View Single Post
Old 01-01-1970, 07:00 AM   #9
Hồ sơ
LeGiang
Banned
 
Tham gia ngày: Jan 2005
Số bài viết: 473
Tiền: 25
Thanks: 41
Thanked 593 Times in 241 Posts
LeGiang is an unknown quantity at this point
Default

HUYỆN THẠNH HOÁ</span>

Địa chỉ: Khóm 2 thị trấn Thạnh Hoá huyện Thạnh Hoá.
Điện thoại: 857115, Fax: 857322

1. Vị trí địa lý kinh tế:

Huyện Thạnh Hóa nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Long An với diện tích tự nhiên 46.826 ha, cách thị xã Tân An 36 Km về phía Bắc theo quốc lộ 62. Ranh giới hành chính huyện Thạnh Hóa được xác định bởi phía Bắc giáp Campuchia, phía Đông Bắc giáp huyện Đức Huệ, phía Nam giáp tỉnh Tiền Giang, phía Tây giáp huyện Mộc Hóa, phía Tây Nam giáp huyện Tân Thạnh, phía Đông giáp huyện Thủ Thừa.
Thạnh Hóa là huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười, hàng năm chịu ảnh hưởng của lũ lụt. Sự hình thành và phát triển kinh tế - xã hội của Thạnh Hóa gắn liền với quá trình khai thác đất hoang hóa, di dân xây dựng vùng kinh tế mới ở Đồng Tháp Mười. Cơ sở hạ tầng còn rất thiếu và không đồng bộ, đã gây trở ngại không nhỏ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong phân vùng địa lý kinh tế của tỉnh Long An, Thạnh Hóa thuộc tiểu vùng IV (gồm Thạnh Hóa, Bắc Thủ Thừa, và một phần huyện Tân Thạnh). Với nhiệm vụ chủ yếu là phát triển nông - lâm - ngư nghiệp, cụ thể là: ổn định sản xuất 2 vụ lúa (ĐX-HT), luân canh lúa - đay, lâm nghiệp (phát triển tràm cừ) và nuôi thủy sản nước ngọt.
Xét về vị trí địa lý kết hợp với kiến tạo địa chất trầm tích và quá trình khai thác tài nguyên phát triển kinh tế - xã hội cho thấy lợi thế cơ bản của Thạnh Hóa là :
+ Có ba nhóm đất đặc trưng là phù sa, đất xám và đất phèn, trong điều kiện đủ nước ngọt quanh năm có thể gia tăng tối đa việc trồng lúa trên đất phèn; ngoài ra, có thể cải tạo đất xám để tiến hành đa dạng hóa cây trồng một cách hợp lý, tránh được tình trạng độc canh cây lúa.
+ Đất mới khai thác, đặc biệt là đất phèn và đất xám ở địa hình thấp có độ phì tự nhiên và tiềm tàng cao, cho phép thâm canh, tăng vụ lúa có hiệu quả.
+ Thạnh Hóa thuộc vùng Đồng Tháp Mười, trong những năm vừa qua đã có sự quan tâm đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống nên cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện.
+ Tuyến biên giới với CampuChia dài 9 Km (chiếm 6,4% tổng chiều dài biên giới của tỉnh Long An), được xem là vô cùng quan trọng về mặt quốc phòng.
+ Cầu Tuyên Nhơn hoàn thành, các quốc lộ 62, N1, N2, kết nối với QL22 (đường xuyên Á) và các cơ sở hạ tầng khác sẽ tạo điều kiện cho kinh tế thị trường ở Thạnh Hóa phát triển, nhất là lĩnh vực công nghiệp, khả năng giao lưu trao đổi hàng hóa giữa huyện và các vùng khác thuận lợi và nhanh chóng hơn
Ngoài những lợi thế cơ bản nêu trên, vị trí địa lý kinh tế của huyện Thạnh Hóa cũng có một số hạn chế :
+ Bị ảnh hưởng của lũ lụt thường niên dễ gây rủi ro cho sản xuất, làm hư hại cơ sở hạ tầng, hạn chế kết quả phát triển kinh tế và gia tăng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống.
+ Kiến tạo bậc thềm phù sa cổ, đất xám có tầng loang lổ nhiễm phèn Xf(s) có thành phần cơ giới nhẹ, nghèo dưỡng chất, giữ nước và phân kém,... đất phèn ở địa hình trũng có nồng độ các độc tố cao (SO42-, Al3+, Fe3+), trong khi thủy lợi chưa hoàn chỉnh dễ gây ảnh hưởng xấu cho cây trồng.
+ Cơ sở hạ tầng nông thôn: đường giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt chưa phát triển, xa thị trường tiêu thụ nên hạn chế lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
+ Tình hình an ninh biên giới luôn tiềm ẩn những phức tạp, đồng thời nạn buôn lậu qua biên giới vẫn còn tồn tại nên có những tác động không tốt đến sản xuất và đời sống.
Để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội cần thấy hết các lợi thế để khai thác; đồng thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng xấu của các hạn chế tạo động lực phát triển nền kinh tế một cách ổn định và bền vững.

2. Đặc điểm tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên :
Khí hậu huyện Thạnh Hóa mang tính chất đặc trưng nhiệt đới gió mùa với nền nhiệt cao đều quanh năm, ánh sáng dồi dào, lượng mưa khá lớn và phân bố theo mùa. Nhiệt độ bình quân năm là 27,2oC, tháng 5 là tháng nóng nhất với nhiệt độ trung bình 29,3oC. Biên độ nhiệt trong năm dao động khoảng 4,3oC và biên độ nhiệt ngày và đêm dao động cao (từ 8oC đến 10oC). Tổng tích ôn : 9.786oC/năm. Đây là điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, đặc biệt là cây lúa, ngô, rau đậu thực phẩm.
Lượng mưa trung bình năm khá lớn (1.447,7 mm/năm) và phân bố theo mùa rõ rệt. Tổng lượng mưa trong mùa mưa thực sự : 1.332 mm (chiếm 92% tổng lượng mưa cả năm), bắt đầu khoảng cuối tháng V và kết thúc vào cuối tháng X (kéo dài 164 ngày). Mùa mưa trùng với mùa lũ gây ngập úng, cản trở quá trình sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Nguồn nước và chế độ thủy văn :
Thạnh Hóa có nguồn tài nguyên nước mặt khá dồi dào song phân bố không đều cả về số lượng và chất lượng. Đối với vụ Đông Xuân khả năng cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp rất thuận lợi, nhiều vùng sử dụng phương pháp tưới tự chảy (nhờ triều) có hiệu quả cao. Tuy nhiên, vụ Hè Thu khả năng cung cấp nước cho sản xuất lại rất hạn chế vào thời kỳ đầu vụ; đặc biệt vùng Bắc Đông thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Hệ thống sông rạch và kênh mương dẫn nước mặt của huyện Thạnh Hóa gồm Sông Vàm Cỏ Tây bắt nguồn từ Svayriêng (CamPuChia) chảy vào Việt Nam tại Bình Tứ theo hướng Tây Nam nối với sông Vàm Cỏ Đông, đoạn chảy qua huyện Thạnh Hóa dài khoảng 25 Km, rộng từ 125-200m, sông chảy quanh co và gấp khúc. Nguồn nước ngọt lớn thứ hai lấy từ sông Tiền tiếp qua kênh Hồng ngự về Kênh 61 và kênh Dương Văn Dương. Hệ thống kênh tạo nguồn gồm có: Kênh An Xuyên, kênh Dương Văn Dương, kênh Mareng, kênh 61, kênh Bắc Đông, cung cấp nước cho sản xuất và đời sống, đồng thời góp phần thoát lũ trong mùa mưa. Ngoài ra còn có hơn 300 kênh nội đồng lớn nhỏ phục vụ cho nhu cầu tưới, tiêu úng, xả phèn phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trong khu vực huyện Thạnh Hóa nước mạch nông xuất hiện ở độ sâu 27 - 30 mét, nhưng do ảnh hưởng của phèn nên chất lượng không tốt, khả năng sử dụng cho sinh hoạt bị hạn chế. Hơn nữa, tại Thạnh Hóa nước ngầm có hàm lượng tổng độ khoáng hóa rất thấp (1-3g/l) và PH<4, nên việc sử dụng nước ngầm ở độ sâu <40 m để tưới hỗ trợ cho nông nghiệp và sinh hoạt rất hạn chế. Nước ngầm có khả năng khai thác ở độ sâu 260 - 290 m, trữ lượng 400m3 ngày đêm/giếng, lưu lượng nước 05 lít /s và chất lượng tốt.
Chế độ thủy văn :
Vấn đề ngập lũ là quy luật thường niên của ĐBSCL, trong đó Thạnh Hóa được xếp vào một trong những huyện chịu ảnh hưởng nặng. Lũ lớn đang có xu thế rút ngắn chu kỳ từ 12 năm xuống còn 6 năm và 3 năm (1961, 1978, 1984, 1991, 1994, 1996, 2000) trong đó lũ lịch sử năm 2000 đã gây thiệt hại rất nặng nề cho Thạnh Hóa. Tuy nhiên lũ mang đến lượng phù sa đáng kể tăng thêm màu mở cho ruộng đồng, thau chua rữa phèn, tăng nguồn lợi thủy sản, vệ sinh môi trường.
Ảnh hưởng của phèn - mặn : Thạnh Hóa thuộc khu vực bị chua nặng, nhất là khu Bắc Đôngï. Nguyên nhân làm nước trong kênh rạch bị chua là vì vào mùa khô (tháng III, IV và V), tầng sinh phèn bị oxy hóa, khi gặp mưa, các loại muối oxy hóa được hòa tan theo nước mặt chảy vào kênh rạch và các nơi đất trũng, làm pH giảm < 4,0, đặc biệt là ở các vùng đất mới khai hoang. Do đó, chua ở Thạnh Hóa rất khó giải quyết bởi địa hình trũng khả năng tiêu thoát kém.
Ảnh hưởng mặn: Mặn 4 g/l trên sông Vàm Cỏ Tây bình quân nhiều năm chỉ ngang hoặc qua Tuyên Nhơn 5 - 10 Km về phía thượng lưu. Song, vào các năm 1992, 1993 mặn đã ảnh hưởng sâu hơn và nồng độ mặn cũng lớn hơn bình quân nhiều năm. Giới hạn mặn 1 g/l đã đến Vĩnh Hưng (1992). Đỉnh mặn trên sông Vàm Cỏ Tây tùy từng nơi cao hơn bình quân nhiều năm từ 1 - 3 g/l.

3. Tài nguyên:

Đất: Theo kết quả điều tra xây dựng bản đồ đất tỷ lệ 1/25.000 năm 1998 của Phân viện Quy hoạch - TKNN cho thấy toàn huyện có 4 nhóm đất với 7 đơn vị chú giải bản đồ đất; trong đó, nhóm đất phù sa có 4.566 ha (chiếm 9,8% DTTN) và nhóm đất phèn 34.063 ha (chiếm 72,7% DTTN), nhóm đất xám 2.020 ha (chiếm 4,3%), nhóm đất xáo trộn 4.989 ha chiếm 10,7% DTTN. Như vậy, hầu hết diện tích đất của huyện Thạnh Hóa thuộc loại ''đất có vấn đề'', do đó sử dụng vào sản xuất nông nghiệp được xem là một hạn chế lớn của huyện.
+ Nhóm đất phù sa : Diện tích 4.566 ha (chiếm 9,8% DTTN), phân bố dọc theo sông Vàm Cỏ Tây gồm các xã: Thạnh Phú 680 ha, Thuận Nghĩa Hòa 1.267 ha, Thạnh Phước 883 ha,Tân Đông 836 ha, Tân Tây 450 ha, Thủy Đông 200 ha, Thủy Tây 250 ha.
Thành phần cơ giới nặng (tỷ lệ sét cao), hàm lượng sét vật lý từ 45-60%, thoát nước kém. Đất có độ phì nhiêu khá, mùn từ 10-20%, đạm tổng số cao (0,1-0,39%), nghèo lân (0,14-0,06%) và ka li cao (0,83%). Đây là loại đất tốt thích hợp cho trồng lúa nước 2 vụ hoặc luân canh lúa đay, nguồn nước ngọt dồi dào, có điều kiện thâm canh tăng năng suất cây trồng.
+ Nhóm đất xám: 2.020 Ha, chiếm 4.3% DTTN. Gồm 01 đơn vị chú giải bản đồ, phân bố dọc tuyến biên giới Việt Nam - CamPuChia, nằm trên địa bàn xã Tân Hiệp. Đất có thành phần cơ giới nhẹ (thịt pha cát). Hàm lượng đạm trung bình (0,1-0,25%), nghèo lân (0,01-0,06%), nghèo ka li (0,12%). Đất xám trong điều kiện có nước tưới chủ động, canh tác lúa hoặc luân canh lúa màu cho hiệu quả khá.
+ Nhóm đất phèn: Đất phèn có diện tích 34.063 Ha, chiếm 72,74% DTTN. Gồm 4 đơn vị chú giải bản đồ, phân bố ở địa hình thấp trũng (kiểu địa hình đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười), có ở hầu hết các xã trong huyện.
Đất phèn nhìn chung có trị số pH thấp, hàm lượng SO4 lại rất cao (>0,15-0,25%). Đất có thành phần cơ giới nặng, hàm lượng chất hữu cơ cao, mùn xấp xỉ 12-24%, đạm cao (0,4-0,8%). Vì vậy, khi sử dụng đất phèn cần chú trọng biện pháp tiêu phèn và ngăn chặn phèn ngoại lai. Đất phèn có tầng phèn sâu trong điều kiện có nước tưới, khả năng sản xuất lúa không kém nhiều so với đất phù sa.
+ Nhóm đất xáo trộn Vp (đất líp): Nhóm đất này được hình thành do bàn tay của con người, diện tích 4.989 ha chiếm 10,7%, tập trung chủ yếu ở các xã Thủy Đông , Thủy Tây và Thị trấn Thạnh Hóa. Đất líp chủ yếu trồng các loại cây màu (khoai mỡ, khoai mỳ, màu, dưa hấu…).
Tóm lại, đất ở Thạnh Hóa 100% diện tích đều có “vấn đề”, việc khai thác phải tôn trọng các quy luật khách quan, chú trọng đầu tư đồng bộ các biện pháp cải tạo và bảo vệ đất. Có như vậy sản xuất nông nghiệp mới phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tài nguyên rừng: Năm 1995 có 2.790 ha rừng, trong đó hầu hết là tràm cừ ; đến năm 2002 diện tích rừng tăng lên : 14.075 ha (tỷ lệ che phủ 32%) kể cả cây lâu năm và vườn tạp, phần lớn rừng trồng từ sau năm 1995 mật độ cao, giống tốt nên trữ lượng khá.
Nguồn tài nguyên động vật dưới tán rừng đã dần được phục hồi, đây là thành quả đáng ghi nhận của chương trình 773/TTg và 661/TTg, đã góp phần sử dụng hợp lý và hiệu quả tài nguyên cũng như khôi phục hệ sinh thái vốn có của vùng đất phèn.
Tài nguyên khoáng sản : Theo tài liệu bản đồ địa chất VN 1996, vệt than bùn ở xã Thuận Bình - Tân Hiệp có chất lượng xấu, độ tro cao và chứa nhiều sét, hàm lượng mùn và NPK đáng kể có thể khai thác làm phân bón, cần phải khảo sát cụ thể về trữ lượng và quy mô.

4. Dân số và lao động:

Dân số trung bình năm 1996 là 43.474 người đến năm 2002 là 51.729 người, mật độ dân số 110 người/km2, chỉ bằng 35,1% mật độ dân số trung bình của tỉnh Long An (313 người/km2) nên Thạnh Hóa được xem là huyện đất rộng người thưa. Dân số thành thị có: 4.660 người(chiếm 9,0% dân số), dân số nông thôn 47.069 người (chiếm 91% dân số), tốc độ tăng dân số bình quân 2,9%/năm, trong đó tăng tự nhiên là 1,8%.
Do vậy, bằng các biện pháp mở rộng sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng các xã vùng sâu, xã biên giới ngày càng hoàn thiện, thu hút dân cư các xã phía nam đến định cư, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, xây dựng tuyến phòng thủ biên giới vững chắc và ổn định.
Tổng số lao động toàn huyện năm 2002 là 28.968 người; trong đó, nông - lâm nghiệp 23.856 người (chiếm 82,4%), công nghiệp - TTCN 467 người (chiếm 1,6%) và thương mại - dịch vụ 3.138 người (chiếm 10,8%), lao động khác 1.507 người chiếm 5,2%. Như vậy, nguồn nhân lực tập trung chủ yếu cho nông - lâm nghiệp, việc chuyển dịch cơ cấu lao động diễn ra chậm và có phần chưa được hợp lý.
Nguồn nhân lực của huyện Thạnh Hóa có chất lượng thấp, đây là một nguyên nhân ảnh hưởng đến phát triển kinh tế vì nhân lực là nhân tố quan trọng hàng đầu của lực lượng sản xuất.
Số lao động có chuyên môn kỹ thuật và quản lý trong các ngành là 439 người (chiếm 1,5% lao động xã hội); trong đó, đại học 80 người, trung cấp 167 người. Nếu kể cả trình độ sơ cấp và công nhân kỹ thuật ước khoảng 3.0% thì tổng số lao động được đào tạo là 4,5%, song lại tập trung ở khu vực quản lý nhà nước, giáo dục, y tế. Do vậy, đây là một tồn tại lớn của huyện Thạnh Hóa.
Để phát triển kinh tế - xã hội, nhất thiết phải đào tạo, nâng cao mặt bằng dân trí, trình độ chuyên môn cho người lao động, để họ có khả năng tiếp thu và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả công việc.

5. Đánh giá chung
Những lợi thế:
- Thạnh Hóa được cung cấp nguồn nước ngọt từ sông Tiền qua kênh Dương Văn Dương và kênh 61, sông Vàm Cỏ Tây phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân, hàng năm được bồi đắp lượng phù sa đáng kể làm màu mỡ đất đai, nâng cao năng suất cây trồng.
- Thạnh Hóa được hưởng lợi chương trình đầu tư khai thác vùng ĐTM của Chính phủ, nên đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
- Thạnh Hóa có tuyến quốc lộ 62 chạy qua, trục giao thông vô cùng quan trọng trong việc xây dựng kinh tế kết hợp với củng cố quốc phòng, mặt khác hệ thống giao thông thủy rất thuận lợi cho việc vận chuyển và giao lưu hàng hóa với Mộc Hóa, Tháp Mười (Đồng Tháp), thị xã Tân An và TP Hồ Chí Minh.
- Với dự báo trong tương lai gần đường N2, N1 được xây dựng, cầu Tuyên Nhơn hoàn thành kết nối với QL22 và các cơ sở hạ tầng khác, góp phần nâng cao mức sống cho nhân dân trong huyện. Nguồn nhân lực dồi dào, có truyền thống cách mạng, tự lực tự cường thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
- Trong quá trình phát triển, thông qua ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, đã xây dựng thành công một số mô hình sản xuất đạt hiệu quả khá cả về kinh tế - xã hội - môi trường. Đây là tiền đề quan trọng cho kinh tế hàng hóa tiếp tục phát triển một cách bền vững.
Những hạn chế :
- Đất đai có chất lượng thấp (đất phèn nhiều độc tố, đất xám nghèo dưỡng chất) lại phân bố trên các địa hình có nhiều chia cắt bởi kênh rạch. Đây được xem là hạn chế lớn trong quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh tế, đầu tư cải tạo đất tốn kém, năng suất cây trồng thấp, giá thành cao, nên sản phẩm có sức cạnh tranh kém trên thị trường.
- Cơ sở hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ, đặc biệt là giao thông đường bộ, công trình kiểm soát lũ và cơ sở vật chất phục vụ dân sinh (trường học, y tế, chợ,. . .) còn thiếu nghiêm trọng, thông tin liên lạc còn yếu,. . . cộng với hàng năm chịu ảnh hưởng của lũ lụt và thiên tai, là những cản ngại trong quá trình phát triển kinh tế.
- Phần lớn dân cư của huyện Thạnh Hóa có đời sống khó khăn, thu nhập thấp; lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao (khoảng 95%).
- Công nghiệp - TTCN và Thương mại - dịch vụ chưa phát triển, chưa hỗ trợ cho nông nghiệp phát triển; kinh tế của huyện Thạnh Hóa “thuần nông”, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp (>80%), trong khi lũ lụt, thiên tai diễn ra liên tiếp, cộng với biến động bất lợi về giá cả nông sản, làm cho đời sống người dân càng khó khăn, khả năng tích lũy tái đầu tư cho sản xuất yếu. Năng lực quản lý điều hành của hệ thống quản lý nhà nước còn hạn chế.
- Do nằm trong vùng lũ, khả năng thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài vào để phát triển kinh tế nói chung và nông nghiệp, nông thôn nói riêng ở huyện Thạnh Hóa có hạn chế, cho nên muốn phát triển kinh tế - xã hội phải dựa vào chính nội lực mà tiềm năng này của huyện lại rất có hạn.

6. Quan điểm phát triển:
Khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực (nguồn nhân lực, tài nguyên đất, nguồn nước) mở rộng sản xuất, lấy hiệu quả kinh tế và chất lượng cuộc sống làm tiêu chuẩn phát triển. Phát triển sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. Thực hiện tốt chiến lược tăng trưởng kinh tế đi đôi với việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khá, ổn định và bền vững, từng bước hội nhập kinh tế Quốc tế và khu vực. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực và hiệu quả, nhất là trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, thương mại và dịch vụ, từng bước phát triển công nghiệp, trước hết là công nghiệp chế biến nông sản. Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao mặt bằng dân trí, cung cấp nguồn lao động có tay nghề cao cho nền kinh tế. Mở rộng sản xuất đi đôi với bảo vệ và gìn giữ môi trường sinh thái, ngăn chặn mọi nguy cơ gây ô nhiễm, bảo đảm tính bền vững cho nền kinh tế. Phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ với Quốc phòng an ninh, giữ vững và củng cố tuyến phòng thủ biên giới, xứng đáng với vị trí tiền tiêu an ninh quốc phòng của tỉnh Long An và cả nước.

7. Mục tiêu phát triển:<span style=\'color:purple\'>
Mục tiêu chung :
- Xây dựng Thạnh Hóa trở thành huyện có kinh tế phát triển, xã hội công bằng, văn minh, đảm bảo vững chắc về an ninh quốc phòng, gia tăng phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, tạo sự tăng trưởng nhanh và bền vững, từng bước công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế.
- Nhanh chóng thoát khỏi nền kinh tế thuần nông, sản xuất độc canh lúa; sớm tạo nên sự phát triển cân đối, toàn diện, phát huy các thế mạnh của huyện nhất là nông - lâm nghiệp, triển khai có hiệu quả việc xây dựng các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện.
Mục tiêu cụ thể :
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân giai đoạn : 2003 - 2010 là : 10,5%/năm, trong đó giai đoạn : 2003 - 2005 là: 10,%/năm, giai đoạn : 2006 - 2010 là : 10,8%/năm.
- Cơ cấu kinh tế: Tăng nhanh tỷ trọng thương mại - dịch vụ và công nghiệp để cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng: Nông lâm nghiệp
- Công nghiệp XD - Thương mại dịch vu. Cụ thể đến năm 2010 khu vực nông lâm nghiệp chiếm 50,9%, công nghiệp - xây dựng chiếm 26,8%, thương mại - dịch vụ chiến 22,3%.
- GDP (theo giá thực tế) bình quân đầu người năm 2005 là 6,0 triệu đồng, tương đương 400 USD và đến năm 2010 là 10,8 triệu đồng, tương đương 720 USD.
- Tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách năm 2005 là 2,5%/năm và năm 2010 là 4%/năm (năm 2001 là 2%).
- Giảm tỷ lệ tăng dân số xuống 1,7% vào năm 2005 và còn 1,5% năm 2010.
- Năm 2005 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 6,5% và năm 2010 dưới 3%.
- Phổ cập phổ thông trung học cơ sở theo chuẩn quốc gia vào cuối năm 2006.
- Tỷ lệ hộ sử dụng điện năm 2005 là 85% và năm 2010 là 100%.
- Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch năm 2005 là 80% (khu vực đô thị 100,0%) và năm 2010 là 95%.
LeGiang is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Đã có thành viên gửi lời cám ơn đến LeGiang vì bạn đã đăng bài:
Stevvinhith (14-09-2015)