Ðề: Thầy Uyển
Có lẽ bằng chính những trãi nghiệm trong cuộc sống thăng trầm của mình mà kiến thức sống của thầy rất phong phú. Thầy kể về những năm tháng mới ra trường với lòng nhiệt huyết của một thầy giáo trẻ để rồi cùng với những năm tháng thăng trầm của đất nước đã làm cho cuộc đời thầy khá nhiều sóng gió. Cuộc đời thầy thăng trầm như là một định mệnh được báo trước. Khi còn nhỏ thầy rất thích học chữ Hán, thứ chữ mà thầy bảo rằng thời gian học từ khi một chàng trai bắt đầu yêu một cô gái cho đến khi cô ta đi lấy chồng thì vốn chữ Hán mới tạm dùng được. Thầy thuộc nhiều thơ chữ Hán. Một hôm có ông cụ bạn của ba thầy đến chơi, thấy thầy đọc vanh vách một bài thơ chữ Hán, ông cụ phán luôn một câu “thằng nhỏ này sau này sẽ khổ”!. Thời thế thay đổi, có những lúc thầy cảm thấy buồn phiền vì sự đời bạc đãi. Dường như có giai đoạn thầy bị xem là “con người cũ” nên không được trọng dụng. Với lại thầy thường hay phê phán những cái xấu, cái ấu trĩ, cái thói hợm mình, cái thói đạo đức giả nên cũng có nhiều người ghét. Thầy bảo đã từng bị học trò học trò tố cáo với cấp trên vì dám “phê phán chế độ”. Nên có lần thầy nói đùa khi sắp nói đến vấn đề gì nhạy cảm trong lớp thầy hỏi xem có ai đặt máy ghi âm không. Có lần tôi biết có một chị viết trên báo tường một bài viết thật cảm động về thầy nhưng sau đó tôi biết một người khác tỏ ý không hài lòng ra mặt. Tôi cảm thấy buồn tại sao người người phản đối đó lại có thể nói ra trước mặt học trò của mình.
Nhưng trong những bước thăng trầm đó thầy cũng có nhiều niềm vui trong cuộc sống khi nhận được rất nhiều tình cảm của học trò. Thầy kể chuyện khi mới ra trường thầy được cô học trò nữ làm thơ tặng như thế nào. Thầy còn đọc cả bài thơ cho lớp tôi nghe…
Tôi thích thầy ở cái sự nghiêm nghị nhưng rất tình người khi giải quyết mọi vấn đề. Thầy thường đặt mình vào vị trí của người khác nên có sự thấu hiểu rất tâm lý. Ngày tết khi phân công học sinh thị xã trực trường, thầy sợ các bạn so bì nên dí dỏm giải thích rằng “các em ở gần trường nên được phân nhiệm vụ, còn ví như bắt thằng H ở Cần Đước đang gói bánh tét mà lên trực trường thì tội quá!”. Thầy la rầy nhưng ít khi giận. Một hôm gia đình M lớp tôi gọi điện có chuyện gấp, nhưng khi nhờ bạn Như Huyền lên gọi thì mới hay M cúp học buổi đó. Hôm sau, gặp M. thầy trách ‘hôm qua tôi đã cho hoa khôi học giỏi nhất trường lên gọi mà nỡ nào em không đi học”. Vậy mà có một lần lớp tôi làm thầy giận. Số là thầy dặn về đọc những câu hỏi 3 điểm trong bộ đề văn để kiểm tra. Hôm sau vào thầy cho một đề khác. N lớp tôi nói tỉnh bơ: “Ủa câu này 6 điểm mà thầy!” Thầy đứng lên bỏ xuống văn phòng một mạch. Nhưng hôm sau thầy hết giận ngay.
Năm học cuối cùng rồi cũng hết. Buổi học cuối cùng thầy dặn dò lớp tôi rất nhiều điều. Thầy nói rằng lớp tôi là lớp chuyên văn cuối cùng thầy dạy – những con “dê” cuối cùng đã tuyệt chủng. Tôi nhớ câu nói cuối cùng của thầy trước lớp: “Thôi bây giờ chúng ta chia tay!” rồi quầy quả bước đi như để tránh giây phút chia tay bịn rịn.
Suốt mấy năm trời ra trường tôi chỉ có dịp về thăm thầy vài lần. Rồi một ngày đầu năm 2002 tôi nghe tin thầy nằm viện. Cứ ngỡ như bao lần. Tôi đến thăm thầy ở bệnh viện Chợ Rẫy nơi có rất nhiều học trò LQD công tác. Chắc hẵn các bệnh nhân cùng phòng với thầy cũng ngạc nhiên về một bệnh nhân mà suốt ngày không ngớt học trò đến thăm. Có cả những bó hoa hồng tươi thắm nằm trên đầu giường cho học trò gửi đến. Không biết bao nhiêu thế hệ. Nhìn thầy vàng vọt nhưng vẫn cứ tươi cười trò chuyện và hỏi thăm từng đứa học trò. Chị Yến Xuân thắc mắc mấy chữ Hán trong một quyển sách mà thầy đọc, thầy vui vẻ đọc và giải nghĩa như những ngày trên lớp. Tôi hỏi chị bệnh tình của thầy có phải cữ ăn uống thứ gì không. Chị buồn bã lắc đầu “ Thầy không còn được bao lâu nữa”.
Kỹ niệm cuối cùng giữa tôi và thầy là khi thầy tiễn tôi về. Mặc dù khuyên thầy nằm nghỉ cho khỏe, thầy vẫn tươi cười rảo bước theo sau. Trong bộ đồ bệnh viện, thầy tiễn tôi đến tận thang máy còn dặn tôi chạy xe về cẩn thận. Đó là lần cuối cùng tôi được gặp thầy. Vài tuần sau tôi về thị xã định ghé thăm thầy thêm lần nữa nhưng thầy đã về quê tận miền Trung để chào từ biệt họ hàng lần cuối khi biết trước được định mệnh của mình. Dạo quanh sân trường tôi vẫn cứ như chờ đợi thầy xuất hiện như bao ngày và tự hỏi không biết có còn dịp nào để gặp thầy không. Tôi vẫn nhớ những hình ảnh thầy tất bật xếp thời khóa biểu bằng những miếng gỗ đầy màu sắc tượng trưng cho các môn học vào lúc cuối mùa hè. Thầy nằm viện mà vẫn mong mau được về để xếp lịch cho kịp mùa khai giảng. Nhưng rồi từ mùa khai giảng năm học 2002 -2003 mãi mãi không còn dịp nào nữa.
Ngày 10 tháng 6 năm 2002, một buổi sáng mùa hè ảm đạm. Hồng Nhung gọi điện cho tôi bằng giọng thật buồn báo tin thầy đã mất. Chiều hôm đó tôi cùng một số anh chị về viếng thầy. Trong ngôi nhà nhỏ quen thuộc nơi thầy vẫn thường hay tiếp chúng tôi, di ảnh của thầy vẫn cười tươi ấm áp. Chúng tôi ngồi nghe cô kể chuyện về thầy. Trước khi mất thầy tâm sự với cô là cả cuộc đời thầy dành cho học trò và những ngày thầy nằm bệnh chính tình cảm của học trò đã làm thầy mãn nguyện. Duy chỉ có một điều làm thầy khóc nhiều là thương cho cô và em Khôi. Chúng tôi viết vào sổ tăng những dòng từ biệt người thầy của mình. Có ai đó viết những dòng thổn thức ‘thầy ơi con trở về đây thầy đã không còn nữa rồi. Chúng con mãi mãi không còn được nghe những lời thầy giảng…” Chị Ngọc Diễm phát hiện ra một nét chữ ai đó rất giống nét chữ thầy nhưng tự trấn an chắc là không phải. Tôi cười bảo chắc chắc là không phải rồi. Chúng tôi đã ngồi hàng giờ bên áo quan thầy để kể về những kỹ niệm, không có tiếng khóc nghẹn ngào mà chỉ có những câu chuyện ấm áp như thầy vẫn còn đâu đây…
Bảy năm thầy đã đi xa nhưng mỗi khi nhắc đến thầy tôi đều rưng nước mắt. Sống trên đời có người thương kẻ ghét cũng là lẽ thường tình. Nhưng đối với tôi, một đứa học trò được học rất nhiều điều từ thầy, thì thầy vẫn luôn là một người thầy đáng kính. Bảy năm thầy đi xa nay tôi mới có thể gửi đến thầy đôi điều như một nén hương tưởng nhớ đến người thầy nhân lần giỗ thứ bảy.
__________________
Mọi lý thuyết đều là màu xám. Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi...
thay đổi nội dung bởi: duonghoanghiep, 10-06-2009 lúc 07:05 PM.
|