View Single Post
Old 07-11-2006, 05:27 PM   #5
Hồ sơ
myhanh
 
myhanh's Avatar
 
Tham gia ngày: Dec 2004
Cư ngụ: Love Planet
Tuổi: 43
Số bài viết: 7,404
Tiền: 0
Thanks: 2,122
Thanked 5,464 Times in 2,040 Posts
myhanh is on a distinguished road
Default Ðề: PR- my future job!! moi nguoi cung vao nha!

Nghề P.R - có phải cánh cửa hẹp?
Phát ngôn viên của cơ quan ngoại giao, đại diện báo chí cho các tổ chức, người cung cấp thông tin của công ty, những người làm công việc quan hệ đối ngoại… họ được gọi chung là P.R ( Public Relations). Cùng với sự phát triển kinh tế, ngành PR đang ngày càng phát triển, mở ra một nghề nghiệp mới được trọng dụng.
Mới, hẳn có nhiều điều hấp dẫn, thế nên hiện nay có rất nhiều bạn trẻ đang hướng đến mục tiêu: trở thành một P.R chuyên nghiệp!

Làm P.R: không phải dễ
Bắt đầu “khởi nghiệp” hơn 2 năm, Đào Thị Dung - một nhà báo trẻ, tư tin, năng động - trở thành một P.R khá thành công. Hiện công tác tại Trung tâm Anh văn Hội Việt Mỹ TP.HCM, Dung quan niệm: “P.R không đơn thuần chỉ là các mối quan hệ mà còn đòi hỏi khả năng viết lách, cân nhắc những chiến lược và cả cái đầu nhạy bén như một nhà kinh tế. Hay nói đúng hơn, P.R chính là người phát ngôn cho tổ chức của mình”.
Là một trong những P.R rất trẻ của công ty Tổ chức biểu diễn Cát Tiên Sa, Thuỳ Nga (22 tuổi) được xem là người “học nghề” mau mắn nhất. Nga tâm sự: “Thú thật, ban đầu tôi cũng không biết P.R là như thế nào nhưng trong quá trình làm việc, tôi đã cố gắng tìm đọc thêm sách vở cũng như được sự giúp đỡ của đàn anh nên dần làm quen được với công việc”. Sở hữu một ngoại hình khá xinh đẹp nhưng Thuỳ Nga cho rằng, đó chỉ là 20% của sự thành công vì để trở thành một P.R giỏi cần phải có kiến thức về mọi mặt.
Huỳnh Ngọc Diệp (công ty Dofilm) cho biết: “Để chuẩn bị cho kế hoạch ra mắt CLB xe đạp Bảo vệ thực vật Sài Gòn – Dofilm, có nhiều khi Diệp trở về nhà đã quá 11h đêm. Đó là chưa kể những chuyến công tác dài ngày ở tỉnh”.
T.Dung bộc bạch: “P.R không giống những nghề khác, vì ngoài công việc, P.R còn phải duy trì các mối quan hệ cá nhân như uống cà phê, thăm hỏi, trò chuyện... Cho nên trở về nhà muộn và hy sinh thời gian cá nhân, gia đình để hoàn thành tốt công việc là điều hết sức bình thường. Hơn nữa, đối với bạn bè đồng nghiệp và khách hàng, người P.R lúc nào cũng phải biết giữ nụ cười và vẻ mặt tươi tắn”.
Mọi kiến thức luôn luôn là không đủ
Nghề P.R đòi hỏi những kỹ năng: nắm bắt, cập nhật, thẩm định và phân tích thông tin hàng ngày qua các phương tiện truyền thông, tham gia các sự kiện và hoạt động cộng đồng, viết thông cáo báo chí, tổ chức họp báo và quản lý những thông tin.… Đó chỉ là một phần trong những việc mà Hồng Yến (P.R của Masso Groups) thường phải trải qua và tích luỹ từng ngày.
Tuy nhiên, tất cả những điều đó chỉ mới là điều kiện cần mà chưa đủ. Ngọc Châu, 23 tuổi, vừa được tuyển vào làm P.R cho một công ty về thực phẩm. Sau 2 tháng khởi động, cô được giao 10.000USD để thực hiện một chương trình PR trên báo chí. Lần đầu tiên được sở hữu (tạm thời) số tiền lớn như vậy nhưng cô không thấy thoải mái chút nào mà ngược lại, phải chịu rất nhiều áp lực. Châu lên kế hoạch phân bổ: chi phí đặt trang, chi phí viết bài, chi phí thiết kế, chi phí phát sinh… và triển khai với hàng loạt các đầu mối. Một dự án trung bình diễn ra trong khoảng 1- 2 tháng. Châu đã trưởng thành và có thêm rất nhiều kinh nghiệm sau mỗi dự án. Điểm đặc biệt là không có dự án nào giống dự án nào, vì vậy kiến thức luôn luôn là không đủ và người làm P.R bắt buộc phải sáng tạo không ngừng.
Có thể nói, người làm P.R càng hiểu biết nhiều lĩnh vực, được trang bị càng nhiều kỹ năng, có quan hệ rộng rãi thì cơ hội phát triển nghề nghiệp càng cao và cũng dễ dàng tìm kiếm và thực hiện ý tưởng- vốn được xem là điểm tiên quyết trong hiệu quả công việc. Đặc biệt, trong môi trường quảng cáo ở Việt Nam hiện nay, P.R đôi khi còn kiêm luôn một phần việc của media, copywriter, event…
Mọi con đường đều có thể dẫn đến nghề P.R?
Kinh doanh ngày nay cần tính chuyên nghiệp cao nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư đến lĩnh vực P.R . Bởi nếu P.R giỏi, doanh nghiệp sẽ thu được rất nhiều lợi ích. Ở Việt Nam, chưa có trường đào tạo chính quy về P.R mà chỉ là những khoá học ngắn hạn do Marcom hoặc Khoa Thương mại du lịch trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức. Nói như Đình Nguyên, đang học một khóa đào tạo P.R ở ĐH Kinh tế, thì: “Với tốc độ phát triển và sự đòi hỏi nâng cao nghề nghiệp P.R như hiện nay, có lẽ bấy nhiêu là chưa đủ cho những P.R trẻ của Việt Nam. Bởi vì còn rất nhiều những bạn trẻ yêu thích P.R chưa tìm thấy định hướng cho tương lai của mình”. Nhưng có lẽ, điều “đáng sợ” nhất cho các bạn trẻ làm P.R chính là sức sáng tạo. “Làm thế nào để luôn sáng tạo mới là thử thách và khó khăn nhất” – T.Dung khẳng định.
Công việc P.R sử dụng nhiều kỹ năng viết, nên không phải ngẫu nhiên mà đa số các P.R người viết có dịp tiếp xúc hầu hết đều đã tốt nghiệp chuyên ngành về ngữ văn - báo chí. Tuy nhiên, cơ hội trở thành P.R không chỉ dành cho sinh viên báo chí mà cả các ngành khác như kinh tế, ngoại thương, ngoại ngữ… Điều quan trọng là phải biết bạn là ai, bạn cần gì để từ đó bổ sung kiến thức. Và trên hết, là sự đam mê với nghề nghiệp. Thu nhập của P.R cũng là một trong những yếu tố hấp dẫn, trung bình từ 3 – 5 triệu, cao cấp thì 1.000 USD là chuyện thường. Bù lại, bạn phải làm việc trong môi trường nhiều áp lực và phải có ý thức phấn đấu, làm mới mình liên tục.
P.R không hẳn là cánh cửa hẹp cho những bạn trẻ thật sự yêu nghề, dám hy sinh, dám chấp nhận và không ngừng sáng tạo. Nếu như bạn đang muốn trở thành một P.R chuyên nghiệp, hãy bắt đầu rèn luyện kỹ năng sáng tạo, óc tổ chức, khả năng giao tiếp... ngay từ bây giờ. Nào! Cánh cửa P.R đang chờ đón bạn, thử một lần mở ra xem sao?
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)
__________________
Necessity is the mother of in(ter)vention.
Speak softly & carry a big stick.
My Technical Blog
myhanh is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn