View Single Post
Old 01-01-1970, 07:00 AM   #2
Hồ sơ
tieunhoc
Administrator
 
tieunhoc's Avatar
 
Tham gia ngày: Oct 2004
Tuổi: 19
Số bài viết: 1,134
Tiền: 82858
Thanks: 92
Thanked 531 Times in 181 Posts
tieunhoc is an unknown quantity at this point
Default

Câu Chuyện Của Người Cùng Phòng với Vũ Anh Tuấn

Tôi là Thức ở cùng phòng với sinh viên Vũ Anh Tuấn. Đối với tôi, Tuấn như một người em thực sự và chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ không có Tuấn vào một ngày nào đó. Có lẽ đến bây giờ tôi vẫn không thể tin được điều gì đã xảy ra ngày hôm qua.

Ngày 13 tháng 10, một ngày định mệnh. Lúc đó khoảng hơn 11 h khuya, tôi đang ngồi học bài để chuẩn bị cho bài kiểm tra tiếng Nga ngày hôm nay. Các em sinh viên mới đến chỗ chúng tôi học dự bị đang ngồi trò chuyện với em họ tôi. Ai cũng nghĩ là Tuấn đã ở lại trường Y và chúng tôi không hề biết về một điều khủng khiếp đã xảy ra. Khi nhận được điện thoại từ trường Y mang tên Paplov hỏi về Tuấn. Tuấn đã đến đó từ chiều để dự sinh nhật một người bạn và trở về từ khoảng hơn 9h tối. Các bạn tôi nói rằng có một người Việt Nam bị giết ở gần trường họ và họ rất lo lắng. Họ gần như phát khóc. Tôi không tin tưởng lắm vì nếu lúc đó lao ra đường thì quá nguy hiểm, tôi chỉ sợ việc đó là một trò đùa, tôi thậm chí lúc đó không có một ý nghĩ rằng tai hoạ đã đến với chúng tôi rồi.

Tôi lập tức gọi điện lại cho một vài người bạn để xác nhận thông tin và sau đó triệu tập khoảng 20 người để đến chỗ đó. Lúc đó tôi vẫn còn nghĩ rằng Tuấn chỉ bị đánh bị thương và rất cần chúng tôi ở đó. Tuy nhiên sau đó Trưởng đơn vị quyết định lại và chúng tôi chỉ đến đó 8 người bằng taxi và xe riêng của nhân viên ký túc xá. Tôi mang theo nhiều ảnh và tất cả các giấy tờ có thể của Tuấn và của tôi.

Khi tôi đến nơi, ở đó đã có rất đông sinh viên nước ngoài. Điều đầu tiên mà tôi muốn biết đó có phải là Tuấn không. Và tôi đã ngã ra đường khi nghe cảnh sát nói ra cái tên đó. Tôi không tin, không muốn tin và không thể tin... Tôi đã ngồi rất lâu ở ngoài khu vực đó để có thể nhìn mặt Tuấn lần cuối, và cuối cùng tôi đã được vào. Có lẽ tôi là người duy nhất có thể nhìn thấy Tuấn vào lúc đó. Em nằm sấp ở trên bãi cỏ không có vật dụng gì tuỳ thân. Tôi muốn xoay người em lại để nhìn rõ mặt nhưng điều đó là không thể vì cảnh sát phải giữ nguyên hiện trường.
Họ vén lưng áo của Tuấn lên và tôi nhìn thấy hàng chục vết dao nhỏ và rất sâu trên lưng của Tuấn. Tôi cảm thấy choáng váng và lúc đó tôi đã ngất đi. Bác sĩ pháp y, và người phụ trách an ninh khu vực đã tát vào má tôi để tôi có thể tỉnh lại. Bàn tay trái của người phụ trách còn dính máu tươi của Tuấn. Anh ta là người đầu tiên đến đó sau khi có điện báo của người dân. Tôi cảm thấy rùng mình, tôi cảm thấy tức giận và tôi cũng cảm thấy sợ nữa. Cái chết rất đáng sợ, nhưng lúc đó tôi không sợ chết, mà tôi sợ mất nốt một người em nữa của mình. Ngoài Tuấn ra, tôi còn có một người em họ cũng học ở đây và cùng lớp với Tuấn. Tôi rất yếu và tôi cảm giác hoàn toàn vô lực, tôi muốn níu giữ một cái gì đó nhưng tôi đã không thể.

Sau đó bằng nhiều cách, chúng tôi tập trung được phần lớn lưu học sinh Việt Nam trong thành phố, kể cả những người ở ngoại ô, bất kể đêm hôm và nguy hiểm, chúng tôi đã đến đứng và chắn ngang đường Lev Tonstoi. Chúng tôi cần một câu trả lời và một người đứng ra nhận trách nhiệm giải quyết. Bên cạnh chúng tôi là những sinh viên Trung Quốc, Ảrập, châu Phi, châu Mỹ Latin... Họ cũng có bạn đã bị bọn khủng bố và đầu trọc giết hại trong năm trước, năm nay và cả những người e ngại sẽ phải mất bạn trong năm tới.

Chúng tôi đã thông báo cho trưởng phòng công tác lưu học sinh của Đại sứ quán, đồng thời cũng đã thông báo cho Đảng uỷ và các cấp lãnh đạo khác. Bí thư lâm thời và phó bí thư thành đoàn đã đứng lại cùng với chúng tôi ở trên đường. Một người có uy tín trong chúng tôi đã gọi điện đến tất cả các trường để huy động mọi lực lượng có thể. Tôi không biết đó là ai, và cũng rất muốn biết để cảm ơn anh.

Vào tầm 4 giờ sáng chúng tôi đã có khoảng hơn 100 người ở trên đường và lúc đó các nhà chức trách đã gọi đội đặc nhiệm của Nga đến để đề phòng tình hình quá sức căng thẳng. Tôi nghe được tiếng họ lên đạn lách cách ở trong xe ô tô (khoảng 4 xe và mỗi xe khoảng hơn 10 người). Cảnh sát đã chặn tuyến phố lại để đề phòng người qua đường bị những người quá khích gây khó dễ. Thực ra họ hoàn toàn không hiểu, chúng tôi chỉ muốn biểu tình hoà bình, chúng tôi muốn có câu trả lời.

Chúng tôi chỉ muốn có câu trả lời của một người đáng tin cậy. Phó cảnh sát trưởng khu vực đã tới, nhưng chúng tôi không muốn nghe ông ta nói. Chúng tôi muốn được sự bảo vệ của chính quyền Nga. Phó cảnh sát trưởng khu vực giải thích với chúng tôi là chúng tôi đang vi phạm luật biểu tình. Chúng tôi biết điều đó, nhưng nếu xin giấy phép và chờ một tuần thì chúng tôi không thể, chúng tôi muốn gặp người có thẩm quyền và muốn sự việc được giải quyết.

Tuấn không phải là sinh viên nước ngoài đầu tiên bị giết và cũng sẽ không phải là người cuối cùng. Phải có một điều gì đó được tiến hành chứ không phải lời hứa suông của những người vô trách nhiệm.

Hôm 21/5, một nghiên cứu sinh Việt Nam đang bảo vệ luận án phó tiến sĩ chuyên ngành lập trình mạng song song, giáo viên của trường Đại Học Tổng Hợp Kỹ Thuật Bách Khoa St Petersburg đã bị đầu trọc dùng gậy và vũ khí khác đánh ở ngay trong khuôn viên trường, sau khi đi chấm thi về. Anh nằm xuống đất giả chết và bọn chúng đi khỏi. Sau đó anh gắng gượng đứng dậy và chạy về ốp. Một người trong số bọn chúng đã nhìn thấy và muốn bắt anh lại, nhưng may mắn là anh đã kịp chạy thoát. Anh có một vết thương 4 mũi khâu, khá sâu trên đầu. Chúng tôi đã trình đơn và họ đã hứa.

Nhưng hôm qua chúng tôi đã mất một người gần như ruột thịt. Chúng tôi không muốn nghe lời hứa suông nữa. Khoảng hơn sáu giờ sáng khoảng 50 đặc nhiệm và nhiều cảnh sát triển khai bao vây chúng tôi lại. Một số sinh viên nước ngoài muốn bạo động, nhưng chúng tôi may mắn đã giữ được cuộc biểu tình không có xung đột.

Khoảng 8 giờ sáng, chúng tôi đồng loạt đi về phía cổng trường Y mang tên Paplov và hô vang khẩu hiệu: "Chúng tôi muốn sự an toàn! Đả đảo đầu trọc!" Lúc này chúng tôi có khoảng gần 300 người và phần lớn là người Việt. Tôi đã cố gắng giải thích với hãng truyền hình TV5 về mục đích của chúng tôi và các phóng viên cũng hiểu điều chúng tôi muốn nói. Sau đó Hiệu trưởng Đại học Y đã đến và phó thị trưởng cũng đã đến, chúng tôi đã cử một số đại diện để vào nói chuyện với họ ở giảng đường số 7, còn phần lớn chúng tôi vẫn tiếp tục đứng trên đường biểu tình.

Trong buổi trao đổi, có quá nhiều câu hỏi và quá nhiều câu trả lời không rõ ràng nên không khí rất căng thẳng. Tôi đã đưa ra bốn yêu cầu:
1) Hãy cho chúng tôi một thời hạn xác định mà cảnh sát có thể tìm ra thủ phạm - Họ trả lời không thể (cho dù hạn đó mà một hay hai năm)
2) Hãy cho chúng tôi một thời hạn xác định mà cảnh sát có thể tìm ra các phần tử khủng bố, đầu trọc để trấn áp - Họ trả lời không biết (mặc dù họ nói là họ rất muốn)
3) Hãy cho chúng tôi biết chính quyền có thể hay không ngăn chặn tình trạng này - Họ trả lời không thể (mặc dù họ hứa sẽ làm hết khả năng)
4) Các ngài sẽ phải ăn nói sao, sẽ làm gì với gia đình Tuấn - Họ im lặng.

Cuối cùng chúng tôi đã đề cập một số biện pháp và giới chức hứa là sẽ xem xét. Tôi đã gặp hiệu trưởng Học Viện Các Chương Trình Giáo Dục Quốc Tế, nơi chúng tôi từng học và hiện vẫn quản lý chúng tôi về nhân sự yêu cầu có lời giải thích rõ ràng với gia đình Tuấn và điện chia buồn. Đồng thời chúng tôi cũng nêu ra một điểm hết sức phi lí trong luật ký túc xá là tất cả khách phải rời khỏi ký túc xá trước 11h. Nếu như chúng tôi có bạn từ thành phố khác đến, vậy họ sẽ ở đâu? Nếu như chúng tôi có bạn từ các trường đại học khác của thành phố nhưng rất xa đến, làm thế nào để họ có thể ra về đúng giờ?

Sau sáu giờ tối, trên đường vô cùng nguy hiểm và giờ học của chúng tôi thường kết thúc vào lúc 4h chiều. Thành phố rất lớn và khi có việc cần chúng tôi không thể đến và trở về trước 6h. Chúng tôi yêu cầu cho phép giữ lại tối đa 10 người khách để không còn một trường hợp nào đáng tiếc xảy ra. Và câu trả lời chúng tôi nhận được là sẽ xem xét.

Buổi họp kết thúc trên sự cam kết của phó thị trưởng thành phố về những nỗ lực cải thiện an ninh trong thời gian tới. Sau đó chúng tôi giải tán và thôi phong toả cổng trường cũng như đường Lev Tolstoi, toả về các trường để chuẩn bị cho những việc phải làm trong thời gian tới nhằm biểu lộ sự phẫn nộ.

Hôm nay và ngày mai, sinh viên Việt Nam toàn thành phố không đi học. Ngày mai 11h trưa sẽ có một buổi tưởng niệm Tuấn tại phòng họp lớn của Học Viện Các Chương Trình Giáo Dục Quốc Tế. Chúng tôi đã dẫn các nhà báo đến phòng của tôi và Tuấn để họ quay phim, chụp ảnh... Một nhà báo có hiểu về văn hoá phương Đông hài hước nói với tôi rằng, sắc diện của tôi rất kém và anh ta nghĩ tôi có thể là người tiếp theo. (Từ hôm qua đến bây giờ tôi mới chỉ chợp mắt mười phút và ăn một lát bánh mì.)

Tuấn là một sinh viên xuất sắc, thủ khoa trường Đại học Thuỷ Lợi và có điểm trung bình học kì một năm thứ nhất cao nhất khóa. Tuấn từng tham gia đội tuyển olimpic Toán của trường để đi thi quốc gia, nhưng đã không kịp thi vì phải tập trung học tiếng Nga. Trên khoa dự bị, Tuấn cũng đã giành 3 giải nhì olimpic các môn Toán, Lý ,Hoá. và kết thúc khoá học với thành tích học tập xuất sắc, điểm toàn 5 (trong đó phần lớn được aptomat, hoặc trả thi sớm trước thời hạn).Tôi đang muốn hướng dẫn thêm cho Tuấn để em có thể giành giải cao trong kì thi olimpic Hình hoạ toàn thành phố Xanh Petecbua vào tháng 12 tới. Đối với mọi người Tuấn lúc nào cũng vui vẻ và thân thiết. Chúng tôi sống với Tuấn trong phòng như anh em ruột thịt.

Nước Nga là biểu tượng một thời của sự phồn thịnh cả về kinh tế lẫn khoa học kỹ thuật. Người Nga là những người bạn tốt và chân thành. Nhưng hãy bảo vệ chúng tôi khỏi chủ nghĩa phát xít mới, bảo vệ chúng tôi khỏi những nguy hiểm và thù hằn dân tộc. Hãy lắng nghe và hãy bảo vệ chúng tôi.
__________________



Có những lúc thật BUỒN nhưng người ta vẫn cứ phải CƯỜI
tieunhoc is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn