Đến Long An hôm nay, nhất là khi ghé thăm vùng đất phèn mặn, quanh năm ngập lũ (trải khắp 6 huyện trong tổng số 13 huyện và 1 thị xã của tỉnh) thuộc vùng Đồng Tháp Mười, chắc ít ai hình dung ra vùng đất này của mấy năm về trước. Ngay đến những năm 80 của thế kỷ XX, gần 70% diện tích của vùng đất ngập lũ vẫn còn hoang hóa, hệ thống giao thông thiếu thốn, dân cư thưa thớt, đời sống hết sức khó khăn.
Từ Đại hội Đảng bộ lần thứ III, tỉnh chủ trương thực hiện Chương trình khai thác tổng hợp tiềm năng Đồng Tháp Mười. Mặc dù so với các tỉnh khác ở đồng bằng sông Cửu Long, đầu tư cho việc khẩn hoang, làm thủy lợi, cải tạo đất của Long An rất tốn kém và vất vả, nhưng tỉnh vẫn xác định đây là một giải pháp có tầm chiến lược và quyết tâm thực hiện. Hiện nay, những công trình này đang phát huy tối đa hiệu quả. Nhờ đầu tư đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là cho công tác thủy lợi, cải tạo vùng đất chua phèn, đầm lầy, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, con vật nuôi... Trong những năm qua, trên mọi lĩnh vực sản xuất đã có những chuyển biến đáng kể. Nhiều năm liên tục, nhất là năm 2002, tỉnh đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất so với trước. Thu nhập bình quân đầu người đạt 305 USD.
Không thỏa mãn với những kết quả đã có, để Long An thực sự chuyển mình theo kịp với các tỉnh bạn và đóng góp nhiều hơn cho Thành phố Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, Đại hội Đảng bộ lần thứ VII (2001) đã xác định phương hướng hành động và các giải pháp cụ thể cho giai đoạn đến 2010 với 4 chương trình trọng điểm, trước mắt là giai đoạn 2001 - 2005:
1 - Chương trình dân sinh vùng lũ
Chương trình khai thác tổng hợp tiềm năng Đồng Tháp Mười cùng với những chính sách đầu tư vĩ mô của Nhà nước được tiến hành trong những năm qua, đến nay đã làm thay đổi đáng kể đời sống của cả thành thị và nông thôn, nhất là vùng đất sình lầy, đói kém, hoang hóa mà nhiều năm trước đây người dân chỉ quen "né lũ".
Tuy cuộc sống người dân Long An đã thay đổi về cơ bản nhưng vẫn chưa khắc phục được những hậu quả mỗi khi lũ về, nhất là những năm lũ lớn làm thiệt hại, mất mát không nhỏ về người, tài sản; nhà cửa, mùa màng bị cuốn trôi, sản xuất trì trệ, dân thiếu đói phải cứu trợ. Không bó tay trước khó khăn, để giảm thiểu tối đa những tổn thất do lũ lụt, thiên tai gây ra, để ổn định đời sống cư dân và phát triển sản xuất, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII đặt quyết tâm tiếp tục triển khai Chương trình dân sinh vùng lũ lụt, xác định đây là khâu trọng yếu mang tính quyết định làm thay đổi về chất cơ cấu kinh tế và đời sống của nhân dân toàn tỉnh. Trên thực tế, chương trình tiếp tục làm thay đổi theo hướng đi lên cuộc sống không chỉ của người dân vùng ngập lũ mà đời sống của nhân dân toàn tỉnh. Sự phân bố dân cư được điều chỉnh theo hướng gắn lao động với đất đai và an ninh - quốc phòng. Người dân đã chuyển sang làm lúa 2 vụ và từng bước thoát cảnh đói kém, lụt lội khó khăn xưa. Đã có 2/7 thị trấn huyện lỵ (Tân Hưng, Vĩnh Hưng) được bao đê kiên cố đủ sức chống được mức đỉnh lũ năm 2000. Kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội được Nhà nước và nhân dân đầu tư xây dựng, triển khai đắp đê bao, đào kênh, làm đường: hệ thống giao thông bộ, nhất là hệ thống lưới điện quốc gia được xây dựng đến phần lớn các thị trấn. Nhiều ước mơ của vài năm trước nay đã thành hiện thực: Quốc lộ 62 ngày nay đã chạy xuyên Đồng Tháp Mười. Trước đây, từ thị xã Tân An muốn đi xuống huyện biên giới Mộc Hóa bằng nhiều phương tiện, nhanh nhất cũng phải một ngày, thì nay chỉ cần hơn một giờ đồng hồ chạy xe ô-tô có thể tới tận xã. Các xã, thị trấn đều đã có trạm y tế, trung tâm y tế; hệ thống trường học đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trong vùng; 43,8% dân số được sử dụng nước sạch. Vùng đất hoang hóa, chua phèn năm 2000, nay đã trở thành vựa lúa với sản lượng 1 triệu 110 nghìn tấn, chiếm 70% sản lượng lương thực của tỉnh...
2 - Chương trình phát huy mọi nguồn lực đầu tư vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh
So với các tỉnh tiếp giáp Thành phố Hồ Chí Minh như Đồng Nai, Bình Dương, tuy cũng có nhiều lợi thế (nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của cả nước), nhưng trên nhiều lĩnh vực, nhất là sản xuất công nghiệp, tốc độ phát triển của Long An được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng. Vì thế, Chương trình phát huy mọi nguồn lực đầu tư vùng kinh tế trọng điểm với mục đích khơi dậy tiềm năng của địa phương, cố gắng theo kịp với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa được xác lập.
Sau một thời gian thực hiện, chương trình đã thực sự tạo được sự chuyển động tích cực trên lĩnh vực công nghiệp. Toàn tỉnh, nhất là ở các huyện vùng ven (Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước...), các vùng công nghiệp tập trung với 23 cụm, khu công nghiệp đã lần lượt hình thành. Các khu vực kinh tế trọng điểm khác cũng đang được đầu tư: vùng Đông Vàm Cỏ Đông đã quy hoạch 7 000 ha đất cho Khu Công nghiệp Xuyên Á; gần 1 nghìn ha đất được dành cho quy hoạch Khu Công nghiệp Tân Đức (Tân Tạo). Cảng Bến Lức cũng đang được hình thành; Khu Kinh tế Tân Hưng được chọn để phát triển tổng hợp tất cả các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ...
Nằm giáp với Thành phố Hồ Chí Minh, trên trục quốc lộ 1A, với nhiều ưu thế, huyện Bến Lức đang là một trong những huyện có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao. Ở đây đang thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư, hàng loạt cơ sở sản xuất kinh doanh đã ra đời. Lực lượng lao động, nhất là lao động có tay nghề đang được bổ sung, tăng cường. Song, cũng như ở tất cả các địa phương khác, tốc độ đô thị hóa đang làm nảy sinh hàng loạt các vấn đề phức tạp (đền bù, giải tỏa; quy hoạch, đảm bảo đời sống, an sinh xã hội, khắc phục những tệ nạn xã hội...). Để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn đó, rất cần tới những chính sách, biện pháp kịp thời, hữu hiệu của cả Trung ương và địa phương.
Kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng tùy theo thế mạnh, truyền thống, khả năng và đặc trưng của từng địa phương mà hình thành các vùng chuyên canh trồng các loại cây đặc sản với diện tích lớn, có nhiều lợi thế và điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật: Vùng Đồng Tháp Mười trồng lúa, vùng này được coi là vùng an ninh lương thực của tỉnh với sản lượng đã đạt 1,1 triệu tấn, tập trung trồng các loại gạo đặc sản, nhất là loại gạo "Nàng thơm chợ Đào" của Long An từ lâu đã nổi tiếng cả nước; Để đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái, vùng đất phèn được tập trung trồng tràm; huyện Đức Hòa tập trung trồng mía, lạc, nuôi bò sữa; dứa được trồng chủ yếu ở huyện Bến Lức; huyện Tân Thanh trồng dưa hấu; một số nơi khác phát triển vùng chuyên trồng rau màu, ngô lai...
Một trong những địa phương tiêu biểu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi là huyện Cần Đước. Trước kia, đây là một trong những huyện nghèo, người dân ở xã Tân Chánh của huyện thậm chí còn phải bỏ xứ đi tha hương làm thuê, kiếm sống. Ngày nay, đời sống người dân được cải thiện đáng kể nhờ phát triển nghề nuôi tôm sú mang lại hiệu quả cao. Nhiều hộ dân đã xây được nhà mới; giao thông nông thôn, điện, hệ thống nước sạch, cơ sở y tế, giáo dục được đầu tư xây dựng.
Thành tựu tuy lớn nhưng không có nghĩa là mọi khó khăn, thách thức đã được khắc phục. Trong báo cáo giữa nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh đã thẳng thắn nhìn nhận không ít những yếu kém: cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp với trình độ thấp. Tình trạng dư thừa lao động, thiếu việc làm vẫn là áp lực lớn. Các tiền đề để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa (nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng...) chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển. Sản xuất nông nghiệp, nhất là ngành mía đường gặp nhiều khó khăn, đặc biệt vướng mắc ở khâu tiêu thụ, chế biến sản phẩm. Nghề nuôi tôm hiện mang lại hiệu quả cao, nhưng đã và sẽ còn phát sinh nhiều vấn đề nan giải. Muốn phát triển bền vững phải bảo đảm tốt các khâu của quá trình sản xuất, ngay từ khâu con giống, kiểm dịch, môi trường. Do vị trí gần với Thành phố Hồ Chí Minh, thị trường nông sản của Long An cũng chịu tác động không nhỏ về giá cả nên thường có những dao động bất lợi... Chính vì thế, Tỉnh ủy đề ra những biện pháp cụ thể để khắc phục những mặt yếu kém này.
3 - Chương trình giải quyết việc làm - xóa đói giảm nghèo
Hiện nay, 80% lực lượng lao động của Long An sống ở vùng nông thôn. Tỷ lệ lao động thất nghiệp những năm qua dao động ở mức 6% so với tổng số lao động trong độ tuổi; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp. Sau 6 năm (1995 - 2000), cùng với những chính sách của Nhà nước kết hợp với các chương trình của địa phương, tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 131 nghìn lao động (đạt 105% kế hoạch); sắp xếp việc làm mới cho 75 nghìn lao động (chiếm 57% tổng số lao động). Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị có xu hướng giảm từ 6,14% (1995) xuống còn 5,43% (2000). Hệ số sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn nâng từ 66,31% (1996) lên 76% (2000). Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp và lâm nghiệp giảm dần; công nghiệp, thương mại, dịch vụ tăng lên. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng chậm, so với mục tiêu đề ra còn thấp từ 20% đến 22%.
Nhờ những cố gắng trong công tác xóa đói giảm nghèo, đến năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo từ 12,2% (1998) đã giảm xuống còn 9,8% (2000). Có 36 xã (3 xã và thị trấn trọng điểm) trên tổng số 63 xã nghèo đã thoát nghèo. Nhiều mạng lưới giao thông, hệ thống nước sạch, trạm y tế, chợ... đã được nâng cấp hoặc xây mới. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2000, vẫn còn 28 xã thiếu đường ô-tô đến trung tâm xã; 115 xã thiếu chợ xã hoặc liên xã; nhiều xã, thị trấn chưa hoàn chỉnh hệ thống nước sạch sinh hoạt.
Trong giai đoạn 2001 - 2005, chương trình giải quyết việc làm - xóa đói giảm nghèo được thực hiện gắn với chương trình quốc gia về giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, xây dựng mô hình xã thoát nghèo. Bình quân hằng năm giải quyết việc làm cho 30 nghìn người lao động; đào tạo nghề cho 20 nghìn người. Phấn đấu thay đổi cơ cấu lao động phân bổ với nông - lâm nghiệp: 50%, công nghiệp - xây dựng: 21%, thương mại - dịch vụ: 29%. Cố gắng giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống còn dưới 5%; nâng hệ số sử dụng thời gian lao động nông thôn lên 78%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo phải đạt 30%, trong đó đào tạo nghề là 17%. Tỉnh phấn đấu hạ tỷ lệ tăng dân số xuống còn 1,4%. Phổ cập trung học cơ sở ở 80% số xã, phường, thị trấn. Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 5%.
4 - Chương trình đào tạo nguồn nhân lực
Long An là tỉnh có nguồn lao động dồi dào với 61,13% số lao động trong độ tuổi; 90,1% số dân có trình độ từ tiểu học trở lên. Tuy nhiên, vấn đề nguồn nhân lực đối với địa phương vẫn đang là bài toán khó. Trong đào tạo nhân lực, Đại hội Đảng bộ tỉnh nhận định, điểm yếu nhất hiện nay chính là công tác cán bộ. Tình trạng thiếu hụt đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, nhất là ở cấp cơ sở hiện khá phổ biến. Vị thế ở cửa ngõ của Thành phố Hồ Chí Minh vừa là lợi thế, song cũng gây không ít trở ngại trong việc thu hút nguồn nhân lực. Thành phố Hồ Chí Minh là một thị trường lao động lớn, đa ngành nghề, lao động có tay nghề dễ kiếm được việc làm với thu nhập cao. Nếu không có biện pháp hạn chế, khuyến khích, nhất định dòng lao động có tay nghề, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sẽ đổ về thành phố và các đô thị, sẽ càng làm cho thị trường lao động có tay nghề, có trình độ của Long An khan hiếm hơn.
Để giải quyết những khó khăn về nguồn nhân lực, tỉnh chủ trương quy hoạch các cụm dân cư đáp ứng với yêu cầu sống và làm việc của người lao động trong tương lai. Đầu tư hơn nữa cho công tác dạy nghề, nâng cao chất lượng tay nghề của người lao động, bảo đảm bình quân hằng năm đào tạo được khoảng 10 nghìn công nhân; tăng cường thêm trang thiết bị và nâng cấp Trường Dạy nghề Long An; đầu tư xây dựng Trường Trung học Kinh tế - kỹ thuật của tỉnh ở Bến Lức, ở Cần Giuộc. Có chính sách thu hút cán bộ có trình độ, tay nghề về tỉnh làm việc; hỗ trợ kinh phí cho cán bộ đi học đại học, cao học. Tỉnh đã xây dựng chương trình và mở lớp đào tạo đội ngũ bí thư, chủ tịch cho các cơ sở.
Trong các giai đoạn tiếp theo, tỉnh tiếp tục thực hiện việc kết hợp phát triển kinh tế ngành với phát triển kinh tế vùng theo quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án được đề ra: xây dựng thị xã Tân An theo tinh thần của Nghị quyết 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đầu tư phát triển vùng kinh tế trọng điểm ở phía đông sông Vàm Cỏ Đông và hành lang quốc lộ 1A; tiếp tục đầu tư để vùng Đồng Tháp Mười trở thành vùng trọng điểm lương thực và nông sản, hàng hóa theo hướng chuyên canh; chú trọng đầu tư tạo giống cây trồng, con vật nuôi cho năng suất cao, chất lượng tốt, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp; phát triển vùng lúa cao sản, vùng đay nguyên liệu giấy, vùng rừng tràm sinh thái; đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá nước ngọt và khai thác nguồn thủy sản thiên nhiên; phát triển kinh tế vùng biên giới, tăng cường giao lưu kinh tế, nhất là ở hai cửa khẩu Bình Hiệp và Tho Mo; tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng phía Nam; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ; tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội vùng hạ Cần Giuộc, Cần Đước theo Nghị quyết số 18/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Long An đã luôn nêu cao tinh thần kiên cường, bất khuất, anh dũng, sáng tạo, cùng nhân dân cả nước chiến đấu và chiến thắng. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, Đảng bộ và nhân dân Long An luôn phát huy truyền thống anh dũng, tự lực, tự cường, vượt mọi khó khăn, gian khổ phấn đấu vươn lên, xứng đáng với lịch sử của vùng đất Long An - vùng đất của Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây huyền thoại, vùng đất cửa ngõ của Thành phố Hồ Chí Minh, cầu nối giữa miền Đông và Tây Nam Bộ với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trần Kim Dung (Nguồn từ website của Bộ Thương mại)
__________________ Necessity is the mother of in(ter)vention.
Speak softly & carry a big stick. My Technical Blog