Đã lâu lắm rồi chúng tôi mới trở về thăm lại thầy cô trong không khí của ngày Nhà giáo. Dạo mới ra trường còn siêng năng khi còn nhiều bè bạn; nhưng rồi cuộc sống cứ trôi, bè bạn thưa dần, công việc bận rộn nên chẳng mấy khi về được đúng vào dịp này.
Năm nay người phát động phong trào không phải là các bạn trẻ mới ra trường mà là các chị K90, khối đàn chị “già” nhất làng nhưng tâm hồn còn phơi phới trẻ! Chắc cũng lâu lắm rồi các chị mới có dịp hẹn nhau sau gần 20 năm bôn ba từ dạo ra trường.
Hôm nay ngày cuối tuần chúng tôi về lại Tân An nơi mà chúng tôi vẫn thích gọi là thị xã như 20 năm về trước dù bây giờ Tân An đã là thành phố. Cảnh vật đã nhiều đổi thay sau ngần ấy năm. Đã không còn những cánh đồng bát ngát trên đường về sau một quá trình hỗn tạp công nghiệp và đô thị hóa. Những con đường nhựa đã thay cho những con đường đá đỏ khiến cho Tân An trở nên khang trang và đẹp hơn nhưng lại khiến chúng tôi một phen vất vả để tìm ra những con đường, những địa điểm xưa mà giờ đây đã khác xa ký ức. Ở Tân An người ta vẫn chưa quen gọi tên đường, nhất là những con đường ven mới mở mà thay vào đó người ta gọi tên địa danh ngày trước ví dụ ngã tư Kỳ Son, khu cư xá phường 4, khu Tịnh xá Ngọc Thành, khu Sở Giáo dục…
Địa điểm đầu tiên chúng tôi tìm về là nhà của “bố” Uyển. Theo ký ức của chúng tôi nhà thầy cách ngã tư Kỳ Son một đoạn khá xa nhưng giờ đây con hẻm nhà thầy chỉ cách ngã tư vỏn vẹn có vài căn nhà (phần vì đường mở rộng phần vì ngày xưa đạp xe rớt mồ hôi nên cảm thấy xa). Căn nhà đã xây lại hoàn toàn mới nhưng chúng tôi vẫn có thể mường tượng cảnh vật xưa cùng bóng dáng thầy như mười mấy năm trước. Thời gian trôi thật nhanh. Sang năm đã là ngày giỗ lần thứ mười của thầy. Trong căn nhà này chỉ còn lại mình cô thui thủi một mình. Suốt mười năm qua trong căn nhà ấy có một người vợ rất mực yêu chồng đến độ trước khi đi làm và trở về sớm tối đều quen thuộc một lời chào “thưa anh em đi làm/ thưa anh em mới về” như ngày thầy vẫn còn đâu đây. Mỗi lần về thăm cô đều rất vui và hướng lên di ảnh nói với thầy “anh ơi các con về thăm anh đây!” Cô kể thuở sinh thời thầy không thích học trò mang quà tặng thầy ngày nhà giáo. Thầy chỉ gặp học trò ở trường. Đứa nào mò đến nhà thầy đều bị thầy mắng “Con về mà lo học hành. Sau này khi nào thành đạt rồi hãy về thăm thầy”…Chúng tôi thấp hương cho thầy. Thầy vẫn một nụ cười hiền lành không có tuổi. Chúng tôi không khỏi nghẹn ngào khi đọc được trên di ảnh của thầy câu đối tiếc thương “Chàng vôi vã ra đi, nợ nước nặng oằn, ân nhà triều triệu, nghĩa môn sinh vời vợi, trăm mối ngổn ngang, niềm thương tưởng đất trời khôn tỏ xiết! Thiếp cam đành ở lại, cha già khắc khoải, con trẻ ngây ngô, tình huyết nhục cưu mang, một lòng quặng thắt, cầu ANH LINH sớm tối độ trì cho!” Đã hai lần cô trong cơn thập tử nhất sinh, đặt một chân vào cửa thần chết nhưng đều vượt qua được. Có lẽ thầy nơi chín suối đã độ trì cho cô. Số phận nghiệt ngã đã làm họ chia lìa nhưng tình yêu cô và thầy sẽ không có tuổi. Một tình yêu thật đẹp!
Chia tay cô, chúng tôi ra đầu chợ để tìm về ký ức tuổi thơ. Chị Trúc sau bao năm ở Úc đã rất thèm gỏi cuốn, chè bà ba, chả giò, hủ tiếu…Tôi hiểu khi có lần qua thăm thành phố nơi chị sống; cũng có gỏi cuốn, chả giò nhưng không thể như không khí quê nhà. Tiếng cười đùa vang cả buổi chợ trưa. Lâu lắm rồi mới có một ngày các chị tạm quên gia đình nhỏ của mình để trở về tuổi thơ như những đứa học trò hồn nhiên ngày trước.
Địa điểm tiếp theo là nhà thầy Hiệp. Trong ký ức ngày xưa nhà thầy là một căn nhà gỗ gần bến sông. Nhưng thầy đã dọn đi nơi khác 14 năm rồi. Thầy hướng dẫn một câu ngắn gọn “ngày xưa tụi con đi xuống mé sông, bây giờ hãy đi theo hướng ngược lại”. Nhờ có Huy K01 dẫn đường nên chúng tôi tìm ra nhà thầy nhanh chóng. Nhà thầy có một mảnh vườn nhỏ bên hông trồng vài loại rau quả và đặc biệt có một cây đu đủ trĩu quả trước sân nhà khiến cho các chị mãi mê trầm trồ khi tưởng tượng ra món gỏi đu đủ giòn giòn hấp dẫn. Buổi trưa nhà thầy vắng lặng, mảng sân vườn đầy gió khiến chúng tôi có cảm giác đang ở một vùng quê tĩnh lặng hơn là ở thành phố Tân An. Nhưng hôm nay nhà thầy bỗng thật rộn ràng bởi tiếng nói cười huyên thuyên của lũ học trò đã “già ngắt”. Thầy rất vui khi gặp lại học trò, đặc biệt có người từ rất xa về lại. Thầy đã già đi nhiều so với trước. Đã gần 20 năm rồi còn gì. Những người học trò năm xưa của thầy giờ đã lớn khôn. Chị Trân giờ đã là bác sĩ, giảng viên Đại học Y Dược, chị Châu là bác sĩ bệnh viện Long An, chị Kim Hiệp là giảng viên trường cao đẳng, chị Phúc Long là kế toán trưởng một tập đoàn lớn, chị Trúc là cô giáo một trường ở Melbourne…Hai mươi năm trước, cũng những buổi trưa lộng gió như thế này, chúng tôi ngồi học với thầy từng phương trình, từng bài toán. Khi ấy chưa ai có thể hình dung được con đường mình sẽ đi phía trước như thế nào nhưng chính những gì thầy cô trao cho chúng tôi lúc ấy đã chắp cánh cho chúng tôi một hành trình dài…
Chị Châu, chị Trân rất vui khi nhận ra chiếc bàn học con con mà mọi người đã từng ngồi học vẫn còn. Hồi đó học trò LQD đứa nào cũng gầy nhom. Mấy đứa mà ngồi chung chiếc ghế đóng bằng miếng ván mỏng cũng không hề hấn gì…
Mỗi lần trở về chúng tôi thích tìm lại những kỷ niệm xưa còn sót lại. Đó là những dòng chữ ngệch ngoạc khắc trên mặt bàn, những chiếc ghế, những tấm bảng mà thầy cô đã dùng từ mấy chục năm về trước. Ví dụ khi ghé nhà thầy Biết, tôi thích tìm chiếc chân bàn có chạm hình con sư tử mà tôi hay thích gát chân khi học toán cùng thầy. Ghé nhà thầy Hiệp thì mọi người thích tìm chiếc bàn gỗ ốm nhom, gầy còm như lũ học trò ngày trước. Còn ghé phòng tía Hòe thì chúng tôi tìm chiếc ghế gỗ bóng loáng của thầy mà mấy chục thế hệ chúng tôi có dịp…đặt mông trên đó. Và biết ý học trò nên các thầy cũng hay giữ lại những kỹ vật ấy dù trông chúng có vẻ không phù hợp lắm trong một không gian mới. Thầy chỉ cho chúng tôi ngày xưa chị Châu ngồi chổ này, chị Trân ngồi chổ kia. Nhờ có thầy mà chúng tôi biết được những bí mật dễ thương của các anh chị..Hai mươi năm đã trôi -qua nhưng những lần về lại ký ức vẫn đong đầy…
Chúng tôi tranh thủ ghé tặng hoa chúc mừng thầy cô nhân dịp trường chuyên Long An tổ chức mừng ngày Nhà giáo. Đây là lần đầu tiên chúng tôi ghé thăm trường nên cũng không tránh khỏi sự bỡ ngỡ. Sự kiện chia tách hai trường LQD và chuyên Long An đã khiến chúng tôi đứng giữa đôi dòng. Dù biết cuộc sống này không có gì là mãi mãi nhưng cũng không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng như mất đi một cái gì thân quen lắm. Cũng may nhờ có sự quan tâm của ban giám hiệu của cả hai trường mà CHS chúng tôi có được sự kết nối. Khái niệm “về thăm trường” đối với chúng tôi giờ đây có một ý nghĩa rộng hơn, vượt ra khỏi khái niệm một ngôi trường cụ thể…Những bỡ ngỡ lúc đầu cũng nhanh chóng qua đi khi chúng tôi nhận được sự đón tiếp thân tình từ thầy hiệu trưởng và các thầy cô khác. Có một niềm an ủi là mỗi khi về trường dù ở LQD hay CLA chúng tôi đều gặp lại khá đầy đủ thầy cô của cả hai bên, kể cả những thầy cô đã nghỉ hưu như thầy Tri, thầy Âu, thầy Quang Hai. Mong sao vẫn còn nhiều dịp gặp lại đầy đủ thầy cô như thế. Ngoài ra mỗi lần về trường chúng tôi còn biết thêm nhiều thế thế hệ thầy cô giáo trẻ. Trong số họ rất nhiều người cũng là học trò LQD ngày xưa. Chính những anh em trẻ ấy sẽ tiếp bước cho sự nghiệp “trồng người” khi các thầy cô không còn đứng trên bục giảng.
Rời trường chúng tôi tiếp tục ghé thăm nhà “bố” Biết. “Bố” Biết là người có trí nhớ siêu phàm có thể nhớ tên tuổi, ngày sinh, gia cảnh, quá trình học tập, công tác của rất nhiều thế hệ học trò. Thầy như một “danh bạ sống” khi có ai đó muốn tìm lại bạn bè. Năm tháng trôi qua thầy vẫn âm thầm dõi theo bước chân của nhiều thế hệ học trò. Thầy cũng là người duy nhất liên tục cập nhật những ứng dụng công nghệ số như email, skype, facebook, netlog để có thể giữ liên lạc được với học trò. Ngày sinh của thầy nhiều học trò không nhớ nhưng bạn đừng ngạc nhiên nếu nhận được lời chúc của thầy đúng ngay ngày sinh nhật của mình. Bởi vậy, mỗi lần về với thầy là có biết bao chuyện vui khi chúng tôi được dịp ôn lại rất nhiều những câu chuyện đắm chìm trong ký ức. Lớp chúng tôi có đứa thầy còn biết cả thế hệ ba mẹ và vài mươi năm nữa, thế hệ con em của chúng tôi nếu có dịp có thể cũng sẽ được nghe thầy kể vanh vách về cái thời học trò của bố mẹ chúng nó…Ngày chúng tôi vào trường thầy cũng trạc tuổi chúng tôi bây giờ nhưng giờ đây tóc thầy đã bạc trắng…
Rời nhà thầy cũng là lúc nắng chiều gần tắt. Chúng tôi tiếc là không kịp thăm được nhiều thầy cô như dự định. Đành hẹn nhau những dịp sau mà cũng không biết khi nào.
Có lẽ hôm nay là một ngày rất vui đối với các chị. Chắc lâu lắm rồi các chị mới có một dịp tìm về những ngày tháng tuổi thơ vui đùa hồn nhiên thỏa thích. Cuộc sống vốn khắc nghiệt khiến người ta thường phải khoát lên mình nhiều chiếc mặc nạ. Có người khi vào công việc thì phải cân não để đối phó với những rủi ro trên thương trường.Có người khi bước lên bục giảm cần phải thật nghiêm trang. Có người khi ở công ty thường phải giữ vẻ mặt đăm đăm vì đã “lỡ”… làm sếp. Chỉ có khi trở về trường, trở về với bạn bè, trở về với thầy cô, trở về với tuổi thơ là khi người ta có thể không cần mặt nạ. Đó là nơi người ta có thể tìm lại chính mình…. Nhìn các chị tranh nhau nói cười ồn ào như lũ học trò 20 năm về trước chúng tôi thấy mình như trẻ lại. Lũ học trò ngày nào đã tìm lại được những ký ức thân thương.
Hai mươi năm một khoảng thời gian khá dài để lũ học trò năm xưa đủ lớn khôn nhưng mỗi khi về lại với thầy cô chúng tôi vẫn cảm thấy mình bé bỏng như ngày nào như khi mùa hè cuối cùng về thầy ân cần dặn “hè đến rồi, các con đi thật bình an!”.
19/11/2011
__________________ Mọi lý thuyết đều là màu xám. Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi...
thay đổi nội dung bởi: MarsNIIT, 01-12-2011 lúc 10:11 PM.
Lý do: Xóa một vài chi tiết theo yêu cầu tác giả