Tổ Hiếp-Tôn-Giả (Parsvika)
Đầu thế kỷ thứ năm sau Phật Niết-bàn
Ngài tục danh là Nan-Sanh, người Trung-Ân. Thân mẫu mang thai đến 60 năm mới sanh ra Ngài. Lúc Ngài sắp sanh,
Thân phụ nằm mộng thấy một con voi trắng to trên lưng có chở một bảo tọa, trong bảo tọa có hạt minh châu, từ ngoài cửa đi vào chiếu sáng khắp nhà. Ông giựt mình tỉnh giấc thì Ngài ra đời.
Sau gặp Tổ Phục-Đà-Mật-Đa độ cho xuất gia. Được xuất gia rồi Ngài cần mẫn tu học cho đến quên ăn bỏ ngủ, suốt ngày đêm chưa từng đặc lưng xuống chiếu,như thế mãi cả đời. Vì thế thời nhơn gọi Ngài là Hiếp-Tôn-Giả (Tôn-giả hông không dính chiếu ). Lãnh thọ chánh pháp xong, Ngài đi vân du các nơi tùy cơ giáo hóa. Đến nước Hoa-Thị, Ngài
tạm nghỉ dưới cây đại thọ. Khi ấy, Ngài lấy tay chỉ xuống đất bảo chúng :
- Khi nào đất này biến thành màu vàng, sẽ có một thánh nhơn vào hội. Ngài vừa nói dứt lời, đất liền biến thành màu vàng. Chốc lát có một thanh niên con nhà giàu tên Phú-Na-Dạ-Xa đến trước Ngài đứng chắp tay, Ngài hỏi :
- Ngươi từ đâu đến ? Thanh niên thưa :- Tâm con chẳng phải đến. –Ngươi dừng chổ nào ? –Tâm con chẳng phải dừng.
- Ngươi chẳng định sao ? – Chư Phật cũng thế. –Ngươi chẳng phải chư Phật. –Chư Phật cũng chẳng phải. Ngài nhơn đó nói bài kệ : Thử địa biến kim sắc, Dự tri ư thánh chí, Đương tọa bồ-đề thọ, Giác hoa nhi thành dỉ.
Dịch : Đất này hóa sắc vàng, Biết có thánh nhơn sang, Ngồi dưới cây bồ-đề, Hoa giác nở hoàn toàn .
Phú-Na-Dạ-Xa cũng đọc bài kệ:
Sư tọa kim sắc địa, Thường thuyết chơn thật nghĩa, Hồi quang nhi chiếu ngã, Linh nhập tam-ma-đề .
Dịch : Thầy ngồi đất sắc vàng, Thường nói nghĩa chơn thật, Xoay ánh sáng chiếu con, Khiến vào nơi chánh định .
Ngài biết ý Phú-Na-Dạ-Xa lòng cầu đạo rất thiết tha, nên độ cho xuất gia và truyền giới cụ túc. Một hôm, Ngài gọi Phú-Na bảo : -Đại pháp nhãn tạng của Như-Lai, nay trao cho ngươi, ngươi phải khéo lưu truyền chớ để dứt mất. Hãy nghe ta nói kệ : Chơn thể tự nhiên chơn,Nhơn chơn thuyết hữu lý,Lãnh đắc chơn chơn pháp,Vô hành diệc vô chỉ
Dịch : Chơn thể đã sẵn chơn, Bởi chơn nói có lý, Hội được pháp chơn nhơn, Không đi cũng không dừng . Truyền pháp xong, Ngài ngay nơi chỗ ngồi thị hiện các tướng rồi vào Niết-bàn. Hỏa táng thân Ngài xong có xá-lợi nhiều vô số, chúng phải lấy y bọc đem về kính thờ cúng dường .
Tổ Phú-Na-Dạ-Xa ( Punyayasas ) Giữa thế kỷ thứ năm sau Phật Niết-bàn .
Ngài dòng Cù-Đàm ở nước Hoa-Thị, thân phụ là Bảo-Thân. Thân phụ sanh được bảy người con trai, Ngài là con út. Thuở nhỏ. Ngài tâm tư bình thản không tịnh không loạn. Ngài thường nói với các anh :- Nếu gặp bực đại-sĩ ngồi nơi đạo tràng thuyết pháp, em quyết đến đó gần gũi tùy hỷ.
Khi Tổ Hiếp-Tôn-Giả đến nước nầy chấn hưng Phật pháp, Ngài liền đến dự trong hội ấy. Thấy Ngài ứng đối mẫn tiệp, ngôn ngữ hợp lý, Tổ độ cho xuất gia. Sau khi đắc pháp nơi Tổ Hiếp-Tôn-Giả, Ngài một lòng tinh tấn,lấy sự giáo hóa làm trọng trách. Đạo đức Ngài vang khắp, số chúng qui ngưỡng đến ngàn vạn, những người được quả thánh tới năm trăm vị. Về sau, Ngài đến nước Ba-La-Nại có một vị trưởng-giả vào hội. Ngài hỏi đồ chúng :
- Các ngươi có biết người mới vào đây chăng ? Xưa Phật huyền ký rằng : < Sau khi ta diệt độ gần 600 năm,sẽ có một vị thánh nhơn ra đời hiệu Mã-Minh, sanh trong nước Ba-La-Nại, nói pháp nơi thành Hoa-Thị, bẻ dẹp các đạo khác, độ người vô lượng >. Mã-Minh nghe Ngài nói trúng tên mình thì thầm khen, bước ra đảnh lễ Ngài và hỏi :
- Tôi muốn biết Phật, thế nào là Phật ? –Ngài đáp : - Ông muốn biết Phật, chẳng biết ấy là phải. – Đã chẳng biết Phật thì đâu biết là phải ? – Ông đã chẳng biết Phật, tại sao biết chẳng phải ? – Đây thật là nghĩa cưa. – Đó là nghĩa cây. Ông nói nghĩa cưa là thế nào ? – Tôi cùng thầy phân ra bằng nhau. Nghĩa cây của thầy nói là sao ? – Ngươi bị ta xẻ
Mã-Minh liền ngộ được thắng nghĩa của Ngài, vui thích cầu xin xuất gia Ngài vì độ cho ông xuất gia và thọ giới cụ-túc
Số chúng được Ngài độ, có đến hai trăm vị chứng quả A-La-Hán, ngoài ra còn vô số người phát tâm qui kính Tam-bảo. Thấy cơ duyên giáo hóa sắp viên mãn, Ngài kêu Mã-Minh lại dặn dò :
-Ngươi nên chuyển bánh xe pháp làm vị Tổ thứ 12. Xưa đại pháp nhãn tạng của Như-Lai trao cho Tổ Ca-Diếp lần lượt truyền trao, nay ta trao cho ngươi, ngươi phải truyền tiếp . Nghe ta nói kệ :
Mê ngộ như ẩn hiển, Minh ám bất tương ly, Kim phó ẩn hiển pháp, Phi nhất diệc phi nhị .
Dịch : Mê ngộ như ẩn hiện, Tối sáng chẳng rời nhau, Nay trao pháp ẩn hiện, Chẳng một cũng chẳng hai . Ngài truyền pháp cho Mã-Minh xong ,liền hiện thần biến , rồi lặng lẽ viên tịch . Mã-Minh và đồ chúng xây tháp trùm trên chơn thân thờ Ngài .
Bồ-Tát Mã-Minh ( Asvaghosha )
Cuối thế kỷ thứ năm sau Phật Niết-bàn .
Bồ-Tát người nước Ba-La-Nại, hiệu Mã-Minh cũng có hiệu Công-Thắng. Vì khi Ngài sanh ra, các con ngựa đều ré lên, nên gọi là Mã-Minh. lại cũng có thuyết nói, mỗi khi Ngài thuyết pháp, các con ngựa trong chuồng ở gần đều lặng lẽ lóng nghe, khi thuyết xong chúng lại hý vang, nên gọi Ngài là Mã-Minh. Lúc chưa xuất gia, Ngài là một biện sĩ lỗi lạc, danh tiếng đồn đãi vang cả quốc nội và quốc ngoại.
Sau khi được Tổ Phú-Na-Dạ-Xa độ cho xuất gia và truyền tâm ấn, Ngài lại nổi tiếng là một nhà thuyết pháp tài tình.
Bao nhiêu tà thuyết ngoại đạo đều bị Ngài bẻ dẹp. Chính Ngài là người thắp sáng ngọn đuốc Đại-Thừa ở đầu thế kỷ thứ sáu sau Phật Niết-bàn. Ngài đi giáo hóa đến nước Hoa-Thị nơi đây ngọn đuốc pháp của Ngài càng sáng rực hơn.
Một hôm, có một ông già gầy ốm vào trong hội nghe pháp, bỗng nhiên ngã xuống đất. Ngài bảo chúng :
-Đây là việc phi thường, sẽ có tướng lạ. Ông già kia liền biến mất. Chợt thấy dưới đất vọt lên một người con gái nhan sắc đẹp đẽ thân như màu vàng, dùng tay chỉ Ngài nói kệ :
Khể thủ trưởng lão tôn, Đương thọ Như-Lai ký, Kim ư thử địa thượng, Nhi độ sanh tử chúng .
Dịch : Cúi đầu lễ trưởng lão, Hiện nhận lời Phật ghi, Nay ở nơi xứ nầy, Độ chúng khỏi sanh tử .
Nói kệ xong, trong chớp mắt không thấy cô nữa. Ngài bảo chúng : - Giây lát đây sẽ có ngoại đạo đến đấu sức với ta.
Bỗng chốc gió mưa ầm ĩ xối xả kéo đến, khiến trời đất mịt mù. Ngài bảo :
- Đây là báo hiệu ngoại đạo sẽ đến. Ta sẽ trừ chúng. Nói xong, Ngài chỉ tay lên hư không, hiện ra con rồng vàng to lớn, phấn khởi oai thần, khiến pháp ngoại đạo tan biến .
Sau bảy ngày, có một con sâu nằm nép dưới tòa của Ngài. Ngài lấy tay nắm bắt con sâu ấy đưa cho đại chúng xem và nói : - Con sâu nầy là trá hình của ngoại đạo, đến ẩn núp nơi đây đặng nghe trộm pháp của ta . Nói xong, Ngài ném con sâu ra bảo : < đi ngay ! >. Nhưng con sâu sợ hãi nằm im không động Ngài an ủi :
- Ta không có hại ngươi. Ngươi hãy hiện lại bổn hình. Ngoại đạo liền hiện bổn hình đảnh lễ xin sám hối. Ngài hỏi :
- Ngươi tên gì ? Có bao nhiêu đồ đệ ? Ngoại đạo thưa : - Con tên Ca-Tỳ-Ma-La, có đến ba ngàn đồ đệ.
- Ngài hỏi : - Tột thần lực của ngươi biến hóa thế nào Ngoại đạo thưa : - Con hóa biển cả là việc chẳng khó.
- Ngài hỏi : - Ngươi hóa tánh biển được chăng ? Ngoại đạo mờ mịt không biết, thưa : - Lời nầy con không thể biết.
Ngài vì giải thích : - Tánh biển là núi sông quả đất đều y cứ nơi đó mà lập, tam muội lục thông do đây phát hiện.
Ngoại đạo nghe pháp ấy, liền khởi lòng tin mạnh mẽ, cùng ba ngàn đồ đệ đều cầu xin xuất gia. Ngài vì họ cho cạo đầu xuất gia, rồi triệu tập năm trăm vị thánh tăng đến làm lễ thọ giới cụ túc. Ngài bảo giới tử : - Các ngươi thú hướng Bồ-Đề sẽ thành đạo thánh. Ca-Tỳ-Ma-La quả nhiên được giới thể, phát hào quang sáng, có mùi hương lạ xông khắp.
Một hôm, Ngài gọi Ma-La đến bảo : - Đại pháp nhãn tạng của Như-Lai, nay trao cho ngươi, truyền bá chớ để đoạn dứt. Nghe ta nói kệ :Ẩn hiển tức bổn pháp,Minh ám nguyên bất nhị,Kim phó ngộ liễu pháp,Phi thủ diệc phi khí.
Dịch : Ẩn hiện vốn pháp này, Sáng tối nguyên không hai, Nay truyền pháp liểu ngộ, Không lấy cũng chẳng bỏ . Truyền pháp xong, Ngài vào chánh định hiện tướng viên tịch. Ca-Tỳ-Ma-La và đồ chúng đem chơn thể của Ngài để vào khám thờ. Ngài là vị Tổ thứ 12 của Thiền-Tông, cũng là một vị pháp sư làm sáng tỏ giáo pháp Đại-Thừa. Ngài sáng tác ba bộ luận: 1-Đại-Thừa Khởi Tín Luận.2.-Đại Tông địa huyền văn bổn luận.3.-Sự sư pháp ngũ thập tụng .Nổi tiếng nhất là bộ Đại-Thừa Khởi Tín Luận, đến hiện giờ những nước Phật-giáo Đại-Thừa vẫn truyền dạy bộ luận nầy .
Tổ Ca-Tỳ-Ma-La (Kapimala) Đầu thế kỷ thứ sáu sau Phật Niết-bàn.
Ngài người nước Hoa-Thị, ban đầu học theo ngoại đạo, giỏi các pháp huyễn thuật, đồ chúng có đến ba ngàn. Khi đến so tài với Mã-Minh, bị Tổ hàng phục,liền cùng đồ chúng phát tâm xuất gia. Tổ Mã-Minh độ cho Ngài xuất gia, sau truyền tâm pháp. Sau khi được truyền tâm pháp, Ngài đi giáo hóa khắp nơi. Lần lượt đến nước Tây-Ấn, nơi đây có Thái-tử tên Vân-Tự-Tại rất ngưỡng mộ Ngài.Thái-Tử thỉnh Ngài và đại chúng vào cung cúng dường,Ngài từ chối bảo
-Phật cấm Sa-môn không được gần gũi vua quan những nhà có thế lực, nên tôi không dám nhận lời. Thái-tử bạch:
-Thưa Tôn-giả ! phía Bắc thành nầy có một hòn núi lớn, trong núi có hang đá yên lặng bặt người thế tục, có thể ở nơi đó thiền định được. Tuy nhiên, trong đó có nhiều rắn và thú dữ, song tin tưởng đức cao dày của Tôn-giả sẽ chuyển hóa chúng. Ngài nhận lời, cung đồ đệ tiến thẳng đến núi ấy. Vừa đến núi nầy quả gặp một con rắn lớn dài gần một dặm, trợn mắt nhìn Ngài, Ngài vẫn đi thẳng không ngó đến nó. Ngài đi đến phía Nam chân núi dừng nghỉ chỗ đất bằng,con rắn ấy đến quấn chung quanh Ngài, Ngài cũng chẳng đoái hoài, giây lát con rắn bò đi. Ngài tìm lại chúng theo Ngài thì họ đã chạy tán loạn hết. Ngài một mình đi thẳng đến hang đá. Bỗng thấy một ông già mặc toàn đồ trắng đi ra chấp tay kính lễ Ngài, Ngài hỏi : -Ông ở đâu ? Ông già thưa : -Con xưa làm vị Tỳ-kheo rất thích vắng lặng, bực người mới học đến hỏi,nhơn đó nổi sân; bởi duyên cớ ấy khi chết đọa làm thân rắn ở trong hang nầy, đến giờ đã ngàn năm.Vừa gặpTôn-giả là bực thánh đức nên ra kính lễ. Ngài hỏi :-Núi nầy còn có người nào ở nữa chăng?
Và họ theo đạo nào ? Ngươi chỉ cho ta biết ? Ông già thưa : -Cách đây mười dặm về phía Bắc có một tàng cây thật to, dưới tàng cây có năm trăm vị nhân tài ẩn dật, vị lãnh tụ hiệu là Long-Thọ,thường vì chúng nói pháp, con cũng thường đến nghe. Ngài chờ đồ chúng tụ hội, cùng họ tiến đến phía Bắc. Vừa đến cây to,quả nhiên Long-Thọ ra nghinh tiếp Ngài. Long-Thọ vui vẻ đảnh lễ thưa Ngài :- Chỗ núi sâu vắng vẻ, nơi hang ổ của thú dữ, đại đức chí tôn sao thương xót đến đây ? Ngài đáp : -Ta không phải chí tôn, đến để phỏng vấn hiền giả. Long-Thọ lặng thinh thầm nghĩ: -Tôn-giả nầy được tánh quyết định, đạo nhãn đã sáng chưa ? Phải là người đại thánh,thừa kế chơn tông chăng ?
Ngài biết liền bảo: -Tuy tâm niệm của ngươi,ta đã biết rồi,chỉ cần xuất gia,lo gì ta chẳng phải thánh ?
Bấy giờ Long-Thọ sám hối tạ tội. Ngài độ cho xuất gia. Một hôm,Ngài gọi Long-Thọ lại bảo: -Nay ta đem đại pháp nhãn tạng của Như-Lai trao cho ngươi, ngươi phải truyền nối chớ dứt. Nghe ta nói kệ :
Phi ẩn phi hiển pháp, Thuyết thị chơn thật tế, Ngộ thử ẩn hiển pháp, Phi ngu diệc phi trí .
Dịch : Pháp không ẩn không hiển, Nói là mé chơn thật, Ngộ pháp ẩn hiển nầy, Chẳng ngu cũng chẳng trí . Truyền pháp xong, Ngài trình thần biến rồi tịch diệt. Long-Thọ và đồ chúng hỏa táng thân Ngài, lượm xá-lợi xây tháp cúng dường .
Bồ-Tát Long-Thọ (Nagarjuna)
Giữa thế kỷ thứ sáu sau Phật Niết-bàn.
Ngài cũng có tên là Long-Thắng,dòng Phạm-Chí ở miền Tây-Ân. Thuở nhỏ, Ngài bẩm tánh thông minh;vừa nghe Phạm-Chí tụng bốn kinh Phệ-Đà là Ngài thuộc lòng văn nghĩa. Đến 20 tuổi, Ngài đi châu du khắp các nước tìm học các môn thiên văn, địa lý,toán số,sấm ký và các học thuật của ngoại đạo. Môn nào Ngài học đến đều xuất sắc hơn mọi người. Nhơn một cơ duyên chẳng lành. Ngài nhận thực được các pháp là vô thường đau khổ nên vào núi ở ẩn. Số người tìm đến cầu học với Ngài rất đông.
Sau khi gặp Tổ Ca-Tỳ-Ma-La cảm hóa, Ngài xin xuất gia được Tổ độ cho và truyền cả tâm ấn. Từ đó,Ngài vân du thuyết pháp khắp nơi,lần lượt đến miền Nam-Ấn. Dân chúng xứ nầy chỉ sùng phước nghiệp,từ Ngài đến đem pháp yếu chỉ dạy,họ tự bảo nhau :< Chỉ phước nghiệp nầy là việc tôi thắng,nói về Phật tánh thì đâu thể thấy >.
Ngài nhơn đó bảo họ : -Các ngươi nếu muốn thấy được Phật tánh thì trước hết phải bỏ tâm ngã mạn đi,mới có thể thấy được. Họ hỏi Ngài : -Phật tánh lớn hay nhỏ ? Ngài đáp : -Chẳng nhỏ chẳng lớn, không rộng không hẹp, không phước không báo, chẳng chết chẳng sống. Dân chúng nghe Ngài nói tột lý,vui mừng nguyện học pháp ấy. Ngài liền ngay trên tòa hóa thân như vầng mặt trăng. Dân chúng tuy nghe thuyết pháp mà không thấy có hình Ngài. Trong ấy có con một ông nhà giàu tên là Ca-Na-Đề-Bà, khi thấy thế liền cảm ngộ.
Đề-Bà bảo dân chúng : -Biết tướng nầy chăng ? Dân chúng thưa : -Chúng tôi không thể phân biệt được.Đề-Bà nói: -Đây là Bồ-Tát thị hiện để biểu thị Phật tánh,muốn chúng ta hiểu rỏ vậy. Vô tướng tam muội giống như mặt trăng tròn là nghĩa Phật tánh rỗng rang sáng suốt .Đề-Bà nói dứt lời thì vầng trăng ẩn mất, Bồ-Tát hiện ngồi an nhiên chỗ cũ,nói kệ: Thân hiện viên nguyệt tướng,Dĩ biểu chư Phật thể,Thuyết pháp vô kỳ hình,Dụng biện phi thinh sắc.
Dịch : Thân hiện tướng trăng tròn, Để nêu thể các Phật, Nói pháp không hình ấy, Dùng rõ phi thinh sắc .
Toàn chúng nghe xong, đều cảm ngộ,cầu xin xuất gia. Ngài triệu tập các bậc thánh tăng đến truyền giới. Trong số xuất gia nầy, Đề-Bà là người dẫn đầu. Một quốc gia ở gần miền Nam-Ấn,có đến năm ngàn người tu theo ngoại đạo được nhiều phép lạ, Vua và quốc dân đều thọ giáo nơi họ,khiến đạo Phật mờ tối. Ngài thấy thế cảm động,bèn đổi hình thức,mặc áo trắng đợi mổi khi vua ra thành, Ngài cầm cây cờ đi trước,hoặc ẩn hoặc hiện. Làm như thế đến bảy lần. Hôm nọ,vua lấy làm lạ kêu lại hỏi : -Ngươi là người gì dám đi trước ta, mà bắt không được,thả chẳng đi ?
Ngài đáp : -Tôi là người trí,biết tất cả việc. Vua nghe ngạc nhiên,muốn thí nghiệm nói: -Chư thiên nay đang làm gì ?
Ngài đáp : -Chư thiên đang đấu chiến với A-Tu-La. Vua hỏi :-Làm sao được biết ? Ngài đáp :-Nếu bệ hạ muốn biết chốc lát sẽ thấy chứng nghiệm. Quả nhiên,phút chốc thấy gươm giáo tay chơn ở trên không rơi xuống. Vua và quốc dân rất kính phục Ngài,nhơn đó,Ngài chuyển họ trở lại quy y Tam-Bảo.Hôm nọ,Ngài gọi Ca-Na-Đề-Bà đến dặn dò.
-Như-Lai lấy đại pháp nhãn tạng trao cho Tổ Ca-Diếp,cho đến đời ta,nay ta trao cho ngươi. Hãy nghe kệ :
Vị minh ẩn hiển pháp, Phương thuyết giải thoát lý, Ư pháp tâm bất chứng, Vô sân diệc vô hỷ.
Dịch : Vì sáng pháp ẩn hiển, Mới nói lý giải thoát, Nơi pháp tâm chẳng chứng, Không sân cũng không hỷ.
Dặn dò xong,Ngài nhập nguyệt luân tam muội rồi hiện tướng thần biến vào Niết-bàn. Ngài sáng tác rất nhiều bộ luận để xiển dương giáo pháp Đại-Thừa :
1-Trung luận, 2-Thuận trung luận, 3-Thập nhị môn luận, 4-Đại-Thừa phá hữu luận, 5-Lục thập tụng như lý luận,
6- Đại-Thừa nhị thập tụng luận, 7-Thập bát không luận, 8-Hồi tránh luận, 9-Bồ-đề tư lương luận, 10-Bồ-đề tâm ly tướng luận, 11-Bồ-đề hạnh kinh, 12-Thích ma ha diễn luận, 13-Khuyến phát chư vương yếu kệ, 14-Tán pháp giới tụng, 15-Quảng đại pháp nguyện tụng. Bồ-Tát Mã-Minh là người khêu mồi ngọn đèn chánh pháp đại-thừa ; chính Ngài là người thắp sáng và truyền bá khắp nơi cho đến vô tận ngọn đuốc Đại-Thừa, Những tác phẩm của Ngài,bộ Trung-Luận có giá trị nhất, đến hiện nay đã dịch ra nhiều thứ chữ để truyền bá khắp thế giới
Bồ-Tát Ca-Na-Đề-Bà (Kanadeva)
Cuối thế kỷ thứ sáu sau Phật Niết-bàn.
Ngài dòng Tỳ-Xá-Ly ở Nam-Ấn. Thuở nhỏ Ngài bẩm tánh thông minh,biện tài vô ngại, Ban sơ Ngài học phong tục trong nước, ưa làm việc phước thiện. Khi Tổ Long-Thọ đến nước nầy, Ngài tìm đến yết kiến. Tổ Long-Thọ muốn thử Ngài,sai đồ đệ múc một thau nước đầy để ở trước lối vào. Ngài đi qua lấy cây kim bỏ vào, rồi thẳng đến yết kiến Tổ.
Thầy trò gặp nhau vui vẻ lãnh hội, khi Tổ Long-Thọ thuyết pháp hiện tướng vầng trăng tròn, Ngài thầm ngộ yếu chỉ. Ngài theo Tổ xuất gia và được truyền tâm ấn.
Sau khi đắc pháp, Ngài vân du khắp nơi, lần lượt sang nước Ca-Tỳ-La để giáo hóa.Trong nước nầy có ông trưởng giả tên Tịnh-Đức sanh được hai người con trai, người cả tên La-Hầu-La-Điểm,người thứ tên La-Hầu-La-Đa. Ông hằng ngày chỉ săn sóc vườn tược. Hôm nọ,một cây trong vườn nẩy sanh thứ nấm lạ, ông nhổ về ăn thử, thực ngon lành. Song chỉ ông và người con thứ hằng ngày đều nhổ được nấm ăn,ngoài ra không ai nhổ được. ông bảo con thứ: <Nấm cây nầy chỉ ta và ngươi được ăn, ắt là việc phi thường.Ước gì có ai thông hiểu giải thích cho việc này>. La-Hầu La-Đa nói kệ: Thử mộc sanh kỳ nhĩ, Ngã thực bất khô khao, Trí giả giải thử nhơn, Ngã hồi hướng Phật đạo .
Dịch : Cây nầy sanh nấm lạ, Con ăn rất ngon lành, Người trí giải nhơn nầy, Con xin theo Phật đạo .
Chợt gặp Bồ-Tát Đề-Bà đến nhà,cha con ông Tịnh Đức vui mừng đem việc nầy ra hỏi. Ngài dạy :-Khi xưa lúc ông hai mươi tuổi thường mời một vị Tỳ-kheo về nhà cúng dường. Vị Tỳ-kheo ấy tuy có chút ít giới hạnh mà con mắt pháp chưa sáng,tâm không thấu lý,luống nhận sự cúng dường của ông. Song vị Tỳ-kheo ấy có chút ít tu hành nên khỏi sa vào đường ác,vẫn phải làm cây sanh nấm nầy để trả nợ cho ông. Xưa khi vị Tỳ-kheo ấy đến nhà ông,trong nhà chỉ có ông và người con thứ nầy thành kính cúng dường,còn bao nhiêu người đều không vui. Vì thế,nên nấm hiện nay chỉ hai cha con ông được hưởng. Ngài lại bảo: -Ông nay được bao nhiêu tuổi ? Trưởng giả thưa: -Tôi được 79 tuổi.
Ngài nói kệ : Nhập đạo bất thông lý, Phục thân hoàn tín thí, Nhữ niên bát thập nhất, Thử mộc diệc vô nhĩ.
Dịch : Vào đạo không thông lý, Hoàn thân đền tín thí, Trưởng giả tuổi tám mốt, Cây nầy không sanh nấm.
Ông trưởng giả nghe nói xong,biết rõ duyên trước càng thêm thán phục, Ông thưa :-Tôi già yếu tuy muốn xuất gia e không kham theo thầy. Đứa con thứ của tôi hết lòng mộ đạo,tôi xin cho nó theo làm thị giả cho thầy,mong thầy dung nạp. Ngài hoan hỷ chấp nhận La-Hầu-La-Đa xuất gia và triệu tập các vị thánh tăng đến truyền giới.
Ngài du hóa đến nước Ba-Liên-Phất gặp lúc ngoại đạo hưng thịnh Phật pháp lu mờ. Ngài đem hết khả năng chuyển hóa ngoại đạo trở về quy y Tam-Bảo,khiến xứ nầy Phật pháp hưng thịnh lại.
Khi già yếu, Ngài gọi La-Hầu-La-Đa đến phó chúc pháp nhãn tạng và dặn dò đừng để đoạn diệt. Kế nói kệ :
Bổn đối truyền pháp nhơn, Vị thuyết giải thoát lý, Ư pháp thật vô chứng, Vô chung diệc vô thủy.
Dịch : Xưa đối người truyền pháp,Vì nói lý giải thoát, Nơi pháp thật không chứng, Không chung cũng không thủy.
Dặn dò xong,Ngài nhập định ngồi nghiêm chỉnh thị tịch. La-Hầu-La-Đa và đồ chúng xây tháp cúng dường.
Ngài là Bồ-Tát thứ ba làm nổi bật giáo lý Đại-Thừa. Những tác phẩm Ngài trước thuật :
1.-Bách luận, 2.-Bách tự luận, 3.- Đại trượng phu luận, 4.-Đề-Bà Bồ-Tát phá Lăng-Già kinh trung ngoại đạo tiểu-thừa tứ tông luận, 5.- Đề-Bà Bồ-Tát thích Lăng-Già kinh trung ngoại đạo tiểu-thừa Niết-bàn luận… Những bộ luận trên nổi tiếng nhất là bộ Bách-luận và Đại-Trượng-Phu luận .
Tổ La-Hầu-La-Đa (Rahulata)
Đầu thế kỷ thứ bảy sau Phật Niết-bàn .
Ngài dòng Phạm-Ma ở nước Ca-Tỳ-La, Thuở nhỏ đã có sẵn lòng mộ đạo. Khi lớn do cơ duyên trong vườn có cây mọc nấm, Tổ Đề-Bà giải thích nhơn do,mà Ngài được xuất gia. Sau khi được truyền tâm ấn,Ngài thống lãnh đồ chúng du hóa nhơn gian,lần lượt đến phía Nam thành Thất-La-Phiệt gặp sông Kim-Thủy. Ngài bảo chúng :
-Các ngươi biết chăng ? Vừa thấy bóng năm đức Phật hiện dưới dòng sông, ta lấy bát mút nước nếm có mùi vị lạ, ngược dòng sông nầy chừng năm trăm dặm sẽ có bực chí nhơn ở, hiệu là Tăng-Già-Nan-Đề.
Ngài bèn dẫn chúng theo ven bờ sông trở lên,quả nhiên thấy Nan-Đề đang ngồi thiền trong thất đá.Ngài và đồ chúng
dừng lại xem,chờ đến bảy ngày Nan-Đề mới xuất định. Ngài hỏi Nan-Đề: -Thân ông định hay tâm ông định ?
Nan-Đề đáp: -Thân tâm đều định. –Thân tâm đều định sao có xuất nhập ? –Tuy có xuất nhập mà không mất tướng định,như vàng ở trong giếng,vàng ra ngoài giếng,thể vàng vẫn yên lặng. -Nếu vàng ở trong giếng,vàng ra ngoài giếng,thể vàng không động tịnh,thì vật gì ra vào ? -<Nơi vàng không động tịnh thì vật gì ra vào> ? Đã thừa nhận vàng
ra vào mà thể vàng không động tịnh. -Nếu vàng ở trong giếng thì ra là vật gì ? –Vàng,nếu ra ngoài thì ở trong giếng không phải vàng,Vàng nếu ở trong giếng thì ra không phải vật. –Nghĩa nầy không đúng. –Lý kia chẳng nhằm. –Nghĩa
nầy đã ngã. –Nghĩa kia chẳng thành. –Nghĩa kia chẳng thành mà nghĩa của ta thành. –Nghĩa ta tuy thành mà pháp không có ta. –Nghĩa ta đã thành vì ta mà không ta. –Ta mà không ta lại thành nghĩa gì ? –Vì ta không ta nên thành nghĩa của ngươi. –Nhơn giả thờ vị thánh nào mà được <không ta> ấy ? -Thầy ta là Bồ-Tát Ca-Na-Đề-Bà chứng được
<không ta>. Nan-Đề tán thán : -Cúi đầu lễ Đề-Bà,người tạo thành nhơn giả. Vì nhơn giả <không ta>, tôi muốn thờ nhơn giả. Ngài bảo : -Vì ta đã<không ta>, ngươi cần thấy ta ta. Ngươi nếu thờ nơi ta, biết ta chẳng ta ta.
Nan-Đề tâm được rỗng rang liền đảnh lễ nói kệ :
Tam giới nhất minh đăng, Hồi quang nhi chiếu ngã, Thập phương tất khai lãng, Như nhật hư không trụ.
Dịch : Ba cõi một ngọn đèn, Ánh sáng soi chiếu con, Mười phương đều sáng lạng, Như mặt trời trong không.
Nan-Đề nói kệ xong,lại đảnh lễ cầu xin thế độ. Ngài bảo: -Tâm ngươi tự tại chẳng lệ thuộc vào ta,cần gì nương nhờ mà cầu giải thoát. Một hôm, Ngài gọi Nan-Đề đến bảo :-Nay ta đã già không còn ở đời bao lâu, đại pháp nhãn tạng của Như-Lai trao lại cho ngươi. Nghe ta nói kệ :
Ư pháp thật vô chứng, Bất thủ diệc bất ly, Pháp phi hữu vô tướng, Nội ngoại vân hà khởi.
Dịch : Nơi pháp thật không chứng, Chẳng giữ cũng chẳng lìa, Pháp chẳng tướng có không, Trong ngoài do đâu khởi.
Nan-Đề nghe kệ xong càng thêm cung kính, nói kệ tán thán :
Thiện tai đại thánh giả, Tâm minh du nhật nguyệt, Nhất quang chiếu thế giới, Ám ma vô bất diệt.
Dịch : Lành thay ! bậc đại thánh, Tâm sáng như nhật nguyệt, Ánh sáng chiếu thế giới, Ma tối diệt hết sạch. Ngài ngồi trên tòa lặng lẽ thị tịch. Bốn chúng xây tháp cúng dường .
Tổ Tăng-Già-Nan-Đề (Sanghanandi)
Giữa thế kỷ thứ bảy sau Phật Niết-bàn.
Ngài là hoàng-tử con vua Bảo-Trang-Nghiêm ở thành Thất-La-Phiệt. Ngài sanh chưa bao lâu đã biết nói,mà thường nói việc Phật pháp. Năm bảy tuổi, Ngài chán thú vui ở đời,cầu xin xuất gia. Ngài nói kệ xin cha mẹ :
Khể thủ đại từ phụ, Hòa nam cốt huyết mẫu, Ngã kim dục xuât gia, Hạnh nguyện ai mẫn cố .
Dịch : Cúi đầu lễ cha lành, Nép mình lạy mẹ hiền, Nay con muốn xuất gia, Xin thương xót nhận cho .
Cha mẹ cố khuyên giải không cho. Ngài phải nhịn ăn nài nỉ cho kỳ được. Đối cùng cha mẹ thấy chí Ngài quá mạnh không sao ngăn nổi,nên cho xuất gia với điều kiện ở một ngôi nhà riêng trong hoàng cung. Vua thỉnh Sa-Môn Thiền-Lợi-Đa về dạy Phật pháp cho Ngài. Từ đây Ngài được pháp danh là Tăng-Già Nan-Đề. Ngài ở trong hoàng cung chín năm tu hành,mới được thọ giới cụ túc. Một hôm,Ngài tự cảnh tỉnh : -Ta đã thọ giới cụ túc mà còn ở trong nhà thế tục nầy sao ? Chợt một buổi chiều trời quang mây tạnh, Ngài nhìn thấy một con đường bằng phẳng, ở xa đầu kia lố dạng một ngọn núi xanh. Ngài liền cất bước nhắm hòn núi thẳng tiến. Ngài đi đến dưới núi mà trời chưa tối. Tự Ngài tìm được thất đá rồi ngồi thiền nơi ấy. Năm ấy Ngài 26 tuổi.
Sáng hôm sau,vua nghe mất Thái-tử cho người tìm kiếm khắp nơi không được. Bực mình,vua đuổi Sa-Môn Thiền-Lợi-Đa ra khỏi thành. Ngài tu thiền ở đây ngót mười năm,mới có cơ duyên gặp Tổ La-Hầu-La-Đa được truyền chánh pháp. Sau khi đắc pháp,Ngài thống lãnh đồ chúng du hóa khắp nơi làm lợi lạc quần sanh.Một hôm,Ngài bảo đồ chúng
-Thầy ta La-Hầu-La-Đa thường nói nước Ma-Đề sẽ ra đời một vị thánh tên Già-Da-Xá-Đa nối ta truyền pháp. Nay ta và các ngươi sang nước ấy tìm. Ngài liền dẫn đồ chúng du hóa nước Ma-Đề. Đang đi trong nước nầy,bỗng có một luồng gió mát lành từ phương tây thổi đến làm mát khỏe toàn chúng, Ngài bảo chúng : -Đây là đạo đức phong,ba ngàn
dặm về phía tây ắt gặp thánh nhơn. Thầy trò đi đến một hòn núi nhìn lên đảnh có áng mây năm sắc.
Ngài bảo chúng : -Trên đảnh núi có mây tía như cái lọng ắt là chỗ thánh nhơn ở. Lên đến đảnh,quả nhiên thấy một mái nhà tranh nằm bên cạnh núi. Một đứa bé cầm gương tròn, đến trước bái Ngài. Ngài hỏi : -Ngươi bao nhiêu tuổi ?
Đứa bé thưa : -Trăm tuổi. –Ngươi còn bé mà sao trăm tuổi ? –Tôi chẳng hiểu sao,chính tôi một trăm tuổi. –Ngươi có căn cơ lành chăng ? -Phật đâu không nói kệ :<Nếu người sanh trăm tuổi không hội được cơ duyên chư Phật,chẳng bằng sanh một ngày,mà được hiểu rành rõ>. –Ngươi cầm gương tròn ý muốn làm gì ? Đứa bé nói kệ :
Chư Phật đại viên giám, Nội ngoại vô hà ế, Lưỡng nhơn đồng đắc kiến, Tâm nhãn giai tương tợ.
Dịch : Chư Phật gương tròn lớn, Trong ngoài không vết che, Hai người đồng được thấy, Tâm mắt đều giống nhau .
Cha mẹ thấy đứa bé đối đáp hợp đạo như thế, đồng ý cho Ngài làm thị giả,Ngài nhận đứa bé dẫn về tịnh-xá cạo tóc thọ giới,cho hiệu là Già-Da-Xá-Đa. Một hôm,gió thổi cái linh treo trên điện Phật khua động, Ngài hỏi Xá-Đa: -Linh kêu hay gió kêu ? –Xá-Đa thưa: -Chẳng phải linh kêu,chẳng phải gió kêu,mà tâm con kêu.–Tâm ngươi là cái gì ? -Đều
lặng lẽ. –Hay thay! ngươi khéo hội lý Phật,nên nói pháp yếu,nối đạo cho ta,chẳng phải ngươi còn ai ? Ngài liền nói kệ
Tâm địa bổn vô sanh, Nhơn địa tùng duyên khởi, Duyên chủng bất tương phòng, Hoa quả diệc phục nhi .
Dịch : Đất tâm vốn không sanh, Nhơn đất từ duyên khởi, Duyên giống chẳng ngại nhau, Hoa trái cũng như thế . Nói kệ xong, Ngài nắm cành cây mà hóa. Đồ chúng bàn nhau: < Thầy ta diệt độ ở dưới tàng cây, cũng là điềm che mát cho kẻ sau >. Liền làm lễ hỏa táng tại đây .
Tổ Già-Da-Xá-Đa (Gayasata)
Cuối thế kỷ thứ bảy sau Phật Niết-bàn.
Ngài họ Uất-Đầu-Lam ở nước Ma-Đề, cha hiệu Thiên-Cái, mẹ là Phương-Thánh. Bà Phương-Thánh thọ thai,một đêm mộng thấy có người cầm cái gương báu đến nói: <Tôi đến >. Bà chợt tỉnh giấc,nghe toàn thân nhẹ nhàn thanh thản,khác hơn ngày thường. Trong nhà có mùi hương lạ,vài lằn hào quang xuất hiện. Bảy ngày sau, Bà sanh ra Ngài.
Thân Ngài trong sáng giống như lưu-ly. Ngài thích chỗ vắng vẻ,nói ra những lời siêu việt. Nhà cha mẹ Ngài ở trên núi Bảo-Lạc-Ca. Sau khi Ngài ra đời,ngôi nhà nầy luôn luôn có áng mây tía che đậy trên không. Tổ Tăng-Già-Nan-Đề nhơn thấy áng mây ấy,tìm đến gặp Ngài. Từ đó, Ngài theo làm đệ tử Tổ
Về sau, Ngài được Tổ truyền tâm ấn và thống lãnh đồ chúng. Tùy duyên, Ngài đi vân du khắp nơi để giáo hóa làm lợi ích cho quần sanh. Khi tuổi đã già, Ngài du hóa đến nước Nguyệt-Chí. Trong nước nầy có người dòng Bà-La-Môn
Tên Cưu-Ma-La-Đa tuổi được 30 tu theo ngoại đạo,chủ thuyết tự nhiên. Ông có nuôi một con chó,mỗi khi ăn xong,
con chó ra hành lang dưới tấm rèm nằm. Có những khi mưa gió ướt cả mình,mà nó vẫn nằm đó. Người nhà sợ nó lạnh
đuổi đi chỗ khác,rồi nó cũng trở lại chỗ đó nằm. Ông Cưu-Ma-La-Đa lấy làm lạ, đem việc đó hỏi thầy ông, nhưng không giải được điều gì. Ông mong có dịp gặp những bậc tu hành đạo đức cao cả để nhờ giải nghi.
Ngài cùng đồ chúng đi đến gần nhà người Bà-la-môn nầy,bỗng thấy khí đại thừa xông lên. Ngài dừng lại bảo chúng:
-Khí nầy nếu vòng tròn như khoen đeo tai là có Bồ-Tát bên cạnh. Nay khí nầy tương tợ vòng tròn ắt có thánh nhơn gần đây. Thầy trò đi đến một đỗi,bỗng có người Bà-la-môn đến hỏi thị giả: <Thầy đây là người gì ?> Thị giả đáp: <Là đệ tử Phật>. Người ấy liền chạy thẳng vào nhà đóng cửa lại. Ngài đi theo đến nơi gõ cửa. Trong nhà nói vọng ra rằng:
-Nhà nầy không có người. –ngài hỏi: -Đáp không người đó là ai ? Cưu-Ma-La-Đa nghe nói bèn có vẻ lạ, nghi là bậc đạo hạnh bèn mở cửa. Ra thấy Ngài, ông chào và thỉnh ngồi ghế giữa, đoạn đem nghi vấn về con chó ra hỏi.
Ngài giải thích: -Con chó nầy là cha của ông, bởi có chút ít nghiệp nên đọa làm súc sanh. Xưa kia cha ông đem cả ngàn đính vàng để trong cái hũ lén chôn dưới rèm. Đến khi người chết,chưa gặp ông để trối lại,vì còn tiếc của nầy nên sanh ra làm chó để gìn giữ. Nếu ông đào được, ắt nó sẽ bỏ đi. Cưu-Ma-La-Đa liền cho người đào chỗ con chónằm,quả nhiên được hũ vàng đúng như lời Ngài nói. Ông hết lòng kính phục phát nguyện xuất gia. Ngài hoan hỷ chấp nhận làm lễ xuất gia thọ giới và cho làm thị giả. Thấy cơ duyên đã mãn, Ngài kêu Cưu-Ma-La-Đa đến dặn dò: -Xưa Như-Lai đem đại pháp nhãn trao cho Tổ Ca-Diếp truyền lần đến ta, nay ta truyền lại cho ngươi. Ngươi nghe ta dạy:
Hữu chủng hữu tâm địa, Nhơn duyên năng phát manh, Ư duyên bất tương ngại, Đương sanh sanh bất sanh.
Dịch: Có giống có đất tâm, Nhơn duyên hay nẩy mầm, Đối duyên chẳng ngại nhau, Chính sanh, sanh chẳng sanh.. Cưu-Ma-La-Đa cung kính vâng dạy, đảnh lễ thọ lãnh. Ngài dùng mười tám phép thần biến rồi vào viên tịch. Đồ chúng hỏa táng và lượm xá-lợi xây tháp cúng dường .
Tổ Cưu-Ma-La-Đa (Kumarata) Đầu thế kỷ thứ tám sau Phật Niết-bàn.
Ngài dòng Bà-la-môn ở nước Nguyệt-Chí. Gia đình Ngài trước kia giàu có, song cha Ngài vì bịnh tham tiếc chỉ một bề bo bo giữ của. Nhơn việc con chó nằm ngoài rèm,gặp Tổ Già-Da-Xá-Đa giải nghi, Ngài phát tâm theo đạo Phật,
xuất gia thọ giới. Sau khi được được Tố Xá-Đa phó chúc và truyền tâm pháp, Ngài đi vân du khắp nơi để hoằng pháp lợi sanh. Ngài đi giáo hóa đến miền Trung-Ấn,trên đường gặp một du khách tên Xà-Dạ-Đa đến lễ bái Ngài, Ông hỏi:
-Nhà con cha mẹ đều kính Tam-Bảo tu hành đúng pháp, mà sao nhiều bệnh hoạn, làm việc gì thất bại việc ấy. Hàng xóm gần nhà con,có người hung bạo giết hại làm ác càng ngày càng nhiều, mà thân thể khỏe mạnh, ra làm việc đều được như ý. Như vậy, nhơn quả nghiệp báo đâu không phải nói suông ư ? Con rất nghi lẽ nầy, mong Ngài giải nghi.
Ngài bảo: -Phật nói nghiệp báo thông cả ba đời, bởi do đời trước tạo nghiệp lành nên đời nầy hưởng quả lành. Dù đời nầy có làm ác thì quả ác sẽ chịu ở đời sau. Cho nên, có người đời nầy tuy làm lành mà đời nầy không hưởng được quả lành, vì nghiệp ác trước mạnh hơn. Có người đời nầy tuy làm ác mà không chịu quả ác, vì nghiệp lành trước mạnh hơn. Nếu do đời nầy không được quả lành, rồi lại tạo ác, thì đời sau càng sa vào đường ác. Nếu do đời nầy được quả lành, rồi lại tạo lành, thì đời sau càng tiến trên đường lành. Lại, có người đời trước làm lành được nửa đời, đổi sang làm ác, đến đời nầy nửa đời trước hưởng phước, nửa đời sau mắc họa.
Hiện nay cha mẹ ông và người hàng xóm lẽ báo ứng thiện ác cũng giống như thế, bởi nghiệp đời trước chiêu cảm nên vậy. Đâu thể căn cứ trong hiện đời mà hiểu được ? -Dạ-Đa nghe giải liền tan hết nghi ngờ. Ngài dạy thêm:
-Tuy ông đã tin nghiệp ba đời, mà chưa rõ nghiệp từ hoặc sanh, hoặc nhơn thức có, thức y nơi bất giác, bất giác y nơi
tâm. Song tâm vốn thanh tịnh, không sanh diệt, không tạo tác, không báo ứng, không hơn kém, lặng lẽ linh thông.Ông
nếu vào pháp môn nầy có thể đồng với chư Phật, tất cả thiện, ác,hữu vi,vô vi, đều như mộng huyễn. Dạ-Đa nghe được lời nầy liền phát huệ đời trước,bèn xin xuất gia. Ngài hỏi: -Ông người xứ nào ? Cha mẹ còn chăng ? Nếu thật tâm cầu đạo, nên trở về nhà xin với cha mẹ, xin xong trở lại cũng chẳng muộn. Dạ-Đa thưa: -Con là người Bắc-Ấn,cách đây hơn ba ngàn dặm, đâu thể trở lại được. Xin thỉnh Ngài đến xứ con, cho gia đình con cúng dường và nhơn đó con được xuất gia. Ngài bằng lòng, thầy trò và đồ chúng đồng sang Bắc-Ấn. Đến nhà, Dạ-Đa xin phép cha mẹ được xuất gia. Ngài làm lễ xuất gia và truyền giới cụ túc cho Dạ-Đa tại một ngôi tháp cổ, nơi quê hương của Dạ-Đa. Một hôm, Ngài gọi Dạ-Đa đến dặn dò:-Xưa Phật ghi rằng ngươi sẽ làm Tổ thứ hai mươi,nay ta trao pháp nhãn tạng cho ngươi, ngươi khéo giữgìn và truyền bá. Nghe ta nói kệ:Tánh thượng bổn vô sanh,Vị đối cầu nhơn thuyết, Ư pháp ký vô đắc,Hà hoài quyết bất quyết. Dịch: Trên tánh vốn không sanh, Vì đối người cầu nói, Nơi pháp đã không được, Đâu cần giải chẳng giải. -Lại dặn: -Kệ nầy là lời diệu, do Như-Lai thấy tánh thanh tịnh nói ra, ngươi nên vâng giữ. Dạ-Đa cung kính đảnh lễ vâng dạy. Ngài ngồi ngay trên tòa chấp tay hở ra như hoa sen nở, phóng hào quang sáng suốt soi khắp trong chúng, rồi yên lặng thị tịch.Toàn chúng xây tháp phụng thờ