Làm thế nào để có thể chọn trường phù hợp với sức học. Đăng ký dự thi vào trường nào khả năng trúng tuyển sẽ cao. Một vài nhận xét rút ra từ kỳ thi tuyển sinh năm trước hy vọng có thể giúp TS có cái nhìn tổng quát trước mùa thi năm 2007.
Khối A: Phân hóa khá rõ
Nhìn lại kỳ thi tuyển sinh năm 2006, khối A là một trong những khối thi có sự phân hóa khá rõ nét giữa các trường và nhóm ngành.
Không chỉ có sự phân hóa giữa các trường mà ngay cả các ngành trong cùng trường cũng có sự phân hóa khá rõ như ở trường ĐH Sư phạm TPHCM, điểm chuẩn cao nhất và thấp nhất cách nhau đến 10 điểm.
Ở khu vực phía Bắc, nếu lấy mức điểm chuẩn NV1 là 20 thì các ngành thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, ĐH Dược Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Bách khoa... đều chiếm gần hết.
Đây là các trường tốp trên luôn có điểm chuẩn cao hơn rất nhiều so với nhóm trường tiếp theo.
Mức điểm chuẩn ở các trường này dao động từ 20 - 26 điểm. Đặc biệt, nhiều trường tốp trên vốn thường có truyền thống không xét NV2 nhưng năm 2006 cũng đã dành khá nhiều chỉ tiêu để tuyển số thí sinh điểm cao nhưng không trúng tuyển NV1.
Ở khu vực phía Nam, điểm chuẩn có thấp hơn. Nếu lấy điểm chuẩn 20 thì chỉ có một số ngành ở các trường đạt mức điểm này như ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên, Khoa Kinh tế (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Ngân hàng, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Ngoại thương (cơ sở hai), ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Sư phạm TPHCM… Đa số các trường còn lại đều có mức điểm chuẩn dưới 20.
Xét tổng thể, các trường và nhóm ngành kinh tế, kỹ thuật, sư phạm có điểm chuẩn vượt trội so với các trường còn lại.
Trong khi đó, ở nhóm trường tốp dưới gồm các trường thuộc khối nông lâm thủy sản, kỹ thuật – công nghiệp, công đoàn, điện lực, hàng hải, giao thông vận tải… có điểm chuẩn dao động từ 14 - 19 điểm.
Nhiều trường ĐH vùng như Tây Bắc, Thái Nguyên, Tây Nguyên, Cần Thơ, Đà Nẵng, Huế… cũng có điểm chuẩn dao động trong phổ điểm này (trừ một số ngành sư phạm). Thậm chí, nhiều ngành thuộc các trường ở khu vực TPHCM, các ĐH vùng còn có mức điểm chuẩn NV1 chỉ bằng sàn (13 điểm), nhiều trường ở khu vực ĐBSCL còn phải vận dụng Điều 33 Quy chế tuyển sinh (nới rộng giãn cách điểm ưu tiên khu vực và đối tượng) nhằm tuyển đủ chỉ tiêu.
Cơ hội vào nhóm trường này cũng khá rộng bởi đây là những trường có chỉ tiêu xét tuyển NV2 khá cao.
Với các trường đào tạo song song cả hệ cử nhân và Sư phạm như trường ĐH Qui Nhơn, ĐH sư phạm TPHCM, ĐH Đà Lạt, ĐH Cần Thơ, ĐH Hồng Đức… điểm chuẩn các ngành thuộc khối cử nhân thường thấp hơn khá nhiều so với các ngành khối sư phạm. Khối B: Y, dược chiếm ưu thế
Câu “Nhất y, nhì dược” vẫn tiếp tục được khẳng định trong kỳ thi tuyển sinh năm 2006. Hầu hết các trường thuộc nhóm ngành y dược như trường ĐH Dược Hà Nội, ĐH Răng - Hàm - Mặt, ĐH Y dược TPHCM, ĐH Y dược Cần Thơ, ĐH Y (thuộc ĐH Huế) đều có mức điểm từ 20 - 25 điểm.
Kế đến là các ngành sư phạm. Đây cũng là nhóm ngành có điểm khá cao với mức điểm chuẩn dao động từ 17 đến trên 20 điểm.
Một số ngành khác như công nghệ sinh học, sinh học, thổ nhưỡng của các trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia HN và TPHCM), kỹ thuật môi trường (ĐH Nông Lâm TPHCM) cũng có mức điểm trên 20.
Ở các nhóm ngành nông lâm ngư, địa chất… điểm chuẩn thấp hơn khá nhiều.
Trong khi khu vực miền Bắc, điểm chuẩn nhóm ngành này dao động từ 15 - 18 điểm, ở khu vực miền Nam, hầu hết các ngành có điểm chỉ bằng sàn hoặc cao hơn chỉ 1 - 2 điểm.
Chẳng hạn các trường ĐH Nha Trang, ĐH Nông lâm TPHCM, ĐH Nông lâm (thuộc ĐH Huế), nhóm ngành nông nghiệp ở các trường ĐH An Giang, Cần Thơ, Tây Nguyên… phải xét tuyển khá nhiều chỉ tiêu bằng NV2 và NV3.
Tuy nhiên nhiều trường ở khu vực ĐBSCL, Tây Nguyên vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu cho một số ngành.
Một điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh năm rồi là khi xét tuyển NV2, nhiều ngành thuộc nhóm ngành kinh tế ở các trường đã bổ sung khối B bên cạnh khối A và D truyền thống.
Cụ thể, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, các trường ĐHDL như Tây Đô, Cửu Long, Bình Dương, Hùng Vương, Lương Thế Vinh, CĐ Kinh tế kế hoạch Đà Nẵng… đều xét tuyển khối B cho nhóm ngành tài chính - kinh tế - ngân hàng.
Nếu điều này lặp lại trong kỳ thi tuyển sinh năm nay thì cơ hội của thí sinh khối B thêm rộng mở. Khối C: Cạnh tranh gay gắt
Nhóm ngành khối C ở hai trường ĐH Quốc gia Hà Nội và TPHCM và các trường sư phạm vẫn chiếm ưu thế.
Khối C là khối có rất ít trường tuyển sinh, những năm gần đây lại bị khối D cạnh tranh khốc liệt (hầu hết các ngành đều tuyển cả hai khối C và D1) nên cuộc đua của TS khối C xem ra có phần khốc liệt hơn.
Điểm thi khối C năm 2006 không cao, ngoại trừ một số ngành của ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Hành chính, ĐH Sư phạm Hà Nội, Học viện Báo chí tuyên truyền có điểm chuẩn từ 20 trở lên, hầu hết các trường còn lại điểm chuẩn dao động từ điểm sàn đến 19 điểm.
Ở hầu hết các trường, các ngành báo chí, du lịch, quốc tế học, lịch sử có điểm chuẩn cao hơn các ngành còn lại.
Riêng tại các ĐH vùng và ĐH địa phương, mức điểm chỉ bằng điểm sàn hoặc xê dịch không nhiều.
Hầu hết các trường ở khu vực phía Nam đều có tuyển NV2. Các trường khu vực phía Bắc luôn có điểm chuẩn cao hơn khu vực phía Nam.
Khối D: Thêm nhiều sự lựa chọn
Đây cũng là khối thi có sự phân hóa hết sức rõ ràng giữa các nhóm ngành và giữa các trường. ĐH Quốc gia Hà Nội, TPHCM, các trường và ngành Sư phạm, Tài chính – Ngân hàng, Đông Phương học, Quan hệ Quốc tế và chuyên ngữ tiếng Anh đều có mức điểm từ 20 đến 25 điểm (chưa nhân hệ số).
Nếu so với các ngành tuyển cả hai khối (C, D1 hoặc A, D1) thì khối D thường có điểm chuẩn cao hơn.
So với các khối thi khác, thí sinh dự thi khối D ngày càng có nhiều cơ hội lựa chọn khi nhiều ngành trước đây vốn chỉ tuyển khối A hoặc C, năm 2006 đã bổ sung khối D.
Xu hướng này dự báo sẽ còn được nới rộng bởi việc đa dạng khối thi sẽ giúp các trường chọn lọc được thí sinh chất lượng.
Ở nhóm trường tốp dưới, mức điểm chuẩn cũng chỉ dao động từ 15 - 19 điểm và hầu hết các ngành đều xét tuyển NV2, NV3.