TT - Trong gia đình, vì sao nhân vật luôn phải lùi một bước để nhân vật kia tiến lên bao giờ cũng là người vợ? Những lý giải của một bà vợ xoay quanh câu chuyện lùi của người phụ nữ...
Sự hi sinh luôn là đẹp, nhưng không chắc luôn là cái lợi đối với phụ nữ.
Trước khi lập gia đình, người phụ nữ nào cũng tự đặt cho mình sự lựa chọn: công danh sự nghiệp hay gia đình. Chắc chắn ai cũng được học và thẩm thấu quan điểm sự thành công của phụ nữ là gia đình. Vì vậy phụ nữ đã chọn lựa gia đình vô điều kiện, ngay cả khi sự đòi hỏi của công việc và sự nghiệp chưa quá lớn. Muôn dặm... lùi vì chồng!
Nhiều phụ nữ đã bỏ việc sau khi lấy chồng giàu và được nhà chồng đề nghị nghỉ ở nhà để chăm sóc gia đình. Nhiều phụ nữ đã bỏ nghề này, chọn nghề kia để kiếm nhiều tiền hơn, dành dụm cho chồng đi học tiến sĩ, để chồng có bằng cấp giắt đầy mình, còn mình thì nhường sự vinh danh, niềm say mê cho người đàn ông. Hằng ngày, rất nhiều người vợ đang hi sinh công việc, giảm bớt thời gian làm việc, đồng nghĩa với việc giảm bớt uy tín ở cơ quan, từ bỏ sự phấn đấu, từ bỏ những danh hiệu để có thêm nửa tiếng đi chợ, nấu cơm, cho con ăn, để chồng toàn tâm trở thành một hình mẫu đẹp nơi công sở, để chồng có sự tín nhiệm, để chồng sớm được thăng tiến...
Từ nhiều đời nay, người phụ nữ vẫn lùi và sẽ tiếp tục như thế. Ai cũng mong muốn khi mình lùi chồng sẽ thành đạt và trở thành chỗ dựa vững chắc cho gia đình. Nhưng cuộc đời không phải là bài toán dễ dàng và một chiều như thế. Cái chỗ dành cho những người đàn ông có vị trí, có tiền bao giờ cũng hẹp. Đông đảo đàn ông còn lại không thể đạt được vị trí như kỳ vọng của những người phụ nữ tự nguyện lùi. Chưa kể khi đàn ông thành đạt, có thể họ lại trở thành chỗ dựa của người khác chứ không phải người đã trót lùi vì họ. Vậy thì phụ nữ lùi phỏng có ích gì?
Không bàn về những hậu quả khi phụ nữ rút lui vào hậu trường, những bài học về sự phụ thuộc, thiếu tự chủ của phụ nữ đã quá nhiều. Điều cay đắng nhất của nhiều phụ nữ khi ra tòa ly hôn, khi kể lể công trạng về những hi sinh của mình cho chồng thì người chồng ráo hoảnh: “Ai bảo cô làm thế, tôi có bắt cô đâu?”.
Sao lại không song hành?
Chưa đòi đã nhường, ấy chắc hẳn là quan điểm của nhiều phụ nữ trước sự lựa chọn công việc và gia đình.
Gia đình hẳn sẽ thiệt thòi nếu người chồng không có khả năng thăng tiến, còn người vợ cứ ảo tưởng, nhất nhất rằng: chỉ cần mình là hậu phương vững chắc chồng sẽ thành đạt. Có lấy xe ủi mà ủi đằng sau thì người chồng ấy vẫn thế thôi, vì khả năng anh ta có vậy. Còn vợ thì đã bỏ bê mọi thứ mất rồi, vì cho rằng mình đang là người hi sinh vĩ đại. Phụ nữ không nhất thiết phải trở thành người đứng sau chồng và tốt nhất cũng không nên là người đứng sau. Hai người cùng đi trên một con đường, vị trí song hành là đẹp nhất, hạnh phúc nhất. Tại sao phụ nữ phải từ bỏ khả năng, ước mơ, niềm say mê của mình, phải hi sinh cho gia đình chỉ vì cho rằng chồng mình chắc chắn làm tốt hơn mình? Gia đình không cần sự hi sinh mù quáng và mẫn cán đó. Gia đình cần sự vun đắp của cả chồng và vợ. Tại sao không phải là cả hai cùng làm, cùng chia sẻ? Nhiều người cho rằng đôi khi cuộc sống bắt buộc ta phải chọn lựa. Điều đó không sai, nhưng thật ra đấy chỉ là đôi khi thôi, là đặc biệt, là số ít. Và sự chọn lựa nhiều khi không phải là chọn cái này hay bỏ cái kia. Chọn lựa chính là chọn cách nào, như thế nào để đạt được điều ta mong muốn chứ không phải là sự hi sinh vô ích hay những bước lùi thiếu tính toán.