Trong một lần “tháp tùng” bạn gái đi mua máy tính, sau hơn 2 tiếng đồng hồ tham khảo tại các công ty máy tính lớn, chúng tôi chợt nhận ra một điều là có khá nhiều khách hàng không chọn các máy tính đã được ráp sẵn mà lại chọn cách mua đồ rời về ráp. Phải chăng người tiêu dùng đã không tin tưởng vào chất lượng của các máy tính ráp sẵn, hay là cái thời của máy tính tự ráp đã tới?
Ráp sẵn hay là tự ráp?
Xét về khía cạnh “túi tiền” của người tiêu dùng, hiện nay các mẫu máy tính nguyên bộ thương hiệu Việt Nam có mức giá khoảng trên duới 500 USD, rất phù hợp với túi tiền của khách hàng trung bình và nếu như tính chi tiết mức giá giữa máy tính ráp sẵn và tự ráp thì giá cả cũng không chênh nhau là mấy.
Tuy cùng là mua máy tính nhưng mỗi cách mua lại có những bảo đảm khác nhau. Nếu chọn mua máy tính ráp sẵn, người mua sẽ nhận được chế độ bảo hành khá ưu đãi (có thể là từ 1-3 năm) và khi có bất cứ hỏng hóc gì, thì đơn giản chỉ cần gọi điện đến nhà cung cấp và yêu cầu kỹ thuật viên tới tận nhà chăm sóc. Với mua đồ về tự ráp thì người mua vẫn có thể có thời gian bảo hành cho các thiết bị riêng lẻ từ 1-3 năm. Tuy nhiên nếu có bất cứ hỏng hóc gì thì chính họ sẽ là người tự xác định và đem các thiết bị hỏng hóc đến nơi cần bảo hành.
Tự ráp máy tính sẽ giúp người mua làm chủ được công nghệ!
Có nhiều lý do để mọi người lựa chọn máy tính đồng bộ. Tuy nhiên thực tế lại hoàn toàn trái ngược, ngày càng có nhiều người tìm đến máy tính tự ráp như một giải pháp tối ưu cho việc có một chiếc máy mạnh mẽ và phù hợp với điều kiện công việc và kinh tế của mình.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế
Khi mua máy tính, mỗi người có một mục đích sử dụng khác nhau. Người thì mua để phục vụ công việc, người thì mua để nghe nhạc xem phim, người thì chơi game. Điều đó giải thích vì sao ngày càng có nhiều người muốn trực tiếp tạo nên một chiếc máy tính của riêng mình hơn là bỏ ra một khoản tiền để mua một chiếc máy ráp sẵn về nhà.
Một lý do quan trọng nữa là với những kiến thức tin học được cung cấp trên các tạp chí chuyên về công nghệ thông tin xuất hiện ngày càng nhiều, người sử dụng thích tự mình quản lý và sửa chữa máy tính hơn là bỏ tiền ra mời thợ đến chỉ vì những hỏng hóc lặt vặt. Lựa chọn kỹ càng các thiết bị phần cứng là chìa khóa để tạo ra một công cụ làm việc tốt và phù hợp nhất cho công việc. Chẳng hạn nếu là một video editor thì một card màn hình tốt, bộ xử lý mạnh, bộ nhớ lớn và một ổ cứng dung lượng lớn... luôn là những thứ ưu tiên hàng đầu, còn với các gamer thì một video card “ngon lành” là điều tối quan trọng. Cấu hình của một số máy tính ráp sẵn không thể đáp ứng được những nhu cầu riêng biệt của mỗi người và 90% khách hàng trong những trường hợp như vậy sẽ lựa chọn giải pháp “PC tự ráp” như một giải pháp tối ưu.
“Làm chủ công nghệ, ai mà chả thích!”
Lê Minh Hùng nói ngay khi được hỏi về PC tự ráp. Hùng kể “Khi mới quyết định mua máy mình cũng nghĩ ghê lắm. Mua đồ về tự ráp hay là mua máy tính ráp sẵn? Cuối cùng mình quyết định liều mua đồ về lắp. Nhìn thấy cái máy chạy ro ro mình sướng lắm, cảm giác làm chủ được chiếc máy tính công nghệ cao thích hơn là mua đồ ráp sẵn nhiều”.
Xem ra đó không phải là một ý kiến cá biệt. Theo ý kiến của hơn 50 khách hàng được phỏng vấn ngày 11-7-2005 tại hai công ty máy tính lớn tại Hà Nội là Trần Anh và Vĩnh Trinh, có đến 35 người chọn mua PC tự ráp chứ không phải là máy tính ráp sẵn. Các khách hàng chọn mua thiết bị về ráp phần lớn là học sinh, sinh viên hay thanh niên độ tuổi 27 - 30; họ là những người am hiểu kỹ thuật, yêu thích CNTT. Chúng tôi nhận được rất nhiều giải thích khác nhau, nhưng lý do chính vẫn là “tự túc là hạnh phúc”.
Trần Quân, một khách hàng trẻ nói: “Em vừa cần máy tính để học tập nhưng cũng cần chơi game, giải trí. Các máy ráp sẵn có cấu hình mạnh thường quá đắt mà giá chấp nhận được thì cấu hình lại yếu. Muốn có được một cái máy phù hợp, em phải tự đi mua đồ về lắp thôi. Vừa hợp ý mình lại có dịp tìm hiểu thêm nhiều điều thú vị”.
Không giỏi thì... nhờ tư vấn
Mua linh kiện PC về tự ráp không chỉ có những người giỏi kỹ thuật mà còn có cả những người... “không biết gì”. Đó là kết quả khá bất ngờ chúng tôi nhận được sau khi tiến hành khảo sát. Có đến 40% số khách hàng mua máy về tự ráp có kiến thức về máy tính ở mức phổ cập. “Cái khó ló cái khôn”, không biết thì nhờ người khác. Một điểm chung thường thấy ở những khách hàng không chuyên đó là họ thường được một kỹ thuật viên máy tính hay người có hiểu biết tư vấn khi mua hàng. Những tư vấn viên này có thể là người quen hay được thuê để đưa ra những lời khuyên bổ ích, giúp khách hàng có được sự lựa chọn hợp ý nhất.
Khi được hỏi tại sao không tìm tới kỹ thuật viên của cửa hàng mà lại “thửa riêng” một tư vấn viên cho mình, anh Đinh Quốc Bảo nói: “Hỏi nhân viên cửa hàng thì cái gì mà họ chẳng nói tốt, vả lại họ còn bao nhiêu khách thì có thời gian đâu mà nghe mình hỏi. Tôi thấy nhờ một người tư vấn cho mình vẫn tốt hơn, họ biết điều kiện tiền bạc của mình, biết mình muốn và cần gì. Hơn nữa, nếu cần có thể hỏi “vô tư” và rất đáng tin cậy”.
Nguyễn Đình Tuấn thì nói: “Tiền thì tôi không tiếc nhưng không muốn mấy “cha” kỹ thuật thấy mình không biết mà lại giở trò. Lần trước tôi cũng mua nguyên một máy ráp sẵn ở một cửa hàng quen, tưởng như vậy là được đảm bảo, ai dè họ thấy mình không biết nên bày trò đổi linh kiện. Cái main trên bản báo giá nói là có khe mở rộng AGP 8X vậy mà họ lại đưa mình một cái main onboard, đến khi tôi biết được thì họ mới đổi và nói là... nhầm. Bây giờ tự tôi đi mua, mất chút phí cho mấy cậu tư vấn nhưng chắc chắn hơn nhiều”.
Phải chăng, những “quái chiêu” của các công ty máy tính trong nước đã vô tình đưa PC tự ráp lên thành sự lựa chọn số 1.
Tư vấn mua máy - nghề mới của các bạn trẻ
Một dịch vụ khách hàng tốt với những thông tin tư vấn, trợ giúp hữu ích đang dần hình thành nhờ những tư vấn viên hoạt động tự do. Phần lớn những tư vấn viên này có tuổi đời còn rất trẻ và hầu hết đang còn là sinh viên; với kiến thức của mình, họ nhiệt tình giúp đỡ những người có nhu cầu, ngược lại họ nhận được sự tin cậy và thù lao xứng đáng.
Quốc Đức, một tư vấn viên cho biết, ban đầu cậu chỉ giúp người quen, về sau “tiếng lành đồn xa” nên có nhiều người nhờ tư vấn, thế là thành nghề. Theo Đức, thường các máy mua đồ về tự ráp hoạt động ổn định chẳng kém gì các máy tính ráp sẵn hay máy tính thương hiệu Việt Nam. Nếu có các hỏng hóc, thường chỉ là do phần mềm nên rất dễ khắc phục.
Vậy nếu máy tính tự ráp bị trục trặc phần cứng thì sao? Đức cho biết: “Hỏng hóc đã có giấy bảo hành, mình đi bảo hành cho họ là xong. Thế nào chả được bồi dưỡng, mình không bị thiệt mà chỉ có lợi thôi anh ạ”. Những tư vấn viên như Đức hiện nay không phải là hiếm, họ có nguồn thu nhập khá ổn định nhờ những nguồn khách quen.
Không chỉ cần người tư vấn mua máy, các vị “thượng đế” còn rất cần những người tư vấn cho họ cách sử dụng máy thế nào cho đúng và các tư vấn viên lại tiếp tục được họ nhờ cậy. Với một bí quyết thật đơn giản là sự tận tụy và lòng nhiệt tình, các bạn trẻ đã tạo nên một nghề mới, một cơ hội mới cho chính mình.