Bác sĩ Woo khám bệnh cho cháu Nguyễn Ngọc Yến Nhi sáng 6-1
TTCT - Trong hơn một tháng tôi lặn lội đến phòng khám của ông ba lần nhưng mỗi lần chỉ gặp ông được chừng... hai phút. Sau vài câu chào xã giao, ông liền tìm cách né tránh với lý do hết sức chính đáng: người dân đang chờ ông khám bệnh.
Biết tôi nhiều lần vượt cả trăm cây số đến đây chỉ để tìm hiểu viết bài về bác sĩ Woo Seok Jeoung nhưng đều bị từ chối, chị Lee - vợ bác sĩ Woo - cảm thấy ái ngại nên đồng ý tiếp tôi trong 20 phút với điều kiện: “Kể cho anh nghe nhưng viết ít thôi nhé, bác sĩ Woo biết tôi nói nhiều sẽ không hài lòng đâu đấy”. Những mẩu chuyện không đầu không đuôi về bác sĩ Woo trong bài này phần lớn tôi trực tiếp chứng kiến trong những lần đến đây và qua lời kể của những người đã từng tiếp xúc, làm việc với ông.
Cùng nhịp đập
Phòng khám đa khoa Long An Segaero - nơi khám chữa bệnh cho người nghèo
9 giờ sáng 6-1 tôi “đột nhập” Phòng khám đa khoa Long An Segaero ở ấp Mới Một, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa (Long An) mà không thông báo trước. Cùng lúc đó ở ngoài cổng có một bà mẹ trẻ dắt đứa con gái 6 tuổi tần ngần không dám vô cổng. Đôi mắt cháu bé bầm tím, gương mặt tái xanh trông yếu lắm.
Bà mẹ lục lọi trong túi xách lấy ra tờ báo Tuổi Trẻ ngày 25-12-2006 xem lại bản tin “Đưa 17 trẻ sang Hàn Quốc mổ tim”, rồi lí nhí hỏi anh bảo vệ: “Có phải đây là bệnh viện của bác sĩ Woo?”. Sau cái gật đầu của anh bảo vệ, chị Phan Thị Kim Xuyến (tên bà mẹ) quay sang bế con đi như chạy vào khu tiếp đón bệnh nhân. Một phút sau bác sĩ Woo xuất hiện thăm hỏi rồi đưa bé gái vào phòng siêu âm. 10 phút, 20 phút dài dằng dặc trôi qua. Cả phòng khám đột nhiên lặng xuống. Sự căng thẳng hiện rõ trên gương mặt của mọi người. Một chị điều dưỡng đứng bên ngoài cũng tỏ vẻ sốt ruột: “Chưa bao giờ thấy bác sĩ Woo khám lâu như vậy!”.
Chị Xuyến bảo rằng 4 giờ sáng hai mẹ con nhờ người anh chở bằng xe máy từ quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ lên đây tìm bác sĩ Woo. Con chị - bé Nguyễn Ngọc Yến Nhi - bị bệnh tim bẩm sinh. Năm nay Yến Nhi 6 tuổi rồi nhưng chưa một lần đến trường vì sức khỏe rất kém. Vợ chồng chị đã nhiều lần đưa con tới Viện Tim, Bệnh viện Tâm Đức nhưng đều bị từ chối vì bệnh của bé quá nặng không mổ được.
Chị Xuyến ở nhà may vá kiếm sống và chăm sóc bé Yến Nhi. Chồng chị làm nghề lái xe thuê. Một tháng có ít nhất một tuần bé Yến Nhi nằm bệnh viện, nên thu nhập ít ỏi của hai vợ chồng đều “chuyển khoản” hết cho các bệnh viện. Tình cờ đọc được tin trên báo Tuổi Trẻ cho biết bác sĩ Woo chuẩn bị đưa trẻ bệnh tim sang Hàn Quốc chữa trị miễn phí vào giữa tháng
1-2007, chị hỏi thăm đường rồi lần mò tìm tới. “Mấy năm nay hễ nghe nói ở đâu có tổ chức từ thiện giúp trẻ em là tôi viết thư, gửi hồ sơ bệnh tim của bé với một ít hi vọng, nhưng chưa có nơi nào hồi âm cả. Cuộc sống của bé chỉ tính từng ngày...” - chị Kim Xuyến thút thít tâm sự.
Vừa bước ra khỏi phòng siêu âm, bác sĩ Woo liền mời hai mẹ con chị Kim Xuyến vào phòng giám đốc rồi từ tốn giải thích bằng tiếng Việt: “Bệnh của cháu Yến Nhi (kết quả chẩn đoán của Bệnh viện Tâm Đức: hoàn vị đại động mạch, thông liên thất, tồn tại ống động mạch, tăng áp phổi) chống chỉ định mổ nên các bệnh viện ở VN từ chối là đúng. Đây là bệnh phức tạp nhất, nghiêm trọng nhất trong chuyên khoa tim. Chúng tôi sẽ liên hệ và chuyển hồ sơ của cháu sang Hàn Quốc ngay bây giờ và sẽ thông báo cho chị biết kết quả trong thời gian sớm nhất.
Nếu các bác sĩ bên đó bảo mổ được thì chúng tôi sẽ đưa cháu sang Hàn Quốc liền, nhưng cũng xin nói thật với chị là hi vọng không nhiều lắm”. Nghe tới đây cả hai mẹ con chị khóc ròng. Đôi mắt của bác sĩ Woo chợt đỏ hoe. Ông cúi xuống xem hồ sơ nhưng cốt là để che giấu sự xúc động. Chia tay mẹ con chị Kim Xuyến, bác sĩ Woo trở lại phòng siêu âm với xấp hồ sơ bệnh án của bé Yến Nhi. Ông ngồi một mình bên máy siêu âm cả giờ đồng hồ, trầm tư, căng thẳng...
Gần đến giờ nghỉ trưa bác sĩ Woo hỏi trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Lê Văn Phát về tiến độ làm thủ tục cho 17 trẻ ở các tỉnh, thành chuẩn bị sang Hàn Quốc mổ tim đợt 2 giữa tháng 1-2007 sắp tới. Ông tỏ ra lo lắng khi biết vẫn còn một số trẻ chưa làm hộ chiếu xong. “Liệu có cứu được bé Yến Nhi không, thưa bác sĩ?” - tôi hỏi.
Bác sĩ Woo im lặng một hồi rồi nói: “Khó nói lắm. Chưa chắc Viện Tim quốc gia Hàn Quốc nhận mổ. Nếu mổ được thì ít nhất cũng phải trải qua hai lần mổ mới xong. Còn nếu họ từ chối thì chỉ còn cách uống thuốc cầm cự mà thôi”. Khi xuống nhà ăn tập thể, ông tự lấy thức ăn rồi tìm chỗ trống ngồi một mình chứ không ngồi chung với nhân viên như mọi ngày. Thỉnh thoảng ông buông đũa nhìn xa xăm...
Cuối tháng 11-2006, trong lúc uống trà tôi có kể cho ông Phát nghe chuyện ba đứa trẻ ở Tiền Giang bị bệnh tim chết trong thời gian chờ các mạnh thường quân giúp đỡ. Vậy mà câu chuyện bâng quơ hôm ấy đến tai bác sĩ Woo. “Anh Woo nghe xong liền bảo tôi bằng mọi giá phải liên hệ giúp những trẻ ở Tiền Giang bị bệnh nặng cần mổ gấp. Anh ấy nói rằng không biết thì thôi, chứ biết có trẻ bệnh tim nặng mà không tìm cách giúp thì vô nhân đạo lắm”.
Từ hôm ấy tôi trở thành “trung gian” tìm kiếm, giới thiệu cho bác sĩ Woo trẻ bị bệnh tim ở tỉnh này. Một bản danh sách hơn 20 trẻ bệnh tim đã được chuyển đến tay ông. Hơn một tuần sau cháu Giàu đã được mổ tim ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Hiện sức khỏe của cháu hồi phục rất tốt. Giữa tháng 12-2006, bác sĩ Woo cho biết có kế hoạch đưa 17 trẻ bệnh tim nặng sang Hàn Quốc phẫu thuật trước tết.
Ông nhờ tôi liên hệ với Quĩ Bảo trợ trẻ em Tiền Giang chọn năm trẻ đưa đi đợt này. Tiếc rằng do trục trặc thủ tục, nên chỉ có hai em Hồ Kim Phát và Võ Văn Tài của tỉnh này đi trước. Số còn lại sẽ đi đợt sau. Ông Phát cho biết hai năm nay, thông qua bác sĩ Woo, đã có 33 trẻ sang Hàn Quốc mổ tim và hỗ trợ kinh phí cho 20 trẻ mổ tại VN.
Trên chuyến xe chuyền từ Đức Hòa ra Bến Lức để đón xe về Mỹ Tho chiều 6-1 tình cờ tôi gặp em Nguyễn Thị Mai, 17 tuổi, ở huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ vừa đến gặp bác sĩ Woo để tái khám lần hai. Mai bị bệnh tim bẩm sinh, sức khỏe rất kém. Đi khám ở TP.HCM, bác sĩ bảo bị hở van tim và tim thòng, cần 45 triệu đồng để mổ. Gia đình nghèo không có tiền đành trở về quê... cầm cự tới đâu hay tới đó.
“Hồi tháng 4-2006 cha mẹ em nghe tin bác sĩ Woo ở Long An giúp trẻ bệnh tim nên đến đây đăng ký. Nào ngờ ngày 4-5 em được sang Hàn Quốc mổ. Đúng một tháng sau thì về. Bây giờ em tự đi từ Cần Thơ lên đây tái khám một mình được rồi mà không cần uống thuốc nữa!” - Mai hớn hở.
“Từ 40 tuổi phải biết sống vì người khác!”
Bác sĩ Woo (phải) cùng đồng nghiệp Hàn Quốc khám bệnh miễn phí cho người nghèo xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa
Phòng khám đa khoa Long An Segaero của tiến sĩ - bác sĩ Woo nằm lọt thỏm trong một ngôi làng nghèo ở ấp Mới Một, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa. Có một điều rất lạ là phòng khám không ở ven đường, càng không gần khu dân cư đông đúc mà chơi vơi giữa đồng ruộng khô cằn chỉ trồng toàn... cây đậu phộng và nuôi bò. Nếu không phải là dân địa phương thì phải hỏi đường ít nhất vài ba lần mới tới được.
Ngay cả các quan chức Bộ Y tế, Sở Y tế Long An và bệnh nhân khi đến đây đều thắc mắc: “Có nhiều nơi tốt hơn nhiều, tại sao bác sĩ Woo không chọn mà... Ngay cả trạm y tế xã cũng không nằm ở nơi hẻo lánh như thế này”. Chị Lee giải thích: “Chúng tôi không có nhiều tiền mua đất ở nơi khác. Mục đích lớn nhất của chúng tôi và những người bạn Hàn Quốc mở bệnh viện này là để giúp người nghèo. Kinh doanh cũng là mục đích nhưng chỉ mong đủ để trả lương nhân viên và có tiền làm từ thiện mà thôi”.
Tôi thật bất ngờ khi nghe chị Lee nói rằng hầu hết các bác sĩ Hàn Quốc đều muốn được tham gia công tác xã hội ở trong và ngoài nước, không phải chỉ có bác sĩ Woo. Có lẽ đây cũng là một trong những lý do bác sĩ Woo từ chối nói về mình cũng nên (?).
Tuy nhiên suy nghĩ và con đường mà vợ chồng bác sĩ Woo lựa chọn lại không giống những bác sĩ Hàn khác. Học xong đại học y chuyên khoa tim - lồng ngực, ông phục vụ ba năm trong quân đội rồi về công tác ở Bệnh viện Đại học Y Đông A (Busan). Năm 35 tuổi (1996) ông thông báo cho vợ và hai con biết ý nguyện của mình: “Năm năm nữa cả gia đình sẽ đến sinh sống ở một nước khác. Bốn mươi năm sống cho mình là quá đủ rồi. Từ tuổi 40 trở đi phải sống vì người khác”.
Chị Lee học ngành kinh tế nên không hiểu lắm về quan điểm sống của người trong ngành y. “Tôi không nghĩ về tương lai của mình tới bốn năm năm như vậy, nên chỉ ậm ừ cho chồng vui thôi chứ không ngờ anh ấy vẫn giữ nguyên ý định” - chị Lee nói. Trước khi sang VN, bác sĩ Woo và những người bạn của mình đã đi khám chữa bệnh miễn phí nhiều nơi ở Lào và Campuchia. Chuyến đi Lào đầu năm 2001 nhân lúc Hàn Quốc đang nghỉ đông, bác sĩ Woo cho con trai đầu lòng Yeon Duk (lúc đó đang học lớp 6) cùng đi với mục đích giúp con hiểu vì sao ông quyết định đưa cả gia đình “di cư” sang một nước khác.
Tại một vùng sâu rất nghèo ở Lào, Yeon Duk đã tận mắt chứng kiến cha mình và những bác sĩ khác đã cứu sống hai đứa trẻ bệnh nặng, còn một trẻ khác đã chết vì không chịu đựng nổi quãng đường cuốc bộ gần 100km trong lúc đang bệnh. Trở về Hàn Quốc, Yeon Duk kể lại câu chuyện này với mẹ và nhận định: “Bác sĩ phải đến nơi người bệnh, chứ nếu để người bệnh tìm đến bác sĩ như vậy thì nhiều người sẽ chết vì đường đi quá xa”. Câu nói của cậu con trai 12 tuổi đã làm thay đổi suy nghĩ của chị Lee. Vài tháng sau vợ chồng bác sĩ Woo dắt hai con nhỏ sang VN “định cư” và tiếp tục thực hiện công tác xã hội của mình thông qua Viện Nghiên cứu hỗ trợ phát triển nông thôn (thuộc Hội Khoa học Đông Nam Á VN).
Ngoài những chuyến đi đến vùng sâu vùng xa ở VN khám chữa bệnh, tặng quà cho người nghèo, bác sĩ Woo và những người bạn của mình quyết định mở một bệnh viện ở vùng sâu để có điều kiện giúp họ nhiều hơn. Qua rất nhiều thủ tục pháp lý và vô số “lệ làng”, cuối cùng thì Phòng khám Đa khoa Long An Segaero tại xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa cũng được Bộ Y tế cấp phép hoạt động cuối năm 2006.
Hơn 40 y - bác sĩ VN và Hàn Quốc tự nguyện xin về chung tay góp sức cùng bác sĩ Woo giúp người nghèo. “44 y - bác sĩ VN vừa ký hợp đồng hợp tác với chúng tôi. Dù anh chị em đi lại mỗi ngày rất xa nhưng không một ai xin chấm dứt hợp đồng hết. Chúng tôi vui lắm!” - chị Lee tâm sự. Bác sĩ Nguyễn Văn Hội từng làm việc ở nhiều bệnh viện tại Đà Nẵng, Huế, TP.HCM, dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn tìm đến Đức Hòa tình nguyện góp chút sức khỏe còn lại của mình cùng với bác sĩ Woo.
Ông tâm sự: “Tôi đến đây hơn hai tháng và thấy rằng ở đây có những cái vô hình buộc tôi ở lại, không có ý định bỏ đi. Tiền đối với tôi không quan trọng. Cái chính là tình người. Ở đây bác sĩ đối với bệnh nhân không phải vì tiền. Người bệnh đến đây nếu không có tiền vẫn được chữa trị đàng hoàng, khi có tiền thì mang đến trả, còn không thì cũng chẳng sao. Ở đây từ giám đốc Woo đến nhân viên đều cộng đồng trách nhiệm cứu chữa bệnh nhân, không có chuyện “thành tích là của chung, còn trách nhiệm là của anh”. Sức khỏe của người bệnh đặt lên hàng đầu”.
Có một điều khiến vợ chồng bác sĩ Woo rất vui trong những ngày giáp tết này là Bộ Y tế thường xuyên điện thoại hỏi thăm và hứa sẽ tạo điều kiện tối đa để nâng cấp phòng khám thành bệnh viện. Hiện bác sĩ Woo đang xây dựng thêm nhiều phòng chức năng và đầu tư trang thiết bị y tế để làm thủ tục lên bệnh viện sau Tết Đinh Hợi.
“Chức năng của phòng khám có giới hạn nên khi gặp nhiều bệnh nhân nặng, chúng tôi buộc phải chuyển lên tuyến trên dù biết rằng bệnh nhân có thể gặp nguy hiểm trong quá trình chuyển viện. Những lần như vậy bác sĩ Woo tâm sự với anh em là ông rất buồn, vì nếu để bệnh nhân điều trị tại đây sẽ tốt hơn nhiều. Những trường hợp này ông bảo không được thu tiền xe, tiền thuốc sơ cấp cứu bệnh nhân” - ông Phát kể.
Trong lúc trò chuyện vui vẻ, chị Lee phác thảo kế hoạch sắp tới của hai vợ chồng: “Vài ba năm nữa, khi phòng khám này thu đủ chi thì chúng tôi sẽ ra miền Trung mở thêm bệnh viện giống như ở đây. Ngoài ấy còn nghèo lắm. Tất nhiên vẫn sẽ ưu tiên giúp trẻ bệnh tim được phẫu thuật. Những người Hàn sinh sống tại VN luôn sẵn sàng đóng góp kinh phí và các bệnh viện ở Hàn Quốc cũng luôn mở rộng vòng tay đón các em”.
VÂN TRƯỜNG
Copyright (C) 2006 Tuoi Tre Online [Đăng nhập để xem liên kết. ]
__________________ Necessity is the mother of in(ter)vention.
Speak softly & carry a big stick. My Technical Blog
Đọc bài này mới thấy bác sĩ Hàn Quốc đúng như câu lương y như từ mẫu. Ở Việt Nam bây giờ có nhưng không nhiều nếu không nói là ít bác sĩ có suy nghĩ và việc làm như vậy.
__________________
...Từ độ mang gươm đi mở cõi.
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long...
Nhìn người mà nghĩ đến ta. Đi đâu cũng phải có thủ tục đầu tiên. Thử vào bất cứ bệnh viện mà không "xì" ra 50-100 ngàn thì coi có ai dòm ngó, săn sóc tận tình không? Những người đó đi học ngành y làm gì nhỉ?
Một người quen tôi có con cũng bị bệnh tim bẩm sinh. Không biết có thể gõ cửa bênh viện nàyđược không nhỉ?
Đâu có đâu anh Lộc, em nằm bệnh viện An Sinh nè. Không cần xì gì cả mà cô y tá rất dễ thương chăm sóc nè. Cô y tá rất tận tình, có cái bà nằm cạnh giường em mổ bị đau bà ấy gọi cô ý tá suốt đêm, miệng thì chửi bới không ngớt vậy mà cô y tá vẫn tươi cười chăm sóc cho bà đó. Gặp em chắc em bỏ mất người gì mà khó khăn.
Tuỳ theo người, theo nơi thôi có tốt có xấu hết à.
__________________ Necessity is the mother of in(ter)vention.
Speak softly & carry a big stick. My Technical Blog