CÔ GÁI đua với thời gian
Con đường kinh doanh của cô gái Ngọc Diệp luôn được chiếu sáng bởi cái tâm hướng thiện Một bửa tiệc buffet chay phục vụ miễn phí cho 3,000 khách tại khu Văn hóa Phật giáo Bái Đính – Ninh Bình trong mùa đại lễ Phật đản Vesak 2008. Cùng lúc là tiệc chay mi-ni phục vụ cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ngày 18-06-2008, lại là một cuộc biểu diễn tay nghề nấu chay trước Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Khai trương từ cuối tháng 11-2007, chỉ sau sáu tháng, hệ thống nhà hàng Việt Chay đã làm nên một loạt thành tích khá ấn tượng.
Huỳnh Long Ngọc Diệp (áo nâu)
trong nhà hàng Việt Chay
Thế như ít ai biết ý tưởng kinh doanh cơm chay Việt thành chuỗi nhà hàng trong khuôn viên các ngôi chùa lớn lại ra đời từ lòng tri ân với đời của cô gái Huỳnh Long Ngọc Diệp, giám đốc điều hành nhà hàng Việt Chay Vĩnh Nghiêm.
Cái tâm hướng Phật của người nữ giám đốc trẻ
Những cơn mưa tháng Năm đỏng đảnh, bất chợt như một tiểu thư khó tính. Ngồi trong gian phòng bọc kính xung quanh của nhà hàng Việt Chay, nhìn những giọt mưa tràn ra trên trần kính, lăn dài xuống vách kính, người ta có cảm giác như đang lùa mình vào mưa. Cùng đến với cảm giác ấy là âm thanh réo rắt du dương của loại nhạc thiền sang trọng, tôn nghiêm…Một không gian ẩm thực trong suốt, thanh tịnh.
Diệp cười, nụ cười của cô gái đất thép Củ Chi sao mà nhẹ: “Hiện tại, chưa có lợi nhuận. Nhưng chắc chắn mười lăm phần trăm lợi nhuận từ việc kinh doanh này dành hỗ trợ cho các hoạt động từ thiện xã hội của chùa”. Diệp nói như một cam kết, không phải với đối tác làm ăn mà là cam kết với chính cái tâm hướng Phật của mình.
Ý chí lập thân thoát nghèo của chị Hai Ngọc Diệp
Năm 2003, khi đang làm giám đốc cùng lúc hai công ty bao bì và máy in công nghiệp (máy in date) rất thành công, cô quay sang quy y Phật pháp. Một quyết định vừa để giữ tâm mình luôn trong sa1ngtrong môi trường cạnh tranh nghiệt ngã, vừa để trả ơn đời đã giúp cô phụ được ba mẹ nuôi bốn em thành người
HUỲNH LONG NGỌC DIỆP (áo dài) và các em của mình
Ngọc Diệp là chị cả trong gia đình năm anh em ở vùng An Phú, Củ Chi. Gia đình nghèo, tuổi thơ của Diệp là quãng đời vất vả, cực nhọc. Lúc lên mười, ngày ngày cô bé Diệp lững thững theo chân ba chăn bò, cắt cỏ, nấu cám heo, mót lú, kéo cá, trồng rau lang, trồng nghệ, trồng sả, trồng rau muống…Sự cực nhọc đó sớm giúp cho cô bé chăn bò nhận thức được rằng: Con đường thoát nghèo duy nhất của cô chính là việc học.
Và Diệp đã trở thành cô học trò mà nhắc đến tên là cả huyện đều biết về thành tích học giỏi. Cô kể: “Năm 1991, Diệp thi đậu đại học kinh tế. Nhưng đó cũng là lúc các em Diệp lớn dần, sức ăn của chúng cũng tăng theo vóc dáng, ba Diệp gòng gánh không nổi, ông bảo con gái ở nhà phụ mẹ quản lý quán cà phê và trông coi mấy cái bàn bi-da”, Diệp cười và giơ tay làm động tác của một cơ thủ lão luyện.
Ngồi kể chuyện, đôi mày trên trán cô gái thoáng chau lại cùng với cái nhìn xa xăm xuyên khung cửa kính. Những giọt mưa tàn sót lại trên mái hiên rớt chậm như khúc phim hồi tưởng. “Ngày ngày ngồi canh thu tiền bi-da, bạn bè trong xóm đi học về ngang cứ ríu rít chuyện trò thầy cô, trường lớp…khiến đầu óc Diệp không dứt tơ tưởng chuyện học hành. Cuối cùng chịu không nổi, mình xin mẹ cho lên Sái Gòn học lại, dù chưa biết phải học gì. Trước giỏi tóan lý hóa, thi đậu Kinh tế. Giờ nghỉ mấy năm thì còn nhớ gì. Nghe người ta bàn, nước mình đang mở cửa, học ngoại ngữ chắc là được”.
Lần ấy, mẹ Diệp gom góp mớ quần áo cũ, bán được 70,000 đồng, cho con gái lên Sài Gòn lấy bằng A Anh văn. Ba Diệp kì cạch chỏ con lên Thủ Đức gửi nhà người quen để trọ học. Những đêm nhớ nhà, Diệp chỉ biết ra sau hè ngắm ánh đèn chớp tắt của máy bay trên đường hạ cánh và khóc. Thế nhưng, chính những giọt nước mắt lại chứa chất men ngấm vào tim của cô gái nhỏ bé. Chất men ấy làm bùng lên ngọn lửa hồng nung sôi ý chí lập thân của cô.
Con đường phấn đấu để có sự nghiệp riêng của mình
Đồng tiền đầu tiên mà Diệp trực tiếp có được chính là ít tiền bo của khách du lịc đến thăm địa đạo Củ Chi. Vốn liếng ngoại ngữ ít ỏi từ cái chứng chỉ trình độ A đã giúp Diệp có chiếc vé bước vào đời bằng công việc hướng dẫn viên cho khu du lịch địa đạo Củ Chi.
Những đồng tiền đầu tiên ấy, Diệp dẫn các em đi ăn hủ tiếu, món ăn mà các em mính thích nhưng chưa bao giờ ba mẹ có đủ tiền để đưa các con đi vào tiệm một cách đàng hoàng, tử tế. Nhìn các em ngấu nghiến ăn ngon lành, Diệp thương các em nhiều hơn. Cô mua cho các em nhiều tập vở, quần áo mới…Diệp bảo: “Tài sản mình làm ra có khi còn mất. Nhưng lo cho các em thì không mất đi đâu”.
Nghĩ về các em như thế, nên công việc đơn điệu với thu nhập nhiều ít theo mùa của một hướng dẫn viên trong khu du lịch không giữ được cái chí của người chị cả. Lần thứ hai, Diệp quyết định trở lại Sài Gòn để bắt đầu sự nghiệp lớn hơn. Mẹ Diệp ủng hộ bắng cách bán đi đôi hoa tai ngày cưới làm hành trang cho con gái.
Mớ vốn ít ỏi đó giúp Diệp lấy được chứng chỉ B ngoại ngữ và kết quả đỗ vào khoa tiếng Anh trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Quãng thời gian nơi giảng đường đại học, Diệp đặt chỉ tiêu vừa hoàn thành chương trình cử nhân, vừa có tiền hàng tháng gửi về giúp ba nẹ nuôi dạy các em.
Ngay năm đâu tiên, Diệp đã xin đi dạy kèm cho người nước ngoài học tiếng Việt, rồi dạy cho người Việt tiếng nước ngoài. Năm 1996, Diệp tiếp tục học bằng cử nhân thứ hai nhành Kinh tế Ngoại thương. Cùng lúc Diệp xin một chân thư ký cho hãng nhôm, rồi làm nhân viên cho nhà máy thủy tinh Malaya Việt Nam…Bất kỳ việc gì có thể làm, Diệp không từ nan.
Con đường sự nghiệp nối dài bở những dự định
Tính đến thời điểm cuối tháng 11-2007, khi nhà hàng Việt Chay Vĩnh Nghiêm, thuộc Công ty Ngọc Việt, chính thức khai trương, tức chỉ sau mười năm cầm hai tấm bằng cử nhân trong tay, Diệp đã là gia1om đốc cùng lúc bốn công ty. Khó một cô gái nào cùng tuổi trẻ có thể vượt qua khả năng điều hành kỷ lục như Ngọc Diệp.
Diệp thú nhận: “Tât nhiên khó khăn không ít. Mỗi lần gặp khó khăn, Diệp nhớ đến ba. Nhớ bài học của ba về ý chí vượt qua thử thách của bản thân mình”. Ba Diệp là người nghiện thuốc lá rất nặng. Thế nhưng, khi gia đình lâm vào cảnh khó khăn, ông đã bỏ được tật nghiện thuốc kinh niên.
Diệp ngước nhìn những giọt mưa rơi loang ra trên mái kính. Cô lại nói đến chương trình tài trợ trại hè cho 1,000 trẻ em. Nói đến kế hoạch hình thành một nhà nghỉ cho người già neo đơn nơi ở quê nhà. Tất nhiên, kinh phí được trích từ lợi nhuận ban đầu của nhà hàng Việt Chay.
Diệp bảo khi hệ thống nhà hàng Việt Chay trở thành một thương hiệu mạnh, cô sẽ nhường chức danh giám đốc điều hành lại cho người khác, nhu cô đã nhường công việc tương tự lại cho em trai của mình. Khi ấy, cô sẽ bắt đầu dự án cũng không kém phần quy mô mà sư phụ của Diệp, ni cô Huệ Đức, Quan Âm Tu Viện, từng ấp ủ: Siêu thị Phật giáo!
“Đó là nơi người ta có thể tìm thấy mọi thứ liên quan đến Phật!”. Cô giám đốc Việt Chay lại hào hứng, nhu thể đó là con đường định sẵn cho mình. Nếu không hoạch định sẽ không còn thời gian.
THANH HỒNG, Ảnh DƯƠNG CÔNG SƠN (Theo Thế Giới Văn Hóa ngày 09/07/2008)