Đám cưới Việt qua một cái nhìn khách quan!
Hoàng hậu Victoria của Vương quốc Anh từng nói: “Hôn nhân không phải là chuyện vui đùa mà là một nghi lễ trọng đại, và nói chung là một nghi lễ buồn”. Còn tiểu thuyết gia hóm hỉnh người Anh, P.G. Wodehouse thì nói về hôn nhân như thế này: “Hôn nhân không kéo dài tuổi thọ tình yêu mà là quá trình ướp một cái xác”. Cả hai câu nói trên đều gợi sự tò mò về hôn nhân.
Tôi không nói về kinh nghiệm riêng của cá nhân mặc dù những gì tôi được thấy về đám cưới ở Việt Nam rất khác so với ở Mỹ. Nhưng hôm nay tôi xin phép không bàn về sự khác biệt mà chỉ nói đám cưới Việt vui như thế nào.
Có lần tôi đang ở nhà thì bạn tôi tới. Đó là một cặp tôi quen đã khá lâu và biết sớm muộn gì họ cũng sẽ “làm hỏng” đời nhau bằng một đám cưới. Ngày đó rồi cũng tới. Chú rể tương lai cười một cách lo lắng, còn cô dâu tương lai thì cứ khúc kha khúc khích khi rút ra tấm thiệp cưới có ghi tên tôi: Kính mời thầy Thomas. Trông họ líu ra líu ríu như đôi chim uyên! Vài người nói hôn nhân là một từ, nhiều người khác thì tin rằng nó là một câu.
Vài người bạn cùng được mời tiệc cưới gọi tôi để hẹn đi cùng. Thiệp mời ghi rõ thời gian đón khách từ 5 giờ đến 6 giờ 15 chiều. Bạn tôi nghĩ chúng tôi không nên đến trước 5 giờ 45. Tôi nghĩ vậy là hơi trễ nhưng nếu bạn tôi đã quyết thế thì thôi vậy. Chúng tôi đến tiệc cưới và thấy chú rể đang đi tới đi lui trong bãi giữ xe bên ngoài. Khách chưa tới và bên trong là 50 chiếc bàn trống. Chúng tôi chúc mừng cô dâu chú rể và cha mẹ hai bên, ký vào sổ lưu niệm rồi lên lầu, vào đại sảnh to và trống. Có quá nhiều bàn và quá ít người. Chúng tôi được mời uống nước và ăn chơi trong khi những người phục vụ luôn theo dõi chúng tôi - những vị khách duy nhất bấy giờ và có thể sẽ là duy nhất trong buổi tiệc.
Một người bạn bắt đầu lo lắng. Cô ấy nói nếu không ai đến, gia đình cô dâu chú rể sẽ phải trả rất nhiều tiền. Chúng tôi ngồi trong một đại sảnh trang trí rộn ràng, tiếng nói chuyện của chúng tôi vang hết cả một đại sảnh. Chúng tôi bàn về nhiều thứ, đa phần là về phong tục cưới của người Việt, nó khác bên Tây thế nào. Chúng tôi cũng nói về sự bối rối. Tưởng tượng rồi người ta sẽ làm gì với chừng đó thức ăn đã trả tiền? Mà chắc chắn là cặp vợ chồng này còn nhiều bạn bè nữa ngoài tám người chúng tôi chứ?
Khi chúng tôi đang bàn đến giải pháp cho những vấn đề trong tình yêu và hôn nhân thì những cánh cửa mở toang và một cơn mưa người bắt đầu tràn vào phòng. Phải gọi đó là một cơn bão khách mời thì đúng hơn. Chỉ trong chốc lát, tất cả bàn đã đầy, thậm chí còn phải kê thêm vài bàn nữa. Khán phòng xao xác nói cười. Đa số các cuộc đối thoại dường như hạn chế trong vài giọng nam lặp đi lặp lại át hết không khí: “Một, hai, ba, dzô!”. Tôi còn phải lái xe nên không “một-hai-ba” nhiều được.
Bạn tôi thay phiên đi chào bàn, chụp hình với gia đình và khách mời. Khi đến bàn chúng tôi, mắt chú rể đã bắt đầu chảy nước và đỏ kè vì phải uống với 40 bàn trước. Tôi đoán anh ấy đã phải “một-hai-ba” đến hai trăm lẻ mấy lần rồi. Thế thì chú rể chắc phải buồn ngủ suốt tuần trăng mật thôi!
Vài tốp múa trẻ em làm vui sân khấu, trong khi có mấy chàng tranh thủ cơ hội uống bia thả giàn lấy can đảm lên hát. Các bà đứng tuổi mặc áo dài sẫm màu ngồi ăn từ tốn và ngắm nhìn mọi người. Từ chỗ ngồi của mình, tôi có thể quan sát hết buổi tiệc và thấy mọi người rất vui vẻ. Thức ăn ngon, bạn tuyệt vời, đám cưới sôi động và cũng nhanh như khi bắt đầu, tiệc tan một cách chóng vánh. Tôi thích cái thời gian biểu của đám cưới ở Việt Nam. Dường như mọi người luôn biết khi nào nên đến, khi nào nên đi và chỉ trong thoáng lát, cả gian phòng lớn lại trống trơn như lúc đầu.
Trong đời ai ít nhất cũng có một lần yêu. Có người yêu nhiều lần hơn người khác, như tôi chẳng hạn. Nhưng tình yêu dường như luôn kết thúc khi hôn nhân bắt đầu. Tôi chẳng muốn làm bạn nản lòng, nhưng tôi lại nhớ đến câu nói của bà Victoria và ông nhà văn hóm hỉnh P.G. Wodehouse mất rồi.
Theo THOMAS A. HUTCHINGS
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
__________________
phanphuong
|