Go Back   Cựu Học Sinh Lê Quý Đôn - Long An > :: Giao lưu bạn bè :: > Nghệ thuật sống

Nghệ thuật sống Luận bàn Đông Tây kim cổ

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Thu Giang Nguyễn Duy Cần

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Thu Giang Nguyễn Duy Cần

this thread has 17 replies and has been viewed 31084 times

Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
Old 04-09-2010, 12:14 AM   #1
Hồ sơ
HuongViet
Senior Member
 
Tham gia ngày: Mar 2007
Tuổi: 44
Số bài viết: 162
Tiền: 25
Thanks: 216
Thanked 95 Times in 62 Posts
HuongViet is on a distinguished road
Default THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Thu Giang Nguyễn Duy Cần

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA
Thu Giang Nguyễn Duy Cần



MỤC LỤC

Phi Lộ
Thay Lời Tựa

CHƯƠNG I: LÒNG TỰ ÁI
CHƯƠNG II: CHỮ “LỄ” CỦA Á ĐÔNG
CHƯƠNG III: CÓ TÀI MÀ CẬY CHI TÀI
CHƯƠNG IV: ÂN VÀ OÁN
CHƯƠNG V: ĐẠO CƯƠNG NHU
CHƯƠNG VI: BIẾT… SỐNG

Phụ Lục
Xử Thế Cách Ngôn




* * * * * * *

PHI LỘ

Cổ ngạn nói: Mặt trời không có đối với kẻ đui, sấm sét không có đối với người điếc”.

Văn hào Đức, Hermann de Keyserling, có thuật câu chuyện ngộ nghĩnh này: “Một luật sư kia nói với đứa con trai mười lăm tuổi của ông: Từ mười lăm đến hai mươi tuổi, cha cho con quyền tin tưởng con thông minh hơn cha; từ hai mươi đến hai mươi lăm tuổi, cha cũng cho con có quyền tin tưởng con thông minh bằng cha; nhưng từ hai mươi lăm đến ba mươi tuổi thì cha buộc con phải nhìn nhận cha thông minh hơn con một cách tuyệt đối vậy”.

Chưa kinh nghiệm mà nghe bàn đến cái khôn ngoan do kinh nghiệm mà có kia, làm sao tin được, làm sao không mỉm một nụ cười ngờ vực được…

Tôi đã từng sống qua cái tâm sự của thanh niên, tôi cũng đã từng mỉm một nụ cười ngờ vực…

Nhưng hôm nay, tôi không còn giữ được nụ cười ấy nữa… Cái hay của cổ nhân, cũng như cái dở của cổ nhân đều có thể là những bài học thâm trầm cho tất cả… “Trạch kỳ thiện giả nhi tòng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi ”.

Bởi vậy tôi phải thắp hương mà đọc lại những gì xưa kia tôi ngờ vực…

Thu Giang Nguyễn Duy Cần



* * * * * * *

THAY LỜI TỰA

• Trang Tử nói: “Có lờ là để bắt cá, đặng cá hãy quên lờ. Có dò là để bắt thỏ, đặng thỏ, hãy quên dò. Có lời là để tỏ ý, đặng ý, hãy quên lời… Ta làm sao tìm đặng kẻ biết quên lời… để cùng nhau đàm luận”.

• Một ngày kia, Phật chỉ trăng, bảo các đệ tử: “Kìa là mặt trăng, cứ ngó theo ngón tay ta thì thấy. Nhưng nên nhớ: Ngón tay ta không phải là trăng. Những lời ta giảng về Đạo cũng vậy: Các con cứ nghe lời ta giảng mà tìm Đạo. Nhưng nên nhớ: Lời giảng của ta không phải là Đạo”.

• Bàn đến cái đạo xử thế hôm nay, đâu có khác nào: Chẳng qua là “cái dò săn thỏ” hay “cái ngón chỉ trăng”…


(THU GIANG)

• Cái gì cũng biết, mà cái Đạo Làm Người chưa biết, chưa gọi được là người khôn.


(HOÀI NAM TỬ)

• Ở đời không có cảnh ngộ nào dễ xử. (TĂNG QUỐC PHIÊN)

• Người ta mà có thể bỏ được những cái khôn vặt, mới có thể khôn lớn được…

KHÔN, chết…
DẠI, chết…
BIẾT, sống…

(TRANG TỬ)
__________________
Đạo đức không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố.
HuongViet is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Đã có thành viên gửi lời cám ơn đến HuongViet vì bạn đã đăng bài:
JosephDora (26-11-2014)
Old 04-09-2010, 12:16 AM   #2
Hồ sơ
HuongViet
Senior Member
 
Tham gia ngày: Mar 2007
Tuổi: 44
Số bài viết: 162
Tiền: 25
Thanks: 216
Thanked 95 Times in 62 Posts
HuongViet is on a distinguished road
Default Ðề: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Thu Giang Nguyễn Duy Cần

CHƯƠNG 1



LÒNG TỰ ÁI


Người xưa có nói: “Giữa chốn ba quân có thể đoạt được soái ấn, nhưng không thể đoạt đươc cái chí của kẻ thất phu”.

Kẻ nói câu này, thật đã khám phá được cả tâm sự của loài người.

Người ta, dầu là một kẻ tầm thường đến bậc nào, bao giờ cũng cho ý kiến mình là quan trọng hơn tất cả. Cái “tôi” có phải là dễ ghét đâu theo như lời Pascal. Nó là cái chữ dễ yêu nhất trong đời. Nhưng vì ta đã quá nâng niu chìu chuộng nó… mà thàn ra cách xử lý tiếp vật trong đời ta gây không biết bao nhiêu sự vụng về, ân hận, đau khổ, tai ương… Và cũng chính vì thế mà Pascal mới thốt ra câu nói chua cay này, “Cái tôi rất đáng ghét”. (1)

Nó chẳng những dễ yêu mà thôi, nó lại là trung tâm điểm của vũ trụ là khác. Bao nhiêu sự vật trong đời, chung qui đều quây quần theo cái cốt ấy: Bản ngã.

Bởi thế, muốn đoạt được cái chí của một kẻ thất phu, người xưa cho là khó khăn hơn là đoạt soái ấn giữa chốn ba quân.

Dùng cường lực, dùng uy thế mà bức người phải nghe theo mình, không bao giờ làm được; mà dầu có làm được đi nữa thì cũng chỉ là một việc làm có thể được tạm thời mà thôi.

Ở đời không ai có thể chịu nhận mình là quấy cả. Dầu là tay đại gian, đại ác như Tào Tháo cũng không chịu nhận mình là gian ác. Tào Tháo thường xưng mình là vì dân vì nước, mà Lưu Bị cũng tin mình vì nước vì dân. Godse, người ám sát Gandhi mà thiên hạ phần đông nguyền rủa, vẫn tươi cười trước khi chịu tử hình. Bởi vậy, bàn cãi với người và muốn đem cái lẽ phải của mình ép buộc họ phải nghe theo thì chắc chắn không bao giờ được, lại còn gây thêm lắm điều không hay khác trong tình giao hảo hằng ngày.

Thuở nhỏ, tôi là người thích cãi nhất. Tính hiếu thắng xui tôi bao giờ cũng không chịu nhịn một ai cả, dầu trong một lời nói tầm thường cũng vậy. Trong những cuộc cãi vã, không bao giờ tôi chịu nhượng ai một lời. Rủi mà lời nói mình không được người để ý đến hoặc ruồng rẫy bỏ qua, thì không gì buồn khổ, bực tức bằng. Nói thì có hơi quá đáng, nhưng sự thật tâm sự tôi bấy giờ không khác gì tâm sự của Khuất Nguyên, có điều là không đến nỗi đi trầm mình nơi sông Bộc…

“Khuất Nguyên, làm quan cho Hoài Vương, nước Sở, bị sàm báng phải bị đuổi đi. Mặt mũi tiều tụy, hình dung khô héo… một ông Lão đánh cá trông thấy, hỏi: Có phải là Tam Lư đại phu đó chăng? Sao mà đến nỗi khốn khổ thế?

Khuất Nguyên nói: Đời đục cả, một mình ta trong, người say cả, một mình ta tỉnh… Bởi vậy, ta phải bị bỏ đi…”

Đâu phải đó là riêng gì tâm sự của Khuất Nguyên, mà là tâm sự chung của mọi người. Tại sao mình muốn cho người ta phải nghe theo mình mà không để cho người ta như mình, nghĩa là theo cái ý nghĩ của người ta.


* * *

Tuổi thanh xuân thường vì huyết khí bồng bột nên không chịu coi vào đâu những ý kiến của các bậc cao niên đầy kinh nghiệm hơn. Dầu có muốn cho mấy cũng không làm gì tránh khỏi sự xung đột giữa hai thế hệ. Vậy, làm cha mẹ bây giờ, tại sao ta không biết lấy cử chỉ khôn ngoan của nhà mục sư kia đối với đứa con trai mười lăm tuổi của ông mà xử với con mình? Ông mục sư ấy bảo với con ông: “Từ mười lăm tuổi đến hai mươi tuổi, cha cho phép con tin rằng con thông minh hơn cha. Từ hai mươi đến hai mươi lăm tuổi, thì con cũng có quyền tin rằng con thông minh bằng cha. Nhưng bắt đầu từ hai mươi lăm tuổi sắp lên, thì cha bắt buộc con phải nhìn nhận sự thông minh của cha hơn con nhiều một cách tuyệt đối vậy”.

Thật, ông cha này là một ông cha thông minh và khôn ngoan nhất. Tôi đã từng trải qua những gia đoạn ấy, những lúc mà huyết khí đã đưa tôi lên tận mây xanh của lòng tự phụ, không xem vào đâu sự kinh nghiệm của bậc tiền nhân và đã đưa tôi vào những cuộc phiêu lưu tinh thần không bờ bến… Mỗi một ý nghĩ gì chạm đến lòng tự phụ của tôi, thì tôi quyết đánh đổ đến kỳ cùng… nhất nguyện không bào giờ chịu để cho ngã lẽ… dẫu biết mình là sai lầm. Lắm khi nằm đêm suy nghĩ biết mình quấy nát, thế mà lòng tự ái cấm cản không cho mình đi về đường phải. Ước gì người ta đều biết cư xử với bọn thanh niên của chúng tôi như ông mục sư kia… thì biết bao nhiêu thanh niên đã không liều lĩnh đi vào con đường lãng mạn và đầy chông gai của nhưng lý tưởng mù mờ, nhưng khôn ngoan là biết chiều theo lòng thị dục đương buổi của chúng tôi. Thật, ông mục sư trên đây là người hiểu rõ tâm sự của thanh niên nhiều lắm.


* * *

Đừng công kích, đừng biếm nhẽ, đừng mạt sát ai… nghĩa là đừng chạm vào lòng tự ái của ai cả, nếu mình muốn người ta theo mình, nghe theo cái lẽ phải của mình. Hơn nữa, cái thiện cảm đầu tiên mà mình gây được nơi lòng người rồi, đó là cái chìa khóa của thành công của mình sau này vậy.


Thương nhau mọi sự chẳng nề,
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.


Trái lại, nếu mình vô tình gây lấy ác cảm lúc ban đầu thì con đường thất bại của mình đà vạch sẵn:


Yêu ai, yêu cả đường đi,
Ghét ai, ghét cả tông chi họ hàng…


Huống chi tư tưởng của mình, nếu có sự yêu ghét chen vào trước, thì sự thuận nghịch thấy liền trước mắt. Lý luận đanh thép bậc nào, bằng cứ dồi dào bậc nào cũng không làm gì chuyển được cái ác cảm gây ra lúc ban đầu. (2)


* * *

Huống chi trong khi bàn bạc, mình cũng phải kể đến trình độ của kẻ khác. Dầu người ấy có ngu si vụng dại đến đâu, phải biết cho họ cũng có cái lý của họ, hoặc vì trình độ hiểu biết của họ chỉ đến ngần ấy là cùng. Đối với người thấp, đừng dùng lời quá thấp mà bị người khinh thường.

Khổng Tử có nói: “Trung nhơn dĩ thượng, khả dĩ ngữ thượng dã, trung nhơn dĩ hạ, bất khả dĩ ngữ thượng dã”. Bậc trung trở lên, thì có thể dùng lời cao mà nói được; từ bậc trung trở xuống, không thể dùng lời nói cao mà nói được nữa. Một câu đọc thuộc lòng thuở nhỏ, đến nay mới hiểu được tất cả ý nghĩa thâm trầm của nó.

Trang Tử còn rõ ràng hơn: “ Đồng ý với ta, cho ta là phải; không đồng ý với ta, cho ta là quấy… Đã cho ta biện bác cùng anh, anh được, ta không được, vậy anh đã hẳn là phải, mà ta đã hẳn là quấy chăng? Nếu ta thắng được anh, anh không thắng được ta, vậy ta hẳn đã là phải, mà anh hẳn đã là quấy chăng? Hay là, hoặc khi phải, hoặc khi trái chăng? Hay là cả hai ta cùng phải cả, hoặc cùng quấy cả hay sao? Ta cùng anh không thể biết được nhau vậy. Giờ ta phải nhờ đến ai để quyết định điều đó? Nhờ kẻ đồng với anh để quyết định điều đó ư? Họ đã đồng với anh thì làm sao mà quyết định được. Cậy người đồng với ta để quyết định điều đó ư? Họ đã đồng với ta thì làm sao mà quyết định việc đó được. Vậy phải nhờ kẻ khác với anh và ta để quyết định điều đó ư? Họ đã khác với ta và khác với anh thì làm sao mà quyết định được. Nhờ người đồng với ta và đồng với anh để quyết định điều đó ư? Họ đã đồng với ta và đồng với anh thì làm sao mà quyết định được việc đó? Vậy thì, ta cùng anh, cùng người đều không thể biết nhau, còn phải đợi kẻ khác làm gì? ”

Câu này đã làm cho tôi tỉnh ngộ nhiều lắm. Thật vậy, cái phải quấy của thiên hạ chẳng qua ở chỗ thuận nghịch với những ý tưởng có sẵn của mình thôi. Chỉ có một sự đồng cùng không đồng mà lời mình nói, việc mình làm phải hay quấy. Và chỉ có thế thôi. Trình độ hiểu biết của ta không thể bắt buộc ta phải nhận được những điều mà ta chưa thể hiểu được. Không chịu hiểu thế, mà gắng gượng làm cho kẻ khác cùng phải ngã lẽ theo mình… thật mình còn mê hơn họ nữa, nếu họ thật là người mê. Đã vậy, lại còn bực tức, bất bình chỉ vì người ta không chịu hiểu theo mình… tôi tưởng không còn gì ngu si hơn nữa. Mình nói mà người ta không hiểu, biết đâu không phải vì người ta ngu, mà vì là mình ngu, nghĩa là mình không biết cách làm cho người ta hiểu. Cũng như làm thầy dạy học trò, mà học trò không hiểu, đừng vội cho chúng là ngu, mà phải tự trách vì mình không biết cách là cho chúng hiểu.


* * *

Tại sao biết chắc điều mình nghĩ là phải mà của người là quấy? Cái sướng của người trí, kẻ ngu lấy làm bực mình; cái sướng của kẻ ngu, người trí cũng lấy làm bực mình vậy. Phải quấy là một lẽ tương quan, đối với mình cũng như đối với người. Vậy, cãi nhau về điều phải lẽ quấy, thật là một điều khó được ổn thỏa.


* * *

Lại nữa, biết đâu sự hiểu biết của mình, lại không phải chỉ là một sự hiểu biết vụn vằn, chi li như cái biết của người mù rờ voi…

Bốn anh mù hội nhau quan sát con voi. Người thứ nhất rờ đụng cái chân, bèn nói: “Con voi giống như cột trụ”. Người thứ hai mò trúng cái vòi, bèn nói: “Đâu phải, nó giống cái chùy”. Người thứ ba đụng cái bụng, vuốt ve một hồi, rồi nói: “Theo tôi, nó giống cái chum đựng nước”. Người thứ tư lại nắm trúng cái lổ tai: Trật cả. Nó giống như cái nia”. Bốn người cãi nhau om sòm không ai chịu ngã lẽ cả. Ngã lẽ thế nào được chứ? Chính bàn tay mình rờ mó nó, chứ phải là nghe ai nói lại sao mà bảo là mơ ngủ. Làm cách nào bảo cho mình chịu được rằng con voi giống như cái nia trong khi chính tay mình ôm nó đây, thật tròn và dài như cây trụ…

Có người đi qua, dừng lại hỏi, vì đâu có sự cãi lẫy dường ấy. Họ bèn thuật lại những điều họ đã nhận thức đó và cậy người ấy làm trọng tài. Người ấy cười, bảo: “Không có một ai trong bốn anh em là thấy được rõ con voi như thế nào. Nó đâu có giống cây cột nhà, mà chính là chân nó giống như cây cột. Nó đâu có giống cái nia, mà cái tai nó giống cai nia. Nó đâu có giống cái chum đựng nước… mà cái bụng nó giống cái chum đựng nước. Nó cũng đâu có giống cai chùy, mà chính cái vòi nó giống cái chùy. Con voi là chung tất cả những cái ấy: chân, lỗ tai, bụng và vòi”.

Sự vật trong đời nó thiên hình vạn trạng, chắc gì mình có thể biết được tất cả phương diện của sự đời, và có biết đâu điều mình biết kia chỉ là một trạng thái của sự vật thôi. Chỉ có những bậc sáng suốt nhất mới dám tự hào là thấy đặng chân tướng sự vật, nhưng mà cũng biết đâu họ chỉ biết được nhiều phương diện hơn mình thôi, chứ không phải là biết được tất cả phương diện. Sự phải biết thì vô cùng, còn sức hiểu biết của mình thì có hạn; lấy cái hữu hạn mà lượng cái vô cùng… thật là khó lòng làm nổi.

Cãi về con voi của những người mù này, cũng không khác gì cãi nhau về con kỳ nhông cổ tích: một cuộc bàn cãi về cái chuyển của sự vật. Có người kia bảo với bạn nó: “Tôi đứng dưới gốc cây đàng kia, thấy rõ ràng một con thú quái lạ, đỏ như lửa”. Người nọ bảo: “Tôi cũng thấy con thú ấy vậy, nhưng nó xanh lè kia mà!” Một người thứ ba đi ngang qua, nghe vậy, xía vô: “Đâu phải, tôi thấy rõ ràng nó vàng như nghệ vậy”. Rồi thì người đi đường xúm lại nghe, ai cũng bảo chính mình thấy như thế này… như thế khác… Cãi nhau kịch liệt, không ai chịu của ai đúng hơn của mình… Họ vừa tính choảng nhau, thì có một người lạ khác vào can: “Không! Không! Các anh đừng cãi nữa. Chính tôi là người sống dưới cội cây ấy nên tôi nhận rõ sự biến đổi của con thú ấy. Nó là con kỳ nhông, nó đổi sắc luôn luôn. Khi thì đỏ, khi thì vàng, khi thì xanh, khi thì tím. Và riêng tôi, có lúc lại thấy nó không có màu sắc gì cả và giống hệt với cái da cây…”.


* * *

Sự vật ở đời đâu phải luôn luôn như thế này, hay luôn luôn như thế kia đâu. Thảy đều là một sự thay đổi không ngừng. Điều mà mình cho là phải hôm nay, biết đâu ngày mai lại thành một sự quấy. Cái lợi hôm nay, biết đâu sẽ là cái hại của ngày mai.

Một ông lão có con ngựa, một hôm con ngựa tự nhiên đi mất. Hàng xóm đến chia buồn. Ông nói: “Mất ngựa, nhưng các ông sao biết đó là họa cho tôi?”

Cách mấy tháng, con ngựa lại trở về, dẫn theo một con ngựa hay nữa. Hàng xóm cũng đến chia mừng. Ông nói: “Được ngựa hay, thế nhưng sao các ông biết đó là phúc cho tôi?”

Từ ngày được ngựa hay, con trai ông lão ngày nào cũng thích cưỡi, rủi té, què chân. Hàng xóm đến chia buồn. Ông nói: “Con tôi què, nhưng sao các ông biết đó là họa cho tôi ?”.

Năm sau có giặc. Nhà vui bắt lính… Thanh niên đi lính, mười người chết đến chín. Con trai ông vì què khỏi đi lính, nên cha con còn hủ hỉ với nhau.


* * *

Một hiền giả Ấn Độ, ngày kia, xem bài các đệ tử phê bình về một bài thơ của mình. Có hai người đệ tử, trước khi trình cho thầy bài luận của mình, lại đổi nhau xem trước. Họ cãi nhau không ai chịu nhận bài của bạn mình là đúng. Thế rồi, họ bảo nhau để coi thầy sẽ phán đoán cách nào. Ông thầy xem đến bài của từng người đều gật đầu khen phải cả. Đến lượt hai người này, thầy cũng gật đầu khen đúng nữa. Một người liền đứng lên phản đối: “Thưa thầy, bảo rằng bài của các bạn con đều đúng, thì con không dám cãi, vì con không được biết họ nói gì trong đó. Chớ như đối với bài của anh này, thì con chắc chắn không thể nào nào thầy cho là đúng được, trong khi thầy cũng nhận cho bài của con cũng đúng nữa. Hai chủ trương của chúng con quả quyết không thể bên nào dung được bên nào: hễ anh ấy phải thì con quấy, mà con phải thì anh ấy quấy”.

Ông thầy mỉm cười, ôn tồn bảo: “Hai trò đều bàn đúng cả đấy. Sở dĩ trò này nói vầy là tại cái trình độ hiểu biết của nó chỉ đến đó là cùng. Sao có thể bảo nó nói sai hay hiểu sai cho được! Bài thơ của thấy như vầng Thái Dương, hoa nào cũng nhờ ánh Thái Dương mà nở, nhưng cây hoa nào nở hoa nấy; cây này không nở hoa kia, mà cây kia không thể nở hoa nọ được… Sao có thể bảo bài của người này phải, mà bài của kẻ kia quấy!”.

Nếu ở đời, ai cũng biết lấy cái lượng của hiền giả này mà xử, thì ắt không bao giờ cần phải học đến thuật xử thế, mà việc gì trong đời cũng sẽ được xuôi chèo mát mái cả…


______________


Chú thích:
(1) Le moi est haissable
(2) Xem quyển “Thuật Tư Tưởng” cùng một tác giả.
__________________
Đạo đức không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố.
HuongViet is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Old 04-09-2010, 12:18 AM   #3
Hồ sơ
HuongViet
Senior Member
 
Tham gia ngày: Mar 2007
Tuổi: 44
Số bài viết: 162
Tiền: 25
Thanks: 216
Thanked 95 Times in 62 Posts
HuongViet is on a distinguished road
Default Ðề: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Thu Giang Nguyễn Duy Cần

CHƯƠNG II



Chữ LỄ của Á Đông


Như ta đã thấy: lòng tự ái là nguồn gốc lớn của muốn sự đắng cay chua xót ở đời. Muốn cho tâm hồn được bình tĩnh, thời không có gì kỵ bằng lòng tự ái. Trong các thị dục, thị dục về lòng tự ái là vô độ hơn cả: trong các khổ não, cái khổ não do lòng tự ái gây ra là khó tránh và thường thống thiết hơn.

“Lòng tự ái đã là cái cừu địch cho sự bình tĩnh bên trong, nó lại cũng là cái cừu địch cho sự yên ổn bên ngoài nữa. Phàm khi lòng tự ái được thỏa mãn là tất có xâm phạm đến bên ngoài…”


* * *

“Lòng tự ái bao giờ cũng chăm chăm đáu đáu chỉ chực có dịp miệt kẻ khác để cho khỏi bị kẻ khác miệt mình, thành ra bao giờ cũng cứ quanh quanh dòm dõ người ta; xem ai có gì xấu phô trương lên, ai có gì tốt thì bài bác đi, để nuôi cái lòng tự đắc của mình”.

Xem đấy đủ rõ câu “ẩn ác dưỡng thiện” của cổ nhân khó thi hành biết chừng nào! Tại sao? Tại lòng tự ái của chúng ta quá nặng, thường tin rằng dìm được người ta là đem được mình lên, chê cái dở của người tức là đem được cái hay của mình ra… Thật không gì vụng về bằng… khiến nên, ở đời, trong sự giao tế hằng ngày, gây cho ta không biết bao nhiêu khốc hại…


* * *



Tóm lại, tất cả mật pháp của thuật xử thế có thể gồm trong hai nguyên tắc quan trọng:
  1. Chớ chạm vào lòng tự ái của ai cả.
  2. Ẩn ác dưỡng thiện.
Nguyên tắc thứ nhất thuộc về tiêu cực; còn nguyên tắc thứ nhì thuộc về tích cực. Cả hai không phải là những câu châm ngôn chỉ sự khôn dại cho người đời mà thôi, mà thật ra nó là câu nói của lòng Nhân, hay ít ra, của lòng yêu chuộng Công Bình.

Người xưa há không có bảo: “Kỷ sở bất dục, vật ư thi nhân” sao? Cái gì mình không muốn người làm cho mình, thì đừng làm cho kẻ khác. Có ai là người muốn bị người ta chạm đến lòng tự ái của mình không? Thế sao mình lại thích lấn áp người trong lời nói để người ta phải đỏ mặt, tía tai cho cam. “Làm cho người ta cùng lý đến phải ngậm miệng, đỏ mặt, toát mồ hôi, mình tuy hả lòng thật, nhưng đấy là người nông nổi khắt khe làm sao…” (1) Thế là bất công, mà cũng là bất nhân nữa…

Nhưng rồi, hả lòng được một ít mà lắm khi còn di hại cho mình đến thảm khốc cũng không chừng… Thế thì đâu phải chỉ bất công, bất nhân mà lại còn bất trí nữa là khác.

Chữ Lễ của người Á Đông trong đạo xử thế thật có thể bao hàm được cả hai ý nghĩa đã vừa nói ở trên. Lễ, theo Á Đông, chẳng những có ý nghĩa tự tri, tự chủ (2), mà cũng có nghĩa là Nhân nữa. Nếu phải nói tắt một lời, thì tôi nói: tất cả thuật xử thế của người Á Đông đều ở trong một chữ Lễ.

Lễ, là nhún nhường, đem cái bản ngã của mình để sau kẻ khác, đâu phải vì giả dối du mị để mưu lợi cho mình. Lễ là tránh cái đau khổ cho bản ngã kẻ khác bằng cách hy sinh bản ngã của mình. Lễ, là che cái xấu, giấu cái dở và biểu dương cái hay, cái đẹp của người ta. Phải là một người không ích kỷ, diệt dược cái bản ngã của mình rồi mới làm nổi việc ấy, làm một cách thản nhiên, vô tư lợi…

Hiểu được tất cả cái ý nghĩa thâm sâu của chữ Lễ, và học được bấy nhiêu thôi, là đã học được cái mật pháp của thuật xử thế rồi…

Nhất là người trên mà đối với kẻ dưới cần phải cẩn thận nhiều về chữ Lễ, vì kẻ dưới với cái tâm cảm tự ti của họ, khó mà tha thứ những điều sơ suất của ta về lễ độ được. Người trên mà thất lễ với kẻ dưới là một sự thường rất dễ hiểu: kẻ phú quí hay tài hoa hơn kẻ khác thường dễ sinh tự phụ và kiêu khí. Nhưng họ nào có dè, kết quả của sự kiêu căng vô lễ của họ… nó nguy hiểm thâm độc không biết chừng nào…

Philippe, vua nước Macédoine, khi đang đem quân vây thành Méthone, có một tên cung thủ đại tài tên là Aster đến xin vào đội tinh binh của nhà vua. Người ấy khoe rằng tài nghệ cung tiễn hay lắm, chim bay dầu lẹ đến bậc nào, y bắn cũng không sai bao giờ. Vua ghét đứa khoe mình nên phán rằng: Được, để ta đánh trận với chim sẻ, bấy giờ ta sẽ dùng đến tài ngươi.

Aster nghe câu nói mỉa mai ấy, lấy làm căm tức vô cùng, liền chạy thẳng vào thành bị vây chờ dịp trả thù.

Một hôm Aster đứng trên bờ thành, thấy vui Philippe đang đi kinh lý các trại quân đóng ngoài thành, liền lấy một cây tên, viết vào mấy chữ: “Gởi cho con mắt bên hữu của vua Philippe”, rồi bắn xuống. Tên trúng giữa mắt phải của vua. Vua sai sứ cầm chiếc tên vào trả lại trong thành giặc, phê lên trên mũi tên rằng: “Ta mà lấy được thành này, Aster sẽ bị xử giảo”. Sau quả y lời.

Vua Philippe, thật đã mua đắt cái cao thú được nói một lời có ý vị. Nhưng mà, Aster lại mua rất đắt cái thú trả được thù. Cái lòng hiềm thù nhiều khi nó ngộ chúng ta mà đưa chúng ta đến chỗ bại. Cái tính châm chích người ta cũng chẳng nguy hiểm kém gì. Đành rằng nói được những câu thâm trầm, khiến cho kẻ khác sợ ta, nhưng chúng sợ ta thì ít mà lòng oán hận lại nhiều. Những lời nhạo báng để lấn áp người, để thỏa được lòng tự ái của mình, khiến cho lòng người bị chạm lấy đau khổ không thể quên được. Thường thường người ta có thể tha thứ cho ta một cái tội ác dễ hơn là tha thứ cho ta một lời nói độc.


* * *

Nam Cung Trường Vạn, một người trong bầy tôi của Tống Mẫn Công, bị giặc Lỗ bắt. Tống Mẫn Công cho người đến xin vua Lỗ tha cho. Lỗ Trang Công cho Nam Cung Trường Vạn về nước.

Khi thấy Nam Cung Trường Vạn, Tống Mẫn Công nói đùa: “Ngày trước ta kính trọng ngươi; bây giờ ngươi là tù nhân nước Lỗ, ta không kính trọng nữa”. Nam Cung Trường Vạn thẹn đỏ mặt, cáo từ lui ra.

Quan đại phu Cừu Mục nói riêng với Tống Mẫn Công: “Vua tôi giao tiếp với nhau, cần phải giữ Lễ, không nên đùa bỡn… đã đùa bỡn thì lòng hết kính mà lòng lại sinh ra mối phản nghịch. Chúa công nên nghĩ kỹ đến điều ấy”. Tống Mẫn Công nói: “Ta với Nam Cung Trường Vạn là chỗ thân nhau lắm, cần gì điều ấy”.

Ngày kia Tống Mẫn Công cùng Trường Vạn đánh cờ. Mẫn Công là tay cao cờ. Trường Vạn thua luôn mấy ván, phải bị phạt uống một bát rượu lớn. Trường Vạn đã ngà ngà trong lòng không phục, xin đánh thêm ít ván nữa.

Mẫn Công nói: “Tù nhân thì tất phải thua, lại còn dám xin đánh nữa à!”.

Trường Vạn xấu hổ không nói…

Bỗng có sứ giả nhà Châu đến báo tin vua Trang Vương mất và vua Hy Vương mới lên ngôi.

Mẫn Công nói: “Nhà Châu có vua, vậy ta nên sai người vào triều”.

Trường Vạn thưa: “ Tôi nghe nói kinh đô nhà Châu đẹp lắm, mà chưa được xem, xin chúa Công cho tôi đi sứ”.

Mẫn Công cười, lại đùa nữa: “Khi nào Tống không còn ai nữa mới sai đến tù nhân đi sứ”.

Các cung nhân đều cười ầm cả lên. Trường Vạn mặt đỏ bừng thẹn quá… chẳng nghĩ gì đến lễ chúa tôi nữa, bèn quát to lên: “Hôn quân! Mầy phải biết tù nhân này có thể giết được người chớ!” Mẫn Công nổi giận, giật lấy kích của Trường Vạn… thì Trường Vạn thuận tay vác bàn cờ đánh Tống Mẫn Công ngã xuống, rồi đâm luôn mấy cái, Mẫn Công tắt thở.

Nam Cung Trường Vạn làm phản luôn, và lập vua khác lên ngôi.


* * *

… Công tử Tống và công tử Qui Sinh đều là quí tộc nước Trịnh. Hai người cùng hẹn nhau vào triều. Bỗng đâu ngón thực chỉ của công tử Tống tự nhiên máy động. Công tử Tống mới giơ ngón tay cho côn tử Quy sinh xem. Quy Sinh lấy làm lạ. Tống nói: “Bao giờ ngón thực chỉ của tôi máy động thì ngày hôm ấy thế nào cũng được ăn một món gì quí lạ”.

Vào đến triều… Trịnh Linh Công nhân vừa bắt được một con giải, bảo làm thịt đãi các quan. Linh Công mời hai công tử cùng ở lại dùng tiệc với vua. Qui Sinh nhớ lại câu chuyện ngón tay thực chỉ của công tử Tống, bèn ngó Tống mỉm cười chúm chím mãi…

Linh Công hỏi, Qui Sinh thuật lại cho Linh Công nghe. Linh Công gật đầu, không nói gì, lại nghĩ một việc tác quái… Bèn kêu tên dọn yến, bảo ngầm: “Đừng dọn món thịt giải cho công tử Tống”. Đến lúc dự tiệc, các quan khách đều được ăn thịt giải, trừ công tử Tống ngồi ngơ ngáo. Linh Công cười bảo: “ Thế thì ngón thực chỉ của công tử hết linh rồi”.

Các quan đều cười ầm cả lên.

Công tử Tống thẹn đỏ mặt, đứng dậy, xô bàn và bước đến gần bên vua, lấy tay nhúng vào bát canh giải của vua, cầm lấy một miếng vừa ăn vừa nói: “Ngón thực chỉ của ta vẫn linh kia mà”. Vua kêu tả hữu vây bắt. Công tử Tống thoát khỏi, rồi lập mưu giết Linh Công trong giấc ngủ.


* * *

Tống Mẫn Công và Trịnh Linh Công nào có dè những lời nói đùa của mình có những cái kết quả khốc hại đến thế. Ỷ là chỗ chí thân nên không thận trọng; hai ông đâu có ngờ cái địa vị cao cả của mấy ông đã là một điều mà kẻ dưới của mấy ông khó dung túng mấy ông được rồi, huống hồ lại còn bị các ông điếm nhục.


* * *

Kẻ nghèo thường hay sợ kẻ giàu. Kẻ hèn thường hay sợ kẻ sang khinh. Cái tâm cảm tự ti thường khiến họ có những cử chỉ tự trọng thái quá: họ rất dễ bị phẫn khích vì những thói khinh bạc của người trên. Ta nên biết mà tha thứ cho họ: chẳng qua đó là một lối họ trả thù cái địa vị cao sang tài đức của mình hơn họ mà thôi.


* * *

Vua Tuyên Vương nước Tề đến chơi nhà Nhan Súc.
Vua bảo: “Súc bước lại đây”.
Nhan Súc cũng bảo: “Vua bước lại đây”.

Các quan thấy vậy nói: “Vua là bậc chí tôn, Súc là kẻ thần hạ.” Vua bảo: “Súc lại đây”; Súc cũng bảo: “Vua lại đây”, như thế có nghe được không?

Nhan Súc nói: “Vua gọi Súc mà Súc lại, thì ra Súc là người ham mộ thần thế. Súc gọi vua mà vua lại, thì vua là người quí trọng kẻ hiền sĩ. Nếu để Súc này mang tiếng ham mộ quyền thế thì sao bằng để vua được tiếng quý trọng hiền tài”.

Vua nghe lời nói cao ngạo, giận lắm, gắt lên:
- Vua quý hay sĩ quý?
- Sĩ quý, vua không quý.
- Có sách nào nói thế không?
- Có. Ngày trước nước Tàu sang đánh nước Tề có hạ lệnh: “Ai dám đến gần mộ Liễu Hạ Huệ mà kiếm củi, thì sẽ phải bị xử tử”. Lại cũng có lệnh: “Ai lấy được đầu vua Tề thì được phong hầu và thưởng nghìn lượng vàng”. Xem như thế đủ rõ cái gì quý hơn cái gì.


* * *

… Tử Kích là một bậc quyền quý, gặp Điền Tử Phương, một hàn sĩ, ở giữa đàng, liền xuống xe chào, Tử Phương làm lơ, không đáp lại.

Tử Kích giận, hỏi Tử Phương: “ Kẻ phú quý hay khinh người đã đành, kẻ bần tiện có khinh người được không?”

Tử Phương nói: “Kẻ bần tiện mới hay khinh người. Vua mà khinh người thì mất nước, quan mà khinh người thì mất chức. Còn kẻ học thức, xử cảnh bần tiện, đi đến đâu mà lời nói vua quan không dùng, việc làm vua quan không theo, thì xỏ chân vào giày đi ngay lập tức, đến chỗ nào chẳng được bần tiện, còn lo sự gì mà không dám khinh người…”


* * *

Đối với kẻ quyền quý, kẻ sĩ thường hay có những cái ngạo khí ấy, cốt để bù vào cái địa vị thấp kém của mình. Bởi vậy, những thói biếm nhẽ kiêu căng thường thấy trong bọn người bất đắc chí… Xem đấy đủ thấy, kẻ dưới, trong cái địa vị thấp kém của họ, khó mà thoát khỏi cái tâm cảm tự ti, cho nên cũng rất khó mà dung tha cái thói ngạo nghễ của người trên: lòng tự ái của họ rất khắt khe, thắc mắc từng li từng tí.

Trong tình bè bạn, kẻ có tài hoa hoặc địa vị hơn bạn mình càng phải biết gắt gao gìn giữ chữ Lễ trong tình giao hữu hằng ngày. Cũng một lời nói, cũng một cử chỉ, mà khi là bạn bè áo vải với nhau thì không có điều gì xích mích, mà lúc kẻ thành công, người thất bại, kẻ cao sang, người dân dã lại không thể tha thứ cho nhau.

Có nhiều người tự hỏi: Ta và anh ấy là một đôi bạn chí thân, nhường cơm xẻ áo cho nhau. Thế sao ngày nay tình anh em ngày một lạnh nhạt, mặc dầu ở địa vị cao sang mình vẫn không thay đổi tấm lòng. Trong trường hợp này, kẻ nghèo kém hơn bao giờ cũng dễ nghi mình bị khinh khi, nên hay tỏ ra ngạo nghễ… Vậy muốn nối lại tình bằng hữu, phá tan cái rào giai cấp… kẻ giàu sang hơn cần phải khéo xử nhũn nhặn hơn mới đặng. Cũng như hai bạn mà xích mích với nhau, kẻ không có lỗi phải xin lỗi người có lỗi… đừng để người bạn có lỗi của mình đau khổ vì vấn đề thể diện…

Phan Thanh Giản có một người bạn thân quen biết từ khi còn đi học. Bạn cụ học giỏi mà nhà nghèo, không thi cử, chỉ lấy việc ruộng nương mà làm kế sinh nhai. Cụ Phan, như ta đã biết, theo con đường hoạn lộ.

Khi đi kinh lý đất Nam Kỳ, có dịp cụ ghe thăm người bạn cũ. Một viên kinh lược đến đâu, cố nhiên là có quân lính tiền hô hậu ủng. Nhưng lúc tìm thăm bạn, cụ Phan có cái nhã ý tránh nhắc nhở trước người bạn áo vải cái quyền tước cao sang hiện thời của mình. Cụ cho quân lính dừng lại cách xa nhà bạn có trên mấy dặm… Rồi mặc áo thâm, bịt khăn đóng… lững thững một mình tiến vào chiếc nhà lá lụp xụp… Khi cụ đến nhà, ông bạn mắc đi làm ngoài ruộng, không hay cụ đến. Gặp nhau mừng rỡ, bạn của cụ lật đật dọn cơm, trên mâm chỉ có một dĩa rau luộc và một dĩa mắm kho. Cụ cùng bạn ngồi ăn ngon lành vui vẻ như khi còn áo vải…

Ngày xưa, cách xử thế thật khôn ngoan vô cùng, mà cũng nhân hậu vô cùng.


Chú thích:
(1) Lữ Khôn.
(2) Xem quyển “Cái Dũng của Thánh Nhân” cùng một tác giả.
__________________
Đạo đức không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố.
HuongViet is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Đã có 2 thành viên gửi lời cám ơn đến HuongViet vì bạn đã đăng bài:
ajnqunvs88 (31-12-2014), MarvinSi (17-01-2014)
Old 04-09-2010, 12:19 AM   #4
Hồ sơ
HuongViet
Senior Member
 
Tham gia ngày: Mar 2007
Tuổi: 44
Số bài viết: 162
Tiền: 25
Thanks: 216
Thanked 95 Times in 62 Posts
HuongViet is on a distinguished road
Default Ðề: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Chương III

CÓ TÀI MÀ CẬY CHI TÀI


“Khôn mà làm như ngu, mới là khôn kín” (Lữ Khôn)

Ông Khổng Tử ở nước Lỗ vào kinh đô nhà Châu hỏi Lễ ông Lão Tử…

Khi đưa Khổng Tử ra về, Lão Tử có nói: “Tôi nghe người giàu sang tiễn người thì dùng của cải, người nhân hậu tiễn người thì dùng lời nói. Tôi tuy không được giàu sang nhưng mang tiếng là người nhân hậu, vậy xin tiễn ngài một lời nói vậy: “Này, phàm kẻ sĩ đời nay, những người thông minh sâu sắc, xét nét mà có khi đến phải thiệt mạng, đều là vì hay chê bai biếm nhẽ, nghị luận tâm sự người ta cả; những kẻ biện bác rộng rãi xa xôi mà có khi phải khổ đến thân, đều là kẻ hay bươi móc phơi bày cái xấu, cái dở người ta ra”.

Khổng Tử cúi đầu thưa: “Vâng, tôi xin nghe lời dạy bảo ấy”.

Lão Tử nói tiếp: “Tôi nghe rằng: “Nhà buông giỏi, khéo chứa của quý thì làm như người không có gì. Người quân tử thạnh đức, dung mạo như người ngu. Ngài nên bỏ cái kiêu khí và đa dục, cái thái sắc và dâm chí của ngài đi. Nó không có lợi gì cho cái thân ngài cả”. (1)


* * *

Thật đây là một bài học xử thế thâm trầm, sâu sắc không biết chừng nào.

Có của quý mà khoe là vời hại đến cho thân mình. Có tài giỏi mà khoe là vời họa đến cho thân mình… Của quý, tài hay, sắc đẹp… là những điều mà ai ai cũng muốn. Muốn mà không đặng thì ganh. Ganh thì tìm cách mà làm hại cho đã lòng đố kỵ… Đó là lẽ dĩ nhiên nó phải vậy.


“Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần”



* * *

Tào Tháo có lập một sở hoa viên. Lập rồi, đến xem, không chê mà cũng không khen, chỉ viết một chữ hoạt rồi ra đi, không ai rõ ý gì cả.

Dương Tu nói: “Trong cửa mà viết chữ hoạt thành ra chữ khoát có nghĩa là rộng. Thừa tướng chê cửa này rộng. Thợ bèn sửa nhỏ lại một ít. Tào Tháo đến xem, cả mừng hỏi: “Ai mà biết ý ta hay vậy?”. Kẻ tả hữu thưa: “Ấy là Dương Tu”.

Tháo nghe nói, khen, nhưng trong lòng không thích.

Lại có một khi ngoài ải Bắc đem dưng một thố cơm rượu. Tháo bèn đề nơi nắp thố: “Nhất hiệp tô”, rồi để trên ghế.

Dương Tu vào, thấy ba chữ ấy, liền dở ra, lấy muỗng múc mà chia cho mỗi người một muỗng. Ăn rồi, Tháo ra hỏi: “Vì ý gì vậy?”. Tu thưa: “Trên thố ấy, Thừa tướng đề rõ ràng ‘Nhất hiệp tô’ nghĩa là ‘Nhất nhơn nhất khẩu tô’, mỗi người một miếng cơm rượu, cho nên tôi vâng lời Thừa tướng”.

Tháo khen, nhưng lòng đã ghét…

Tháo thường hay sợ thích khách, nên dặn kẻ hầu hạ: “Khi ta ngủ, bây đừng lại gần, vì ta chiêm bao hay giết người”.

Một ngày kia Tháo đương ngủ ngày, rớt mền. Có một tên hầu cận lật đật lấy mền mà đắp lại. Tháo ngồi dậy rút gươm chém quách, rồi liền lên nằm mà ngủ lại, giây lâu mới thức dậy, giả đò thất kinh nói: “Vậy chứ ai giết kẻ hầu cận của ta?”. Mấy người kia cứ thiệt mà trả lời. Tháo khóc ròng, khiến chôn cất tử tế, ai ai cũng đều tin Tào Tháo thiệt chiêm bao giết người. Dương Tu biết ý Tào Tháo, cho nên khi chôn tên hầu cận ấy, bèn chỉ cái hòm nói: “Không phải Thừa tướng chiêm bao, mà chính mi chiêm bao đấy!”

Tháo hay đặng thì lại càng ghét lắm.

… Tháo đóng binh nơi Tà Cốc đã lâu ngày, muốn tấn binh thì bị Mã Siêu ngăn đón, tới không nổi, muốn thối binh lại e người Thục chê cười… Trong lòng đương do dự, xảy người nấu ăn bưng lên dâng một tô canh thịt gà. Tháo thấy có gân gà, cầm lên ăn. Đang ngẫm nghĩ thì Hạ Hầu Đông bước vào xin cho tiếng khẩu hiệu trong đêm nay. Tháo nghe nói liền ra khẩu hiệu: “Gân gà, gân gà”.

Hạ Hầu Đôn vâng lệnh ra truyền cho các quan đêm nay khẩu hiệu: “gân gà”. Hành quân chủ bộ Dương Tu khi nghe truyền hai tiếng khẩu hiệu gân gà, thì khiến quân của mình sắm sửa đồ hành trang đặng chuẩn bị trở về.

Có người vào báo cho Hạ Hầu Đôn. Đông cả kinh cho mời Dương Tu đến trại mà hỏi: “Sao ông lại khiến sắm sửa đồ hành trang vậy?”. Tu nói: “Lấy theo lời khẩu hiệu đêm này của Ngụy Vương, thì ý Ngụy Vương sẽ lui binh nội ngày mai. Gân gà là ăn nó không có thịt, mà bỏ thì tiếc vì nó có mùi. Nay tấn binh thì thắng không nổi, còn thối đi thì tiếng thiên hạ cười. Song ở đây hoài cũng vô ích, chi bằng về phứt đi. Nội ngày mai ắt là Ngụy Vương rút binh chớ chẳng không. Vậy tôi khiến sắm sửa lần, để ngày mai khỏi chộn rộn”.

Đôn khen: “Ông thật là thông minh, biết trong tim đen của Ngụy Vương”. Bèn khiến quân mình cũng sắm sửa đồ hành trang nữa. Các tướng thấy vậy đều bắt chước sắm sửa lo về.

Đêm ấy, Tào Tháo lo lắng nằm ngủ không yên, bèn xách búa đi tuần các trại. Thấy trại Hạ Hầu Đôn đều sắm sửa lo về. Tháo lấy làm lạ, vội vàng trở về, khiến đòi Hạ Hầu Đôn lại hỏi: “Vì cớ gì binh lính sắm sửa hành trang lo về khi chưa có lệnh của ta?”. Hầu Đôn thưa: “Hành quân chủ bộ Dương Tu đã biết trước trong lòng của Đại Vương”. Tào Tháo cho đòi Dương Tu đến hỏi: “Sao mi dám bày điều làm loạn lòng quân?”. Bèn kêu đao phủ thủ khiến dẫn ra chém, lấy thủ cấp bêu lên làm hiệu lệnh ngoài cửa ngọ môn.


* * *

Bảo rằng: Sao dám bày điều làm loạn lòng quân, chỉ là có cái cớ để đem Dương Tu ra chém. Sự thật cái ý chém Dương Tu đã ngấm ngầm trong lòng Tháo lâu rồi. Ngay buổi ban đầu lúc sửa cửa ở hoa viên, cái thông minh của Dương Tu đã là khó chịu Tháo rồi… Chính ngày ấy, Dương Tu đã tự lên bản án chém đầu mình… Chẳng phải riêng gì Tháo, cái lòng đố kỵ ấy nó ở trong thâm tâm của tất cả mọi người; không ai mà ưa có người thông minh hơn mình, nhất là lại hay khoe cái khôn ấy.

Thông minh như Dương Tu, thế mà không biết giữ mình được toàn thân, thật không bằng một kẻ ngu: “Người buôn giỏi khéo giữ của quý, thì làm như người không có gì… Người quân tử thạnh đức, dung mạo như người ngu…”.


* * *

Lưu Huyền Đức lúc ở chung với Tào Tháo tại triều thường lo phòng Tào Tháo hại. Thường ngày ông ra sau vườn mà trồng rau, tự tay bón phân tưới cây…

Quan và Trương nói: “Sao anh không lưu tâm về việc thiên hạ đại sự, lại học làm những việc tiểu nhân. Ý gì vậy?”.

Huyền Đức nói: “Ấy chẳng phải chỗ hai em biết đặng”. Hai người không dám hỏi nữa.

Ngày kia, Huyền Đức đang tưới rau sau vườn thì có lệnh Tào Tháo đến mời… Huyền Đức cả sợ, hỏi: “Việc chi gấp vậy?”

Các tướng trả lời không biết. Ông bèn theo vào phủ ra mắt Tào Tháo.

Tào Tháo gặp Lưu Huyền Đức, cười bảo: “Ông ở nhà đã làm nên việc lớn dữ a!”.

Huyền Đức thất sắc, Tháo cầm tay Huyền Đức dắt thẳng ra sau vườn, “Huyền Đức học làm vườn có khi nực lắm!” Huyền Đức nghe nói mới an lòng, liền đáp: “Không chuyện chi, nên phải làm cho giải khuây đó thôi!”.

Khi ra sau tiểu đình thì thấy đã bày sẵn đồ đạc và chén.

Tháo nói: “Tôi thấy nhành mai đơm bông thơ thới thì nhớ đến lúc đi đánh Trương Tú, dọc đường hết nước, tướng sĩ đều khát. Tôi mới bày ra một chước ‘vọng mai chỉ khát’, lấy roi chỉ tới mà rằng: ‘Trước mặt có rừng mai kia kìa!’. Quân sĩ nghe nói, ai nấy đều đổ nước miếng mà hết khát nước. Nay thấy cây mai này, chẳng lẽ không thưởng cho vui, vậy mới đặt rượu ngon, mời sứ quân đến vui vầy một tiệc”.

Hai người cùng ngồi ngang nhau mà ăn uống vui vầy. Rượu vừa nửa chừng, bỗng đâu mây đen kéo tới, giông gió ào ào. Quân sĩ chỉ rằng: “Rồng lấy nước kia kìa”. Tào Tháo và Huyền Đức ra xem. Tháo mới hỏi Huyền Đức.

- Sứ quân biết rồng biến hóa thế nào chăng?

Huyền Đức thưa: “Chưa biết rõ lắm”.

Tào Tháo nói: “Tánh rồng hay lớn hay nhỏ, hay thăng hay ẩn; khi lớn thì làm mây mưa sa mù, khi nhỏ thì ẩn bóng giấu hình. Thăng thì tung bay nơi vũ trụ, ẩn lộn thì núp dưới ba đào. Nay lúc mùa xuân, rồng nương theo thời mà biến hóa cũng như người đắc chí tung hoành trong bốn bể vậy. Rồng là một vật sánh đặng với bậc anh hùng trên đời. Huyền Đức trải khắp bốn phương đã lâu, có lẽ biết đặng anh hùng trong đời này. Xin chỉ ra thử xem”.

Huyền Đức nói: “Bị tôi, con mắt thịt, lẽ đâu biết đặng anh hùng”.

Tào Tháo nói: “Chớ nói khiêm nhường chi cho thái quá!”

Huyền Đức nói: “Tôi nhờ ngài giúp sức nên mới đặng làm quan tại trào, còn anh hùng trong thiên hạ, thật chưa biết đặng”.

Tào Tháo nói: “Tuy chưa biết mặt nhưng cũng biết danh chứ!”

Huyền Đức chỉ Viên Thiệu, Viên Thuật, Lưu Kiển Thăng, Tôn Bá Phù, Lưu Quí Ngọc… Tháo đều lắc đầu, chê là lục lục thường tài. Huyền Đức bèn nói: “Ngoài bọn ấy thì thật tôi không biết ai nửa cả”.

Tào Tháo nói: “Hễ đấng anh hùng thì trong dạ có chí lớn, bụng có mưu hay, gồm giấu máy vũ trụ, có chí nuốt trời mửa đất, mới thật anh hùng”.

Huyền Đức nói: “Ai mà sánh đặng điều ấy? Tôi thật không hiểu nổi”.

Tào Tháo lấy tay chỉ Huyền Đức, rồi lại chỉ mình mà rằng: “Nay đấng anh hùng trong thiên hạ duy có sứ quân cùng Tháo mà thôi”.

Huyền Đức nghe nói thất kinh, đôi đũa cầm trong tay bỗng rớt xuống đất. Lúc bấy giờ trời đang mưa lớn, sấm sét nổ rền. Huyền Đức thủng thẳng cúi đầu lượm đũa mà rằng: “Một tiếng oai sấm mà đến nỗi này”.

Tào Tháo cười, nói: “Đại trượng phu cũng sợ sấm nữa à!”.

Huyền Đức nói: “Đến đỗi Thánh nhân nghe sấm to gió lớn còn đổi sắc, có lẽ nào chẳng sợ”.

Tào Tháo nghe nói yên lòng, không còn nghi Huyền Đức có đại chí.

Mãn tiệc Huyền Đức ra về. Đem chuyện rớt đũa nói lại cho Quan, Trương nghe. Quan, Trương hỏi: “Ý gì vậy?”. Huyền Đức nói: “Ta học làm vườn là có ý muốn làm cho Tào Tháo biết ta không có chí lớn. Chẳng dè Tháo lại gọi ta là anh hùng, nên ta thất kinh làm bộ rớt đũa, dối rằng sợ sấm… để Tháo không nghi ta là có đởm lược anh hùng”. Quan, Trương đều nói: “Anh thật cao kiến, chúng em không sao hiểu kịp”.

Nhờ thế Huyền Đức mới thoát khỏi tay Tào Tháo mưu hại.


* * *

Người như thế mà có lúc cũng sơ ý để lộ chí mình, suýt nguy đến thân. Lúc qua ở cùng Lưu Biểu, một ngày kia khi đi tiểu tiện thấy bắp vế xổ, vùng sa nước mắt. Lưu Biểu thấy Huyền Đức có mặt hơi khóc, lấy làm lạ hỏi.

Huyền Đức thưa: “Em thuở nay mình chẳng lìa yên ngựa, thịt vế đều tan, nay đã lâu lắm chẳng lên ngựa, thịt đùi ấy xổ ra. Ngày tháng đã gần hết, tuổi đã gần già mà sự nghiệp không ra gì hết, cho nên em buồn”.

Lưu Biểu nói: “Anh nghe lúc em còn ở Hứa Xương uống rượu với Tào Tháo nơi vườn mai mà đàm luận anh hùng. Lúc ấy em chỉ hết danh sĩ đời này mà Tào Tháo chẳng chịu, lại nói rằng: “Anh hùng trong thiên hạ này, duy có em với Tào Tháo mà thôi. Sánh quyền lực của Tào Tháo như vậy mà cũng chẳng dám khinh em, thì lo gì công nghiệp chẳng nên”.

Huyền Đức nhân rượu hứng chí đáp: “Nếu Bị mà có sẵn cơ bổn, thì những bọn lục lục trong thiên hạ nào có lo gì…”.

Lưu Biểu nghe nói làm thinh, trong lòng không vui. Huyền Đức biết mình đã lỡ lời, bèn giả say, từ tạ lui về quán dịch mà nghỉ… Rồi thừa cơ trốn mất…


* * *

Hồ Khưu Trượng Nhân nói với Tôn Thúc Ngao: “Có ba điều chuốc oán, ông có hiểu chưa?” Tôn Thúc Ngao nói: “Tôi chưa biết”. Trượng Nhân nói: “Tước vị cao, người ta ganh. Quyền thế lớn, người ta ghét. Lợi lộc nhiều, người ta oán”.

Tôn Thúc Ngao nói: “Không chỉ luôn luôn như thế. Tước vị tôi càng cao, thì tôi càng xử nhún nhường hơn. Quyền thế tôi càng lớn, thì tôi càng ở khiêm cung hơn. Lợi lộc tôi càng nhiều, thì tôi càng chia sớt cho người chung quanh. Như thế làm gì bị thù oán của thiên hạ”. (2)

Khi Tôn Thúc Ngao bệnh nặng, lúc gần chết kêu con dặn: “Nhà vua muốn phong đất cho ta. Ta đã từ chối. Sau khi ta chết, thế nào vua cũng phong cho ngươi. Ta không bằng lòng ngươi lãnh những đất tốt. Nếu phải nhận thì giữa Sở, Việt có ngọn núi không tốt, mà tên nó cũng không đẹp, hãy nài miếng đất ấy, thì khỏi sợ ai nhòm ngó”.

Tôn Thúc Ngao chết. Vua phong đất cho người con. Y theo lời cha dặn, người con xin phong cho mình miếng đất ấy. Con cháu đời đời giữ nó không mất. (3)

Dương Tử sang Tống vào ngủ ở một nhà trọ. Người chủ nhà trọ có hai cô vợ lẻ. Một người đẹp, một người xấu. Dương Tử thấy trong nhà ai cũng quý người thiếp xấu, mà khinh người thiếp đẹp, lấy làm lạ hỏi dò thằng trẻ trong nhà trọ. Thằng nhỏ nói: “Người thiếp đẹp tự cho mình là đẹp nên mất đẹp, chúng tôi cũng chẳng nhìn thấy cái đẹp của họ nữa. Người thiếp xấu tự biết mình là xấu nên không ai nhìn ra cái xấu của họ nữa”.

Dương Tử kêu học trò bảo: Các con đâu! Nhớ ghi lấy, “Giỏi mà không làm cho người ta thấy cái giỏi của mình, đi đâu mà chẳng được người yêu!” (4)


* * *

Epictèle, một hiền giả Hy Lạp, sống một cách bình dị hết sức. Trong nhà ông chỉ có một cái gường cây, cái bàn nhỏ để một ít sách và một cây đèn sắt. Thế mà một hôm, ăn trộm vào, bưng cây đèn sắt của ông mất. Sáng ngày hay ra, ông bèn bảo với các đệ tử:

- “Thằng bợm này, rồi đây sẽ cụt hứng”.

Ông bèn cho đi mua cây đèn đất để thay vào. Thật vậy, cây đèn ấy ông giữ mãi suốt đời.

Ông tự trách, tại ông dùng cây đèn sắt mới có giục lòng tham của tên trộm. Lỗi nơi ông, nào đâu lỗi của người trộm kia. “Kẻ đeo ngọc có tội, người trộm ngọc không có tội”.

Người xưa xử với mình rất nghiêm, mà xử với người rất khoan, bởi vậy, suốt đời không gặp họa. “Đừng trọng người hiền là làm cho lòng dân không tranh, không quý của khó đặng là khiến lòng dân không trộm đạo, không khoe điều có thể ham muốn được là khiến lòng dân không loạn”. (5)

Một nhà văn có nói: “Người ta đau khổ là vì thấy cái hạnh phúc của kẻ khác. Cái khổ của người nghèo ở chỗ đó”.

Có đúng như vậy. Cái đau khổ của đám dân nghèo, thật ra chưa phải cảnh đói rét lầm than của họ, mà chính là cái cảnh xa hoa ngạo nghễ của những kẻ phú quý chung quanh.


* * *

“Khổng Tử bị vây ở giữa Trần Sái, bảy ngày không cơm ăn. Thái Công Nhậm đến thăm nói:

- Ông sắp chết chăng?
- Vâng.
- Ông ghét chết chứ?
- Vâng!
- Này! Cây thẳng thường bị chặt trước. Giếng ngọt bị cạn trước. Ông chắc là trang sức trí thông minh để kinh sợ kẻ ngu hèn; tu thân để tỏ mình trong hơn người nhơ đục; đi ra ngoài hách dịch, lồ lộ như mặt trời, mặt trăng… Bởi vậy, ông cũng khó mà thoát cái nguy trước mắt…”. (6)

… “Kìa như con cáo lớn, beo vàng, sống nương náu nơi rừng sâu núi rậm, núp bóng ở hang cùng hóc hiểm, đêm đi ngày ẩn, tuy đói khát cũng vẫn lẩn lút nơi sông hồ. Thế mà chúng cũng không thoát khỏi cái nạn dò, lưới, cạm bẫy… Chúng nó phải tội tình gì? Chỉ vì tại cái bộ da lông mướt đẹp của chúng vời họa hại đến chúng…”

Có của quý, có tài hay… chưa ắt luôn luôn là cái may mắn cho chúng ta vậy! Có người kia, chết chôn chưa được ba ngày… Một tên đạo tặc giữa đêm đào thây lên, lột hết vàng bạc trong mình, rồi lại còn xách búa đập bể mồm… Thù gì dữ vậy? Không! Chỉ vì khi chôn, người ta cho người ấy ngậm viên ngọc quý trong miệng. Chết rồi mà cũng không nằm được yên thân trong mồ…

Số trời ư ? Hay là vì ngu dại ?


_________________________

Chú thích:

(1) Sử Ký Tư Mã Thiên: Lão Tử liệt truyện.
(2) Đồng một ý với bài Vua Nghiêu của Trang Tử.
(3) Liệt Tử (Thiên Thiết Phù).
(4) Trang Tử (Thiên Sơn Mộc)
(5) Lão Tử: Đạo Đức Kinh.
(6) Trang Tử (Thiên Sơn Mộc)
__________________
Đạo đức không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố.
HuongViet is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Đã có thành viên gửi lời cám ơn đến HuongViet vì bạn đã đăng bài:
TPexesolleYdof (06-10-2015)
Old 04-09-2010, 12:23 AM   #5
Hồ sơ
HuongViet
Senior Member
 
Tham gia ngày: Mar 2007
Tuổi: 44
Số bài viết: 162
Tiền: 25
Thanks: 216
Thanked 95 Times in 62 Posts
HuongViet is on a distinguished road
Default Ðề: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Chương IV

Ân và Oán

“Ân càng thâm, thì oán càng sâu”

Vở tuồng “Cuộc du lịch của anh Perrichon” (1) đoạn chót là cho tôi hết sức ngao ngán và bâng khuâng.

Anh Perrichon cùng vợ và con gái đi du lịch ở Thụy sĩ. Trong khi đi lại có hai chàng trai trẻ cùng theo là Armand và Daniel, cả hai đều gắm ghé “tiểu thơ” Perrichon.

Armand được cái hân hạnh là cứu Perrichon ba lần: Lần đầu ở tại Montauvert, khi Perrichon bị té ngựa, suýt sa vào hố sâu thăm thẳm. Lần thứ nhì, Armand “dàn xếp” cho một cuộc Perrichon bị thưa về tội phỉ báng được ổn thỏa. Lần thứ ba, chàng lại cứu Perrichon khỏi phải đánh gươm với một võ quan. Armand giàu có, lại ưa làm ơn…

Còn chành Daniel, thay vì “thích ra ơn” lại “thích chịu ơn”. Chàng khôn khéo làm bộ té hố để Perrichon có dịp ra ơn cứu chàng… Bởi vậy, Perrichon thích chàng mà lại ghét Armand. Nên khi Armand dợm cưới hỏi con gái anh, thì anh lại nhất định muốn gả cho Daniel.

Tại sao vậy? Vợ anh, con gái anh, mà cả thiên hạ chung quanh đều đinh ninh rằng rể của anh chắc chắn sẽ là người ân nhân của anh, cái người đã cứu tử hoàn sanh anh kia mà! Té ra, trái ngược lại, anh muốn gả con cho cái chàng chịu ân của anh, cái anh chàng hằng giờ hằng buổi hằng nhắc nhở đến ân huệ cứu tử của anh…

Thật là một tấn kịch cốt làm cho người ta cười… cười ra nước mắt. Tâm sự của Perrichon là tâm sự của mọi người. E. Labiche là người rất am hiểu thâm tâm con người đáo để vậy.


*****

Daniel trách Armand rất đúng:

- “Anh tưởng rằng, sự cứu ông là một kỷ niệm êm đềm cho ông lắm hay sao? Không, không! Trái lại nó chỉ nhắc nhở cho ông nhớ luôn luôn rằng: thứ nhất, ông không biết cưỡi ngựa; thứ nhì, ông đã sai lầm mà mang đinh thúc ngựa mặc dầu bà vợ đã cản không cho mang; thứ ba, sự té ngựa vụng về của ông đã để một trò cười cho thiên hạ… Lại nữa, trong khi anh làm cách để ngăn ngừa không cho xảy ra cuộc đấu kiếm của ông, anh đâu có làm ân gì cho ông, mà trái lại, anh chứng minh cho ông thấy, như hai với hai là bốn, rằng anh không coi vào đâu cái can đảm anh hùng của ông…”

Thay vì làm ơn cho Perrichon như chàng Armand, Daniel làm bộ té hố, để cho Perrichon được cơ hội thi ân, được cơ hội hãnh diện với người chung quanh cái gan ruột anh hùng của mình… Làm ơn cho Perrichon, Armand vô tình đã chạm đến lòng tự ái của Perrichon; còn thọ ân Perrichon, Daniel đã cố ý làm tăng cái lòng tự đắc của Perrichon. Bởi vậy, người ta bao giờ cũng yêu người mình ban ân hơn là người mình chịu ân.

Thọ ân người tức là chịu có người ở trên mình, còn ban ân người, tức là được ở trên người. Chữ Ân là chữ đè trên chữ tâm. Mà chữ nguyên tự là hình vẽ một người đứng giữa bốn vách tường, đồng với chữ tù. Người xưa bày ra chữ Ân, thật là khám phá được tâm sự của con người vậy.

Trách nào cổ nhân không thường bảo ta:


“Thi ân mạc niệm
Thọ ân mạc vong”


“Thi ân” là làm nhục lòng tự ái của người; thường thường kẻ làm ân hay có khuynh hướng tự hào và ngạo nghễ… Vì làm ân cho người tức là đàn áp được người, làm chủ người ta… Bởi vậy, cổ nhân muốn chế lại, bảo: “Thi ân mạc niệm…”

“Thọ ân” là bị nhục đến lòng tự ái, thường hay tìm cách để thoát khỏi cái nhục ấy bằng sự bội ân… Bôi ân bằng đủ mọi phương cách, bằng đủ mọi phương thế, vậy chớ tìm cách trả ân, không phải là tìm cách để thoát khỏi một cái “nợ”, hơn nữa, một cái “nhục” là bị người ban ân hay sao?

Một nhà tư tưởng có nói: “Vội vàng trả ân, là tỏ ra vội vàng phản bạc”. Người ta không muốn mang ân mình lâu ngày… Vì vậy, “óc bội phản chỉ là óc cao ngạo, tỏ ra một “tâm hồn tự do” (2), thế thôi. Nó là tâm trạng hết sức tự nhiên của loài người. Bởi thế, cổ nhân mới lo lắng căn dặn: “Thọ ân mạc vong…”

Chàng Daniel rất am hiểu tâm lý của Perrichon, nên thay vì lo “dàn xếp” một cách công khai dàn giá như Armand, anh ta lén viết thư cho cảnh sát hay để can thiệp không cho cuộc đấu kiếm xảy ra. Mỗi khi chàng muốn làm một cái gì cho Perrichon, thì chàng làm một cách “núp lén”, “che đậy”… bao giờ anh cũng tránh cho Perrichon đừng mất mặt. Anh nói: “Khi mà tôi phải bước chân vào cảnh khổ của người đồng loại của tôi, thì tôi bao giờ cũng đi bằng dép rơm, và không dám mang theo một chút ánh đèn nào cả, phập phồng cũng như tôi đi vào cái lò thuốc đạn vậy.” Thật, anh dùng chữ rất đúng: cái cảnh khốn khổ của người ta quả thật là một cái lò thuốc đạn. Không khéo, một chút lửa đủ cho nó nổ bùng ra dữ tợn…

Còn gì rõ ràng hơn nữa: Chính Perrichon cùng đã phải bực dọc la lớn lên rằng, “Không, không, ông ạ, người ta không thể đàn áp tôi được nữa đâu!... Thôi đi, những giúp đỡ, những ân huệ của người ta…!”

Câu chuyện tuy trớ trêu, nhưng mà miêu tả được một cách sâu sắc tâm sự của loài người. Lòng tự ái khiến ta làm những điều quái gở.

Cũng như câu chuyện về cái chết của Hàn Tín sau đây là một.

Thuở nhỏ, mỗi khi đọc đến cái chết của Hàn Tín thì trong lòng thấy như có điều bất mãn… Sau khi ném quyển sách đi, lòng không khỏi ngậm ngùi thương tiếc… Thương tiếc rồi lại trách Bái Công phi ân bội nghĩa đủ điều…

Nhưng về sau, có được chút ít tuổi và kinh nghiệm sự đời… thì lại trông thấy Hàn Tín sở dĩ bị tru diệt, không riêng gì lỗi ở Bái Công, mà chính nơi cách xử thế vụng về của Hàn Tín.

Ta thử tìm hiểu hai tâm hồn ấy.


*****

Hàn Tín xuất thân nghèo khổ. Lúc chưa gặp thời, câu cá ở dưới thành. Có Phiếu mẫu thấy Tín đói, cho Tín ăn cơm. Tín mừng bảo:
- Tôi tất có lúc đền ơn bà!
Phiếu mẫu giận, nói:
- Kẻ đại trượng phu không nuôi nổi thân, tôi tuhong cậu mà cho cơm ăn, há lại mong đền ơn ư!

Trong hàng thịt ở Hoài Âm, có chàng trẻ tuổi trêu Tín, giữa đám đông, nhiếc Tín:
- Tín có dám đâm chết được tao không? Không đâm được, hãy luồn trôn tao đây!

Tín nghĩ mình chưa làm được gì nên đại nghiệp, mà nay phải lôi thôi, có khi đến mạng thường mạng với một tên vô lại này, thì cũng tủi… thật, nên dằn lòng nhẫn nhục, chui qua háng chàng kia… Người cả chợ đều cười Tín, cho là hèn nhát.

Đến khi Hạng Lương qua sông Hoài, Tín chống gươm theo hầu… Hạng Lương thua, lại theo về với Hạng Võ. Võ cho làm Lang Trung chấp kích. Nhiều lần bày mưu cho Hạng Võ, nhưng Võ không dùng.

Hán Vương khi vào Thục, Tín trốn Sở về với Hán. Lại chỉ được phong làm chức Liên Ngao, coi kho lúa. Tiêu Hà và Đằng Công biết Tín là người đại tài, đã không biết bao lần tiến cử với Hán Vương mà Hán Vương vẫn không trọng dụng, nên Hàn Tín bỏ Hán mà trốn đi… nếu Tiêu Hà không chạy theo bắt kịp…


*****

Trở lên, ta thấy Hàn Tín một đoạn đời đã trải qua không biết bao nhiêu tủi nhục. Bởi vậy, trong tâm hồn bao giờ cũng bị cái tâm cảm tự ti… lòng tự ái đã bị chạm nặng và dồn ép lâu ngày khiến nên trong đời chàng không biết bao lần ngoan ngạnh và khiêu khích… đối với Hán Vương.

Tiêu Hà rất am hiểu tâm sự ấy của Hàn Tín nên khi Hán Vương thấy giác thư của Trương Lương, muốn phong Tín làm Đại tướng một cách suông, bèn nói:
- Bệ hạ muốn phong cho Hàn Tín cách nào?
- Thì vời y đến mà phong chứ sao?

Tiêu Hà lắc đầu, nói:
- Không được. Bệ hạ vốn đã kiêu ngạo không thủ lễ với Hàn Tín lâu nay rồi, giờ lại phong một chức Đại tướng mà làm hình như gọi một đứa trẻ con. Ở bệ hạ thì cho thế là trọng, mà theo ý ngu thần e rằng Hàn Tín rồi sẽ cũng đi mất.

Hán Vương nói:
- Vậy phải phong cách nào?
- Nếu bệ hạ muốn phong Hàn Tín, nên chọn ngày chay giới, lập đàn tế cáo thiên địa như Hoàng đế phong cho Phong Hậu, Vũ Vương phong cho Lữ Vọng vậy… tức là lễ bái tướng.

Hán Vương bằng lòng. Đấy là Hàn Tín đặng hả lòng… mà Hán Vương đã bị chạm, một cách vô tình, lòng tự ái rồi… Lòng Hán Vương đã bị một tỳ vết, hột giống đã khởi đầu âm thầm bắt mộng…


*****

Lúc Hàn Tín tương binh đại phá Tam Tần và lấy Hàm Dương rồi, thì Hán Vương bàn với Hàn Tín tính việc đông chinh. Tín không bằng lòng, cố hết sức giãi bày những việc lợi hại, thế mà Hán Vương vẫn không nghe. Mặc dầu Trương Lương hết sức cản ngăn, Hán Vương cũng nằng nằng quyết một, lấy ấn soái của của Hàn tín lại mà ban cho Ngụy Báo. Trận ấy Hán Vương làm một việc liều lĩnh phi thường, nên bị Hạng Võ đánh một trận không còn manh giáp, suýt bỏ thân trong trận địa.

Người như Hán Vương không ngoan sâu sắc, thời thường bao giờ cũng nghe Tử Phòng (Trương Lương), cung kính như bậc thầy… Thế sao, ngày nay bổng dưng hôn ám, đã không chịu nghe Hàn Tínlại chẳng kể Tử Phòng? Trước sự thành công rực rỡ của Hàn Tín, “trăm trận trăm thắng”… trong thâm tâm Hán Vương không mấy vui lòng… Cơ hội đến, Hán Vương muốn tỏ rằng mình cũng có tài chinh phạt như ai… Bởi vậy, mới có cái cử chỉ sỗ sàng là cướp ấn nguyên nhung mà trao cho Ngụy Báo, làm một việc dại dột gàn dở mà một người thông minh như Hán Vương lắm khi tự hỏi với lòng, không hiểu làm sao mà cắt nghĩa.

Cách xử thế vụng về và vô tâm ấy của Hán Vương lại chạm đến lòng tự ái của Hàn Tín thêm một phen nữa.

Bởi vậy, khi Hàn Tín trả ấn nguyên nhung về cố thủ Lạc Dương, Hán Vương cho triệu cũng không về. Tiêu Hà bâng khuâng nói với Tử Phòng:

- Hàn Tín từ khi ở Lạc Dương về, thường phàn nàn rằng: Hán Vương không nghe lời nói phải, lại cướp tướng ấn mà cho Ngụy Báo, không nhớ đến công phá Tam Tần, lấy Hàm Dương. Khi nghe Đại Vương (Hán Vương) bị thua rất nặng ở Truy Thủy, thì Tín lại đóng cửa không tiếp khách, tôi đến mấy lần cũng không được tiếp, xem ý như muốn cho Hán Vương tự thân đến mời mới được vậy…

Câu nói ấy của Tiêu Hà thật là tỏ rõ được tâm sự của Hàn. Óc làm phản đã bắt đầu manh nha trong tiềm thức. Nếu Trương Tử Phòng không dùng kế khích ông ta thì Hàn Tín chưa chắc chịu nghe lời triệu của Hán Vương mà về Huỳnh Dương mưu phá Sở.

Hán Vương vì lợi cho đại nghiệp của mình, nên bấm bụng bỏ qua cái tội không tuân mạng của Hàn… nhưng trong thâm tâm lòng tự ái đã bị chạm nhiều rồi.

Trong tâm phế của hai người, sự găng nhau càng ngày càng tăng thêm… Nơi Hàn thì lập tâm phản nghịch, nơi Lưu Bang (Hán Vương) thì sanh dạ bội ân.

Bởi vậy, sau khi Hàn Tín bình định nước Tề rồi, Hán Vương sai sứ đến mời về cũng nhau hợp sức phá Sở. Hàn Tín thừa dịp bắt bí Hán Vương, viết biếu về tâu xin phong ấn Tề Vương rồi sau sẽ về phá Sở. Đấy là cách trả đũa sự cướp ấn nguyên nhung thuở nọ.

Hán Vương xem biểu đòi phong Tề Vương của Tín liền nổi giận:
- Thằng nhãi này dám giở giọng như thế ư? Ta bị khốn ở đây đã lâu mong nó về giúp ta, chẳng ngờ nó lại chực xưng bá xưng vương như vậy!

Trương Lương, Trần Bình vội sẽ bấm chân Hán Vương rỉ tai nói:
- Đại Vương tuy được mấy chục quận của Sở. Nhưng hiện nay quân Sở đóng ở dưới núi Quảng Vũ để đánh ta, quân ta hiện đang bất lợi, vậy ta có sức đâu cấm nổi Hàn Tín không cho tự lập làm Vương. Chi bằng hãy cứ phong cho hắn, khiến hắn vui lòng thì rồi hắn sẽ giúp Đại Vương được việc. Nếu không mà để hắn tự biến thì sẽ lại sinh một mối lo to.

Thế là Hán Vương một lần nữa phải bấm bụng mà phong vương cho Hàn Tín. Ở vào địa vị Hán Vương, mình là chúa, mà bầy tôi kiêu ngạo ỷ tài, lấn áp và khu sách mình dường ấy… lòng tự ái bị thương tổn không biết là chừng nào. Nhẫn được, nếu không phải Bái Công chưa ắt có người làm nổi. Nói thì có hơi quá, chứ cái nhục của Hán Vương ngày nay còn nhục hơn là cái nhục của Hàn Tín lòn trôn thuở nọ.

Cái ấn Tề Vương của Hàn Tín thật khó lòng mà bền vững được. Người mà có cái chí đồ vương định bái, khuấy nước chọc trời như Bái Công có thể nào chịu nổi cái nhục ấy không? Chịu nổi nó, chỉ có Bái Công và cũng nhờ thế mà Bái Công làm nên nghiệp đế. Nhưng cái vết thương lòng không làm sao mà hàn gắn được. Cái tước Tề Vương của Hàn Tín, tuy xứng đáng thật, nhưng ngày nào nó còn… nó là cái tiếng chửi trên đầu Hán Vương, là cái gai nhọn trong con mắt của Hán Vương… nó hằng nhắc nhở cho Hán Vương sự sút kém nhục nhã của mình. Chi nên thiên hạ vừa định được, thì cái lo nghĩ trước nhất của Hán Vương là cướp lại ấn nguyên nhung của Hàn Tín. Sự đã rõ ràng hết sức.


*****

Việc ấy ai mà không rõ, thế mà chỉ có Tín không chịu hiểu.

Hàn Tín tuy hả lòng trả được cái nhục cướp ấn nguyên nhung, lên ngồi trên điện Tề Vương để chịu lễ chào mừng của trăm quan thuộc hạ, nhưng đâu có dè chính ngày ấy là ngày tự rước cái vạ ở cung Vị Ương sau này vậy.


*****

Khoái Triệt khuyên Hàn tín:

- “Thiên hạ lúc mới loạn, các anh hùng hào kiệt cùng gào, cùng thét. Người trong thiên hạ đều như sương đùn, mấy họp, lửa bốc gió tuôn… cá mè một lứa. Trong lúc ấy chỉ lo có một điều là làm sao cho mất nhà Tần mà thôi.

Bây giờ Hán Sở tranh nhau, khiến cho những kẻ vô tội dưới gầm trời, óc gan lầy đất, cha con phơi sương ở giữa ruộng đồng, không sao kể siết…

Sở cất quân từ Bàng thành, vừa đánh vừa đuổi, đến mã Huỳnh Dương… oai danh lừng lẫy thiên hạ. Thế mà quân lại bị khốn ở Kinh Sách, bức bách ở Tây Sơn. Đã ba năm rồi không sao tiến được nữa.

Còn vua Hán thì đem vài mươi vạn quân, giữ Cung, Lạc, nhờ cái thế hiểm của núi sông. Nhưng một ngày đánh mấy trận, không lấy được tấc công. Thua chạy không ai cứu, bại ở Huỳnh Dương, bị thương ở Thành Cao bèn chạy sang miền Uyển Khí.

Thật là “khỏe cũng khốn, mà khôn cũng khốn”.

Trăm học khổ sở kêu ca, nhong nhóng không nơi nương tựa. Cứ như tôi tính, trừ phi hạng Hiền Thánh trong đời, không sao dẹp yên nổi tai vạ trong đời.

Hiện nay tính mạng hai vui treo cả ở tay ngài. Ngài giúp Hán thì Hán được, mà sang Sở thì Sở được. Tôi xin mở lòng dạ, phơi gan mật, bày kế ngu, chỉ sợ ngài không biết dùng. Nếu ngài thực biết nge kế của tôi, thì không gì bằng giúp cả đôi bên mà để họ còn cả! Chia ba thiên hạ ra như ba chân vạc, thế không ai dám động binh trước. Ngài giữ đất cường Tề, gồm đất Yên đất Triệu, chẳng đủ dựng nên cơ nghiệp lớn ư?

Tôi nghe Trời cho mà không lấy sẽ có họa hại, thời đến mà không làm sẽ phải tai ương. Vậy ngài nghĩ cho kỹ.

Hàn Tín nói: “Vua Hán hậu đãi tôi rất hậu, tự đem xe cho tôi đi. Tự cởi áo cho tôi mặc. Tự sẻ cơm cho tôi ăn. Tôi nghe: Đi xe người ta thì mang lo cho người ta ăn. Mặc áo người ta thì bận nghĩ vì người ta. Ăn cơm người ta, thì chết về việc người ta. Tôi há tham lợi mà quên nghĩa ư!”

Khoái Triệt nói:

“Ngài tự cho là thân với vua Hán, muốn dựng cơ nghiệp muôn đời! Tôi trộm nghĩ, không gì lầm hơn nữa…

Xưa, khi Thường Sơn Vương cùng Thành An Quân lúc còn áo vải, cùng kết làm bạn sống chết với nhau. Về sau, cãi nhau về chuyện Trương Áp, Trần Thạch mà hai người trở lại thù nhau. Thường Sơn Vương phản Hạng Vương đem đầu Hạng Anh mà trốn sang với Hán Vương, lại nhờ Hán Vương xuống miền Đông giết Thành An Quân ở phía Nam sông Kỳ, đầu một nơi, chân một nẻo. Rút lại làm trò cười cho thiên hạ. Hai người ấy là hai người chơi thân với nhau nhất ở trong đời, vậy mà rốt cuộc đến giết lẫn nhau là vì sao? Hại sinh ra bởi muốn nhiều mà lòng người khó lường được!

Nay ngài muốn giữ trung tín để cầu thân với vua Hán, tất cũng không sao bền hơn tình bè bạn của loại người kia. Còn việc thì nhiều việc còn lơn hơn Trần Thạch và Trương Áp nữa kìa. Vậy, việc ngài tin vua Hán quyết không hại ngài, tôi cho một việc lầm to tát vậy. Đại Phu Văn Chủng và Phạm Lãi làm cho nước Việt mất mà lại còn giúp cho Câu Tiễn được nên nghiệp bá… thế mà rồi kẻ chết, người trốn. “Muông nội đã hết, thì chó săn cũng giết đi mà ăn thịt”. Nói về tình bạn, thì ngài và Hán Vương không được bằng Thường Sơn Vương và Thành An Quân; mà nói về trung tín, thì chẳng qua ngài như Văn Chủng và Phạm Lãi đối với Câu Tiễn là cùng. Cứ xem hai người đó là đủ. Xin ngài nghĩ cho sâu điều đó.

Vả lại tôi nghe “dũng lược mà át cả chủ thì khốn thân; công lớn mà trùm cả đầu thì mất thưởng”. Nay tôi xin kể những công lược của Đại Vương: Ngài sang qua Tây Hà tóm vua Ngụy, bắt Hạ Thuyết; dẫn quân xuống Vĩnh Hình giết Thành An Quân, tuần đất Triệu, hiếp đất Yên, định đất Tề; sang Nam đánh tan quân Sở hai mươi vạn; qua Đông giết Long Thư, quay về Tây để trả lời… Kể ra thì công ấy trong thiên hạ không hai, mà lược ấy không mấy đời đã có. Nay ngài đem “oai át cả chủ”, cầm cái “công hết lối thưởng” mà về Sở, thì người Sở không tin, về Hán thì người Hán hoảng sợ… Ngài định mang cái đó về đâu? Thế ở địa vị kẻ làm tôi mà cái oai át cả chủ, danh cao nhất thiên hạ… Tôi trộm nghĩ lấy làm nguy cho ngài.”


*****

Còn gì rõ ràng được hơn nữa lời can ngăn cuối cùng của Khoái Triệt. Khi nghe Hàn Tín sắp khởi binh kéo đến Thành Cao giúp Hán Vương đánh Sở, Khoái Triệt vội vã vào thăm. Hàn Tín hỏi:

- Tiên sinh lâu nay đi không trở về bởi tôi ngày trước không biết nghe theo lời dạy, nay đến đây thăm tôi, chắc hẳn là có cao ý gì?
- Tôi chịu ơn tri ngộ của ngài không nỡ để ngài lâm vào cái vạ tày đình.
- Cái vạ tày đình như thế nào?
- “Ngài đóng quân ở đây, Hán Vương bị vây khốn ở Cổ Lăng, mấy lần cho vời mà ngài kháng cự không chịu về cứu. Lẽ nào ngài không còn nhớ việc ấy? Vì không có cách gì sai khiến cho nổi, bất đắc dĩ Hán Vương mới sai Trương Lương đem hịch văn đến phong cho ngài làm Tam Tề Vương. Chia đất phong cho, đó là lấy lợi mà đấm miệng để ngài đem quân về giúp. Đâu phải vì ngài công to mà đươc hạ thưởng một cách tuyệt vời như thế, thực ra chỉ vì muốn cho ngài phá Sở để đồ thiên hạ cho người ta.

“Tôi chắc chắn rằng sau khi bình định, họ sẽ không bao giờ để cho ngài ngất ngưỡng ngồi trên ngôi Vương mà hưởng cái phúc thái bình đâu. Bấy giờ họ sẽ nhớ lại cái thù mà ngài chống mạng bắt bí lúc trước đây, và lại lo rằng ngài có chí đồ vương, họ sẽ quyết kế hại ngài để trừ đi cái bệnh tâm phúc, và mưu cái nghiệp vững bền cho con cháu. Vậy ngay bây giờ, chi bằng thừa lúc hai vua đều mệt mỏi cả, ngài chiếm lấy đất Tề, chia ba thiên hạ mà đứng thành chân vạc mới có thể giữ được vô sự. Chứ nếu lại không nghe lời tôi mà đi phá Sở, sau khi Sở vỡ, ngài sẽ không sao tránh khỏi cái vạ tày đình. Ngài rất nên nghĩ kỹ.”

Tín nói: “Lời nói của tiên sinh thật là suốt lẽ, nhưng long Tín này thực không nỡ bội Hán”.

Triệt nói: “Bây giờ không nghe lời tôi, ngày khác bị hại, sao cho khỏi hối!”


*****

Thật lời Khoái Triệt như tiên tri… Có gì lạ, no là cái lẽ dĩ nhiên phải như thế. Hàn Tín đâu phải là không thông minh, thế mà chuyện người thì sáng mà chuyện mình thì quáng… chỉ vì đem tình cảm chen ngăn vào lý trí không phải chỗ. Hàn Tín đa cảm, chí thấy lấn được Hán Vương là thỏa lòng, thấy được người ta chiều mình là đắc ý… Trăm lần khôn, một lần ngu… cũng đủ chết.

Về sau, việc Khoái Triệt tiên tri, Tín đã thấy thực hiện rõ ràng không sai một. Thế mà không còn biết thân, cao bay xa chạy… lại còn ngông nghênh tự đắc… chạm thêm vào lòng tự ái của Hán Vương nữa…

Bấy giờ Hán Vương bình định bờ cõi, nhất thốn sơn hà rồi, Hàn Tín không được trọng dụng… ngày tháng ăn không ngồi rồi… cũng như bị giam lỏng ở trại triều. Thế mà khi Hán Vương cho vời hỏi chuyện thì lại giở giọng làm khôn…

Hán Vương hỏi:
- Như trẫm đây, khanh liệu có thể cầm nổi bao nhiêu quân?
Tín nói:
- Bệ hạ bất quá cầm được độ mười vạn quân là cùng.
Hán Vương lại hỏi:
- Còn như tướng quân thế nào?
Tín nói:
- Như thần thì càng nhiều bao nhiêu, càng tốt bây nhiêu.
Hán Vương cười hỏi nữa:
- Càng nhiều càng tốt, cớ sao lại còn bị trẩm bắt?
Tín nói:
- Bệ hạ không giỏi cầm quân, nhưng giỏi cầm tướng, vì thế mà thần bị bắt. Vả lại, bệ hạ có trời vừa giúp, nên sức người sao thể theo kịp.

Hán Vương tuy cười nói, nhưng lòng không vui, lại càng thêm nghi kỵ… nên cho về nhà riêng dưỡng bệnh, chứ không tính đến việc cất dùng.


*****

Thật cách xử thế của Hàn Tín vụng về không biết chừng nào. Khi mà tâm địa của Hán Vương đã hiện rõ như ban ngày, vậy mà còn khoe tài cậy khôn thì làm sao mà không bị hại cho được.

Đợi đến lúc bị trói đem chém ở lầu chuông, cung Vị Ương, mới tỉnh ngộ:
- Ta hối không nghe lời Khoái Triệt ngày trước, đến nỗi bị bọn đàn bà con nít nó lừa dối…


*****

Hàn Tín chết… Hán Vương xem biểu mừng lắm, nhưng rồi lại nhớ công lao to lớn của Hàn Tín bụng những ngậm ngùi… Thương xót nước mắt dầm dề… Người ta bảo, cái khóc của Hán Vương là giả dối… Không, nó là biểu hiện của một sự tranh chấp mãnh liệt nơi lòng của Hán Vương: cười, là hả được lòng tự ái, mà rơi nước mắt dầm dề là nghĩ đến cái án bội bạc của mình nó cũng đang giày xé tâm can…

Ân càng thâm thì oán càng sâu là thế.

Tâm sự Hán Vương là tâm sự chàng Perrichon; tâm sự Hàn Tín là tâm sự chàng Armand vậy.


*****

Ở trường hợp của Tín, phải xử thế nào?

Nếu không dùng cương đạo như lời Khoái Triệt đã khuyên, thì sao không biết theo nhu đạo mà làm như Trương Lương tịch cốc… (3)

Trương Lương không bao giờ chạm đến lòng tự ái của Bái Công. Ông dư hiểu: công cao thì bị ghen, ngôi tốt thì bị ngờ, nên thường thác bệnh ngồi rỗi ở nhà, suốt ngày tịch cốc. Hễ ai đến chơi thì lại nói: “Người ta sinh ra trong trời đất, chẳng khác như bóng câu qua khe cửa, trăm năm như cái chớp mắt mà thôi. Tôi muốn lui vào trong chỗ núi rừng, tìm tiên học đạo để làm cái kế trường sinh, chứ hết thảy công danh chẳng qua như đám phù vân có gì là thú. Chỉ vì nay đội ơn Hoàng đế quyến luyến nên chưa nỡ bỏ đi đấy thôi. Thực ra lòng tôi vốn không ham thích cái vinh hoa phú quý ở đời; huống chi tấm thân đa bệnh, khí huyết suy lần, nếu không sớm tìm cách tu dưỡng lấy mình, e một mai tinh khí hư hoa đi rồi thì dẫu có muốn tu cũng là vô ích…”

Đấy là lời ông gián tiếp nhắn với Hán Vương.

Quả thật vậy, vua nghe được câu chuyện ấy, mặc dù thấy ông thác bệnh không năng vào bệ kiến, cũng không ngờ vực nữa.

Tuy vậy, một hôm vui lại hỏi dò:
- Trẫm từ được tiên sinh từng làm nên nhiều công trận. Trẫm định sẽ lấy nước lớn phong cho để đền ơn tiên sinh trong muôn một.

Nếu là Hàn Tín, ắt đã tỏ lòng mừng rỡ biết ơn rồi…

Trương Lương khôn ngoan trả lời:
- Thần từ khi theo bệ hạ vào đất Quan Trung, phước chí tâm linh, nhiều khi tình cờ tính toán mà đúng việc. Đó cũng là bởi lòng trời muốn giúp bệ hạ chứ đâu phải tài năng của thần. Nay bệ hạ phong thần làm Lưu hầu, một kẻ áo vải mà đã được như thế đối với thần cũng quá lắm rồi. Sau khi đã đội ơn dầy của bệ hạ, thần muốn xa lánh trần gian, theo Xích Tùng Tử mà đi chơi, nghiên cứu cái phép tịnh cốc, tìm kế trường sinh. Đến như ngọc vàng chói mắt, mũ áo đầy nhà, những cái mà người ta thèm muốn không được, tấm thân đa bệnh, yếu ớt này không sao kham nổi. Thật, thần không dám mong mỏi thạnh ân hơn nữa.

Vua thấy Lương từ chối, ý tứ khẩn thiết, cho phép về nhà dưỡng bệnh, mỗi tháng phải một lần vào chầu.

Lương từ đó đóng cửa, không bước chân ra ngoài, ngồi nhà mà tu tâm dưỡng tính. Mỗi tháng chỉ theo các quan vào chầu một lần, khi lui chầu tuyệt không nghĩ đến điều gì cả.


*****

Đấy là cái đạo “công thành thân thối, minh triết bảo thân”, tức là cái đạo “ngoại kỳ thân nhi thân tồn” (gác thân ra ngoài mà thân còn) và “bất tranh nhi thiện thắng” (không tranh mà thắng hoàn toàn) của cổ nhân vậy.

Hiền giả Epictète nói: “Hai con chó con đương giỡn với nhau. Nếu ta liệng cho chúng một miếng xương, chúng sẽ cắn nhau trối chết”. Tuy là lời nói tầm thường mà bao hàm một thứ triết học sâu xa không biết chừng nào.

Đem loài chó ám chỉ loài người thì cũng hơi đắng cay… đau đớn thật, nhưng sự thật như thế, biết sao bây giờ!

“Miếng xương” có thể là một miếng đất hay một tòa nhà, một ngôi khanh hay một cương vị… Hễ cùng cho có một giá trị như nhau mới có cùng nhau tranh đấu… Trái lại thì không. Người ta có đi tranh với chó miếng xương vụn hay không? Kẻ mà chí đã gác ngoài thế sự, xem vinh hoa như bã phù vân… thì còn đi chơi với người ta cái ngôi khanh tước làm gì được. Hàn Tín và Hán Vương tranh nhau bởi hai người này cho cái phú quí vinh hoa là sinh mạng. Chứ với Tử Phòng thì Hán Vương có muốn tranh, cũng không thấy có chỗ nào cùng tranh cho được. “Phù duy bất tranh, cố thiên hạ mặc năng dữ chi tranh”. Chỉ vì không tranh nên thiên hạ không sao cùng tranh được là thế.


*****

Trong sách Trang Tử có câu chuyện ngộ nghĩnh này: Huệ Tử làm tướng quốc nước Lương. Trang Tử tính qua thăm ông chơi.

Nhưng có kẻ nói riêng với Huệ Tử: “Trang Tử qua đây là cùng ông tranh ngôi tướng quốc đó”. Huệ Tử sợ, cho kẻ canh gác biên giới, đợi Trang Tử qua thì bắt. Trang Tử biết chuyện ấy, không đi.

Sau rồi lại đến, gặp Huệ Tử, Trang Tử nói: “Phương Nam có con chim gọi là Uyên Sồ, ông có biết không? Uyên Sồ từ biển Nam bay qua biển Bắc, nếu không gặp cây ngô đồng thì không đậu; nếu không gặp hột luyện thì không ăn; nếu không gặp suối trong thì không uống. Có chim Ụt đang rỉa lông chuột chù giữa đồng, thấy Uyên Sồ bất ngờ bay qua, sợ giành miếng ăn của nó, nên kêu ré lên để dọa Uyên Sồ đừng đáp xuống. Nay ông, vì sợ tôi giành nước Lương của ông mà kêu to lên để dọa tôi sao?

Bảo chim Ụt cũng Uyên Sồ cùng tranh nhau để giành cái xác chuột chù là một điều không thể tưởng tượng có được. Với kẻ có một quan niệm về nhân sinh như Trang Tử, xem vinh hoa phú quí của cuộc đời như giọt sương buổi sáng, như hoa trong gương, trăng dưới nước… thì không thể còn nói đến chuyện tranh giành những lợi hại ở cõi đời này với họ được nữa.


*****

Chính đây là một phép xử thế: cái phép “làm chiếc thuyền không” của Trang Tử.

“Có thuyền to vượt qua sông… Có chiếc thuyền không trôi giạt đụng vào thuyền. Dù người hẹp bụng đến đâu cũng giận. Nếu trong thuyền ấy có người, thì tất trên chiếc thuyền to kia đã có người réo gọi… Gọi một lần mà không nghe, thì tất gọi đến hai lần… Gọi hai lần mà không nghe thì tất gọi đến ba lần… rồi sinh giận dữ mắng chửi đủ điều… Trước không giận mà nay giận, là tại sao? Vì trước thì không người, mà nay thì có người vậy. (4)

Nếu ở đời mà Hàn Tín biết “làm chiếc thuyền không” thì Hán Vương làm gì hại được…

Nhưng Trương Lương đây mới thật là người đại trí: “thông minh duệ trí thủ dĩ ngu” (bậc hết sức thông minh thì làm như người ngu – Lão Tử). Làm chiếc thuyền không là làm như kẻ vô tâm, như kẻ ngu khờ dại dột… Học được cái ngu này đâu phải dễ gì! Và chỉ có Tử Phòng mới học được.

Thắng được cả thiên hạ làm gì nếu tự mình không thắng được cái lòng ham mê danh lợi, cái tính hiu hiu tự phụ của mình! Toàn sinh cho thiên hạ, mà giữ cho thân mình không được toàn sinh… thì cũng chưa thể gọi là người trí… Bởi thế, bình nhựt Hàn Tín vẫn xem Tử Phòng luôn luôn như bậc thầy…

Tóm lại, ta hãy xét kỹ một cách thành thật tấm lòng mình: trong các bạn mà mình thương nhất có phải là những người thông minh nhất, gần họ bao giờ mình cũng thấy thấp kém hơn, hay những người thật thà nhất, gần họ bao giờ mình cũng thấy cao trọng hơn?

Cái ghét nhất của người đàn bà đẹp, là có người đẹp hơn mình… Cái ghét nhất của người thông minh là có người thông minh hơn mình. “Người ta chịu thích học văn hay mà không thích gần người viết văn hay…” Cái đó mình cũng có thể hiểu được.

Và hiểu được bấy nhiêu là hiểu được rất nhiều cái đạo xử thế.


Chú thích:
(1) Vở hài kịch của Eugène Labiche, một văn sĩ Pháp ở thế kỷ thứ 19 (1860)
(2) Chữ của M. Choisy dùng: “indépendence du concur”.
(3) Xem lại Chương IV
(4) Trang Tử (Thiên Sơn Mộc)
__________________
Đạo đức không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố.
HuongViet is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Đã có 2 thành viên gửi lời cám ơn đến HuongViet vì bạn đã đăng bài:
MyleneFero (15-10-2016), Stephensa (16-01-2015)
Old 04-09-2010, 12:23 AM   #6
Hồ sơ
HuongViet
Senior Member
 
Tham gia ngày: Mar 2007
Tuổi: 44
Số bài viết: 162
Tiền: 25
Thanks: 216
Thanked 95 Times in 62 Posts
HuongViet is on a distinguished road
Default Ðề: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Chương V

Đạo Cương Nhu


“Nhu thắng cang
Nhược thắng cường”
(Lão Tử)

Đời Tràng Công, nước Tề có một chàng đêm nằm chiêm bao thấy một người to lớn, mặc áo vải quần gai… đeo gươm tự dưng đi vào tận nhà, mắng chửi, rồi lại nhổ vào mặt… mà đi.

Anh ta giật mình tỉnh dậy... ngồi suốt đêm, bực mình không ngủ được.

Sáng hôm sau, anh nói chuyện với một người bạn:

- Từ thuở nhỏ đến giờ; tôi vẫn là người hiếu dũng, đến nay đã sáu mươi tuổi rồi chưa hề bị đứa nào làm nhục. Thế mà đêm hôm qua bị phải một đứa nào làm nhục tôi. Tôi định tìm cho kỳ được đứa ấy để báo thù. Nếu tìm thấy nó thì hay, không tìm thấy, chắc là tôi phải chết…

Rồi từ hôm ấy, cứ sáng nào anh ta cũng cùng bạn ra ngoài đường cái để rình. Rình đã ba ngày vẫn không thấy… Anh ta trở về nhà uất cả người lên mà chết. (1)

Câu chuyện thật là ngớ ngẩn… nhưng nó tỏ rõ được cái tâm sự của người bị nhục không biết chừng nào. Người ta ở đời có thể chịu được tất cả sự đau khổ về tinh thần lẫn vật chất. Nhưng cái đau khổ của sự nhục thật là một thứ đau khổ thiết tha hơn tất cả sự đau khổ trong đời. Nên mới có câu: “Ninh thọ tử, bất ninh thọ nhục”. Thà chết, chứ chẳng chịu nhục.

Dầu là một kẻ tầm thường đến đâu cũng biết xem thường mạng sống mình khi gặp nhục. Xem những cuộc phục thù rửa hận, giết hại lẫn nhau hằng ngày thì cũng đủ rõ. Bị nhục là một điều khó nhịn nhất… mà nhịn được, ắt phải là kẻ có khí tiết hơn người… Đâu phải đó là khiếp nhược như bọn thất phu lầm hiểu…

Tô Thức nói: “Kẻ mà được gọi là hào kiệt, ắt phải có khí tiết hơn người. Nhân tình có chỗ không thể nhịn được, bởi vậy, kẻ thất phu gặp nhục thì tuốt gươm đứng dậy, vươn mình xốc đánh… Cái đó chưa đủ gọi là dũng. Những bậc đại dũng trong thiên hạ, trái lại thình lình gặp những việc phi thường cũng không kinh, vô cớ bị những điều ngang trái cũng không giận. Đó là nhờ chỗ hoài bão của họ rất lớnchỗ lập chí của họ rất xa”.

Câu nói ấy thật là hiểu được tâm sự của những bậc hào kiệt trong đời vậy.

Nhịn được cái điều người ta không thể nhịn được, dung được cái điều người ta không thể dung được… Phải là người độ lượng hơn người, kiến thức hơn người, điềm tĩnh hơn người, mới làm nổi…

Việc Câu Tiễn đánh Ngô bị thua to. Ngô Vương bắt Câu Tiễn giam ở Cối Kê ba năm. Bắt chịu không biết bao nhiêu điều sỉ nhục của một người thất trận.

Nếu Câu Tiễn không dằn nổi cái nhục ấy mà tự sát thì nước Việt không mong gì khôi phục và ắt phải đến diệt vong cũng không chừng. Sở dĩ mà dằn nổi, nhân vì Câu Tiễn hoài bão rất to, lập chí rất vững… Thật là một sự kiên tâm nhẫn chỉ phi thường…

Từ một nước chiến bại mà làm cho nó trở nên cường thịnh đến diệt được một nước Ngô và lên làm bá chủ thiên hạ, nếu không phải Câu Tiễn thì không sao làm nổi.

Người có một tâm hồn dũng mãnh như vậy, thế mà lắm lúc chịu đựng hết muốn nổi, tỏ ý liều chết… Phạm Lãi khuyên can: “Ngày xưa, vua Trụ giam Văn Vương ở Dũ Lý, giết con Văn Vương là Bá Ấp Khảo, rồi làm mắm mà đem vào cho Văn Vương. Thế mà Văn Vương cũng chịu nhục ăn thịt con. Ta muốn thành đại sự thì cần gì những điều nhỏ mọn ấy…


*******

Thấy Câu Tiễn phục lụy, khúm núm, rụt rè… Ngô Vương khinh thường, cho là khiếp nhược và có ý muốn tha. Ngũ Tử Tư bàn can:

“Sao Đại Vương nghĩ lầm như vậy! Con hổ mà thu hình lại thì tất là để chụp vồ đấy! Con ly mà rút cổ lại, tất là định đánh cướp đấy! Vua Việt vào làm tôi vua Ngô, dẫu trong lòng oán giận, Đại Vương làm gì có thể biết được. Bây giờ cúi xuống mà nếm đống phân của Đại Vương, chắc đâu sau này không có một ngày kia ngẩng đầu lên mà ăn bộ lòng Đại Vương…”

Bậc hào kiệt trong đời, họ hiểu tâm sự nhau rất rõ.

Phàm ở trong thế yếu mà nuôi chí báo thù lại không có đủ đởm lược chịu đựng những điều sỉ nhục, ắt không bao giờ làm nên đại sự.


*******

Nước Hàn có Trương Lương, tên chữ là Tử Phòng. Tổ tiên Trương Lương năm đời làm tướng nước Hán. Từ khi Tần Thủy Hoàng diệt nước Hàn, Trương Lương ngày đêm căm hận, một lòng vì nước báo thù. Tự mình xuất ra ngàn vàng để kết nạp các tráng sĩ trong nước, định giết Tần Thủy Hoàng.

Sau gặp đặng một tráng sĩ sức vóc cũng khá, cầm nổi cái dùi nặng trăm cân, nên lưu ở trong nhà… Ngày kia, được tin Thủy Hoàng đi qua con đường huyện Vũ Dương, Lương bèn sai tráng sĩ núp ở trên một cái gò cao để rình đánh Thủy Hoàng… Nhưng tráng sĩ lại đạp lầm xe, bị Thủy Hoàng đem ra giết. Lương chạy trốn sang Hạ Bì vào ở nhà Hạng Bá. Bá là bạn thân của Lương nên giấu Lương trong nhà.


*******

Ở đó một ít lâu, một hôm Trương Lương đi chơi xa ngoài thành, đến đầu Dĩ Kiều ngắm xem phong cảnh. Bấy giờ bóng đã xế, chợt thấy một ông cụ già đi qua. Ông già nhìn Trương Lương lắc đầu, “Thật đáng tiếc!”, rồi bỏ đi. Đến giữa cầu lỡ đánh rơi chiếc dép xuống bùn, liền vẫy tay gọi Lương bảo:

“Này, bé con xuống lượm chiếc dép giùm ông…”

Trương Lương thấy ông cụ già cốt cách khác thường liền vâng lời, lội xuống bùn, lượm chiếc dép, quỳ xuống đưa cho ông già. Ông cụ xỏ dép mà đi, lại đánh rơi lần nữa… Cũng bảo Lương xuống lượm dép. Lương vâng lời, lượm lên như trước… Cứ như thế đến ba lần… mà gương mặt của Lương không thấy tỏ vẻ bực dọc gì cả. Ông lão thấy vậy gật đầu khen: “Thằng bé này dạy được đấy!”

Nói xong chỉ vào gốc cây cổ thụ ở gần đó mà bảo Trương Lương: “Năm ngày nữa, con đến đây, ông sẽ cho một vật quý. Con phải y ước, đừng sai hẹn…”

Năm hôm sau, Trương Lương dậy sớm, y ước đến chỗ gốc cây thì đã thấy ông cụ già ngồi ở đấy rồi.

Ông cụ thấy Trương Lương thì mắng: “Đã hẹn với người già mà sao lại đến chậm? Thôi, ta hẹn cho năm ngày nữa, phải đi cho sớm.”

Ông cụ đến sớm hơn, lại mắng, rồi hẹn năm ngày nữa.

Lần này Trương Lương không đi ngủ, đi ngay từ chập tối, đến gốc cây ngồi đấy để chờ. Không bao lâu, thấy ông cụ phơi phới từ đàng xa đi lại. Trương Lương sụp lạy để đón. Ông cụ trao cho ba quyển sách, bảo về đọc… ngày sau có thể an bang tế thế.

Trương Lương về sau quả trở nên một bậc thầy của đế vương, gây dựng cơ nghiệp nhà Hán.

“Người sau có kẻ cho là việc Tử Phòng được sách của ông lão trên cầu là một việc thần kỳ quái đản… Nhưng biết đâu đời Tần lại không có bậc ẩn nhân quân tử bày ra những chuyện như thế để dò xét sự tế nhị trong tâm hồn của con người! Biết đâu không phải là thâm ý của các bậc thánh hiền họ muốn dạy bảo nhau! Bởi người ta không xét cho kỹ, nên mới cho là quái đản thần kỳ, thật… là không hiểu được chỗ dụng ý sâu xa của những bậc ẩn sĩ đời xưa vậy.

Đương lúc Hàn suy vong, Tần hưng thịnh, Tần lại dùng cực hình, đao, cưa, chảo, vạc để mà thao túng kẻ sĩ trong thiên hạ. Thậm chí những kẻ nhàn cư vô sự cũng bị tru diệt không kể hết cho được.

Dẫu trong thiên hạ, người người đều oán hận nhưng vì nhà cầm quyền quá gắt gao dòm ngó nên không chỗ để thi hành. Tuy vậy, lòng phẫn uất ấy cũng không thể dè… Tử Phòng, cũng như muôn người khác, làm sao đè nổi cái lòng phẫn uất của mình. Bởi vậy, mới có sự dùng đến cái dũng của thất phu, thuê tráng sĩ để rình mò hành thích Thủy Hoàng. Thật, bấy giờ cái chết của Tử Phòng chỉ cách một lằn tóc, nghĩ cũng thật là nguy hiểm.

Đứa con quý không thể để cho nó chết về tay kẻ cướp. Tại sao vậy? Vì cái thân của nó rất quý, đâu có thể để cho nó chết vì kẻ cướp. Tử Phòng tài năng cái thế, tại sao không chịu mưu sự như Y Doãn hay Thái Công, lại đi hành sự như Kinh Kha, Nhiếp Chánh. May mà khỏi chết cũng là một sự may mắn bất ngờ… Nên ông lão trên cầu mới than: “Thật đáng tiếc!”

Ông sở dĩ ra dáng kiêu ngạo, là vì ông biết tài năng của Tử Phòng có dư, nhưng còn sợ độ lượng của Tử Phòng chưa đủ… nên mới đày đọa tiêu mất cái kiêu khí của thiếu niên, đặng cho biết “nhịn việc nhỏ để thành việc lớn”… Nếu không vậy, sao xưa nay chưa biết nhau, chỉ mới gặp nhau nơi thảo dã, lại sai là như kẻ tôi đòi… Nhưng mà Tử Phòng làm rất tự nhiên, không lấy gì làm lạ cả. Nên ông mới nói: “Trẻ này dạy được.”

Như Sở Trang Vương phạt Trịnh, Trịnh Bá trần mình dắt dê ra nghinh tiếp. Trang Vương nói: “Chúa nó dám hạ mình, thế nào cũng đặng lòng dân tín dụng”. Bèn không đánh Trịnh mà rút quân về.

Câu Tiễn bị đày ở Cối Kê, làm đứa ở vua Ngô ba năm, mà không nản… Nên về sau diệt được Ngô, trả được cái thù ngày trước.

Đó, phàm có chí báo thù mà không biết hạ mình được, đây là cái dũng của kẻ thất phu vậy.

Coi như Hán Cao Tổ sở dĩ thắng Hạng Võ mà Hạng Võ bị Hán Bái Công giết… là nhờ biết nhẫn hay không biết nhẫn mà ra. Hạng Võ không thể nhẫn nên trăm trận trăm thắng rồi khinh dụng cái sức của mình. Cao Tổ biết nhẫn nên dưỡng sức mình để chờ Hạng Võ suy… Đó, đều là nhờ Tử Phòng chỉ bảo cho vậy (2).

Lúc Hàn Tín thắng Tề muốn xưng Vương, Cao Tổ giận ra mặt… Coi đó đủ thấy người như Cao Tổ rất sành cái đạo “nhu nhược thắng cang cường” thế mà chừng ấy khí cương cường “không thể nhẫn” cũng vẫn còn. Nếu không phải Tử Phòng bấm chân, rỉ tai dạy bảo cho… thì còn ai làm nổi sự này. Cho nên người sau bảo: Hán đế mà làm nên nghiệp cả cũng nhờ Tử Phòng dạy cho chữ Nhẫn.

Xét người hào kiệt anh hùng có thể mưu đồ đại sự, người xưa thường căn cứ vào chỗ biết nhẫn hay không biết nhẫn ấy mà luận, thật cũng là khám phá.

Như Hàn Tín lúc nhất thời, nghêu ngao ngoài chợ, gặp tên đồ tể điếm nhục. Nếu độ lượng của Hàn Tín còn non, chịu không nổi cái nhục vô cớ ấy… ắt về sau không bao giờ làm nên đại nghiệp. Người mà không biết đường khinh trọng, vụ nhỏ bỏ lớn, gặp nhục thì “tay tuốt gươm, vươn mình xốc đến”… người như thế mà đem binh quyền thiên hạ giao cho thì nguy hiểm không biết chừng nào…

Trương Lương có lẽ đã nghĩ như thế này.

“Diệt cái vũ dũng của Hạng Vương, trong thiên hạ không ai hơn Hàn Tín. Việc lòn trông của anh mà phần đông thiên hạ hiểu lầm khiếp nhược… là một việc đại dũng trong đời. Với cử chỉ ấy, anh ta tỏ ra là người biết tiểu nhẫn để thành được đại mưu. Những kẻ vũ phu tiểu khí, cũng như mọi người, ắt đã đem cái “thất phu chi dũng” để thỏa mãn cái “huyết khí chi nộ” của nhất thời rồi… Những kẻ như thế mà đem tánh mạng muôn quân giao cho thì đại sự ắt phải hỏng. Nếu ta muốn tìm những kẻ tay sai dưới trướng mà sức mạnh địch nổi muôn người thì kẻ dũng sỉ trong thiên hạ ta sẽ chở về cho chúa công mấy xe cũng có. Nhược bằng muốn tìm một người diệt Sở phá Tề, đồ vương định bá cho Hán Vương thì phi người đó không còn ai nữa…”

Nghĩ thế thật là suốt lẽ.

Hàn Tín khi diệt được Hạng Võ, lên làm Sở Vương liền cho người đi tìm tên đồ tể đã làm nhục khi trước mà phong tước cho. Tín nói với kẻ tả hữu: “Hắn là một kẻ tráng sĩ đó. Khi hắn làm nhục ta, giá ta giết hắn đi cho hả lòng, thì lấy đâu được có ngày nay. Chỉ vì ta biết nhẫn, lập chí cao, hoài bão lớn mà ngày nay mới được như thế này… Phong cho hắn, há không phải là không có ý nghĩa ư ?”

Đấy là cách trả thù của Hàn Tín. Nhìn sâu vào tâm sự của Hàn, ta thấy Hàn chưa đủ sức để quên các mối nhục nhỏ ấy… Bởi vậy vừa được phong vương là nhớ đến cái nhục ngày xưa, cho người đi tìm kiếm. Phong chức cho là để tỏ cái lòng quảng đại hơn người và nhắc cho tên thiế niên ách nghịch nọ cái việc làm ngu dại của nó để cho nó hằng ngày tưởng nhớ đến cái khoan hồng của người trượng phu cao hơn nó. Tín nghĩ: Trả thù là tỏ ra mình ngang hàng với người thù. Tha thứ là đứng trên họ. Phong tước lại càng đứng trên nữa. Than ôi! Đối với một kẻ thất phu, Hàn Tín còn không thể được cái nhục… thảo nào đối với Hán Vương… ông không đi so đo từng việc một sao được. Bởi cái độ lượng ấy chưa thật rộng, nên suốt đời ông mới tự chuốc không biết bao nhiêu tai họa.


*******

Những kẻ cầm quyền thiên hạ lại cần phải điềm tĩnh hơn bậc tầm thường, biết gác cái lòng tự ái riêng mình một bên, nếu gặp phải trường hợp có sự tranh chấp giữa quyền lợi công và tư… Lắm khi vì thiếu điềm đạm, rồi dùng đến cái dũng của thất phu thì hỏng luôn cả đại sự. Bởi vậy, ta thấy những bậc vĩ nhân làm nên việc lớn đều là những người trầm tĩnh ung dung.

Dầu là kẻ tài hoa học vấn cao đến đâu, mà thiếu điềm tĩnh, nhất định không nên giao cho họ những việc lớn của thiên hạ. Thô lỗ, vục chạc, nóng nảy… là một vấn đề thuộc về tính khí, không ăn chịu gì đến vấn đề thông minh trí thức cả.


*******

Vua Triệu phong Lạn Tương Như làm tướng quốc. Liêm Pha cậy mình có nhiều công hơn mà lại đứng dưới nên tức giận, hăm he hễ gặp mặt Lạn Tương Như thì giết đi. Liêm Pha cậy mình có nhiều công hơn mà lại bị đứng dưới, nên tức giận hăm he hễ gặp mặt Tương Như thì giết đi. Tương Như vì thế cứ lánh mặt mãi… Một hôm Tương Như ra ngoài, gặp toán lính tiên đạo của Liêm Pha, vội sai tên đánh xe đi tránh vào trong ngõ, đợi Liêm Pha đi qua rồi mới đi ra.

Bọn xá nhân thấy thế tức giận, bèn hợp nhau hỏi Tương Như: “Chúng tôi bỏ nhà cửa, xa thân thích đến đây hầu Ngài, tức coi Ngài là bực trượng phu nên mến mà theo. Nay Ngài cùng Liêm tướng quân cùng hàng mà hạng thứ lại ở trên. Liêm nói dọa, Ngài đã không báo lại, đã tránh ở triều, nay lại tránh ở ngoài đường. Sao Ngài lại sợ quá thế vậy? Chúng tôi lấy làm xấu hổ, vậy xin đi, không ở nữa”.

Tương Như nói: “Các ngươi xem Liêm Tướng Quân có hơn được vua Tần không? Bọn xá nhân thưa: “Không!”. Tương Như nói: “Lấy cái oai của vua Tần, thiên hạ ai dám chống, mà Tương Như này dám mắng giữa triều đình, lại làm nhục cả quần thần nữa. Tương Như dẫu hèn, há lại sợ một Liêm Tướng Quân ư? Nhưng ta nghĩ Tần sở dĩ không dám đánh Triệu là vì e có ta và Liêm tướng quân. Nay hai con hổ tranh nhau, thề không cùng sống. Tần nghe tin tất thừa cơ đánh Triệu. Ta sở dĩ chịu nhục tránh Liêm tướng quân là coi việc nước là trọng mà thù riêng là khinh vậy thôi.”

Bọn xá nhân quỳ mọp mà rằng: “Tiểu nhân chúng tôi trí hẹp làm sao độ nổi chí của tướng công”.

Liêm Pha khi nghe thuật lại việc làm của Tương Như, cả thẹn than rằng: “Ta thật còn kém xa Tương Như biết mấy”. Bèn trần vai áo đến trước Tương Như tạ tội: “Tôi tánh thô bạo, đội ân Tướng quốc bao dung, nghĩ lấy làm hổ thẹn quá”. Tương Như đỡ dậy, nắm tay cùng khóc và kết làm bạn sống chết với nhau.

Cho hay cái mà thiên hạ cho là rất mềm lại thường thắng được cái rất cứng của thiên hạ (Thiên hạ chi chí nhu tri sinh thiên hạ chi chí kiên – Lão Tử). Nghĩa là nhu nhược thắng cang cường là như thế ấy.

Cổ nhân có nói: “Nuốt đặng cái cay đắng trong cái cay đắng mới được làm được hạng người trên loài người”. Và “Khí tượng như chim phượng hoàng liệng trên mấy xanh thì những lợi hại cỏn con không động được đến tâm nữa” (3).

Phần đông người ngày nay quen dùng cường lực, nên cho những tư tưởng, những cử chỉ như trên là một sự yếu hèn khiếp nhược.

Người xưa, trái lại cho sự điềm đạm là triệu chứng của sự mạnh mẽ hùng dũng nhất của tâm hồn, họ cho “nhu trung hữu cang” mà “cang trung hữu nhược” (trong cái nhu có cái cang, trong cái cang có cái nhu). Triết học Kinh Dịch, nền tảng của tất cả triết học Á Đông cổ, cho rằng trong trời đất không có sự gì, vật gì, mà không hàm chứa mâu thuẫn nơi trong. Cái đạo Cương nhu, thánh nhân thường ví với cái đạo lửa nước; lửa là cương đạo, nước là nhu đạo. Đạo xử thế người xưa đã được bàn vỡ lẽ trong hai quẻ này vậy: quẻ Ly và quẻ Khảm.

Quẻ Ly, hai hào dương bao ngoài, còn hào chính trung la hào âm. Nghĩa là “ngoại thực nhi trung hư” (ngoài thì thực mà trong thì hư), “thể nó là âm mà dụng nó là dương” (thể âm nhi dụng dương – Dịch Kinh), còn cái tượng của nó là lửa.

Quẻ Khảm, hai âm bao ngoài, còn hào chính trung là hào dương. Nghĩa là “ngoại hư nhi trung thực” (ngoài thì hư mà trong thì thực). “Thể nó là dương mà dụng nó thì âm”, còn cái tượng của nó là nước.

Tâm lý học đương thời gọi đó là trạng thái lưỡng cực (ambivalence) và cũng nhìn nhận cái lẽ mâu thuẫn đã nói trên trong Kinh Dịch. Họ nhận rằng hễ bên ngoài mà thô bạo cương cứng bao nhiêu đó là biểu hiện của sự hèn yếu bạc nhược của bên trong bấy nhiêu. Có đúng như vậy: bạo động là con đẻ của cái sợi, nghĩa là của một tâm hồn yếu đuối, không làm chủ được mình. Trái lại, những kẻ đứng trước những khiêu khích thậm tệ mà vẫn thản nhiên, trầm tĩnh ung dung như không có việc gì, người ấy bên trong có một sự hùng dũng phi thường… Bởi vậy, người xưa cho rằng sự dùng bạo lực “tuốt gươm đứng dậy, vươn mình xốc đánh” là cái dũng của kẻ thất phu, còn “thình lình gặp những việc phi thường cũng không kinh, vô cớ gặp những điều ngang trái cũng giận”, ung dung bình tĩnh… đó là cái dũng của thánh nhân.

Điền Quang, vì Thái tử Đan, lựa cho một người dũng sĩ để đi hành thích Tần Thủy Hoàng. Thái tử Đan nói: “Nghe tiên sinh là người trí dũng kiêm toàn, có nhiều kỳ kế có thể cứu sống nước Yên không ?” Điền Quan từ chối vì đã già yếu không làm gì được nữa. Đan nói: “Trong chỗ bạn thân với tiên sinh, hiện có người nào trí dũng như tiên sinh lúc còn nhỏ không?” Quang nói: “Khó lắm! Thái tử thử xem những khách ở trong nhà có mấy người có thể dùng được, bảo ra đây cho tôi xem”. Thái tử Đan liền cho gọi bọn Hạ Phù, Tống Ý, Tần Vũ Dương đến chào Điền Quang.

Điền Quang xem qua một lượt, hỏi rõ họ tên, rồi bảo riêng với Thái tử: “Tôi xem những người khách của Thái tử không người nào dùng được cả. Hạ Phù là người máu hăng, giận thì mặt đỏ. Tống Ý là người khí hăng, giận thì mặt xanh. Tần Vũ Dương là người cốt hăng, giận thì mặt trắng. Tức giận mà hình lộ ra mặt để cho người ta biết, thì làm sao nên được việc lớn. Tôi biết có một người gọi là Kinh Kha, thật là một người thần dũng. Mừng giận không hiện ra mặt, điềm đạm phi thường… Tôi tin rằng người ấy hơn những người này xa…”


*******

Lối xem người của Điền Quang thật là tinh lắm. Đó là nhận thấy được tới chỗ “trung thực nhi ngoại hư” mà “ngoại thực nhi trung hư” vậy.

Người ta ở đời thường lại không thông lẽ ấy, nên cho cái gì bạo động, hống hách, kiêu ngạo, khiêu khích… là biểu hiện của sự mạnh mẽ bên trong. Thật là một sự hiểu biết nông nổi không biết chừng nào.

Ta há không thấy những bậc đại hiền bên trong đầy đủ… thường tư cách khiêm cung nhã nhặn một cách tự nhiên; trái lại, những kẻ thấp kém bên trong, học lực tầm thường thì bề ngoài thích khoe khoang, chưng dọn! Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ.


*******

Người xưa, rất thâm hiểu lẽ ấy nên mới có câu chuyện ngụ ngôn sau này:

“Kỷ Tỉnh Tử lãnh phần tập gà đá độ cho vua.
“Được mười ngày, hỏi thăm, Kỷ Tỉnh Tử nói: Chưa! Gà còn kiêu khí.
“Mười ngày sau nữa, hỏi thăm. Tỉnh Tử nói: Chưa! Gà còn gáy đáp với gà khác. Thấy gà khác, còn biết cảm động.
“Mười ngày nữa, hỏi thăm, Tỉnh Tử cũng nói: Nó còn thạnh khí, hăng hái lắm.
“Mười ngày nữa, lại hỏi thăm, thì Tỉnh Tử nói: Được rồi! Nghe tiếng và thấy mặt đồng loại của nó, nó không còn biết cảm động nữa. Nó nay như khúc gỗ rồi. Không còn gà nào đối đầu với nó nổi nữa.” (4)

Ta thấy rõ: Còn dùng bạo lực là vì bên trong còn khiếp đảm. Người mà thắng được cái tinh thần khiếp đảm bên trong thời mới giữ được vẻ ung dung trầm tĩnh bên ngoài. Tên trộm kia sở dĩ gây nên tội giết người nào nó muốn như vậy, mà vì hốt hoảng nên đột nhiên dùng đến thủ đoạn sát nhân. Bạo động là con đẻ của cái sợ. Nó là sức mạnh của những tâm hồn yếu đuối. Người ta mà chưa giải thoát được cái sợ… thì chớ mong bàn đến sự điềm tĩnh làm gì.

Thử giở lịch sử ra xem sẽ thấy: trong các cuộc cách mạng, sở dĩ có những tàn bạo ghê hồn đều do cái sợ mà ra cả.

Những kẻ bị cái sợ ám ảnh thường rất dễ trở nên những người tàn bạo, như các nhà độc tài xưa nay vậy. Vụ tàn sát khổng lồ mà lịch sử cách mạng Pháp thường gọi là Massacre de September năm 1972, rùng rợn bạo ác đến bậc nào, nguyên do gì đâu, nếu không phải vì sự hốt hoảng của dân chúng Pháp trước cái họa ngoại xâm mà gây ra không?


*******

Tóm lại, người điềm tĩnh không phải người nhu nhược, theo cái nghĩa người ta thường hiểu là bạc nhược đâu… Sự thật, chính là người dũng mãnh nhất đời. Và bởi họ là người bên trong cương cường nhất, nên bên ngoài họ bao dung, thích dùng sự dịu mềm nhất như trước đây đã bàn đến qua quẻ Khảm.

Dùng phép “nhu nhược” để thắng “cương cường” cần phải có tinh thần điềm tĩnh nhất mới sử dụng nổi. Bởi vậy, người xưa mới bảo: “Trong thiên hạ không chi mềm yếu hơn nước, thế mà nó đánh đổ sự cứng rắn không chi hơn nó được… Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh, thiên hạ đều biết, nhưng không sức làm nổi.” (5)

Người ta ai cũng có lòng tự trọng, không ai muốn ai chạm đến lòng tự ái của mình. Cho nên dùng bạo động thì tàn bạo ắt sinh ra. Lấy oán báo oán thì oán oán chất chồng, lẽ dĩ nhiên nó phải vậy. Dùng nhu thuật, tức là tránh sự đụng chạm đến lòng tự ái của người.

Gandhi giải thích nó như thế này. “Phải có hai người mới có thể tranh đấu với nhau được. Hai bên cũng phải bằng lòng với nhau mới có thể chiến đấu với nhau: Sự kháng cự của người bị hiếp là điều kiện cần thiết để cho kẻ hiếp người kia có chỗ hiếp được. Chính họ tấn công vào sức kháng cự ấy. Bởi vậy, bất kỳ là ai trong hai chiến sĩ, có thể, lúc nào cũng đặng, làm ngưng cuộc chiến đấu. Họ chỉ từ chối không kháng cự thì bên đối phuong không chỗ vịn vào mà chiến đấu được nữa…

“Nếu tôi đánh anh một bạt tai bên má mặt, mà anh đánh tôi một bạt tai… thế thì tranh đấu bắt đầu ký kết với nhau rồi: chúng ta một mất một còn với nhau.

“Trái lại, nếu anh đưa má bên trái cho tôi và nói: “Đây, cho phép anh đánh luôn một bạt tai nữa, tôi chịu sự nhục nhã đau đớn ấy để tỏ cho anh thấy sự lầm lỗi của anh đấy”, thì chắc chắn cánh tay tôi không còn cử động được nữa… sự giận dữ tiêu tan nhường chỗ cho sự khủng khiếp, và hết khủng khiếp đến suy nghĩ .”

Chính Napoléon còn phải nói, “Điều mà tôi thán phục nhất trong đời là sự bất lực của sức mạnh để tổ chức. Trong đời chỉ có hai sức mạnh thôi: Lưỡi gươm và tinh thần. Lâu dần lưỡi gươm cũng bị tinh thần đánh bại”.


*******

Dùng “nhu” để thắng “cang” tức là nhường nhịn lánh mình để làm cho cái đà tấn công của đối phương phải sa chỗ không… như gặp phải “chiếc thuyền không” của Trang Tử. (Xem lại chương trước: “Chiếc thuyền không” của Trang Tử).

Phép đấu vũ của Nhật, thường gọi là Nhu Đạo (Judo), chính là dùng nguyên tắc này làm căn bản: lấy “hư” để thắng “thực”, lấy “nhu” để thắng “cang”… Phép đấu vũ này ta phải nhìn nhận là tuyệt dịu. Thật vậy, sức mạnh của một quả đấm căn cứ nơi đâu mà có? Chắc chắn nếu không có một vật nào hứng chịu nó thì không lấy đâu mà biết được nó là sức mạnh. Bởi vậy, nguyên tắc của Nhu Đạo là: không chống lại với đà tấn công bên địch để cho sức mạnh ấy không chỗ chịu đựng mà mất trớn… và mất luôn cả sự thăng bằng. Bây giờ, mình chỉ dùng một chút sức mọn thôi cũng đủ làm cho bên địch thất bại như trở bàn tay. Phàm đấu vũ với tay sành Nhu Đạo mà càng dùng sức chừng nào lại càng nguy hiểm cho tính mạng mình chừng nấy.


*******

Tuy nhiên, dùng nhu cũng không phải là một vấn đề tuyệt đối (6). Lạn Tương Như đối với Liêm Pha thì dùng nhu đạo, nhưng đối với vủa Tần thì lại dùng cương đạo một cách triệt để… Chấp kinh cũng phải biết tùng quyền.

Như tôi đã nói trước đây, dùng đến đạo “nhu” chỉ có những ai hoàn toàn làm chủ lấy mình rồi, những kẻ đã đạt đến cái tinh thần đại dũng mới có thể làm nổi mà không phải thất bại. Chưa phải là bậc đại dũng… mà bắt chước làm theo theo cái làm của người đại dũng… Có khi chỉ là một việc trò hề: “Thân dê mà lốt cọp, thấy chó sói thì run mà thấy cỏ thì thích”.


*******

Lại cũng có khi nguy nữa là khác.

Tử Sản, lúc bịnh trọng, căn dặn con là Thái Thúc: “Chừng ta chết rồi, chắc là ngươi sẽ cầm quyền chính trị. Chỉ có bậc đại đức mới có thể dùng được khoan chính mà phục dân. Còn kỳ dư, hay hơn phải dùng nghiêm chính. Lửa nóng, dân sợ nên bị chết thiêu ít; nước mát, dân lờn nên phải chết chìm nhiều. Dùng khoan chính mà trị dân thật khó cho ngươi.”

Tử Sản chết, Thái Thúc lên cầm quyền, dùng khoan chính, không nỡ dùng nghiêm chính. Trong nước trộm cắp nổi lên, chận bắt hành khách lối đầm Hoàn Bồ.

Thái Thúc ăn năn nói: “Nếu sớm nghe lời Tử Sản thì họa không đến nỗi này”. Bèn đem binh tận sát bọn cướp Hoàn Bồ. Trong nước dứt đọa tặc.


*******

Khổng Tử nói: Hay lắm! Dùng khoan chính thì dân dể ngươi; dân dể ngươi phải dùng nghiêm chính trị nó. Dùng nghiêm chính thì dân khổ sở; dân khổ sở phải dùng khoan mà cứu nó. Khoan dùng chế nghiêm, nghiêm dùng chế khoan, thì chính trị mới được điều hòa. (7)

Bấy nhiêu đủ cho ta thấy. dùng cương hay nhu trong việc trị quốc, bình thiên hạ… đâu phải là việc dễ, và không phải ai cũng làm được.

Đừng làm như người đàn bà rất xấu xí kia… Cùng ở một xóm với nàng Tây Thi. Tây Thi, người nước Việt, nổi tiếng là đẹp nhất một thời. Nàng có chứng đau bụng, mà khi đau, nàng ôm bụng nhăn mặt thì vẻ đẹp lại càng thêm mặn mà không thể tả. Chị đàn bà xấu xí thấy vậy, muốn bắt chước, về nhà cũng ôm bụng nhăn mặt; người làng trông thấy, tưởng thấy ma quỷ hiện hình… nhà giàu thì đóng cửa lại, không dám ra; nhà nghèo thì bồng bế vợ con mà chạy trốn.

Cũng đừng làm như người thợ đá kia… Có một người thợ ngọc qua hàng thợ đá, vào xem các thứ đá, thấy một tảng đá trong có ngọc, mua về, đẽo ra, quả nhiên được ngọc. Ngọc ấy trắng muốt và có gân đỏ, quý giá vô vô cùng. Người thợ ngọc nhờ đó mà giàu có.

Anh thợ đá thấy thế, lấy làm thích chí cũng muốn bắt chước. Anh ta nghĩ bụng: Đá nào trong cũng có ngọc. Rồi ở nhà có bao nhiêu thứ đá, đem cả ra đập để tìm ngọc. Không những không thấy ngọc mà các đá vỡ tan, chẳng dùng được việc gì nữa. Anh ta vừa mất của vừa lỗ vốn, cùng quẫn khổ sở, chẳng bao lâu rồi chết.


*******

Trong đạo xử thế, biết mình là bước đầu tiên cần thiết nhất. Trong binh thơ Tôn Tử có câu: “Tri kỷ, tri hỉ, bách chiến, bách thắng”. Biết mình, biết người thì trăm trận trăm thắng. Mà biết mình là điều kiện đầu tiên trong đạo tranh đấu và chiến thắng vậy.

Thái Thúc không biết mình, muốn dùng khoan chính như Tử Sản nên bị trộm cướp nổi lên…

Mình chưa phải có sắc đẹp tuyệt trần như nàng Tây Thi, thì đừng có bắt chước nhăn mặt như Tây Thi mà làm trò hề cho thiên hạ…

Mình chưa có con mắt nhận được ngọc trong đá như anh thợ ngọc chuyên môn, thì đừng có bắt chước làm anh thợ ngọc chuyên môn mà phải cùng quẫn khổ sở…

Toàn là vì không biết mình mà ra nông nỗi ấy…


*******

Tại sao không biết làm như người nước Lỗ kia. Nước Lỗ có người ở một mình một nhà. Bên láng giềng có người đàn bà góa cũng ở một mình một nhà.

Một đêm, mưa to gió lớn, nhà người đàn bà đổ, bèn sang xin ngủ nhờ… Người láng giềng đóng cửa không cho vào. Người đàn bà đứng trước cửa sổ nói: “Ngươi sao bất nhân thế? Không cho ta vào!”

Người láng giềng đáp: “Ta nghe đàn ông đàn bà sáu mươi tuổi trở lên mới ở chung được. Nay người còn trẻ, mà ta cũng còn trẻ, cho nên ta không thể cho ngươi vào ngủ trọ được”.

Người đàn bà nói: “Ngươi sao không làm như Liễu Hạ Huệ, ủ người con gái ngồi vào lòng mà không tai tiếng gì”.

Người láng giềng nói: “Ông Liễu Hạ Huệ thì thế được, chứ ta đây chưa thế được. Vì ta cho ngươi vào mà ta không được như ông Liễu Hạ Huệ thì thà rằng ta không cho ngươi vào mà ta cũng giữ không tai tiếng gì như ông Liễu Hạ Huệ. Thế là ta không làm như Liễu Hạ Huệ mà cũng được như Liễu Hạ Huệ vậy”.

Khổng Tử nghe câu chuyện ấy nói: “Phải lắm! Kẻ muốn học ông Liễu Hạ Huệ, chưa ai giống được người nước Lỗ này. Mong làm điều rất phải, không bắt chước cách làm, rồi mà làm được, thế mới thật là người khôn”.

Sức chứa của lòng người phải biết cho nó có hạn. Có người rất liêm khiết, nhưng sức chứa của lòng liêm khiết chỉ chịu đựng nổi đến mười ngàn đồng là cùng. Dưới số đó, không làm sao cám dỗ được họ, nhưng hơn số đó, họ bị sa ngã ngay. Bởi vậy, có người cho làm chức hương cả thì không thèm làm, mà cho làm cai tổng thì làm.

Hiếm kẻ với số bạc năm, bảy chục ngàn đồng thì vẫn thản nhiên như không: Họ vẫn là một người bạn trung thành và luôn luôn liêm sỉ. Nhưng gặp phải số bạc trăm ngàn thì lại thành gian hùng phản bội. Bởi thế mới có kẻ ngày nay là một bậc trung nghĩa, mà khi trong tay cầm cả quyền hành thiên hạ lại trở thành một kẻ đại gian đại ác…

Kẻ đạo đức, quân tử mà phải sa ngã, buôn dân bán nước nào đâu phải vì họ giả dối… mà là vì họ không lượng trước cái sức chứa của lòng đạo đức họ là bao nhiêu.

Bước đầu của sự khôn ngoan là biết mình. Chưa phải là người đại dũng mà cố bắt chước làm cái làm của người đại dũng… Thế nào cũng hỏng.

Nhưng, việc… lại còn nguy hiểm cho mình và cho người khác nữa.


Chú thích:

(1) Lữ Thị Xuân Thu
(2) Tô Thức: Lưu Hầu Luận (Cổ văn)
(3) Xem quyển “Cái Dũng của Thánh Nhân (4)
(4) Trang Tử: Đạt Sanh Thiên
(5) Thiên hạ mạc nhu nhược ư thủy, nhi cộng kiên cường giả mạc chi năng thắng. Nhu thắng cang, nhược thắng cường. Thiên hạ mạc bất tri, mạc năng hành (Lão Tử).
(6) Aurobindo Gheose, một nhà đạo học khét tiếng Ấn Độ nói: “En général, la non – violence vaut mieux que la violence, et pourtant parfois la violence peut étre la chose juste” (Theo lệ thường, sự bất bạo động quý hơn là bạo động, nhưng lắm khi dùng đến bạo động mới có thể là việc chánh đáng.)
(7) Cổ Văn: Tử Sản thọ chánh Thái Thúc (Tả Khưu Minh)
__________________
Đạo đức không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố.
HuongViet is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Đã có 2 thành viên gửi lời cám ơn đến HuongViet vì bạn đã đăng bài:
Robertot (18-03-2014), Robertquant (07-11-2016)
Old 04-09-2010, 12:24 AM   #7
Hồ sơ
HuongViet
Senior Member
 
Tham gia ngày: Mar 2007
Tuổi: 44
Số bài viết: 162
Tiền: 25
Thanks: 216
Thanked 95 Times in 62 Posts
HuongViet is on a distinguished road
Default Ðề: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Chương VI
Biết… Sống

KHÔN, chết…
DẠI, chết…
BIẾT, sống…

Người chúng ta thường nói: “Khôn sống, mống chết”. Mới nghe, không thể nghi ngờ gì nữa được. Nhưng, nếu nghĩ cho sâu, xét cho rộng ta sẽ thấy, chưa ắt: Khôn là sốngDại là chết

Khôn, mà khôn như Hàn Tín, Dương Tu… Thì làm sao mà sống được. Còn dại, mà dại như Phạm Lãi, Tử Phòng… thì làm sao mà chết được. Cho nên bàn đến khôn dại… chưa biết lấy gì làm chuẩn đích.

Trang Tử cùng đệ tử đi chơi trên núi.

Thấy một cây to, cành lá rườm rà. Một tên thợ rừng đứng bên đó mà không đốn. Hỏi tại sao, nó nói: “Không dùng đặng nó chỗ nào hết.” Trang Tử nói: “Cây này vì bất tài mà đặng sống lâu”.

Ra khỏi núi, Trang Tử ghé vào nhà người quen. Chủ nhà mừng rỡ hối trẻ làm thịt chim mòng để nấu ăn. Thằng nhỏ thưa: “Có một con biết gáy, một con không biết gáy, giết con nào?” Chủ nhà nói: “Giết con không biết gáy”. Bữa sau, đệ tử hỏi Trang Tử: “Hôm qua, cái cây trong núi vì bất tài mà sống, còn chim mòng, vì bất tài mà chết. Giả như thầy phải xử trí như thế nào?”

Trang Tử cười nói: “Tài và bất tài cũng như nhau, đều là quấy cả, nên không thể tránh khỏi lụy thân. Chỉ có kẻ nào biết là sống mà thôi…”

KHÔN, chết…
DẠI, chết…
BIẾT, sống…

Biết lúc khôn, biết lúc dại… nghĩa là biết thời biết thế. Chung quy chẳng qua biết rõ một chữ “thời”.

Lão Tử nói: “Thông minh duệ trí, thủ chi dĩ ngu; dũng lực chấn thế, thủ chi dĩ khiếp.” Mình là bậc thông minh, trí thức sâu sắc nhất, hãy biết làm như kẻ ngu khờ. Mình là bậc dũng lực kinh người, hãy biết làm như kẻ nhút nhát…

Nào đâu có bảo mình phải là đứa ngu! Sự thật là mình phải thật thông minh… vì chỉ có kẻ thật thông minh mới biết lúc nào nên làm như kẻ ngu được mà thôi.

Lữ Khôn nói: “… Thông minh, người ta ghét, thông minh mà biết làm như ngu, mới thật là khôn kín.”

Nhưng, biết được chữ Thời, đâu phải dễ gì. Thái quá là dở, mà bất cập cũng không hay. “Người trí đi quá mực trung; kẻ ngu theo không kịp mực trung…” (Trí giả quá chi, ngu giả bất cập chi).

Phần đông, chỉ “biết tiến, mà không biết thối; chỉ biết giữ cho còn, mà không biết làm cho mất; chỉ biết lấy cho được mà không biết bỏ đi…” nên, hễ hành động thì chắc chắn không khỏi có điều hối hận. (1)

Trong sách Liệt Tử có câu chuyện này, cũng tạm có thể miêu tả thái độ “vô khả, vô bất khả” của một người đã học đặng chữ Biết ấy…

Tử Hạ hỏi Khổng Tử: “Nhan Hồi là người thế nào?”
Khổng Tử nói: “Cái nhân của Hồi hơn ta”.
Tử Hạ lại hỏi:
- Tử Cống là người thế nào?
- Cái máu mắn của Tứ hơn ta.
- Tử Lộ là người thế nào?
- Cái Dũng của Do hơn ta.
- Tử Trương là người thế nào?
- Cái vẻ trang nghiêm của Sư hơn ta.
Tử Hạ lấy làm lạ, đứng dậy, thưa: “Vậy thì tại sao bốn người ấy lại còn theo thầy mà học?”

Khổng Tử nói: “Ở đây ta bảo cho: Hồi chỉ biết nhân mà không biết lúc bất nhân; Tứ chỉ biết mau chóng mà không biết lúc chậm chạp; Do chỉ biết hùng dũng mà không biết lúc nên nhút nhát; Sư chỉ biết trang nghiêm mà không biết lúc ung dung để hòa đồng với mọi người. Nay gồm tất cả những cái hay của bốn người ấy có mà đổi với cái ta có, ta không đổi. Bởi vậy, họ phải thờ ta làm thầy mà không có hai lòng.” (2)

Biết đây, là biết tùy lúc mà biến thông cho hạp thời trúng tiết… Nếu chỉ biết khư khư một mực, dầu hay đến đâu cũng hỏng. Mạnh Tử bảo: “Sở ố chấp nhất giả, vị kỳ tặc đạo. Cứ nhất nhi phế bách”. Cái đáng ghét trong sự chấp nhất là vì nó làm hại đạo: làm được một việc mà hư cả trăm việc.

Trọng hệ nhất trong đạo xử thế, là biết biến, vì “có biến mới có thông, có thông mới lâu bền được”. (3)

Cái nghĩa của chữ tùy thời, lớn vậy thay! (4). Cho nên: “Kẻ biết cái đạo tiến, thoái, tồn, vong mà không bao giờ sai cái chỗ chính trung của nó, có lẽ chỉ có bậc thánh nhân mà thôi ư?” (5)

Ôi! Chỉ có bậc thánh nhân mà thôi ư! Vậy mà bậc thánh như Khổng Tử lại còn phải than:

Vi nhơn nan…
Vi nhơn nan…
(Làm người là khó!...)

Thế mới hay: “Ở đời không có cảnh ngộ nào dễ xử…”

Cái biết như thế - cái điều có thể cảm được mà không thể nói ra được – muốn đạt được nó, phải làm thế nào?

“… Thư bất tận ngôn, Ngôn bất tận ý…” (6)

Vậy thì, ta phải biết “tinh nghĩa nhập thần” (7) mới mong xử dụng được đến cùng cái đạo xử thế của cổ nhân…

Phật còn phải bảo với các đệ tử: Kìa là mặt trăng! Các con cứ theo ngón tay ta chỉ mà nhìn thì thấy. Nhưng, nên nhớ rằng ngón tay ta không phải là mặt trăng… cũng như những lời ta giảng về Đạo. Các con có thể theo lời ta giảng mà tìm thấy Đạo. Nhưng nên nhớ rằng: “Lời giảng của ta không phải là Đạo”…


Chú thích:
(1) Dịch Kinh: “… Tri tiến nhi bất tri thoái, tri tồn nhi bất tri tông, tri đắc nhi bất tri táng…” “… sơ dĩ động hi hữu hối dã”. (Thượng kinh, Kiền quái)
(2) Liệt Tử: Trọng Ni (Đệ tứ Thiên)
(3) Dịch Kinh: Dịch, “cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu.” (Hệ từ hạ). Đạo Dịch là: “cùng thì biến, biến thì thông, thông thì lâu”.
(4) Dịch: “Tùy thời chi nghĩa, đại hỉ tai!” (Thoán thượng truyện). Tùy thời không phải là Xu thời như người ta lầm hiểu… và vu cáo cho các đạo xử thế của nhân.
(5) Tri tiến thoái tồn vong chi đạo nhi bất thần kỳ chính giả, kỳ duy thánh nhân hồ!” Dịch Kinh (Kiền quái, Thượng kinh)
(6) Dịch: “Sách thì không nói được hết lời, lời thì không tả được hết ý…” (Hệ từ thượng).
(7) Dịch: “Tinh nghĩa nhập thần dĩ trí dụng giả.” (Hệ từ hạ). Hiểu rõ nghĩa tinh vi, vào đến chỗ thần diệu để sử dụng được đến cùng.
__________________
Đạo đức không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố.
HuongViet is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Đã có thành viên gửi lời cám ơn đến HuongViet vì bạn đã đăng bài:
JosephDora (28-10-2014)
Old 04-09-2010, 12:25 AM   #8
Hồ sơ
HuongViet
Senior Member
 
Tham gia ngày: Mar 2007
Tuổi: 44
Số bài viết: 162
Tiền: 25
Thanks: 216
Thanked 95 Times in 62 Posts
HuongViet is on a distinguished road
Default Ðề: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Phụ Lục


Tâm sự của Khuất Nguyên & Lão Đánh Cá


Bậc quân tử thời xưa ở Á Đông đại khái có thể chia ra làm hai hạng người, có hai lối nhân sinh, hai đường xử thế khác nhau rất rõ rệt.

Hai hạng người đó, mỗi hạng ôm ấp một tâm sự… muốn tìm hiểu tâm sự của mỗi người, một quyển sách cả ngàn trang cũng không sao nói được hết ý. Thế mà nếu có thể tóm lại, người ta có thể tóm lại trong một câu chuyện hết sức gọn gàng đầy đủ trong một trang sách nhỏ: câu chuyện Khuất Nguyên và Lão đánh cá. Đấy cũng là chỗ sở trường của người Á Đông vậy.



*****

Khuất Nguyên làm quan cho Vua Hòai Vương nước Sở, bị sàm báng mà bị phóng khí. Mặt mủi tiều tụy, hình dung khô héo, Khuất Nguyên vừa đi vừa hát ở bên bờ đầm.

Có ông lão đánh cá trông thấy hỏi:
- Ông có phải là Tam Lư Đại Phu đó không? Sao mà đến nỗi khốn khổ như vậy?

Khuất Nguyên nói:
- Cả đời đục, một mình ta trong; cả đời say, một mình ta tỉnh, bởi vậy ta mới bị phóng khí.

Ông lão đánh cá nói:
- Thánh nhân không câu nệ việc gì, lại hay tùy thời. Có phải đời đục cả, sao ông không khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng, cho đục theo một thể? Loài người say cả, sao ông không biết ăn cả men, húp cả bã cho say theo một thể? Việc gì mà phải phòng xa, nghĩ sâu cho đến nỗi phải bị phóng khí?

Khuất Nguyên nói:
-Tôi nghe: Mới gội đầu tất phải chải mũ; mới tắm tất phải thay áo; có đâu lại chịu đem cái thân trong sạch mà để cho vật dơ bẫn dính vào mình được? Thà nhảy xuống sông Tương, vùi xác vào bụng cá, chớ sao đang trắng lôm lốp lại chịu phải vấy phải bụi dơ.

Ông lão đánh cá nghe nói tủm tỉm cười, quay chèo bơi đi, hát:


Sông Tương nước chảy trong veo
Thì ta đem giặt cái lèo mũ ta;
Sông Tương nước đục chảy ra,
Thì ta lội xuống để mà rửa chân…
Hát xong, đi thẳng, không nói gì nữa.


********

Tâm sự của Khuất Nguyên đâu phải riêng gì của Khuất Nguyên, mà nó là tâm sự chung của phần đông nhân loại từ xưa đến nay vậy.


Cả đời đục, một mình ta trong,
Cả đời say, một mình ta tỉnh…

Lòng tự ái của ta xui ta bao giờ cũng tin tưởng như thế. Điều ta nghĩ luôn luôn đúng; việc ta làm luôn luôn phải. Không đúng, không phải làm sao ta dám nghĩ dám làm… Thằng bất nhân bất nghĩa nhất trong đời có bao giờ tin mình là bất nhân bất nghĩa đâu. Tào Tháo, một tên gian hùng đệ nhất xưa kia, cũng vẫn tin mình là thế thiên hành đạo, mà trái bom nguyên tử trên Hiroshima, giết một loạt sáu trăm ngàn người… cũng chỉ là một việc làm hết sức nhân đạo: sát nhất miêu cứu vạn thử

Dầu là một kẻ ngu… cũng vẫn tin việc mình là phải. Người xưa nói: Ta có thể đoạt ấn soái giữa chốn ba quân, nhưng không thể đoạt được dễ dàng cái chí của một kẻ thất phu. Câu nói này, thật là một câu nói khám phá được cả một tâm sự loài người.

Tôi có lý! Đấy là một tin tưởng và cũng là một quả quyết.

Tôi có lý! Đấy cũng là một cơ hội để nâng cao cái bản ngã của mình lên, kẻ nào dám đương nhiên xâm phạm là chạm đến sinh mạng thiêng liêng của mình vậy. Mình không thể tha thứ được những ai dám bảo mình lầm.

Tin rằng chỉ có một mình mình có lý, và chỉ tin suông như thế thôi, thì có gì là lạ, mà cũng có gì là hại cho ai đâu. Bất quá là ai có ý kiến nấy. Nguy hiểm là, trong khi ta tin ta có lý, ta lại tin rằng kẻ nào không theo về cùng một ý kiến với ta là sái quấy và lạc lầm…

Nghĩa là, trong khi ta tin mình có lý, ta cũng vừa lên án kẻ khác không đồng ý kiến với ta là sái quấylạc lầm..


Cả đời đục, một mình ta trong,
Cả đời say, một mình ta tỉnh…

Bởi vậy, đời mà không có ta can thiệp đến… đời sẽ mê loạn đến bậc nào.

Đã tự cho là mình là người giác ngộ, thì cũng vừa là tự ban cho cái sứ mạng cứu đời. Bụng thương đời tha thiết của ta khiến ta khó nỗi dửng dưng với thế sự… Lòng nhiệt tình hăng hái về việc cứu đời của ta không cho phép ta có thể thản nhiên được với bọn người dám ngang nhiên công kích kế hoạch cứu thế của ta. Chống lại với ta là bọn người lạc hậu; nghịch lại với ta, là bọn người phản tiến hoá. Vậy, phận sự của ta, phận sự của con người giác ngộ là phải lo độ kẻ khác, bất cứ bằng phương pháp nào…

Trong khi:


Đời đục cả, một mình ta trong,
Đời say cả, một mình ta tỉnh…

Thì hơi sức nào chìu theo ý của mọi người… Bất luận là phương pháp nào, nộ lệ, dã man… cũng không sao cả, miễn ta cứu độ được người ra khỏi vòng tăm tối là được.

Phận sự của ta chẳng những lo cứu độ đời, mà còn phải lo trừng phạt những kẻ nào chận đứng con đường tiến hoá của nhân loại, nếu cần…

Những khẩu hiệu Thế thiên hành đạo, Tế thế độ nhân sở dĩ mọc lên như nấm… cũng chỉ vì cái bụng yêu đời và lo đời ấy của ta… lo cho đời đều theo về cùng một cái khuôn tư tưởng như mình.

Nhưng mà, than ôi, tâm sự của ta, nó cũng lại là tâm sự của mọi người. Rồi đây, có lẽ thiên hạ không còn ai có thể dung túng ai được nữa. Ai ai cũng tin:


Cả đời đục, một mình ta trong,
Cả đời say, một mình ta tỉnh…

Thì làm gì nhân loại tránh khỏi tao loạn lầm than, mà tự cổ chí kim, không thời nào tránh khỏi, cái bệnh ham làm thầy đời, cái bệnh thà làm đầu con gà hơn làm đít con trâu của ta, nó là cái tâm bệnh của loài người. Bởi vậy, ta mong ước, ta tin tưởng chỉ có một mình ta trong, chỉ có một mình ta tỉnh, để ta có cơ hội lên mặt thầy đời hiu hiu tự đắc.. Trí hơn người ngu, khôn hơn kẻ dại… Rủi mà ngày nào, cái bọn người ngu si mê muội kia, mà tiêu mất hết đi rồi, thì cái bọn thầy đời của chúng ta đây, dựa vào đây mà tồn tại! Thế mà chúng ta lại muốn độ cho bọn ngu mê trong thiên hạ đều phải khôn ngoan sáng suốt như ta cả, ta nào có dè ta lại làm một điều mâu thuẫn, ta đang phá hoại cái ngai vàng của ta vậy…

Cái chết của Khuất Nguyên là cái chết dĩ nhiên… cái chết tỏ sự bất lực của mình không đủ uy thế để bắt buộc kẻ khác phải nghe theo mình, vì ai ai vẫn tin như mình:


Cả đời đục, một mình ta trong,
Cả đời say, một mình ta tỉnh…

Và bởi họ có đủ quyền bắt buộc kẻ khác phải nghe theo, nên lẽ dĩ nhiên họ phải sa thải mình, nếu mình không đồng ý kiến với họ… Đó là lẽ dĩ nhiên nó phải vậy: kẻ nào mạnh, thì thắng…

Khuất Nguyên, với một tâm sự dường ấy, chỉ còn có một cách là tự sát... người ta mà không sát phạt được kẻ khác thì họ chạm đến lòng tự ái của mình… thường hay sát phạt lại chính mình mới hả dạ… Những đứa trẻ… muốn đánh cho kỳ được bạn nó khi uất ức mà bị một lẽ gì trở ngại… lòng sát phạt ấy trở lại sát phạt bản thân: nó đấm ngực nó, nó cắn tai nó… cho đến chảy máu mới vừa lòng… Khuất Nguyên với tâm trạng này, tránh sao khỏi sự hủy mình…vào bụng cá…


*******

Còn lão đánh cá?

Tâm sự lão thắc mắc không biết chừng nào… Lão là người hiểu tình đời sâu sắc lắm… Lão hiểu người như Khuất Nguyên dầu có cố tâm bàn cãi với họ cũng vô hiệu quả.

Ôi! Trách người mê, sao không biết trách mình không biết cách làm cho người ta tỉnh? Dạy người mà dạy không đặng, biết đâu chẳng phải vì ta không biết cách dạy… Cớ sao lại biết chắc là vì người ta ngu? Người trí, mỗi khi làm hỏng một điều gì, đều tìm hiểu nguyên nhân để trách mình trước nhất.

Lão sở dĩ không muốn bàn cãi với Khuất Nguyên thêm nữa nào phải lão đã đuối lý, cũng đâu phải lão là một kẻ yếu hèn, không dám đương nhiên chống đầu với dư luận, không đủ cương quyết để hô hào cổ vũ hay bắt buộc kẻ khác đồng theo… Lão sở dĩ bỏ ra đi là vì lão biết rõ [Đăng nhập để xem liên kết. ] của Khuất Nguyên bị tình dục giày vò; cái dục vọng tự tôn tự đại. Thử hỏi trong đời có cái tình dục nào nhiễu hại người một cách thống thiết bằng không; mà cũng có cái tình dục nào làm cho người mờ ám ngu muội bằng không! Khi mà người ta để cho cái tình dục ấy thống trị con tâm của mình rồi thì trong đời, không còn có một lý lẽ nào có thể đem mình trở về con đường sáng suốt điềm tĩnh được nữa. Dùng lý lẽ để nói chuyện với họ là một việc làm vô ích. Tình dục của mình nó có những lẽ phải, mà chính lẽ phải không sao hiểu nổi…

Hơn nữa, lão đã hiểu rõ cái lẽ tương quan của sự vật, nhất là cái luật bất bình đẳng tự nhiên của nhân loại, cho nên lão không tin có một ý kiến nào là tuyệt đối, nghĩa là phải, chung cho tất cả mọi người. Cái phải đối với người này chưa ắt cũng là cái phải đối với người kia; cái quấy đối với người kia, chưa ắt cũng vẫn là cái ngu quấy đối với người nọ. Cũng như, chỗ thích của kẻ ngu, người trí lấy làm bực mình, thì cái thích của người trí, kẻ ngu cũng lấy làm bực mình vậy. Trình độ, tâm tính khác nhau… thì sự ưa ghét cũng phải khác nhau.

Bởi vậy, lão không tin ở đời có ai dạy được ai. Nếu dạy được thì xưa nay, thánh nhân đã dạy được người đời rồi, cha đã dạy được con, thầy đã dạy được trò, anh đã dạy được em, chồng đã dạy được vợ… mà hiện thời nhân loại đã sống được trong cảnh thái bình và thiên đàng rồi vậy. Có dạy được chăng là những kẻ cùng đồng một tâm hồn, một chí hướng như mình, hễ đồng với ta cho ta là phải, không đồng với ta cho ta là quấy. Cái phải, quấy của người ta bất quá chỉ có bấy nhiêu thôi.

Nghĩ thế, lão không chịu cam thiệp, bắt ép người ta phải theo cùng một ý kiến với mình về điều phải lẽ quấy… Nào phải lão sợ gì thiên hạ bất bình… mà bởi lão không chịu những bậc thức giả trong đời cười lão mê muội…


*******

Trong thiên hạ ngày nay, hạng người như Khuất Nguyên lại chiếm hết chín mươi chín phần trăm nhân loại, họ tin quyết rằng:


Đời đục cả, một mình ta trong,
Đời say cả, một mình ta tỉnh…

Thế mà mình cũng vẫn bâng khuâng, tha thiết lo cho họ nhìn nhận cái mê của họ, lòng tự ái đui mù của họ có cho phép họ nhìn nhận cái mê của họ không? Không khéo, rồi mình lại còn mê hơn họ nữa mà không hay! Vậy, mình thà chịu dại còn hơn.

Biết là việc không thể làm, mà cũng cố làm cho kỳ được… người đời cho đó là hạng người đại trí; theo lão, lão cho hạng người ấy là hạng làm liều… Người trí phải chăng là kẻ biết phân biệt rạch ròi những gì có thể làm được và những gì không thể làm được. Cầu may mà được, kẻ ngu lấy làm thích, mà người trí lấy làm lo… Chứ nào phải lão là một kẻ rụt rè ích kỷ, một vật gỗ đá gì mà có thể dửng dưng với thế sự, lạnh nhạt với tình đời.

Bậc thánh nhân sao lại câu nệ mà không biết tùy thời… Nếu quả thật “đời đục cả, thì sao ta không biết quấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho mình cùng đục một thể?” Nếu quả thật “đời say cả, thì sao ta không biết ăn cả men, húp cả bã cho cùng say theo một thể?” Con cá mà muốn làm khác loài cá, bỏ nước nhảy lên bờ, thì chết; con hổ mà muốn làm khác loài hổ, bỏ núi ra đồng bằng thì chết. Người ta đều ngu cả mà mình muốn tỏ cái khôn của mình ra để khác biệt với họ, biết đâu lại không vời họa đến cho mình? Khôn mà biết làm như ngu, mới thật là khôn kín. Học được cái ngu này của lão đâu phải dễ dàng gì…


Đời đục cả, một mình ta trong,
Đời say cả, một mình ta tỉnh…

Nhất quyết không chịu đem cái thân trong sạch (!) của mình để cho vật dơ bẩn (!) dính vào mình thì bậc thức giả như lão đánh cá đây, chỉ còn có một nước là tủm tỉm cười…quay chèo bơi đi nơi khác không nói một lời… ôm theo mình một tâm sự lạnh lùng…


Sông Tương nước chảy trong veo,
Thì ta đem giặt cái lèo mũ ta;
Sông Tương nước đục chảy ra,
Thì ta leo xuống để mà rửa chân…

Người ta sẽ bảo: cử chỉ bất can thiệp của lão sẽ không lợi gì cho đời, lại còn tai hại cho đời là khác… Người ta sẽ không còn ai lo đời nữa, ai ai cũng đều bó gối ngồi không… việc thiên hạ rồi sẽ ra như thế nào?

Việc ấy làm gì có được… Làm gì có thể cấm con chó sủa, con gà gáy, cũng như làm gì cho cái hạng người như Khuất Nguyên này mà đừng can thiệp đến việc đời… Thấy được cái nhu trong cái cương, cũng như thấy được cái cương trong cái nhu… nghĩa là có nhận thức được cái mâu thuẫn ngầm chứa trong mọi sự vật trong đời, thì mới mong hiểu được nỗi lòng của hạng người như lão đánh cá này. Những đầu óc chỉ biết suy nghĩ có một chiều như Khuất Nguyên, chỉ biết tịnh là tịnh, mà động là động, chứ không thể hiểu được trong tịnh có động, trong động có tịnh… thì làm gì hiểu nổi hành động của lão đánh cá: hạng người này, họ làm, mà như không làm gì cả, họ không làm gì cả, mà không gì là không làm… Sở dĩ lão mỉm cười, bỏ ra đi, không nói một lời… lý do ta có thể hiểu được.

Nhưng nói cho cùng mà nghe, nếu việc ấy mà có được, nếu vì chủ nghĩa bất can thiệp của lão mà ai ai cũng chỉ biết lo cho nấy, và việc đời rồi sẽ không còn ai lo cho ai nữa cả… thì có lẽ sẽ là điều may mắn nhất cho nhân loại biết chừng nào! Nếu mỗi người mà được như lão, ai ai cũng biết lo cho mình, lo cho mình một cách sáng suốt, lo cho mình tới chỗ thật biết thật hiểu, cho một thân thể không đau, một tinh thần không loạn… thì có cần gì ai phải can thiệp đến việc ai, mà người người đều hạnh phúc cả. Đời mình mà còn phải có người lo, đâu phải là một cái đời tự do và hạnh phúc. Và, bởi ai ai cũng chỉ biết lo cho đời, hăng hái chỉ có một việc lo cho đời mà chẳng biết lo cho mình trước, ai ai cũng tin:

Đời đục cả, một mình ta trong,
Đời say cả, một mình ta tỉnh…

Mới có cảnh hỗn độn lầm than ngày nay vậy.


*******

Có tự giác mới giác tha, có cứu được mình mới cứu được người. Mình mà còn tham lam thâu trữ nô lệ dục vọng mình, nô lệ thành kiến mình, nô lệ tín ngưỡng mình, còn chết trong một lẽ phải nào… thì tốt hơn đừng bận đến việc đời làm chi, để đỡ cho đời một cái nạn.


*******

Rồi giữa trời nước bao la… nghĩ đến cái kiếp nhỏ nhen hữu hạn của con người trước cái khoảng mênh mông vô tận của vũ trụ… lòng lão không thể không thắc mắc…

Ừ, cuộc đời rồi cũng… chẳng qua là một giấc mộng.. Những cuộc doanh hư tiêu trưởng, thành bại, đắc thất ở đời nào đâu phải chỗ sở cầu của con người mà được… Đó chẳng qua là cái luật thăng trầm, như ngày đêm tiếp tục mãi mà không thôi vậy. Hễ, “vật cực tắc phản, vật cùng tắc biến”, đấy là một cái luật lạnh lùng của tạo hóa, không ai có thể cưỡng cầu. Lấy sức người mà thay vào cái guồng máy to tát của vũ trụ, liệu có nên trò trống gì không? Hay chỉ rồi:


Quyền họa phúc trời tranh tất cả,
Chút tiện nghi chẳng trả phần ai;
Cái quay búng sẵn trên trời,
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm…

Vậy chứ những lâu đài rực rỡ của những văn minh tự ngàn xưa để lại trên quả địa cầu này… đã không chôn vùi lặng lẽ dưới đống tro tàn…

Hai lối nhân sinh, hai đường xử thế… mà cũng là hai bầu tâm sự, hai khối tâm hồn… không thể sống chung nhau mà vẫn cùng thời gian bất tuyệt phải sống mãi bên cạnh nhau, phải chăng cũng là một nỗi khổ tâm cho cả hai đàng vậy?


Thu Giang Nguyễn Duy Cần
__________________
Đạo đức không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố.
HuongViet is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Old 15-11-2010, 05:42 PM   #9
Hồ sơ
phanphuong
Super Moderator
 
phanphuong's Avatar
 
Tham gia ngày: Oct 2006
Số bài viết: 8,221
Tiền: 371
Thanks: 1,950
Thanked 7,367 Times in 2,060 Posts
phanphuong is on a distinguished road
Default Re: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Trích:
Tóm lại, tất cả mật pháp của thuật xử thế có thể gồm trong hai nguyên tắc quan trọng:
Chớ chạm vào lòng tự ái của ai cả.
Ẩn ác dưỡng thiện.
Nguyên tắc thứ nhất thuộc về tiêu cực; còn nguyên tắc thứ nhì thuộc về tích cực. Cả hai không phải là những câu châm ngôn chỉ sự khôn dại cho người đời mà thôi, mà thật ra nó là câu nói của lòng Nhân, hay ít ra, của lòng yêu chuộng Công Bình.
Ngẫm chuyện xưa mà buồn chuyện nay, hông lẽ mình già dữ vậy sao trời. Ngày nay người ta không chỉ "chạm" vào lòng tự ái, mà còn dùng những lời lẽ nặng nề, hướng thẳng thừng đến khiếm khuyết cá nhân lẫn định kiến khinh bỉ của xã hội.
__________________
phanphuong
phanphuong is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Đã có 3 thành viên gửi lời cám ơn đến phanphuong vì bạn đã đăng bài:
JosephDora (26-11-2014), Stephensa (15-01-2015), Stevvinhith (13-04-2016)
Old 15-11-2010, 06:12 PM   #10
Hồ sơ
lim
Senior Member
 
lim's Avatar
 
Tham gia ngày: Dec 2004
Số bài viết: 548
Tiền: 25
Thanks: 505
Thanked 741 Times in 212 Posts
lim is an unknown quantity at this point
Default Ðề: Re: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Trích:
Nguyên văn bởi phanphuong View Post
Ngày nay người ta không chỉ "chạm" vào lòng tự ái, mà còn dùng những lời lẽ nặng nề, hướng thẳng thừng đến khiếm khuyết cá nhân lẫn định kiến khinh bỉ của xã hội.
Vậy còn những người không biết tự ái, tự trọng thì mình phải xử thế sao cho phải đạo? Còn những người "quá tự ái" và lại hay chạm vào tự ái người khác thì mình phải làm sao?

Ai có những câu chuyện cổ của người xưa post lên cho mình học với! đa tạ, đa tạ...
__________________
10A94 (Liêm Bùi) thanhliem_nt@yahoo.com

thay đổi nội dung bởi: lim, 15-11-2010 lúc 06:15 PM.
lim is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Đã có thành viên gửi lời cám ơn đến lim vì bạn đã đăng bài:
Stephensa (15-01-2015)
Trả lời



Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến

Chủ đề tương tự
Ðề tài Người Gởi Chuyên mục Trả lời Bài mới gởi
Đạo đức làm người HuongViet CLB Tâm linh 1 21-08-2010 10:54 AM
The Godfather - Bố Già cobemongmo ..:: CLB Văn Thơ ::.. 32 01-09-2006 04:38 PM
Nếu còn có ngày mai - Sidney Sheldon cobemongmo ..:: CLB Văn Thơ ::.. 27 29-08-2006 01:59 PM
Lễ Hội Việt Nam, Sưu tầm từ nhiều nguồn dark ..:: Điểm tin ::.. 20 01-01-1970 07:00 AM
..::Cánh đồng Bất Tận::.. nobipotter ..:: CLB Văn Thơ ::.. 8 01-01-1970 07:00 AM


Website sử dụng phần mềm vBulletin phiên bản 3.6.8
do Công ty TNHH Jelsoft giữ bản quyền từ 2000 - 2024.
Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 09:28 AM.

Hội CHS Lê Quý Đôn-Long An giữ bản quyền nội dung của website này

Tự động[F9]TELEX VNI VIQR VIQR* TắtKiểm chính tảDấu cũ
phan mem quan ly ban hang | thuê vps