Đây là loại máy thích hợp nhất với người đam mê nhiếp ảnh nhưng ngại túi tiền khi chính thức chuyển từ máy DSLR , giá cũng khá mềm khoảng 9.5 triệu thôi.
Máy này mà mua thêm 1 em Len nữa thì quá tuyệt vời phải không quí vị.
Giống như người anh 450D, Canon EOS 1000D cũng có hai lựa chọn về thiết kế ngoại hình, bao gồm một phiên bản màu đen hoàn toàn và một phiên bản được phối giữa hai tông màu đen và bạc. Máy được bán kèm với một ống kính EF-S 18 - 55 mm F3.5-5.6 IS. Mặc dù có thân hình giống hệt 450D, nhưng EOS 1000D chỉ nặng 450 gram, nhẹ hơn chút đỉnh so với người anh của mình.
Vỏ máy bằng nhựa trơn không chỉ làm lộ "thân phận" của chiếc DSLR giá rẻ, mà phần tay cầm của chiếc máy này cũng không mang lại cảm giác thoải mái cho người dùng. Tuy nhiên, thiết kế của Canon EOS 1000D cũng vớt vát lại chút điểm cộng nhờ vào hệ thống phím điều khiển được bố trí rất hợp lý và thuận tiện, giúp cho người dùng chỉ cần một tay là có thể vận hành được máy.
Mặt trước của 1000D giống hệt 450D, nhưng cách bố trí phím điều khiển ở mặt sau hợp lý và thuận tiện hơn. Ảnh: Dpreview. Về tính năng, một trong những ưu điểm nổi trội nhất của Canon EOS 1000D là được trang bị chế độ My Menu giống như ở những model cao cấp. Nhờ đó, người dùng có thể tự lập cho mình một danh mục truy xuất nhanh tới các tính năng thường dùng như Format hay Live View. Tuy nhiên, giống như ở 450D, các menu của 1000D đôi khi không đồng nhất và hay mắc phải những lỗi ngớ ngẩn. Điển hình như việc, bạn có thể chỉnh độ nhạy sáng (ISO) bằng cả hai cách là xoay bánh xe hoặc thông qua các phím định hướng, nhưng nếu muốn đo sáng thì chỉ có cách duy nhất là sử dụng hệ thống phím định hướng.
Ngoài ra, nếu trên màn hình hiện lên hai cột lựa chọn, và bạn đang muốn chọn một chỉ mục ở cột thứ hai (bên tay phải), thì bạn buộc phải kéo con trỏ xuống lần lượt qua hết các chỉ mục ở cột thứ nhất rồi mới có thể nhảy sang cột thứ hai, chứ không thể nhảy qua lại giữa hai cột. Tuy nhiên, phức tạp nhất phải kể đến những điểm lấy nét (AF indicator) hiện lên trong kính ngắm sau khi máy lấy nét xong. Những điểm màu đỏ li ti này chỉ hiện lên trong giây lát sau khi máy bắt được nét rồi biến mất. Chúng vừa nhỏ, vừa xuất hiện ngắn ngủi nên người dùng rất khó chọn điểm để phơi sáng.
Người dùng có thể dễ dàng sử dụng 1000D bằng một tay. Ảnh: Dpreview. Các thông số kỹ thuật của Canon EOS 1000D không có gì nổi bật khi so với mặt bằng chung của những chiếc DSLR phổ thông hiện nay. Máy được trang bị cảm biến CMOS, kích cỡ APS-C, độ phân giải 10 Megapixel cùng hệ thống lấy nét 7 điểm cho phép người dùng tự lựa chọn. So với hệ thống lấy nét tại 3 khu vực của Nikon D60 thì EOS 1000D nhỉnh hơn, nhưng lại không bằng khi sánh với các hệ thống lấy nét tại 9 điểm và 11 điểm của Sony Alpha A200 và Pentax K200D. Ngoài ra, chiếc máy ảnh của Canon cũng sử dụng thẻ nhớ chuẩn SDHC phổ biến, thay vì thẻ CompactFlash như ở những đời máy trước.
Giống 450D, 1000D cũng được Canon ứng dụng công nghệ tự động tối ưu hóa ánh sáng (Auto Lighting Optimizer), có thể tự động điều chỉnh độ tương phản và độ sáng trong những điều kiện chụp không lý tưởng. Tuy nhiên, so với các đối thủ Sony, Pentax hay Olympus, chiếc camera này của Canon thiếu một số tính năng tiên tiến như hệ thống ổn định ảnh tích hợp trên máy hay thiết bị quản lý đèn flash không dây. Độ nhạy sáng tối đa của 1000D cũng chỉ dừng ở mức ISO 1600, trong khi nhiều model khác có ISO lên tới 3200. Tính năng ngắm ảnh sống qua màn hình (Live View) cũng không thật sự hữu ích, khi mà tốc độ chụp của máy trong chế độ này không cao, đồng thời màn hình cũng không thể lật xoay các góc.
Tốc độ hoạt động của Canon EOS 1000D tỏ ra vượt trội so với các đối thủ cùng tầm. Ảnh: Cnet. Trong quá trình thử nghiệm, 1000D tỏ ra vượt trội hơn tất cả các đối thủ cùng tầm, ngoại trừ Nikon D60, về tốc độ chụp. Chỉ mất chưa tới 0,2 giây kể từ khi khởi động, máy đã chụp xong bức hình đầu tiên. Trong điều kiện chụp lý tưởng, tốc độ trung bình của máy là 0,4 giây một ảnh, còn trong điều kiện thiếu sáng, tốc độ chụp giảm xuống mức 0,8 giây một ảnh, chậm hơn Nikon D60 chút ít nhưng lại nhanh hơn cả "đàn anh" 450D.
Tốc độ chụp trung bình đối với những bức ảnh RAW là 0,7 giây một ảnh. Khi dùng đèn flash, thời gian chờ giữa hai lần chụp cũng chỉ là 0,8 giây, ngang với D60 và thuộc loại nhanh nhất trong số những máy ảnh cùng tầm. Tốc độ chụp liên tiếp của Canon EOS 1000D cũng chỉ thua mỗi Pentax K200D, nhưng trong khi sản phẩm của Pentax chỉ có thể chụp liên tiếp 5 bức ảnh trong một lần bấm máy, thì số lượng ảnh mà 1000D thu được lên tới 85 bức.
Chất lượng ảnh chụp ở ISO cao khá tốt. Ảnh:
Cnet.
Chất lượng ảnh cũng là một ưu điểm nổi trội nữa của Canon EOS 1000D khi so với các đối thủ, đặc biệt là những bức ảnh chụp ở ISO cao. Nhìn chung, màu sắc và ánh sáng được tái hiện chuẩn xác, với dải tương phản rộng và độ sắc nét cao. Điều đó vô tình làm dấy lên hai câu hỏi. Một là, với chất lượng ảnh như vậy, liệu ta có cần thiết phải chi thêm tiền để mua 450D hay không? Hai là, Canon EOS 1000D đã là nhà vô địch tuyệt đối trong phân khúc máy ảnh DSLR dưới 700 USD chưa?
Với câu hỏi thứ nhất, câu trả lời là bạn chỉ nên chi thêm tiền để mua 450D nếu có nhu cầu cắt cúp nhiều, hoặc muốn có tính năng đo sáng điểm và màn hình cỡ lớn hơn. Bằng không, 1000D đã là một sự lựa chọn lý tưởng rồi.
Với câu hỏi thứ hai, nếu bạn đề cao chất lượng ảnh và tốc độ chụp, đặc biệt trong điều kiện thiếu sáng, thì Canon EOS 1000D chính là số một, nhưng Pentax K200D mới là một sự đầu tư khôn ngoan nếu bạn "cân đo đong đếm" số tiền bỏ ra với những gì thu được.
Điểm mạnh: Tốc độ hoạt động và chất lượng ảnh vượt trội so với những đối thủ cùng tầm.
Điểm yếu: ISO tối đa chỉ 1600, không hỗ trợ đo sáng điểm, việc lấy nét khá rắc rối.
Và ảnh chụp từ em nó .