì chịu không nổi sự bóc lột của các địa chủ cũng như sự áp bức bất công của những quan lại tham ô, họ bỏ xứ ra đi. Có thể có một số người vong mạng, bất đắc chí trước thời cuộc và một ít người khác, hàng tù đồ, cũng lần lượt đào thoát vô đây. Tin tức đưa về Thuận Quảng thường cho biết xứ Đông Phố dễ làm ăn. Đất hoang bỏ mênh mông mà rất màu mỡ, người khai phá làm chơi ăn thiệt. Cũng không có ai kiểm soát ai, rất tự do, chim trời cá nước, ai bắt được thời ăn.

Vùng Mỗi Xuy và Đồng Nai được khai hoang sớm nhất rồi sau mới lan ra dần dần. Sách xưa chép bằng chữ Hán xưng đoàn người đi vỡ hoang này là “lưu dân”, tức người dân trôi giạt lạc loài.

Qua số ít tài liệu được chắt mót một cách khó khăn, chúng ta ngày nay biết cuộc khai phá nầy khởi sự từ nửa đầu thế kỉ XVII. Việc lập sở dinh điền tại Sài Côn năm 1623 của người Đại Việt cũng như cuộc hành quân Nam chinh để bảo vệ lưu dân năm 1658 do lệnh của Thuận Hóa, đã soi sáng cho chúng ta khi muốn tìm hiểu về cái mốc thời gian đó.

Sau đoàn lưu dân Đại Việt chừng nửa thế kỉ thì đến lượt một tập thể khác kéo vào thêm. Họ đông khoảng 3.000 người, gốc là cô thần của nhà Đại Minh không phục nhà Mãn Thanh nên vào xin với chúa Nguyễn để cho họ được làm dân Việt. Chúa Nguyễn thuận nhưng nghi ngờ họ, không cho họ cư trú trên các vùng đất thuộc của ta mà bắt họ theo chân những người lưu dân cũ để đi phá lâm tại các miệt Biên Hoà và Mĩ Tho.

Cuộc mở mang từ đó thêm rộng và việc làm ăn rất mau phát đạt. Có người cao hứng đã nhắn về ngoài kia:

Đồng Nai gạo trắng nước trong,

Quảng Nam đá cục đừng trông anh về!

Câu tục ngữ: Cơm Nai Rịa, cá Ri Rang nổi tiếng từ thuở ấy vừa cho hay người ta chưa biết gì tới những giống cá ngon và vô số những cá là cá mà sau này họ sẽ khám phá tại miền châu thổ sông Cửu Long, và cũng vừa tuyên truyền một cách hấp hẫn cho những bát gạo thơm tho do chính người lưu dân làm ra tại miền Đồng Nai, Bà Rịa.

Cuộc sống tự canh, tự cư, tự phòng và tự quản như vậy hàng mấy mươi năm thì chánh quyền được lập nên. Người đứng ra tổ chức bộ máy cai trị ở đây là ông Nguyễn Hữu Cảnh, làm chức Chưởng cơ, nên cũng gọi “Ông Chưởng”. Ông Chưởng vào Gia Định năm 1698, cắt đất Đông Phố và Sài Côn do người lưu dân khai phá được lâu nay, thành Trấn Biên Dinh và Phiên Trấn Dinh. Ông chia đặt phủ, huyện, xã, thôn, trong đó có các xã Thanh Hà và Minh Hương để cho những người Tàu được ghi vô hộ tịch. Ông Chưởng còn chiêu mộ thêm dân từ các xứ Quảng đưa vào, đông hàng vạn. Đây là cuộc di dân do chánh quyền tổ chức, đánh dấu một sự tham gia cụ thể của nhà nước mà trước kia chưa có.



Chúng ta đã mạnh dạn bác bỏ lời tuyên bố quơ đũa cả nắm của một giáo sư thực dân giảng dạy tại một ban cao đẳng ở Hà Nội thời Pháp thuộc rằng dân Nam Kì vô đạo nghĩa do tổ tiên là người vô lại, nhưng chúng ta bắt buộc phải hiểu rõ thực trạng nghèo đói dốt nát và có một ít người vong mạng hoặc tù đồ trong số lưu dân nói trên. Hiểu rõ như vậy để mới thấy thêm rằng sinh hoạt văn học sơ khai ở đây không là văn học chữ viết. Bởi vì trường học chưa có, thầy giỏi chưa có, kể cả chánh quyền cũng còn chưa tổ chức thì làm sao có được cơ sở giáo huấn để đào tạo nhân tài cho văn chương bác học.

Như vậy, muốn diễn đạt những cảm xúc tình tự hay sự kiện cảnh vật, người ta đã có những câu hát, điệu hò. Tục ngữ, câu đố, truyện kể đã nhận trách nhiệm khai mở tri thức hoặc trao truyền kinh nghiệm cho họ. Giải trí, đã có hát chặp, lý, thài, hoặc theo dõi các phường sắc bùa, các cuộc cầu đồng khiển quỉ, dưng bông tạ trang và hò hát đưa linh. Còn thông tin báo chí, đàn hặc, vạch vẽ những lỗi lầm để kéo quay về mĩ tục, luận lí, thì đã có vè, có vãn, có nói thơ, thơ rơi.

Thơ rơi

Không giống như thứ thơ làm bằng văn xuôi mà người viết cố ý nặc danh dùng gởi đến một cơ quan công quyền để tố cáo hay để vu khống một người nào đó:

Tục hay thù vặt thừa cơ,

Phao thuốc, phao súng, rơi thơ rơi tờ!

(Nam kì phong tục nhơn vật diễn ca)

Thơ rơi nói đây, tại miền Nam thời xưa, là một thể văn vần truyền khẩu rất phổ biến, dùng mô tả những oan tình, những uất hận dồn chứa trong lòng mà người ta không thể nào đơn phương đến tận mặt đối phương để phân trần hay thuyết phục được nữa:

Rơi thơ một bổn,

Tỏ với mụ gia.

Cùng thấu tai đến bực chị đàng xa,

Với người ngọc cùng vầy duyên tơ tóc.

(thơ rơi Ngăn gả vợ)

Có khi có những tình cảm ray rứt u ẩn, nhưng vì hoàn cảnh trắc trở trái ngược, khó mà thấu tin đến được người mình muốn trao lời, người ta cũng dùng đến thơ rơi:

Ối thôi thôi! Đoạn sầu này chi kể!

Rơi thơ nhàn thăm rể cùng con!

(thơ rơi Nhắn tin con và rể)

Thơ rơi, trong một vài trường hợp, lại có tính chất khuyến cáo chung một hạng người, như một bài vè:

Ngồi buồn đặt thơ rơi một bổn,

Để cho đây đó tư tam.

Mấy đứa xằng đâu có chính chuyên,

Theo cặp xách anh ba chị bảy.


(thơ rơi Răn phận gái)

Trong thơ rơi không thấy cần ghi tên đương sự, nhưng nó cũng không hề cố ý giấu tên đương sự như thứ thơ nặc danh nhắc trên. Người nghe cứ việc nghe đi rồi sẽ có thể hiểu là thơ đó của ai, có ý định nói việc gì và muốn gởi đến cho ai. Đương sự nói đây là chủ bức thơ. Nhưng chúng ta cũng đừng ngộ nhận rằng chủ bức thơ ấy đúng là tác giả.

Trong thôn ấp thường có những tay ăn nói hoạt bát, biết chút ít chữ nghĩa hoặc không, họ có tài đặt vè, thuộc làu nhiều bổn nói thơ và nhanh trí đặt thơ, bởi vậy mà khi ai có chuyện ấm ức trong lòng cần muốn nói lớn, cần mượn thứ vần vè dễ thuộc dễ cảm khiến thiên hạ dễ tiếp tay truyền khẩu mà đưa đến thấu tai người mình muốn trao lời, thì người ta cậy họ làm thơ rơi.



Luật bằng trắc của thơ rơi cũng phóng túng như vè. Trong từng câu một, người ta chỉ cốt làm thế nào giữ cho nó có được một vài tiếng trắc bất cứ tại vị trí nào của câu để gây tính nhạc là đủ chứ không hề bắt buộc theo lệ “bất luận” như thơ Đường. Thí dụ:

Gan bảy lá, lá tươi lá úa,

Ruột chín chiều, chiều nở chiều teo!

Nhà năm căn sau trước quạnh hiu,

Con một đứa ngây thơ còn nhỏ.

Con nhớ cha nằm la khóc ó,

Vợ nhớ chồng ngồi đứng than thầm.

(thơ rơi Ghen chồng)



Xét chung về thể cách thi thơ rơi quả là phóng túng. Nó không bị ước thúc vào một lề lối cứng ngắc nào. Số chữ dài ngắn không buộc; số câu tuỳ dụng, không có giới hạn là bao nhiêu; chữ dùng chỉ cần giản dị tự nhiên mà vận luật cũng không có gì bó buộc.

Khi tư trào quốc ngữ lên mạnh , thơ, vè, truyện, văn lần lượt rút lui vào vị thế trân tàng chứ không còn đắc dụng như xưa nữa, thì loại thơ rơi kiểu trên cũng không có ai dùng. Sự vay mượn thơ rơi để làm thư tín cũng bị gạt bỏ. Người ta bắt chước theo cách viết sáng sủa, gọn ghẽ của lối văn xuôi mới. Ý nghĩa thơ rơi từ ấy cũng chỉ còn có nghĩa là một thứ thơ nặc danh dùng tố cáo hay bôi lọ một cá nhân nào đó.

Dù sao, thơ rơi bằng văn vần bình dân cũng đã có hơn một thời hiện diện tại miền đất nầy. Nó được đem ngâm nga như nói thơ, nói vè, Nội dung của nó tuy đa số là chuyện riêng của một người, đôi khi một hạng người, nhưng nó đã góp phần bêu riếu sự gian tà, đả phá những tục hư nết xấu bằng những lời nói lớn, bằng những tiếng phân bua mạnh mẽ, để thiên hạ phân biệt đâu là lẽ phải nên theo, đâu là điều trái cần tránh.

Thời Sự

Thời sự là một điểm nổi bật được chú ý ngay từ ban sơ, khi loài người bắt đầu ý thức rõ lẽ cạnh tranh để sinh tồn: “Bộ lạc ở khu rừng bên cạnh ta vừa lùa ví được một đàn bò vào hang núi; vậy là họ sẽ sống no đủ dài dài hàng tháng”. “Đêm qua có chó sói vào xóm, làm thiệt hại mấy mạng người”. “Vài hôm nữa có cuộc lễ đưa xác một thầy tu xuống sông: lễ lớn lắm, có ca múa tống tiễn, đi coi nhé!”

Trong thời kỳ mà các phương tiện truyền thông như báo chí, điện tín, điện thoại, vô tuyến truyền thanh và truyền hình chưa ai biết đến, thì thời sự chỉ được chuyền miệng. Mà như vậy tất nhiên phải chậm. Lỗi đó một phần do ở dịch vụ giao thông.

Cho đến lúc người lưu dân khẩn đất Gia Định, việc giao thông vẫn chưa có gì tiến bộ. Người ta đi bộ, phi ngựa trên đất liền và chèo ghe, bơi xuồng, chạy buồm dưới sông ngòi. Nhưng sông ngòi thì quanh co vì chưa có kinh tắt, còn đường bộ đâu đã có gì ngoài chuyện vạch cỏ phá mòn để tới lui từ chặng ngắn. Bởi vậy mà, theo báo cáo của Nguyễn Cư Trinh: Người ta phải mất hai ngày tròn cho con đường đi từ Sài Gòn đến Biên Hoà và mất đến sáu ngày tròn cho con đường đi từ Sài Gòn về Tân An. Trịnh Hoài Đức cũng chỉ dẫn rằng: Muốn đi từ Sài Côn ra Huế, phải mất một tháng và từ Sài Côn muốn lên giáp giới Cao Miên, phải mất đến bảy ngày. Bởi vậy một tin tức thời sự cho dẫu trọng đại đến mấy, như quân quốc trọng sự chẳng hạn, cũng phải bị giới hạn trong dịch vụ giao thông.

Người ta kể rằng lúc binh triều sắp hạ được Phiên An do bọn các ông Hoành, Trắm còn cầm cự ở trong thành, vua Minh Mạng rất nóng lòng theo dõi nên đặt dịch trạm thông báo thường xuyên với một mức độ tốc hành. Ngày thành bị hạ, một toán dịch phu được lịnh xả cờ đỏ, trong đó đề năm chữ “Đại Phá Phiên An thành” rồi chạy bay về kinh đô báo tiệp. Chuyến đi nầy dù phải “làm lấy được” theo lịnh vua, cũng đã mất bốn ngày mười một giờ.

Chuyện quốc gia đại sự, có tổ chức hẳn hoi mà còn lâu lắc như vậy, thì các tin tức thời sự xã hội khác xảy ra hằng ngày làm sao mà thấu lọt cho nhanh tới tai người dân! Vả lại, chuyện càng bay xa, càng thất thố vì mạnh ai nấy kể, mạnh ai nấy nói chuyền lao.

Chính vì vậy mà dân gian mới dùng những bài vè, những bài thơ rơi, cùng những câu hát được đúc kết gọn ghẽ ngăn ngắn để loan báo thay cho những lời kể bằng văn xuôi khó nhớ và dễ sai. Nó là một loại nhựt trình, một thứ “báo nói” của chúng ta ngày nay. Những truyện kể bằng văn xuôi còn sót lại không phải không có bài kể chuyện thời sự, nhưng đó chỉ là số ít của một phần lớn hơn đã sớm bị mai một. Phần còn lại đó hoặc nhờ ghi chép, hoặc được thốc thâu vào truyện cổ tích có mang chất thời sự chứ không hẳn là “tin tức thời sự”.

Tin tức thời sự thường nóng bỏng, được loan ngay khi mới xảy ra, hay xảy ra cách đó không lâu. Nếu đêm hôm có đứa bị đè mà chị em tao bắt đặng, thì sáng ra, hay trưa chiều gì đấy, chúng tao cũng sẽ đặt vè nói chơi chớ không để cho lâu lắc nguội lạnh đâu.

Đầu đường trong có cặp rắn hổ ,

Đầu đường ngoài có ổ le le.

Đêm hôm có đứa bị đè,

Chị em tao bắt đặng, đặt vè nói chơi
.

Tính chất nóng bỏng của một mẩu thời sự thường được hiện ngay trong mấy câu mở đầu:

Năm Mùi, tháng bảy, mùng ba,

Con Mên dậy sóc kéo ra cáp duồng.

Giồng Dưa một cõi an bường,

Do hà nên nỗi vô thường thây phơi.

(vè Thổ dậy Giồng Dưa)


Ngặt đà thậm ngặt!

Nguy thiệt chí nguy!

Có chồng rồi còn hảo ngọt làm chi,

Tang chứng đủ lúc bôn phi chưa khỏi lỗ.*

Thẳng mực Tàu, đau lòng gỗ,

Bởi giữ gìn phong thổ chẳng đặng đừng.

Mượn giấy trắng một trương,

Hươ đao bút ngăn phường xủ phụ.

(vè Dâm bôn)

(* Tục ngữ: Dâm bôn khỏi lỗ vỗ vế)
Sự kiện trong một mẩu thời sự luôn luôn cho thấy tính hiện tại, tính như thật và tính sống động.Tính sống động giúp cho người nghe chuyện tưởng chừng như mình đang nghe thấy chuyện xảy ra, đang hoạt động trước mắt. Tính hiện tại nuôi dưỡng cái không khí bây giờ đây, thời kì nầy, cách mấy bữa nay. Tính như thật xác định chuyện có xảy ra rõ ràng chớ không hề tưởng tượng, không dựng đứng lên; thời gian, không gian, và nhân vật trong chuyện đều cùng lúc góp vào để làm nổi rõ một sự thật đủ tin. Thiếu một trong ba điều ấy thì hiệu năng thời sự coi như bị giảm.

Đây là đoạn kể chuyện nhà cháy, người chết:

Nhà Hia Quắng cột rường tiêu tán,

Liễn phết vàng cháy đã ra tro.

Lầu Bảy Sên sự nghiệp đã to,

Thương người ngọc nằm trong đống lửa.

Bởi chắc ý lên lầu đóng cửa,

Vận khiến hư xuống đất bỏ nhà.

Thợ Lỗ Ban rày đã ra ma,

Còn đâu nữa chạm dơi chạm trĩ.

Nhà thị Thực nay đà hoá quỉ,

Đã hết đời làm cách làm kiêu.

Dường như Mên chúa đốt nhà thiêu,

Ví chẳng khác Trụ Vương lên giàn hỏa.

Người nhà lá cháy đà tan rã,

Hớn hở thay hàng bán lá đua chen.

Bọn sỉ hàng cháy đã tan tành,

Tức tối bấy thầy Hương bát ngát.

Mới lãnh bằng lầu nọ cháy tiêu…

Tiệm Quảng Xương hàng hụi tiêu điều,

Phòng thuốc bắc quế, sâm cháy nát.

Lửa cháy chơi một lát,

Của chẳng biết mấy muôn.

Chệc nhộn nhàng nước mắt chảy tuôn,

Dân xao xuyến, mấy ghe hàng lơ láo.

(vè Cháy chợ)



Nhờ có những bài thời sự như vậy mà người đương thời mới hiểu được những việc vừa xảy ra tại một nơi cách xa họ ở, và người ở thế hệ kế tiếp còn hiểu được ít nhiều những gì trong thời đã qua. Những biến cố dù nhỏ hay lớn, dù thuộc phạm vi gia đình hay xã hội, dù dĩ vãng hay hiện tại, mà hiểu được đầy đủ rõ ràng, thì cũng đều có lợi cho người hiểu trên phương diện rút tỉa, học hỏi kinh nghiệm.

Ngoài số bài có mục đích thông báo thời sự , còn có một số khác chỉ muốn vịn vào thời sự để khai triển một ý khác. Số này không đi vào chi tiết của thời sự nhưng nó cũng có giá trị góp phần vào việc đánh dấu thời sự. Thí dụ:

Giặc Tây đánh tới Cần Giờ,

Biểu đừng thương nhớ đợi chờ uổng công.

Người nghe được câu hát, dù đương thời hay đời sau, đều có thể ý thức rằng quân đội của thực dân Pháp vừa tiến chiếm Cần Giờ. Tác động xâm lăng đó là một biến cố hết sức quan trọng làm kinh động nhân dân miền Nam và làm rung rinh cả nước, khiến mọi dự định cá nhân cũng đều ngập ngừng tan vỡ. Một cặp tình nhân với chuyện riêng là toan xây đắp cho nhau một tương lai, nhưng nay thì thôi, giặc lớn đã nổi rồi, cuồng phong ác hoả muốn làm tiêu hoại đất nước đây, một trách nhiệm mới sắp sửa đặt lên vai, không thể ngồi yên mà làm điều gì khác.

Tính hiện tại của vế đầu câu hát đã xác định giá trị thời sự của nó. Người nghe hát sẽ không khó khăn gì khi hiểu rằng câu hát phải được phát ra đúng vào thời điểm biến cố của thời sự. Bởi vì nó không thể nào được sáng tác trước 1858, tức “năm ngọ dậy Sơn Trà báo loạn” (vè Cáo thị) là lúc việc chưa xảy ra; cũng không thể nào nó lại đợi đến 1862, tức năm đã “cắt đất thường thay cuộc giảng hòa” (thơ Phan Văn Trị) để mới xuất hiện sau bao nhiêu thay đổi lớn lao khác.

Hoặc như:

Mười giờ lau dĩa rửa nĩa dọn bàn,

Cái mâm đồng kia sao tôi nhớ…

Mà đôi đũa bịt thau vàng tôi thương!

Câu nầy cũng có dụng ý vịn vào thời sự để khai triển một ý khác như câu trên. Việc dùng dĩa lớn để đựng thức ăn, dùng nĩa để ghim món ăn và ngồi vào ghế để ăn trên bàn ăn là một thời sự từng lấy làm lạ mắt cho dân chúng trong buổi đầu Tây đến. Người ta đã xôn xao dị nghị; Tây nó không ăn cơm nên không dùng chén bới mà dùng dĩa bàn thay để đựng món ăn; nó cũng không biết cầm đũa gắp như mình nên đã lấy nĩa mà ghim, và kì cục hơn hết là nó không ngồi ngựa đặng nên phải ăn trên ghế bàn!


Còn nữa. Ảnh hưởng của thời sự rất rộng lớn. Có nhiều trường hợp mà các tác giả dân gian không dụng ý đưa ra, nhưng vô hình trung, ảnh hưởng của nó tự nhiên xâm nhập. Đối với đương thời, sự kiện không có tầm vóc gì đáng chú ý, nhưng đối với các thế hệ sau thì bóng dáng của thời sự lần lần hiện ra, giúp người ta hiểu biết những sự đáng biết về chuyện cũ. Thí dụ:

Quả năm ngăn trong lòng sơn đỏ,

Mấy lời to nhỏ bạn bỏ sao đành!

Chừng nào chiếc xáng nọ bung vành,

Chiếc tàu Tây kia liệt máy…

Anh mới đành bỏ em!


Hoặc như:

Bước lên xe kéo còn réo xe hơi!

May thêm cái áo da trời,

Đặng em bận kịp cái đời văn minh.


Chỗ nào là bóng dáng thời sự? Không nói chắc ai cũng hiểu được ngay là những chiếc xe, chiếc tàu, chiếc xáng, những thứ “chiếc” mà trước khi có chuyện “mưa Âu gió Mĩ tạt về đông” thì nó vốn chưa hề có.

Sự va chạm giữa hai nền văn hoá Đông Tây ngay trên đất nước mình hồi hạ bán thế kỉ XIX đã khiến người dân Việt ngơ ngác. Rồi sự thắng thế của khoa học vật chất Tây phương đã đẩy mạnh họ đến chỗ tin cậy vào kĩ thuật: Chiếc xáng không bung vành, chiếc tàu không liệt máy. Từ căn bản đó, họ hua háo tiến lên: người đi bộ phủi đôi bàn chân thịt. bước lên xe kéo! Nhưng xe kéo bị xe hơi qua mặt, hành khách lại một phen tức tối, ngoắt lịa lịa xe hơi! Ngồi trên xe hơi thoải mái, người ta chợt nhìn lại chiếc áo hột giền của mình đang mặc, vải thô nhuộm trổ, sao bằng thứ lụa da trời mượt mà tươi tắn, thích hợp thời trang…

TÁC GIẢ: NGUYỄN VĂN HẦU
LeGiang is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Đã có 2 thành viên gửi lời cám ơn đến LeGiang vì bạn đã đăng bài:
Julitsx (04-10-2022), Randallfemn (07-08-2014)
Trả lời



Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến

Chủ đề tương tự
Ðề tài Người Gởi Chuyên mục Trả lời Bài mới gởi
Kỹ năng apply for Master & PhD? solidity Chia sẻ kinh nghiệm 9 09-07-2007 02:21 PM
Ai cũng có một câu chuyện... foureyes ..:: CLB Điện Ảnh - Thời Trang ::.. 0 13-01-2007 10:27 AM
Nỗi đau của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trong ngày 20/11/2006 ... nobipotter ..:: Thảo luận nghiêm túc ::.. 16 05-01-2007 09:29 PM
Nên học nền giáo dục Mỹ những điểm nào nhk ..:: Thảo luận nghiêm túc ::.. 3 08-12-2006 12:15 PM


Website sử dụng phần mềm vBulletin phiên bản 3.6.8
do Công ty TNHH Jelsoft giữ bản quyền từ 2000 - 2024.
Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 04:27 AM.

Hội CHS Lê Quý Đôn-Long An giữ bản quyền nội dung của website này

Tự động[F9]TELEX VNI VIQR VIQR* TắtKiểm chính tảDấu cũ
phan mem quan ly ban hang | thuê vps