Ông là người thiết kế chủ trương “bù giá vào lương” đột phá thành trì bao cấp những năm 1980. Ông đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 22-5.
1. Năm 1978-1979, hậu quả khắc nghiệt của cơ chế bao cấp đã lan ra đến tận chiến trường biên giới. Bộ đội chiến đấu dù được ưu tiên tiêu chuẩn 21 kg gạo/tháng nhưng vẫn phải độn 5-7 kg khoai mì, khoai lang, bo bo, bột mì... Không gì bất hợp lý bằng chuyện các lò bánh mì “chui” ở vùng đô thị thiếu nguyên liệu phải mua bột mì chợ đen với giá cao ngất ngưởng, còn những người lính trên Đồng Tháp Mười lúa vàng màu mỡ nhất nước lại phải ăn bột mì.
Tôi về phép, má tôi giấu cái nghèo trong bộ quần áo lành lặn nhất nhưng cũng đã sờn vai, rách gấu. Để đãi tôi có bữa ăn ngon, má phải kêu bán lậu con heo lấy lại bộ đồ lòng. Cuộc sống thật khắc nghiệt, lúa trúng đầy bồ nhưng nông dân xơ xác vì giá mua rẻ như cho, chỉ hai mươi xu một giạ. Nông dân đem lúa xay gạo ăn phải mang theo sổ và chỉ được xay theo định mức đầu người. Cán bộ, nhân viên được cấp số lương tượng trưng và số hàng nhu yếu phẩm hàng tháng, hàng quý theo cái nhà nước có... Thời đó, để sống được hầu như ai cũng phải làm một “con phe”, phải về nhà mang lậu ít lít gạo, con gà, chục trứng. Người quê lên thành ai cũng mang lậu ít trái dừa, thịt mỡ cho con cháu.
Năm 1983, tôi ra quân đi học đại học, cuộc sống bao cấp ở Sài Gòn lại càng nghiệt ngã...
2. Hè năm đó tôi về Long An như rơi vô một thế giới lạ. Rào cản, ngăn sông cấm chợ vẫn còn đó nhưng có một khe cửa hẹp để người ta có thể mua bán, giao dịch với nhau. Cán bộ, nhân viên được nhận tiền lương sòng phẳng, không còn phải buộc mua hàng phân phối. Người nông dân có giấy hoàn thành nghĩa vụ nông nghiệp được “mua bán hàng đối lưu”, “hàng hai chiều” với thương nghiệp nhà nước, hợp tác xã và có quyền dùng số hàng này đi trao đổi lấy hàng hóa khác ở địa phương khác. Tiếp theo đó, chuyện mua bán hàng đổi hàng dần dần được tiền tệ hóa. Bữa ăn của từng gia đình được cải thiện, cái mặc của dân cũng dần tươm tất hơn và hệ thống mua bán tư nhân lại rụt rè sống dậy.
Người dân truyền nhau tác giả của sự xé rào, thay đổi kỳ diệu đó do ông bí thư Chín Cần là tư lệnh và ông Tư Giao, Trưởng ty Thương nghiệp là nhà thiết kế. Nguyên ông Chín Cần là người có cái đầu thực tiễn. Sau năm 1975, thấy những hiện tượng không bình thường của kinh tế-xã hội, ông lặn lội đi chiêu hiền đãi sĩ, tìm người cùng tâm huyết phá thế khó khăn. Trong đó, ông gặp được ông Tư Giao người Tân Trụ, Long An, nguyên là trí thức tham gia Thanh niên tiền phong và kháng chiến suốt hai thời kỳ. Năm 1976, ông Tư Giao đang là ủy viên Ủy ban Kinh tế kế hoạch khu Trung Nam bộ được ông Chín Cần rước về làm trưởng Ty Thương nghiệp, phó chủ tịch tỉnh rồi trưởng ban Kinh tế kế hoạch tỉnh. Và chính bộ đôi tâm đầu ý hợp này đã tạo ra cuộc phá rào ngoạn mục.
Trong thời điểm đó, đang đầu tư khai thác Đồng Tháp Mười, tỉnh không có tài nguyên đặc sản, công nghiệp còn manh mún. Thế nhưng chỉ bằng cải tiến trong thương nghiệp, Long An đã tự cân đối được thu chi ngân sách và là một trong chưa đến 10 tỉnh thành của cả nước có dư để nộp ngân sách cho trung ương.
3. Hồi đó tôi đến gặp ông Tư tại trụ sở của Ban Kinh tế kế hoạch Tỉnh ủy. Căn phòng ông Tư vắng vẻ, không có cảnh người xin chữ ký, thư ký, phục vụ..., chỉ có mình ông và những tủ sách. Ông cười: “Đừng nghĩ mình là ông trời, buộc mọi việc theo ý mình. Thật ra xã hội đã tự thân vận động, công việc của người hoạch định chính sách rất đơn giản, thấy chỗ nào bị tắc thì khơi thông dòng chảy”. Ngẫm lại, chuyện những năm về trước chỉ là phá đi những rào cản duy ý chí của cơ chế quản lý quan liêu. Cái quan trọng là người lãnh đạo như ông Chín và người trí thức như ông đã gặp nhau và có cơ hội phá đi rào cản đó.
Sau thành công đó, ông được một số nhà lãnh đạo chú ý. Cuối năm 1987, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào xin cho ông sang Lào làm cố vấn. Sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có ý điều ông ra Hà Nội làm thư ký riêng. Thế nhưng việc sắp xếp ấy không thành. Ông đành về lại Long An để... dưỡng già.
Chuyện đời ông “lưỡng quốc quân sư” là bài học thành công của sự đột phá, của sự ăn ý giữa người lãnh đạo và người trí thức, đồng lòng phá bỏ những rào cản bất hợp lý, cản trở sự vận hành của các quy luật khách quan.
__________________ Necessity is the mother of in(ter)vention.
Speak softly & carry a big stick. My Technical Blog