Trước ngày 20/12, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh thành phố trong cả nước phải báo cáo Bộ LĐ-TB&XH về tiền lương năm 2010 và kế hoạch thưởng Tết năm 2011. Tình hình chung cho thấy, mức thưởng Tết của người lao động bình quân sẽ thấp.
Phú quý giật lùi?
Khảo sát của phóng viên, tại một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động, dệt may, dịch vụ (ngân hàng, khách sạn, chứng khoán...), thưởng Tết năm 2011 tới chưa có nhiều hứa hẹn.
Ông Phạm Đức An - Giám đốc Trung tâm Phát triển Lao động Toàn cầu, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông, Bộ GT-VT (Tranconsin) chia sẻ: Tết năm 2010, thưởng cho cán bộ công nhân viên công ty này trung bình ở mức 2 tháng lương/người tương ứng 8 triệu đồng. “Với tình hình hiện nay, việc giữ được mức thưởng như năm ngoái là một thách thức”, ông An nói.
Ông Tống Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Châu Hưng cũng dự báo, năm nay thưởng Tết của Công ty sẽ thấp vì công tác tạo nguồn lao động gặp nhiều khó khăn. “Tuy nhiên, dù thế nào, chúng tôi cũng gắng xoay xở”, ông Tùng nhấn mạnh.
Với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), dù năm ngoái đứng vị trí số 1 về thưởng Tết của các khối với mức “khủng” nhất gần 400 triệu đồng/cá nhân nhưng năm nay khả năng phú quý sẽ giật lùi.
Với tình hình hiện nay, việc giữ được mức thưởng như năm ngoái là một thách thức. Một lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết: “Mức thưởng Tết trong khu vực FDI sẽ thấp hơn so với năm ngoái. Do tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, kết quả không như mong đợi nên chắc doanh nghiệp FDI sẽ khó xông xênh chia thưởng cho người lao động. Thậm chí, ở nhiều doanh nghiệp FDI làm ăn lỗ, đã phải tính việc “xoay” thưởng Tết cho công nhân thế nào.
Lãnh đạo các đơn vị khối dịch vụ (ngân hàng, chứng khoán) khẳng định: kiểu gì cũng có thưởng, chỉ là ít hay nhiều. Với các công ty chứng khoán, sẽ khá bi hài. “Đơn vị nào lãi lớn, thưởng sẽ xông xênh, còn với công ty lỗ nặng tới vài trăm tỷ đồng, chưa biết ăn nói thế nào với cổ đông, chứ đừng nói đến thưởng” - Tổng giám đốc một doanh nghiệp chứng khoán cho biết.
Khối ngân hàng, theo đánh giá chung: những ngân hàng lớn, rủng rỉnh về lợi nhuận lại thêm cơ chế thưởng theo hướng đã cổ phần hóa, sẽ có mức thưởng khá hậu hĩnh. (Năm ngoái có đơn vị thưởng hơn 10 tháng lương/ với thành viên loại A).
Tại khối cổ phần, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại khẳng định: Tiền thưởng phân theo hiệu quả kinh doanh (lợi nhuận, các mốc chỉ tiêu) và xếp loại A,B,C,D hoặc chỉ số đo lường hiệu quả nhân sự (KPI).
“Năm ngoái, có trưởng chi nhánh do không hoàn thành chỉ tiêu, tính ra chỉ được loại D, tiền thưởng chưa đầy vài triệu đồng. Cũng có ngân hàng, giám đốc chi nhánh cán đích lợi nhuận cao, tiền thưởng đủ mua một chiếc ô tô Civic cáu cạnh”- Vị lãnh đạo này cho hay.
Thưởng thấp, điều gì sẽ xảy ra?
Theo một lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, nếu không có tiền thưởng Tết cho công nhân, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng đình công như cuối năm 2009. Năm 2009, vì nhiều công ty chậm công bố mức thưởng Tết hoặc công bố không có tiền thưởng Tết nên ra Tết đã phải đối mặt với tình trạng lao động bỏ việc hoặc nhảy việc.
“Dự báo, với tình hình khó khăn hiện nay, trong năm 2011 nhiều doanh nghiệp FDI chắc chắn sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu lao động”, vị đại điện này nói.
Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Lao động - Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Bộ đã có văn bản gửi Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố yêu cầu báo cáo tình hình tiền lương năm 2010 và kế hoạch thưởng Tết năm 2011 trước ngày 20/12.
Theo bà Minh, các doanh nghiệp cần trao đổi với ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện người lao động để thống nhất phương án điều chỉnh tiền lương, tiền thưởng Tết và báo cáo về sở LĐ-TB&XH ở địa phương. Các phương án phải công bố công khai để người lao động được biết.
Bà Minh cũng cho biết, các thông tin liên quan đến lương, thưởng của từng loại hình doanh nghiệp (nhà nước, tư nhân, khu vực FDI) sẽ ở ba mức: thấp nhất, bình quân, cao nhất. Đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin chính xác về tiền lương năm 2010 và mức thưởng Tết năm 2011 từ phía các khu vực doanh nghiệp. Dự kiến đầu tháng 1/2011, Bộ LĐ-TB&XH sẽ công bố chính thức.
Theo bà Minh, về mặt pháp lý, luật không quy định doanh nghiệp phải báo cáo tình hình lương, thưởng Tết. Việc yêu cầu các Sở LĐ-TB&XH báo cáo chỉ để giúp cơ quan quản lý nắm rõ các thông tin nhằm phục vụ cho việc xây dựng cơ chế quản lý tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp.
Năm 2010, tại Hà Nội, mức thưởng Tết đối với người lao động bình quân khoảng 2,3 triệu đồng. Trong đó doanh nghiệp nhà nước là 1,8 triệu đồng; doanh nghiệp FDI là 3,3 triệu đồng; doanh nghiệp dân doanh là 1,8 triệu đồng.
Tại TPHCM, mức bình quân thưởng cho người lao động khoảng 3,8 triệu đồng/người. Trong đó, doanh nghiệp Nhà nước đạt 6 triệu đồng, trong khi doanh nghiệp FDI chỉ 2,2 triệu đồng và doanh nghiệp dân doanh đạt 3,3 triệu đồng.
Thưởng tết trong cả nước tại khối FDI cao nhất lên tới gần 400 triệu đồng; doanh nghiệp dân doanh là 185 triệu đồng, doanh nghiệp nhà nước gần 70 triệu đồng.
Theo Phong Cầm
Báo Tiền Phong