Sau một thành công hay thất bại, ta lại nhìn lại quá khứ để rút ra bài học cho tương lai. Nhớ lại khoảng thời gian, đội tuyển VN có đến 11 trận liên tiếp không nếm mùi chiến thắng trận mà AFF cup 2008 cận kề, áp lực đến dường nào khi nhiều CĐV và báo chí đo sức mạnh đội tuyển từ những trận tập huấn và giao hữu thử nghiệm đội hình.
Trích từ báo Tuổi Trẻ:
Bóng đá VN đã gây được bất ngờ lớn trong lịch sử AFF Cup - Ảnh: N.NHẬT 1. Năm 2003, khi đội tuyển Olympic VN vào chung kết với Thái Lan ngay trên sân Mỹ Đình, chúng ta đã thấp thỏm lo cho vị trí hậu vệ biên trái khi cầu thủ chính cho vị trí này là Văn Trương do thẻ phạt nên phải vắng mặt. Và đúng như lo lắng, sự vắng mặt của Trương là một tai họa khi người thay thế anh - hậu vệ Lê Đức Tuấn - đã chơi quá yếu kém, giúp tuyển Thái Lan khoét sâu vào vị trí này để tìm chiến thắng. Mặc dù vậy nhưng không ai chê trách Tuấn, lý do vì nhân vật đóng thế chưa hề được thử nghiệm trước đó.
Còn tại AFF Suzuki Cup năm nay, ở trận bán kết lượt về thắng Singapore 1-0, hậu vệ phải Đoàn Việt Cường đã bị nhận một thẻ phạt không đáng có khiến phải vắng mặt ở trận chung kết lượt đi. Tuy nhiên, sự vắng mặt của Việt Cường không làm mọi người lo lắng, vì người đóng thế là Quang Cường cũng không kém là bao. Và thực tế đã diễn ra đúng như vậy.
Không khó lắm để nhận thấy cách dùng người của ông Calisto là một bài học quý giá. Nếu người tiền nhiệm chỉ tập trung dùng 11-12 cầu thủ chính thức nên khi gặp sự cố dẫn đến mất người là ngay lập tức sự vận hành của bộ máy trục trặc; thì việc dùng đến 19/22 cầu thủ (ba người mà ông Calisto chưa đụng đến là hai thủ môn và trung vệ Thanh Giang) đã giúp ông Calisto không phải bận tâm khi mất người.
Hôm qua, một người bạn doanh nghiệp đã rất tâm đắc với chuyện này khi nói:”Tôi có một bài học hay từ cách dùng người của ông Calisto, đó là không để một chi tiết nào - con người trong bộ máy điều hành của mình có tầm quan trọng đến độ nếu vắng thì tất cả sẽ bị ảnh hưởng. Đó là một cách quản lý rất hiện đại mà ông Calisto đã áp dụng vào bóng đá”.
Dĩ nhiên để làm được điều đó, ông đã phải chống chọi với dư luận rất dữ dội, khi mạnh dạn tạo điều kiện tối đa cho những tuyển thủ có trong tay, tại các giải đấu tập huấn. Và đương nhiên những cầu thủ trẻ, ít kinh nghiệm khi được tung vào thử nghiệm sẽ khó đóng tròn vai. Nhưng nếu cứ ngại lớp trẻ không làm tốt thì ông Calisto sẽ không thể có được 19 cầu thủ sàn sàn nhau để sử dụng tốt tại AFF Suzuki Cup 2008.
Ông Calisto đang ngồi viết thư cảm ơn gửi người hâm mộ. Trong đó, ông viết: ”...Tôi cảm ơn sự ủng hộ của cổ động viên VN với đội bóng. Chiến thắng này thuộc về người hâm mộ VN và đất nước các bạn...” - Ảnh: KHƯƠNG XUÂN 2. Sáu năm trước, khi dẫn dắt đội tuyển VN dự AFF Cup, ông Calisto luôn thủ sẵn trong túi áo một lá cờ VN nho nhỏ. Và trước mỗi trận đấu, ông đều đặt lá cờ lên bàn tay, vây tròn các cầu thủ lại và nói: ”Các bạn hãy nhớ giùm là chúng ta thi đấu vì cái này - lá cờ Tổ quốc”.
Sáu năm sau, ông thêm một yêu cầu với VFF, mà mới thoạt nghe qua rất buồn cười, đó là phải may đồng phục cho đội tuyển thật đẹp. Đẹp theo kiểu làm sao phải để cầu thủ khi mặc vào họ sẽ có cảm giác mình là một quý ông! Vì vậy, ông đề nghị phải là vest đen, thắt cà vạt. Điều ấy không phải là đỏm dáng, hình thức mà ông muốn các cầu thủ của mình không phải là những anh chàng “quần đùi áo số” đi đứng lung tung, ăn nói không lịch sự. Rõ ràng, chi tiết nho nhỏ này đã khiến các tuyển thủ năm nay trông thật ra dáng, và ai dám nói điều đó không gây ảnh hưởng tốt đến việc chơi bóng trên sân?
Và nữa, khi chúng tôi ngỏ ý định tổ chức cuộc giao lưu của đội tuyển với bệnh nhi ung thư, ông cho biết là ủng hộ, nhưng phải đợi sau trận giao hữu với Singapore về ông mới quyết định sau khi nghe cặn kẽ kế hoạch. Chẳng qua ông ngại tốn thì giờ cho những hoạt động “ăn theo”! Tuy nhiên, khi nghe giới thiệu chi tiết nội dung, mục đích của cuộc giao lưu kèm theo hình ảnh các bệnh nhi, ông lập tức đồng ý.
Và hôm diễn ra cuộc giao lưu đó, ông xúc động thật sự, đồng thời cũng biến cuộc giao lưu thành một bài huấn luyện trái tim cầu thủ. Ông nói: ”Các bạn nhớ giùm cho một điều, các em bé bất hạnh ấy rất thích đá bóng, nhưng làm sao đá được với bệnh tật như thế. Còn các bạn thì sao?”.
Đừng bỏ qua những chuyện tưởng là nhỏ nhặt trong việc rèn luyện tư cách và đạo đức tuyển thủ, bởi tuy nhỏ nhưng trực quan sinh động và có hiệu quả - ông Calisto tỏ ra là một nhà sư phạm tuyệt hảo.
Hay từ tâm sự của Quang Hải và Công Vinh:
Suốt đêm 28-12, Quang Hải cứ nhấp nha nhấp nhổm trong phòng riêng cùng đồng hương Lê Tấn Tài. Dù bận sắp xếp hành lý để ra sân bay lúc 4 giờ sáng nhưng Quang Hải vẫn dành thời gian để kể lại sự cố xảy ra với anh cách nay hơn tháng.
Khoảnh khắc hạnh phúc của Quang Hải (bìa trái) và đồng đội sau trận chung kết - Ảnh: Sĩ Huyên
Quang Hải nói: “Trận gặp Thái Lan ở T&T Cup, tôi không có tên trong danh sách dự bị. Lúc ấy tôi nản lắm và cảm thấy tuyệt vọng vì là người thừa ở đội tuyển... Vì vậy, tôi suy nghĩ tiêu cực rằng mình không có cơ hội chen chân vào hàng tiền đạo với những đàn anh đang thành danh, vậy thì tốt nhất xin về CLB để tập luyện, để thi đấu các giải tập huấn hòng kiếm thêm thu nhập giúp gia đình đang gặp nhiều khó khăn. Nghĩ thế, tôi liền đánh tiếng xin ra về. HLV Calisto đồng ý với điều kiện tôi phải suy nghĩ sau một đêm rồi trả lời. Còn VFF thì dọa sẽ kỷ luật nặng nếu xin rút lui vào giai đoạn chót của thời kỳ chuẩn bị Suzuki Cup.
Tôi rất sợ bị kỷ luật, vì như thế mẹ và vợ tôi (sắp sinh) sẽ mất đi nguồn thu nhập vì tôi không được đá cho Khánh Hòa. Dù vậy, sáng hôm sau tôi vẫn giữ nguyên ý định rút lui khi gặp lại HLV Calisto. Tôi nói với ông ấy: “Em cũng là đàn ông, thầy cũng là đàn ông. Đã là đàn ông trưởng thành thì nói cái gì phải giữ đúng lời...”. HLV Calisto nói tôi là một người đàn ông cá tính, một cầu thủ đầy hứa hẹn, vậy thì sao không thể xóa bỏ ý định ấy một lần xem sao.
Nghe vậy, tôi nói với ông: “Nếu thầy nói thế, em sẽ ở lại, tập luyện tích cực và chấp nhận sự phân công của ban huấn luyện nếu tiếp tục ngồi ghế dự bị. Nhưng phải có một điều kiện là thầy không được nhắc lại chuyện cũ, không được có thành kiến với em...”. Nghe vậy, HLV Calisto nói vui: “Lần đầu tiên trong đời HLV của tôi mới có một cầu thủ dám đưa ra “yêu sách” như em. Tôi đồng ý bỏ qua mọi chuyện vì chúng ta đều là đàn ông...”.
Trong bảy trận của tuyển VN ở AFF Suzuki Cup, Quang Hải chỉ ra sân khoảng 65 phút. Nhưng sự lóe sáng đúng lúc của anh ở trận bán kết lượt về với Singapore đã đưa tuyển VN vào trận chung kết. Ở trận đấu đêm 28-12, Quang Hải đã cầm đưa giấy thay người, đúng lúc đó Việt Cường bị vọp bẻ nên ông Calisto buộc phải tung Quang Cường vào thay và bảo anh chờ thêm ít phút. Kế đến là Công Vinh gỡ hòa.
Hải nói: “Thế là tôi mất cơ hội xuất hiện ở trận chung kết mà đội nhà đăng quang. Nhưng cảm động nhất là khi ông chạy tới ôm chặt tôi vào lòng và nói rằng Quang Hải hãy thông cảm bởi tôi rất muốn để em có mặt trong trận chung kết... Tôi đã bật khóc ngon lành khi nghe lời xin lỗi từ HLV Calisto...”.
Về phần mình, Công Vinh nói: “Năm 2008 là năm đáng nhớ trong đời tôi khi tôi trở thành cầu thủ có giá chuyển nhượng cao nhất. Tôi cũng trở thành đầu đề cho không ít bài báo về chuyện tình cảm riêng tư khi tôi và bạn gái chia tay... Nhưng đau khổ nhất là việc tôi bị tịt ngòi. Đã vậy còn bị ngờ vực rằng giữ chân ở đội tuyển để về chơi cho CLB”.
Anh kể tiếp: “Mang nỗi đau cùng cực, tôi chẳng biết tâm sự hay chia sẻ cùng ai. Đúng lúc ấy, HLV Calisto kịp xuất hiện. Ông tâm sự với tôi rất nhiều và nói đã là người của công chúng rồi thì phải biết cứng rắn, chấp nhận với lời hay lẫn câu nói thị phi. Ông luôn nhấn mạnh rằng đúng vào lúc khó khăn nhất thì tôi phải tự chứng minh mình bằng việc tập luyện tốt để thể hiện trên sân cỏ, chỉ có những gì tốt đẹp nhất đến từ sân cỏ mới giải tỏa mọi khúc mắc trong lòng tôi.
Ông rất sành về khoa tâm lý, biết khơi gợi sự vướng mắc để khai thông. Cảm ơn, có lẽ đó là từ ngữ bao hàm nhiều ý nghĩa nhất mà tôi muốn gửi đến HLV Calisto sau khúc quanh của đời mình trong năm 2008...”.