a) Năm 1788, sau khi khắc phục thành Gia Định, Chúa Nguyễn Phúc Ánh sửa sang đất Nam Kỳ, kêu là Gia Định, chia địa phận ra làm bốn Dinh :
- Phan Trấn dinh,
- Trấn Biên dinh,
- Trấn Vĩnh dinh,
và Trấn Định dinh.
Vua Gia Long trung hưng (1802) định đô ở Phú Xuân (Huế) mới có cái danh hiệu Nam Bắc ; vua chia ra làm ba khu vực : 1) Kinh thành, 2) Gia Định thành, 3) Bắc thành.
Riêng phần Kinh thành (gồm cả Trung Phần ngày nay) thì ở dưới quyền trông nom trực tiếp của nhà vua, còn hai Phần kia xa xôi thì có quan Tổng trấn lo việc cai trị.
Gia Định thành thuộc hạt có 4 trấn, 4 phủ, 15 huyện. và phụ thêm một trấn Hà Tiên : 2 đạo, 2 huyện.
- Phiên An trấn
- Biên Hòa trấn (Biên Hòa và Phước Tuy ngày nay)
- Vĩnh Tường trấn (Định Tường)
- Vĩnh Thanh trấn (Vĩnh Long, An Giang)
và Hà Tiên trấn (Hà Tiên, Kiên Giang và Cà Mau)
Phiên An trấn gồm có :
1 phủ : TÂN Bình
4 huyện : Bình Dương, TÂN Long, Phước Lộc, Thuận AN.
Thế là, trong một Phủ và hai huyện, đã có hai chữ Tân và An.
Qua năm 1832 sau khi Bắc thành Tổng trấn Lê Chất và Gia Định thành Tổng trấn Lê Văn Duyệt từ tan, vua Minh Mạng đổi :
- Bắc thành ra Bắc kỳ.
- Gia Định thành ra Nam kỳ.
và Kinh thành ra Kinh kỳ.
Lại theo lối nhà Thanh, bãi bỏ chức Tổng trấn thành Gia Định và đổi trấn làm tỉnh, lấy đất Tân châu, Châu Đốc và tách hai huyện ở phủ Định Viễn (nguyên thuộc Vĩnh Long) mà đặt ra làm sáu tỉnh, kêu là « Nam Kỳ Lục Tỉnh » cộng 18 Phủ, 43 Huyện :
- Gia Định (Phan Yên)
- Biên Hòa (Đồng Nai)
- Định Tường (Mỹ Tho)
- Vĩnh Long (Long Hồ)
- An Giang (Châu Đốc)
- Hà Tiên.
Dưới triều Tự Đức, Nam Kỳ phân làm ba quận, mỗi quận do quan Tổng đốc cai trị, gồm hai tỉnh.
Quận Định biên gồm hai tỉnh Gia Định và Biên Hòa. Tỉnh Gia Định có 4 Phủ, 9 Huyện : Phủ Tân Bình 3 huyện :
Bình Dương
Bình Long
Tân Long Phủ Tân An 2 huyện :
Cửu An
Phước Lộc Phủ Hòa Thanh 2 huyện :
Tân Hòa
Tân Thành Phủ Tây Ninh 2 huyện :
Tân Ninh
Quang Hóa
Thế là Phủ Tân An ra đời dưới triều Tự Đức. Và trong một « lòng phái » do vị Hòa thượng chùa Phước Hải ở Cái Bè (Mỹ Tho) cấp cho một nữ tín đồ ở Tân An cách đây năm mươi năm, chúng tôi được nghe mấy danh từ địa phương như sau : « Đại Nam quốc, Tân An phủ, Tân thành huyện, Thượng hội thượng tổng, Bình lập thôn… »
b) Quân đội Pháp xâm chiếm Nam Kỳ trước đoạt ba tỉnh miền đông : Biên Hòa, Gia Định, Định Tường.
Do Hòa ước năm Nhâm Tuất ký kết ngày 5-6-1862, sứ thần Việt là Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp nhượng cho Pháp ba tỉnh nói trên.
Thuở bấy giờ, Phủ Tân An vẫn thuộc địa phận tỉnh Gia Định và ban sơ, Phủ đường đặt tại Châu phê, chợ Cai Tài, làng Huê Mỹ Thạnh, nên mới có câu ca dao còn truyền tụng đến ngày nay : Bảng treo tại chợ Cai Tài,
Bên văn, bên võ, ai có tài ra thi.
Năm 1863, chánh quyền dời Phủ lỵ về làng Nhơn thạnh, tả ngạn sông Vàm cỏ tây và năm 1864, một viên Tham biện Pháp (Inspecteur) được bổ nhiệm cai trị Phủ nầy.
Cuối năm 1868 (hay đầu năm 1869), Phủ đường được vĩnh viễn dời về vị trí tỉnh lỵ Tân An hiện nay, lúc bấy giờ được gọi là Vũng gù.
Lúc trước, tổng Hưng long thuộc Phủ Kiến an (tỉnh Định tường) năm 1867 sáp nhập với Tân An và năm 1871, Tân An lại đặng thêm tổng Mộc hóa khi xưa thuộc Phủ Tây ninh : như vậy, các tổng làng nằm giữa hai con sông Vàm cỏ đều được nhà cầm quyền Tân An kiểm soát.
Tham biện Tân An tồn tại đến năm 1899 và nghị định ngày 20-12 bãi bỏ chữ Tham Biện (Inspection) và thay thế bằng chữ Tỉnh (Province). Và tham biện Tân An từ đây gọi là Tỉnh Tân An.
c) Sau cùng, do Sắc lịnh số 143-NV ngày 22-20-1956, Tổng Thống đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa sửa đổi ranh giới các tỉnh Nam Phần Việt Nam, biến nhiều tỉnh cũ làm quận, lập thêm nhiều tỉnh mới. Quận Mộc Hóa tỉnh Tân An được tách ra làm tỉnh Kiến Tường ; phần còn lại hiệp với các quận Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước của tỉnh Chợ Lớn cũ lập thành tỉnh Long An. Tuy nhiên, Tân An đã có trong bảng đồ Nam Kỳ gần ba trăm năm nay, thì dầu ai có oai lực kinh thiên động địa làm sao cũng không thể một sớm một chiều làm cho Tân An đương nhiên mất tích.
Hẳn đồng bào Nam Phần Việt Nam không còn ai xa lạ gì với danh từ Đồng Tháp Mười mà người Pháp gọi là Plaine des Joncs (đồng cói, đồng lác). Cánh đồng bao la nầy chạy dài, về phía đông và nam, từ các tỉnh Mỹ Tho, Tân An và Chợ Lớn, phía tây từ các tỉnh Sa Đéc, Long Xuyên và Châu Đốc.
Về phía bắc cánh đồng tiếp giáp với Cao Miên và những trung tâm sau đây có thể coi như là cửa ngõ lớn của Đồng Tháp Mười.
Về phía nam : Cai Lậy
Về phía đông : Bến Lức
Về phía bắc : Mộc Hóa
Về phía tây : Cao Lãnh
Tháp Mười
Vì sao có cái tên là Đồng Tháp Mười ?
Là vì đồng nầy lấy tên một ngôi chùa cổ, hay gọi là tháp, theo kiến trúc Cao Miên, xây cao mười tầng trên mặt đất. Một điều lạ lùng, gần như kỳ dị, là chung quanh vùng nầy chẳng có ngọn núi nào cả, mà người xưa kiến trúc được cái tháp bằng đá xanh thật cũng lắm công phu và tài tình, nếu ta nghĩ rằng, xưa kia, sự chuyên chở vô cùng khó khăn và vùng Đồng Tháp là một nơi khí hậu hết sức độc địa, thêm đủ loại thú dữ ăn thịt người.
Sau nầy, lúc ông Phủ Trần Văn Mẩng làm chủ quận Cao Lảnh, ông phúc trình lên thượng cấp về ngọn tháp nên, năm 1931, ông Parmentier, nhà khảo cổ Viễn đông, đến tận tháp nầy nghiên cứu. Parmentier đọc những chữ trên mấy tấm bia đá sứt mẻ vì phong sương tuế nguyệt và tan tác ngổn ngang, giải nghĩa rằng đây là Cây Tháp Thứ Mười trong số 10 cái tháp của vua nước Thủy Chân Lạp lập ngày xưa. Vì thế mà dân cư gọi cánh đồng bao la có cái Tháp thứ 10 ấy là Đồng Tháp Mười. Một mớ cổ vật như tượng Phật, đồ thờ bằng đá, bằng đồng được đoàn khảo cổ đem về Sài Gòn chưng bày trong Bảo tàng viện.
Theo kết quả khảo cứu của một nhà khảo cổ khác là P. Pelliot, thì đất Nam Phần xưa thuộc nước Phù Nam (Founan), lập quốc trên miền tây bán đảo Đông Dương từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VI. Kế sụp đổ, bị vua Chân Lạp xâm chiếm. Và tòa Tháp gọi là Tháp Mười là công trình kiến tạo của vua Phù Nam Gunavarman là con vua Jayavarman, để kỷ niệm sự lấp hào vũng, lập một thánh đường để tôn thờ dấu chơn của Vishnou là Thái dương thiên thần.
Đồng Tháp
Trở lại Đồng Tháp Mười, những nhà bác học đồng ý công nhận rằng, xưa nơi đây là một cái vịnh to, lần lần đất phù sa sông Cửu Long bồi đấp cả mấy ngàn năm mới thành đất liền. Tuy nhiên, mãi đến nay, trung tâm Đồng Tháp vẫn còn là một lòng chảo, có lắm chỗ trũng nước ngập quanh năm cả về mùa khô nữa, biến thành những hồ bùn lầy nước đọng.
Lại có vùng hoàn toàn là một bãi cát mênh mông cho nên người ta gọi là Láng biển, ở tại là Mỹ Thọ (Sa Đéc). Nơi đây, người ta còn gặp nhiều di tích thuyền bè bị đắm như cột buồm, lòi tói, mỏ neo …
Trước đây, khi Đồng Tháp hoàn toàn hoang vu, có những nơi như Bàu Sen, Láng bông súng, Lung Năng, Đồng Lác, Đồng Đưng, Rừng Tràm, cỏ cây mọc la liệt, liên tiếp nhau chạy mút tầm con mắt, xa tận chơn trời. Đó là nơi trú ẩn của vô số thú rừng như hùm beo, rắn, tượng … có chỗ voi đi thành đìa lầy, nên gọi là Láng Tượng. Về mùa mưa, cánh đồng ngập đến một hai thước nước.
Theo lời Thiếu tướng Văn Là, nguyên Chỉ huy trưởng Khu chiến Đồng Tháp Mười, đồng này có nhiều nguồn lợi thiên nhiên chẳng hạn như có những đìa cá vô số kể, có thể gọi là « Tiểu Biển Hồ Cao Miên » ở Nam Phần. Và nếu Đồng Tháp được khai thác hẳn hòi, đào kinh xẻ rãnh đặng chắt nước phèn, thì trong một ngày gần đây, sẽ là một kho tàng lúa và cá của miền Nam đất Việt, dư để dư ăn, có thể hàng năm xuất cảng.
Từ sáu giờ sớm mai đến bảy giờ rưỡi tối, năm chuyến xe lửa Sài Gòn Mỹ Tho ghé ga Tân An, ba chiếc cũ, hai chiếc mới.
Chiếc xe cũ chỉ có hai hạng, hạng ba và hạng tư, băng dài bằng cây, chạy cà rịch cà tang, mỗi ga mỗi ghé ; từ Sài Gòn đến Mỹ Tho chỉ có 72 cây số ngàn mà nó chạy mất ba tiếng đồng hồ mới tới ! Là vì, cũ kỹ, yếu đuối chậm chạp, nó ì ạch leo dốc cầu sắt Tân An, lên gần tới cầu thì tuột lần tuột lần xuống cả trăm thước, lại lấy trớn leo lên, có khi ba bốn lượt mới lên tới cầu và chạy luôn.
Chiếc xe mới khá hơn, có ba hạng ghế cho hành khách : hạng nhì, ghế đẹp, lót nệm da, hạng ba cũng ghế nệm da song kém hơn, hạng tư thì băng cây dài ; trên sàn toa xe, hành khách tha hồ để giỏ gà vịt giỏ heo con, trái cây, mắm muối … Chiếc xe nầy với tốc lực 40 cây số giờ cũng mất hai tiếng đồng hồ mới đi suốt hành trình.
Đường Sài Gòn Mỹ Tho có cả thảy một chục ga đủ đầu, vừa lớn vừa nhỏ : Chợ Lớn – Phú Lâm – An Lạc – Bình Điền – Bình Chánh – Gò Đen – Bến Lức – Bình Ảnh – Tân An – Tân Hương – Tân Hiệp – Lương Phú và Trung Lương.
Làm một bài toán cỏn con, chiếc xe cũ ghé mỗi ga trung bình ba phút, thử hỏi hành khách bực mình mất ngày giờ là bao nhiêu, chưa kể bụi than đá bay vãi vào y phục ! Mặc dầu chiếc xe cũ chạy chậm rì song vì nó chạy tới thụt lui ở ga Tân An, nên bảy giờ tối ngày ba mươi Tết năm nọ, nó đụng nhằm đứa bé gái năm tuổi con anh tư Đủ gác nhiếp chạy chơi giữa đường rầy (rails) và cán nát óc.
Ngày mồng bảy tháng giêng năm sau, trăng thượng huyền mờ mờ, lối mười giờ đêm, vài người hãi hùng thấy bóng một đứa bé cụt đầu đi tới đi lui giữa đường rầy trước ga Tân An. Báo hại ông sếp ga, ông Huỳnh Sum tức Rùm, rước thầy cầu siêu cho von ghồn em bé ba đêm, nó mới hết hiện hồn về.
Trên quốc lộ hướng về Tân An, còn năm trăm thước tới cầu, con đường chia làm hai, một đi ngay đến cầu sắt, một rẻ qua tay trái xuống bến đò. Một chiếc đò rút tiếp chiếc xe hơi ở Sài Gòn xuống, rồi tám anh phu lực lưỡng, mỗi bên bốn anh, hướng về phía Tân An nắm chiếc dây rút, chỗ giáp nước sông cái với Bảo Định hà, bên hè nhà ông Huyện Sĩ, lúc xưa gọi là Vũng Gù, hay Bưng Cồ, đọc trại tiếng Miên gọi nơi đó là bến bò uống nước.
Kẻ viết bài nầy thú thật hồi mươi, mười hai tuổi, chỉ thấy đàng xa họ rút chiếc đò, chạy từ từ qua sông, chớ chưa hề lại gần mà xem cơ cấu nó ra sao cho biết. Chiếc xe hơi dưới đò lên bến rồi, hoặc vào châu thành, hoặc đi dọc theo Bảo Định hà, qua chiếc cầu quây, ra quốc lộ mà xuống Mỹ Tho.
Cây cầu nầy bắt ngang sông Vàm cỏ tây đã lâu lắm rồi, có lẽ cách nay một trăm năm ; từ lúc ban sơ cho đến năm 1919 (1920 ?) chỉ dành cho chiếc xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho chạy thôi. Trên cầu lót đà ngang to, cách khoảng nhau lối một thước hai. Dọc theo lan can cầu, phía bên phải hướng về Mỹ Tho, Sở Trường tiền lót ván làm một « chiếc cầu » rộng độ thước tư, chỉ đủ cho chiếc xe kéo hay xe đạp và bộ hành đi. Đứng trên cầu nhìn xuống sông dưới chơn mình, nước chảy như cắt, trẻ con và người yếu bóng vía chắc phát run. Và chính vì sự lót đà cách khoảng ấy mà xảy ra một tai nạn ly kỳ … không có người chết.
Năm ấy, anh Đặng Văn Ký mang bịnh phong đơn bị Chánh quyền địa phương sai một anh lính mã tà giải lên bịnh viện Chợ Quán. Chiếc xe lửa chạy ngang cầu sắt lúc bốn giờ chiều, chắc anh Ký buồn tủi phận mình dở sống dở chết làm khổ cho gia đình, nên anh ra ngoài toa xe, nhảy xuống cầu quyết lòng tự tử. Ơn Trên xui khiến anh té ùm xuống sông. Thấy bịnh nhân tự vận, anh lính hoảng hồn : anh không tròn phận sự, anh mới làm sao đây ? Anh liền co giò nhảy theo và, lạ lùng thế nào, anh cũng lọt tuốt xuống sông, nhờ bạn ghe chài đậu dọc mé sông gần đó lội ra cứu cả hai thoát nạn. Nếu nạn nhân nhảy nhằm mấy cây đà ngang trong lúc xe đang chạy thì gãy tay gãy chơn, bể đầu bể ngực là phần chắc.
Từ năm 1919 (1920 ?), chiếc cầu được lót trọn bằng ván dày, xe cộ qua lại hai chiều tiện lợi. Và mỗi buổi hoàng hôn, trời quang mây tạnh, đồng bào lão ấu hay lên đây hóng gió mát mẻ như là « Tiểu Vũng Tàu ».
Đức Hòa nguyên là tên gọi của một thôn trong 74 thôn của tổng Long Hưng, huyện Tân Long, phủ Tân Bình, trấn Phiên An. Khi tỉnh Chợ Lớn được thành lập (1909), Đức Hòa là tên của một trong năm làng thuộc tổng Cầu An Hạ. Sau này địa giới hành chính thay đổi nhiều lần nhưng tên gọi Đức Hòa vẫn được giữ nguyên.
Đức Hòa là nơi đầu tiên của tỉnh thành lập Chi bộ Đảng cộng sản. Xã Mỹ Hạnh chính là một trong "18 thôn Vườn Trầu" vang danh cả nước.
Đức Hòa cũng là quê hương của rất nhiều cây Toán tiếng tăm lừng lẫy LQĐ
.
Cảm ơn Dế Mèn nhiều, đọc lại cách hành văn ngày xưa thấy vui vui, đặc trưng nam bộ. Mai mốt trong cuốn địa chí Tân An phát hành 300 năm sau sẽ bổ sung ..."Tân An còn là nơi lớn lên và học tập của sử gia Dế Mèn - một sử gia rất đặc trưng phong cách LQD..."
__________________ Mọi lý thuyết đều là màu xám. Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi...
Ngẫm chuyện xưa mà buồn. Mới nói chuyện với anh bạn quê ở Cai Lậy Tiền Giang.
Ảnh nói ngày xưa, chạy xe từ Sài Gòn về tới Trung Lương có 50 phút. Bây giờ thì sao?
Tôi nói ngày xưa thật xưa, từ Mỹ Tho lên Sài Gòn còn có xe lửa nữa kìa. Chẳng lẽ càng ngày càng thụt lùi!?
Xe lửa SG - Mỹ Tho do Pháp xây dựng. Đường sá giờ do mình xây dựng.
Nếu so sánh mình bây giờ với Pháp "ngày xưa thật xưa" thì mình thua chắc rồi.
Còn nếu so sánh mình bây giờ với mình "ngày xưa thật xưa" thì mình đang đi tới đó chứ. Hy vọng tốc độ sẽ ngày càng được đẩy nhanh, chứ không ì ạch trễ nải như bây giờ