Khủng hoảng tài chính khiến các tập đoàn kinh tế "chaebol" lớn nhất Hàn Quốc phải hoạch định lại tư duy quản trị, trong đó phải nhìn nhận nhãn hiệu như một chiến lược trọng yếu. Ba kinh nghiệm sau đã được đúc kết trong thành công của các nhãn hiệu lớn nhất Hàn Quốc hiện nay
Thiết kế mũi nhọn
Ngọn cờ đầu trong chiến lược nhãn hiệu của Samsung là tập trung vào công nghệ điện thoại di động, cố gắng tìm ra các khác biệt trong thị trường đầy tính cạnh tranh bằng sự đầu tư lớn cho các trung tâm thiết kế và nghiên cứu và phát triển (R&D). Đội ngũ thiết kế của hãng được tăng lên từ 100 - 450 trong năm ngoái và những trung tâm thiết kế hàng đầu thế giới như Palo Alto cũng được thuê về để tạo nền tảng kiến thức cho các nhân viên. Để nắm bắt được những xu hướng tương lai, Samsung còn thiết lập một trung tâm CNB (tạo ra lĩnh vực kinh doanh mới) với 30 chuyên gia, thực hiện các nghiên cứu về xu hướng xã hội và công nghệ để đưa ra các ý tưởng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tương lai. “Thời trang và công nghệ tinh xảo” đã đưa cái tên Samsung từ một nhà sản xuất chất lượng thấp lên ngang hàng với các tên tuổi lớn như Nokia và Motorola.
Hãng điện tử LG đi sau cũng có chiến lược tương tự khi tập trung vào nhãn hiệu và thiết kế. Chỉ trong năm 2004, hãng đã tăng đội ngũ thiết kế lên 50% với một trung tâm thiết kế khổng lồ được xây dựng tại Kangnam. LG cũng đặt trọng tâm cho việc liên tục đưa ra những cải tiến về điện thoại với niềm tin rằng: Khi người tiêu dùng có trong tay một điện thoại LG hoàn hảo, họ sẽ quan tâm tới những sản phẩm điện tử khác của LG như TV hay video.
Lan rộng toàn cầu
Chính thành công của các nhãn hiệu như Samsung hay LG đã nâng cao vị thế và khả năng được nhận biết của các nhãn hiệu Hàn Quốc trên thị trường quốc tế. Và thương hiệu chung này lại trở thành động lực mới cho các nhà sản xuất nước này. Sau khi đã có nhãn hiệu trong nước, Samsung, LG cho đến hãng xe Hyundai đều nỗ lực đưa hàng hóa của mình vào thị trường thế giới, với mục đích tạo ra những nhãn hiệu toàn cầu. Sự phát triển của Trung Quốc và Ấn Độ tạo ra cơ hội cho các nhà sản xuất Hàn Quốc mở rộng thị trường quốc tế. Hyundai đã tăng doanh số tại thị trường các nước phát triển cao hơn như thị trường Mỹ. Thậm chí hãng xe này còn sắp vươn tới vị trí nhãn hiệu xe hàng đầu tại Trung Quốc với 9,8% thị phần, vượt qua tên tuổi lớn khác như Volkswagen, Ford, GM và Toyota. Tại thị trường Mỹ, Hyundai đã bán hơn 419.000 xe trong năm 2004, chiếm khoảng 2,5% thị phần. Để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, Hyundai từng giới thiệu chương trình bảo hành 10 năm cách đây 6 năm. Thị trường xe hơi hàng đầu thế giới như Mỹ trở thành kênh quảng bá tích cực nhất cho tên tuổi Hyundai. Chỉ trong 24 tháng, Hyundai đã giới thiệu tới người dân Mỹ các kiểu xe mới mang tên riêng là Tucson, Sonata, Accent, Azera, Santa Fe và Elantra.
Cả thế giới, cả LG, Samsung hay Hyundai đều không bỏ lỡ những sự kiện thể thao quốc tế như World Cup và giải ngoại hạng Anh, giải cricket Nam Á, hay “LG Cup”...
Ý chí và văn hóa vững bền
Chính những người lãnh đạo Samsung, LG và Hyundai là những người quản lý doanh nghiệp mình theo một nền văn hóa công nghiệp mới, dám loại bỏ tất cả những yếu tố lạc hậu. Bởi vậy, không thể không nhắc đến yếu tố văn hóa công ty.
Kim Ssang Su lên nhậm chức giám đốc điều hành LG tháng 10-2003, ông đã ngay lập tức tạo dấu ấn của mình tại hãng bằng cách đặt ra hàng loạt mục tiêu cao và gieo vào lòng nhân viên lòng tự tôn và niềm tin cao độ với công ty. Không cuộc họp nào ông Kim lại không nhắc tới mục tiêu lọt vào danh sách 3 nhà sản xuất điện tử lớn nhất thế giới,
Còn tại Samsung, người ta vẫn nhắc đến việc cựu chủ tịch Lee Kun Hee đã cho công nhân phá hủy một nhà máy trị giá 50 triệu USD vì quá thất vọng với chất lượng của sản phẩm. Trước mặt những công nhân của mình, ông Lee chỉ nói một câu sau này trở thành khẩu hiệu của hãng: “Chất lượng là niềm tự hào của tôi”. Ngày nay, tinh thần liên tục phá bỏ những cũ kỹ, lạc hậu tiếp tục trở thành tôn chỉ hoạt động của Samsung.
Một tư duy quản trị mới đã định hình trong các công ty Hàn Quốc với nhiều tham vọng nhưng chỉ có một niềm tin: Những chiến lược tầm cỡ, tham vọng và ý chí cùng nền văn hóa công ty đặc thù sẽ giúp họ đứng tại thị trường trong nước trước khi vươn ra phạm vi toàn cầu.
(Theo DNSG)
|