Mặt bằng lãi suất vay của các ngân hàng thương mại tại TP HCM đến chiều 12/5 phổ biến ở mức 17,5% một năm trở lên, cộng các khoản chi phí khác tổng cộng xấp xỉ 21%, đúng bằng mức trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
> Tăng lãi suất cơ bản VND, giữ biên độ tỷ giá/ Muốn hưởng siêu lãi suất, phải chôn tiền trong nhà băng
Ngân hàng Á Châu (ACB) áp dụng mức lãi vay cao nhất vì theo tính toán của nhà băng, hiện lãi suất cộng các khoản phí, chi phí lên đến hơn 20%.
Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á áp lãi suất cho vay thấp hơn 1% so với trần. Tuy nhiên, nhà băng chỉ ưu tiên cho vay đối với khách hàng uy tín, trả nợ đúng hạn, có mối quan hệ làm ăn lâu năm, khả năng hoàn trả vốn cao.
Ngân hàng Đông Á cũng áp mức lãi vay dưới 21% một năm đối với khách hàng là doanh nghiệp xuất khẩu, với điều kiện doanh nghiệp thu ngoại tệ về phải bán lại cho ngân hàng. Hiện có nhiều ngân hàng áp dụng chính sách này để cân đối lợi ích cho nhà băng mình.
Với lãi suất huy động cao, hầu hết các ngân hàng tăng lãi suất cho vay lên 21% một năm. Ảnh: Tần Vy
Mặc dù vậy, "áp dụng mức lãi vay cao, các ngân hàng vẫn chú ý nghe ngóng mức lãi suất cho vay của nhà băng bạn để có chính sách điều chỉnh hợp lý. Tùy vào đối tượng khách hàng, ngân hàng sẽ cho vay đến mức nào", Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại ở quận 1, TP HCM, cho hay.
Nhìn nhận chung của lãnh đạo các nhà băng: "Cho vay kiếm lời là chuyện rất khó trong thời điểm hiện nay".
Trước đây, ngân hàng dựa vào các khoản thu phí để bù lỗ hoạt động. Với chính sách mới đây của Ngân hàng Nhà nước siết chặt việc thu phí, các ngân hàng thương mại tiến hành tăng lãi suất cho vay. Theo các chuyên gia ngân hàng, đợt tăng lãi suất cơ bản lần này sẽ không có những cuộc chạy đua lãi suất đầu vào rầm rộ như kỳ ngày 19/5, mà vấn đề làm đau đầu các nhà băng là lãi vay.
Trong khi các ngân hàng không đặt nặng vấn đề tăng trưởng tín dụng cho vay, nhà băng huy động vốn với lãi suất cao là để cân đối lượng tiền ra vào hàng ngày, về phía các doanh nghiệp cũng rất thận trọng khi vay.
Chủ một doanh nghiệp thu mua cá tra cho biết vừa từ chối khoản vay 8 tỷ đồng đã được ngân hàng chấp nhận. Nguyên nhân lãi suất hiện nay quá cao, doanh nghiệp không có khả năng xoay trở. "Doanh nghiệp cần được vay với lãi suất phù hợp với khả năng, hiệu quả kinh doanh của mình", ông này cho biết.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, trưởng khoa Ngân hàng ĐH Kinh tế TP HCM phân tích, để lãi suất cho vay giảm, Ngân hàng Nhà nước cần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng, giúp nhà băng giảm chi phí kinh doanh.
Ông cho rằng: "Lúc này lãi suất cho vay sẽ giảm theo, kích thích được khách hàng vay, tạo điều kiện phát triển nền kinh tế".
Tần Vy Nguồn VNexpress.net
-----
Mình sắp là người ... trong cuộc rồi!