Ðề: Bỗng Dưng Muốn Khóc - Một phim truyền hình hay
Hôm nay tập phim có nói đến quyển truyện Không Gia Đình ( quyển truyện cũng nhằm nói đến nhân vật Trúc và Nam ) là 2 nhân vật chính rơi nước mắt khi đọc .
Gem trích đoạn câu chuyện đó :
Trích:
"[Đăng nhập để xem liên kết. ]" dạy tôi biết sống
Tôi còn nhớ như in màu mực trên trang bìa cuốn sách ngày ấy. Hình ảnh cụ già, trên vai có con khỉ nhỏ, tay gậy, tay dắt đứa bé, bên cạnh là ba con chó cứ theo tôi suốt những năm thơ ấu. Đó là món quà mà tôi được tặng vào năm lớp năm, là quyển sách có tác động rất lớn đối với tâm hồn thơ trẻ của tôi.
Ngay câu mở đầu đã làm tôi cuốn hút: “Tôi là một đứa trẻ người ta nhặt được”. Tôi xót xa cho Remy, không mẹ cha, không họ hàng, gốc tích, lưu lạc đói khổ cùng cụ Vitali, có khi suýt chết đói, chết rét, chết vì tù tội. Tôi nhớ đến bạn bè cùng lớp mình, những đứa trẻ nông thôn sau chiến tranh, nhiều bạn không còn ai, sống nương nhờ làng xóm và tôi cảm nhận hạnh phúc của mình, cái được của mình giữa bao cái mất của bạn bè và nhân vật. Có những trang sách đẫm nước mắt của tôi.
Trước đó, tôi chưa bao giờ biết nhường phần cho ai, không muốn ai đụng vào đồ đạc của mình, không chia cho em, dù chỉ một mẩu bánh tráng! Vậy mà tôi đã thay đổi từ sau khi đọc “Không gia đình". Remy đã lớn lên trong gian khổ nhưng trong tâm hồn em không có chỗ cho sự ích kỷ, độc ác. Người thầy đầu tiên của em, cụ Vitali tội nghiệp đáng kính, đã dạy em sống ngay thẳng, gan dạ, tự trọng và thương người. Những người bạn của Remy, chú bé Matchia tháo vát, thông minh, một tài hoa nghệ thuật, một tấm lòng vàng; con chó Capi rất có nghĩa, con khỉ Giôlicơ đáng thương… đã chia sẻ cùng em những giây phút hoạn nạn, những khoảnh khắc sung sướng của cuộc sống lang thang, đã giúp em mau chóng trưởng thành. Dù cuộc sống ngày mai bấp bênh và hôm nay cũng không có gì đảm bảo, đốm lửa tình người vẫn cứ lóe sáng trong tâm hồn em, em luôn nhớ ơn nghĩa, muốn làm người có ích.
Sau này, mỗi khi hạnh phúc, vui sướng, những tình cảm xưa với quyển sách lại nhắc tôi nhớ đến Remy, đến tình cảnh những người xung quanh, cố gắng sống tốt hơn, nhân ái hơn. Không gia đình” dạy cho tôi giá trị của lao động, cuộc phiêu lưu hấp dẫn của chú bé là một cuộc vật lộn gian khổ để tồn tại và chính nhờ thế mà trưởng thành. Những lúc tha phương bên ông già Vitali và bầy khỉ, chó để biểu diễn kiếm ăn đã tôi luyện tính kỷ luật và tài năng của người nghệ sĩ bé nhỏ. Mòn chân trên những nẻo đường từ nước Pháp sang Anh, Remy đã lớn lên về thể chất, hiểu biết nhiều điều về thế giới con người, có một cái nhìn tổng quát về lao động. Không còn đơn thuần là miếng ăn, lao động mà còn là niềm vui sống và cách tự khẳng định mình. Lao động, cũng là cách để con người gia nhập xã hội, khẳng định cái tôi của chính mình, cũng đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại.
Lần đầu tiên tôi làm quen với hai chữ “tiến lên”, để rồi trong những khoảnh khắc buồn đau, tuyệt vọng khi thất bại, tôi lại nhớ đến lời Remy: nếu một đứa trẻ làm điều dại dột thì sau lưng chúng có người đưa tay ra cho chúng níu khi chúng trượt, đỡ khi chúng ngã. Vững lòng khi sau lưng mình có bàn tay và ánh mắt của cha mẹ, anh chị, thầy cô, tôi đã vào đời sau khi nếm đôi mùi thất bại. Giờ đây, tôi có thể dạy các con mình và nâng đỡ khi chúng cần.