Thấy mọi người luận truyện Kim Dung hay quá, tình cờ lang thang trên mạng đọc được bài này hay quá nên chép lại. Không dám bàn gì thêm chỉ biết rằng đời nay vẫn còn kẻ NGỤY QUÂN TỬ.
[Đăng nhập để xem liên kết. ]
Trích:
Xét cho cùng, trên cõi đời này chưa mấy ai làm được như Chí Phèo: chửi hết trời, chửi hết đời, đến chửi cả cái làng Vũ Đại mà chẳng có ai lên tiếng, thì hắn tức lộn ruột lên chửi đích thị cái đứa sinh thành ra Chí Phèo. Thiết tưởng phải là tay chửi siêu hạng, vô tiền khoáng hậu của nhân loại vậy.
Văng tục chửi thề chưa hả dạ, hắn bèn hung hãn bước đến cổng nhà Bá Kiến - một nhà quyền thế và giàu sang nhất làng với bốn đời làm Lý Tổng - gọi tận tên tục, đào mồ mả tổ tiên nhà Bá Kiến lên mà gào rống chửi.
Chưa hết, hắn còn lồng lộn vào tận nhà bù lu bù loa, rạch mặt ăn vạ nhà Bá Kiến, rồi tuyên bố một câu xanh rờn:
- Tao chỉ liều chết với bố con nhà mày đấy thôi.
Thế là bố con nhà Bá Kiến xanh mặt, hết năn nỉ đến giết gà đãi rượu. Ra về còn đãi một đồng bạc thuốc thang chứ có phải đùa đâu.
Ôi ngẫm thay sự đời lắm chuyện trớ trêu: “Cá ăn kiến, rồi kiến lại ăn cá”. Từ một thằng tứ cố vô thân - khố rách áo ôm - bị đẩy vào đường cùng dưới đáy xã hội, Chí Phèo làm một cú lội ngược dòng ngoạn mục: khủng bố cha con nhà Bá Kiến đến phải khuất phục.
Cho hay sự đời: đến cái tận cùng thì tất biến. Chí Phèo bị đẩy vào cái thế quá đỗi cùng cực, bỗng biến lên làm anh hùng vậy. Cái liều thuốc “lưu manh hoá” quả là hiệu nghiệm để trừ khử những tên ác ôn như Bá Kiến, mà đương thời các sĩ phu, nhân sĩ cũng đành xuôi tay bất lực trước thời thế: trên đe dưới búa - Pháp và Quan lại.
Bỗng chốc, Chí phèo lên ngôi “Anh hùng thời thế” với cách thế “lưu manh hoá” biện chứng của phép “dĩ độc trị độc”.
Ngẫm sự đời, đôi lúc thấy hoang mang như bước vào “mê hồn trận”, không biết đâu mà lần. Cứ hư hư thực thực, không biết đâu là chân, đâu là giả. Thoáng thấy đang là chính nhân quân tử thì, thoắt một cái bỗng biến dạng ra Tiểu nhân, ra Nguỵ quân tử (NQT)hồi nào không hay.
Căn tôi bình sinh chẳng học được mấy chữ, đọc chẳng mấy sách, nay lại mạo muội để mạn phép luận bàn về các anh hùng hảo hán kim cổ thì quả là lộng ngôn - cóc ngồi đáy giếng mà mơ mộng chuyện văn chương kim cổ. Nhưng lỡ đọc, lỡ biết đôi chút mà không nói ra thì ấm ức, mà nói ra thì sợ cóc cười.
Thôi thì, một liều ba bảy cũng liều, lộng bút khua môi múa mỏ một phen cho thoả chí ngông nghênh.
Cảo thơm lần giở trước đèn Căn tôi mạn phép luận bàn cổ kim
Vậy chúng ta thử luận bàn về các anh hùng hảo hán thiên hạ kim cổ để xem thực chất họ là ai?
Quân tử kiếm Hàn Tín, thủa hàn vi luồn trôn Đỗ Trung, tên đồ tể. Đói khát xin cơm Phiếu Mẫu - người dệt vải, cam chịu nhục nhã để tôi luyện chí khí. Đến khi chí đã lớn - làm Tể tướng nhà Hán Lưu Bang, thì sinh lòng phản tặc, mưu đồ bá vương để đánh mất thanh danh quân tử kiếm mà trở nên một nguỵ tặc
Đến như Khổng Minh - một đại quân sư - tài ba lỗi lạc cũng không tránh khỏi : tiểu tâm và man trá . Không tiểu tâm sao lại xúi Lưu Bị tiếm chiếm Bạch Đế thành của Lưu Chương là anh em hoàng tộc thúc bá. Chẳng man trá, sao lại dối trá: khất lần, khất lừa để hẹn trả Kinh châu cho Đông Ngô, đến Chu Công Cẩn không nén nổi tức giận, đã đem quân lén đánh Kinh Châu, rồi bị mắc mưu Khổng Minh, đến phải thân bại danh liệt, tức hộc máu mà chết.
Lại khá khen Khổng Minh, trâng tráo với trò giả nhân nghĩa, khóc nỉ nước nỉ non cho cái chết của Chu Du, mà chính Khổng Minh là thủ phạm gây ra cái chết của Chu Du chứ còn ai vào đấy nữa.
Nhiều người cho rằng: Khổng Minh nhân nghĩa, khi để Quan Vân Trường đóng quân nơi tử lộ Huê Dung, là để cho Vân Trường trả ơn cho Tào Tháo ngày trước. Nhưng kỳ thực, để Tào Tháo sống, chính là Tào Tháo cứu Khổng Minh khỏi bị Tôn Ngô bách hại; Bởi Tôn Ngô còn phải đối đầu với Tào Tháo mà chưa thể rảnh tay để trừ khử quân Lưu Huyền Đức.
Còn Chu Du, tức hộc máu mà chết, thì cũng đáng đời cho một danh tướng lẫy lừng mà bụng dạ tiểu nhân hẹp hòi ích kỷ đến phải than thở: “Trời sinh Du, sao còn sinh Lượng”.
Mà phải trách chi Chu Du, đến như Lưu Huyền Đức - một Chúa công - được mệnh danh là Đấng quân vương hiền đức, vì nước vì dân mà cũng vụng về trong cái màn kịch nhân nghĩa: “giận cá chém thớt” để lấy lòng Triệu Tử Vân đã cứu A Đẩu – xông tên đụt pháo - mà đang tâm ném A Đẫu xuống đất là cốt nhục của chính mình. Thêm một lỗi lầm, không thể tha thứ được: coi thù riêng - việc trả thù cho Quan Vân Trường và Trương Phi bị giết - hơn việc nước nhà, để làm hỏng việc quân cơ, đến bị Lục Tốn thiêu cháy quân binh tan tác nơi dòng suối lau lách.
Dò sông sâu biển rộng còn có thể, chứ như lòmg người thì không biết đâu mà lường.
Ngay đến Tống Giang - anh hùng áo vải nông dân, cùng đồng đảng Lương Sơn Bạc nổi lên chống các quan lại Đại Tống tham nhũng, hà hiếp dân đen. Chính nghĩa là thế mà cũng không tránh khỏi tham vọng mưu đồ gian hùng để tiếm ngôi chủ soái. Chính Kim Thánh Thán đã vạch trần bộ mặt thật nguỵ tử của Tống Giang trong Thuỷ Hử, khi khéo léo dấu kín cái tà tâm Nguỵ quân tử, mà đến Kim Thánh Thán cũng phải thán phục Tống Giang: “Đọc một lần thấy Tống Giang là tốt, đọc lần hai thì thấy vừa tốt lại vừa xấu, đọc đến lần thứ ba thì thấy Tống Giang hoàn toàn xấu”.
Thế mới biết cái ác và cái thiện đan kín vào nhau không biết đâu mà lần cho ra, đâu là Quân tử, đâu là Nguỵ tử
Kế đến Kim Dung - Đại văn hào Trung quốc - xây dựng nhân vật “Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần” rất tài tình, khiến độc giả phải say mê và ngưỡng phục. Thế mà sau cùng, để lộ chân tướng NQT: chân gạt kiếm, tay phóng chỉ. Hoạn dương vật để luyện các chiêu thức tà giáo - Tịch tà kiếm phổ - hòng tham vọng làm Anh hùng đệ nhất quân tử kiếm. Thế mới biết danh vọng làm mờ mắt Quân tử vậy.
Luận đến anh hùng QT và NQT mà quên luận về gian hùng Tào Tháo thì quả là thiếu sót lớn. Tào Tháo là một kẻ tiểu nhân: giảo hoạt, trâng tráo, nhưng lại có cái khẳng khái để bộc lộ cái tà tâm của mình một cách công khai: “Ta thà phụ người còn hơn để người phụ ta, hay giết lầm còn hơn bỏ sót”.
Có lẽ, Tào Tháo phải là một tay gian hùng lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Chính khi Dương Tu - một tướng tài - bật mí cái mật khẩu “gân gà” cũng đúng lúc Tào tháo kiếm cớ và không ngại ra tay giết chết Dương Tu - một kẻ đã thấu suốt tâm địa của Tào Tháo, để trừ hậu hoạ về sau.
Nhưng không phải bao giờ gian hùng Tào Tháo cũng xấu cả đâu. Trong “ Những tấm gương xưa”, Quách Tấn luận rằng: “Quả thật, Tào Tháo tìm đủ cách để cầm chân Vân Trường lại với mình. Nhưng không thể ngờ lòng kính yêu Vân Trường chân thật của Tào Tháo được. Trong Tào Tháo có hai con người: “Con người chánh trị chuộng lợi và con người thơ chuộng đẹp. Chiếm hữu được Vân Trường, Tào Tháo chiếm được cả hai Chánh trị và thơ”.
Xét cho cùng, những kẻ bất nhân có tính tàn ác bản năng như: Âu Dương Phong, Tần Thuỷ Hoàng, Hitler, Pôn Pốt.... đều có cái điểm chung: Dám nói, dám làm, và dám nhận, chứ không phải như NQT: luôn dấu kín cái tà tâm của mình như ”mèo giấu cứt”.
Tần Thuỷ Hoàng đốt sách chôn Nho vì cho rằng: mọi hiểm hoạ nổi loạn đều do sách vở và bọn hủ nho mà ra. Còn Hitler thì không ngần ngại diệt chủng các dân tộc hạ đẳng để toàn cầu hoá “chủng tộc siêu đẳng Arien”.
Điều đặc biệt của những kẻ độc tài gian ác bản năng, chỉ tồn tại trong những giai đoạn lịch sử nhất định nào đó, chứ không như NQT luôn tồn tại trong suốt lịch sử loài người.
Xem sách sử kim cổ mà luận cho ra chính nhân Quân tử, quả không dễ dàng chút nào.
Để hội đủ 4 tiêu chí: Trí, Nhân, Trung, Dũng không phải ai cũng có thể đạt tới. Ngay cả Khổng Tử, gần như là cha đẻ ra Nho giáo với đạo Trung dung, dạy con người thành những chính nhân Quân tử, chắc gì Khổng Tử đã có nổi dũng khí qua cuộc đời du thuyết và chiêu sinh học trò trong thời Đông Châu Liệt Quốc. Đem trí đi các nước để cầu chút danh vọng cũng chẳng thành. Đem nhân đi rao giảng nhân nghĩa cho thiên hạ cũng bị xua đuổi và bị vây khốn ở đất Khuông. Xét về đạo trung thì cũng chẳng có quân thần vua tôi nước nào để mà thờ. Và rồi đi cầu danh khắp các nước, chẳng là nhân dân của đất nước nào để mà hiếu với dân.
Nhưng chẳng lẽ lịch sử kim cổ, lại không đốt đuốc tìm nỗi chính nhân quân tử hay sao?
Nói là khó, nhưng đâu phải không có những chính nhân quân tử như: Quan Vân Trường, Lưu Huyền Đức, Trương Phi, Triệu Vân, Quách Tĩnh, Socrate, Trần Bình Trọng, Nguyễn Trãi…Và hơn ai hết chính là Nhạc Phi là Đại chính nhân quân tử, vì hội đủ: Trí, Nhân, Trung, Dũng. Sống tận trung với Vua, đến nỗi phải chết oan nghiệt vì tên nịnh thần Tần Cối: Vì Quân xử Thần tử.
Sau rốt, chúng ta cũng không quên luận đến những kẻ sống ngông nghêng: Chẳng thiện, cũng chẳng tà mà cứ phây phây sống như: Tản Đà, Cao Bá Quát, Lý Bạch, Red Butler, Hồ Xuân Hương...mà đáng mặt đại diện cho hạng người này: Đông Tà Hoàng Dược Sư - sống phong lưu hào hoa thì không ai bằng. Suốt ngày thổi sáo và tiêu dao với cỏ hoa sông núi. Ai bảo thiện cũng được, ai bảo ác cũng không từ chối. Những hạng người này sống theo cá tính của riêng mình: “dám sống như dám suy nghĩ”.
Khái quát qua một số nhân vật lịch sử và văn học để luận về: Quân tử, Tiểu nhân và Nguỵ quân tử, qua đó, Căn tôi muốn nhận diện ra một khuôn mặt tiêu biểu cho một cách thế sống, một thực tại sống thời đại.
Ngày xưa - xã hội phong kiến - Nho giáo phân chia con ngưòi ra làm 2 đẳng cấp :Tiểu nhân và Quân tử.
Quân tử: Trí, Nhân, Trung, Dũng. Tiêu chí đề ra cho con người vươn tới :Trung với Vua - vì Vua là Thiên Tử (con trời), và hiếu với dân, và khi đó mới xứng đáng làm con người sống trong Trời Đất.
Trí là phân biệt được lẽ thị phi, thấy rõ đựơc cơ đắc thất Kẻ nhân. Có trí thì thiên hạ được nhờ, và trái lại.(Quách Tấn - NTGX)
Nhân là đức hạnh của tâm hồn. Là sự rộng lượng, bao dung, nhân ái mở ra với hết mọi người.
Trung, theo sách Trung Dung: “Lấy điều mong ở con mà thờ cha, lấy điều mong ở tôi mà thờ vua, lấy điều mong ở em mà thờ anh”. Về sau quan niệm này bị bó hẹp trong nghĩa vua tôi. Nói tóm lại: Trung là hết lòng mình đối với người - Tận kỷ chi vị trung. Tận trung báo quốc.
Dũng là mạnh. Nhưng không chỉ mạnh về thể chất mà còn phải mạnh về tinh thần, mới được gọi là dũng sĩ.(NTGX)
Đây là bốn đức tính cơ bản của đạo quân tử. Nhưng thục ra, không phải ai cũng có thể đạt tới đỉnh điểm của bốn đức ấy. Người ta có thể ca ngợi Quan Công: Trung can nghĩa khí, nhưng lại kém xa Trương Phi về Trí. Một Lưu Huyền Đức đuợc gọi là Chính nhân Quân tử, thì cũng chỉ có nổi Trung và Nhân mà thôi. Đến như Khổng Minh, chỉ có Trí là siêu phàm, Trung dũng không thể qua nổi Vân Trường. Dũng là mạnh, thì chẳng ai bằng Khánh Kỵ, sức khoẻ muôn người khôn địch, chạy nhanh hơn ngựa, thế mà bị Yêu Ly nhỏ bé, gió thổi đủ ngã. Vậy mà sau khi bị Yêu Ly đâm chết Khánh Kỵ, trước khi chết, Khánh Kỵ khen Yêu Ly là dũng sĩ, can không cho giết.
Tiểu nhân: Hẹp hòi, ích kỉ, ham lợi và bất nhân, tàn ác, khắc nghiệt…xưa nay chẳng ai thích và tự nhận mình là Tiểu nhân.
Ngày nay, nói đến đạo Quân tử, chẳng mấy ai mặn mà gì cho lắm, thậm chí còn tỏ vẻ dè bỉu và mỉa mai: dại dột, ngây ngô, anh hùng rơm, sĩ diện hão, lý tưởng ảo, quân tử tàu, để rồi sống thanh bần thiệt thòi giữa cái xã hội phồn hoa, đô hội và lợi danh.
Xã hội ngày nay xem sự giàu sang, thịnh vượng và sự thành đạt trong xã hội là tiêu chí của con người văn minh thời đại .
Trong khi những giá trị đạo đức và luân lý đang bị xói mòn, thoái hoá và biến chất thì tưởng chẳng còn ai dại gì mà làm học trò của “sân Trình cửa Khổng” nữa!
Nguỵ quân tử :Trí trá, mị dân, đạo đức giả, ngư ông đắc lợi - một xu hướng ra đời như để dung hợp và trung hoà 2 thái cực: Quân tử (quá cao)và Tiểu nhân (quá thấp).
Thực ra thì NQT đã thành hình từ khi có loài người, chứ không phải đến bây giờ mới có. Nhưng để chính thức có tên gọi: Nguỵ quân tử, thì có lẽ là phải đợi đến Kim Dung - Đại văn hào Trung Quốc - mới được khai sinh ra tên gọi vậy.
Ngày trước, khi đọc đến Nguỵ quân tử Nhạc bất Quần, độc giả ai cũng tỏ ra chê ghét và khinh bỉ nhân vật này ghê gớm lắm!
Bây giờ thử xét lại mỗi con người chúng ta, ai dám tự hào vỗ ngực rằng: Ta không có chất nguỵ quân tử trong người. Tinh tế một chút, chúng ta sẽ thấy ít nhiều chất “Nguỵ quân tử” nó luôn ẩn hiện bàng bạc trong cuộc sống chúng ta qua: làm ăn, giao tiếp, đối nhân xử thế và trong các lãnh vực xã hội cũng như tôn giáo.
Điều trớ trêu là khi đụng đến NQT ai cũng dị ứng và dãy nãy lên, chẳng nhận mình là NQT và mỹ từ này, chỉ muốn dành tặng cho kẻ khác mà thôi.
Muốn biết chúng ta, ai có chất NQT hay không, xin hãy xem hội chứng của NQT dưới đây:
- Lập lờ giữa cái thiện và cái ác, giả mù sa mưa, trí trá, lươn lẹo, nguỵ biện, ba phải, mị dân, im lặng và đồng loã với điều sai trái, ngư ông đắc lợi, giả nhân giả nghĩa, đạo đức giả,...Biết sai mà không dám tố cáo, biết đúng mà không dám bênh vực. Cốt nhất là làm đẹp lòng mọi người để hòng tranh thủ tình cảm và từ đó, mưu lợi cho bản thân: Danh vọng, thành đạt, lợi nhuận và kể cả được sự kính nể nơi mọi người .
Xem ra phạm trù của nguỵ quân tử bao hàm một cách rộng rãi và tinh tế trong cuộc sống của xã hội của chúng ta. Giờ đây các nhà Đạo đức khó tính cách mấy, cũng không thể loại trừ được những kẻ “nguỵ quân tử” ra khỏi cuộc sống chúng ta nữa rồi.
Và phải chăng, NQT là một thực tại sống? Một cách thế sống của thời đại hôm nay? Điều chúng ta dễ nhận thấy: Những người càng NQT, càng dễ thành đạt và làm được việc. Vì họ khôn khéo, tinh tế, nhạy cảm để sống được lòng kẻ dưới và vừa lòng người trên. Còn như người Quân tử, may lắm, thì được lòng kẻ dưới, chứ vừa lòng kẻ trên thì quả là hơi bị khó, vì họ bộc trực, khẳng khái và chân thật quá nên khó sống được trong xã hội xô bồ, đầy tính chất thực dụng.
Ở đây, tôi muốn đề cập đến một thứ Nguỵ quân tử tích cực - một thái độ sống như cha ông chúng ta đã nói: “Khôn chết, dại chết, biết sống”.
Một Ngụy quân tử tích cực mà Trang Tử đã bày tỏ một cách thế sống: “Răng cứng thì gãy, lưỡi mềm thì còn”, cho thấy một triết lý sống thích nghi, mềm mỏng để tồn tại và vươn lên trong cuộc sống.
Và phải chăng, ngay cả trong Kinh Thánh cũng dạy chúng ta: “Hãy sống thơ ngây như con trẻ và khôn ngoan như con rắn”, đã phác hoạ một hình tượng sống trong cõi vô thường này, một tính chất vừa khôn ngoan tinh tế và vừa phải trung thực.
Ngụy quân tử chắc chắn không thể thiếu trong cuộc sống đầy dâu bể này nữa rồi. Hơn bao giờ hết, Ngụy quân tử là một chất vắc xin đề kháng cần thiết cho cuộc sống. Ngụy quân tử là một chất phụ gia, xúc tác cho cuộc sống được thăng tiến và vươn cao hơn.
Đọc đến đây, có lẽ, nhiều người không đồng quan điểm với tôi, về sự hiện diện của “Ngụy quân tử” trong cuộc sống, và nghĩ rằng tôi cổ suý cho NQT. Thực ra, tôi không hề có ý đó. Nhưng là dám nhận chân một thực tại hiển nhiên mà, cho dẫu chúng ta có phủ nhận thì nó vẫn cứ tồn tại. Sự nhận diện này, cũng rất cấp bách và thiết thực, để chúng ta có liệu pháp ngăn ngừa và chữa trị sự quá trớn của NQT. Chúng ta cũng đừng mãi lẫn tránh, để rồi đội lốt đạo đức giả làm băng hoại đời sống đạo đức nơi bản thân chúng ta và xã hội.
Và tôi, cũng chỉ muốn noi gương của nhà vật lý Galilê để nói: “Nói gì thì nói, trái đất vẫn cứ quay xung quanh mặt trời”. Và chúng ta, dẫu có muốn chối bỏ Nguỵ quân tử, thì nguỵ quân tử vẫn cứ bàng bạc quanh ta, và cả chính chúng ta đang là nguỵ quân tử mà chúng ta không hay biết đấy thôi.
Cái khó nhất nơi “Ngụy quân tử tích cực” là, sự chuẩn mực và giới hạn của nó giữa cái thiện và cái ác là rất mong manh và khó phân định nổi ranh giới giữa Quân tử và Tiểu nhân. Muốn chuẩn mực được giới hạn của NQT, thì cần phải có một cái tâm đạo vững vàng và bản lĩnh đạo đức. Có thế thì mới vượt qua được những tham vọng mù quáng, và những phồn vinh làm loá mắt tâm người. Và như thế, thiết tưởng chúng ta không nên lạm dụng chất vắc xin NQT một cách thái quá, làm tổn hại cái “tâm đạo”.
Ngụy quân tử là một chất xúc tác cần thiết cho cuộc sống, nhưng, chưa đủ để tạo thành con người nhân bản được. Chúng ta hãy nghe lời cảnh báo của Kim Dung: “Một trăm tên tiểu nhân, không đáng sợ bằng một tên Ngụy quân tử”.
Ngày nay, chúng ta thấy NQT, sống đầy dẫy quanh ta. Nó đội lốt ở nhiều nhân dạng: Các quan viên chức cao cấp, những xếp lớn, những thủ trưởng, giám đóc xúng xính trong các bộ lễ phục, thắt cà vạt trang trọng được mọi người nể phục và kính trọng. Nhưng khi phanh phui ra sự thật, là những tên đục khoét, sâu mọt, làm thâm thủng của đất nước cả hàng ngàn tỷ đồng. Những Giám đốc, Chủ tịch HĐQT… nghi vệ, nhưng trong thương trường là những kẻ mưu mô xảo quyệt, không từ một hành động tội ác nào để hạ bệ đối thủ.
Không còn nghi ngờ gì về sự hiện hữu của Nguỵ quân tử trong mỗi chúng ta nữa rồi. Hơn bao giờ hết, mỗi người chúng ta hãy kịp thức tỉnh, để gạn đục khơi trong cái “Nguỵ quân tử tích cực” ra khỏi cái bản chất Nguỵ quân tử man trá đang nương náu trong cái thiện ở mỗi tâm hồn chúng ta.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến Chí Phèo - kẻ đã được dẫn nhập vào bài viết, chẳng lẽ, nỡ bỏ quên số phận nó sao đành.
Xin lấy lời thoại cuối truyện Chí Phèo, để làm lời kết thúc bài viết này, như một lời tự sự và cảm thông sâu sắc cho một số phận.
Hãy xem cái kết cục của một tên tiểu nhân Chí Phèo, để xem nó đáng ghét hay đáng thương, đáng chê trách hay đáng cho chúng ta nể phục?
Hãy nghe những lời thoại cuối của Chí Phèo với Bá Kiến: - Tao đã bảo tao không đòi tiền. - Giỏi! hôm nay mới thấy anh không đòi tiền, thế anh cần gì? Hắn dõng dạc: - Tao muốn làm người lương thiện. Bá Kiến cười ha hả: - Ô tưởng gì! tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên hạ nhờ. Hắn lắc đầu: - Không được, ai cho tao lương thiện...tao không thể lương thiện được nữa rồi, biết không?
Nói xong, Chí Phèo nhảy vào đâm chết Bá Kiến rồi tự kết liễu đời mình luôn.
Đọc đến đoạn cuối này, tôi cảm động suýt bật khóc. Không cảm động sao được khi một tên du thủ du thực, cầu bơ cầu bất như Chí Phèo mà cũng còn nghĩ đến: “Tao muốn sống lương thiện”.
Nghe vậy, tôi tự cảm thấy lương tâm mình hổ thẹn với nó, bởi đã bao giờ mình dám đặt vấn đề: “Ta sống có lương thiện ?”.
Chí Phèo hơn chúng ta, vì hắn tự biết hắn bất lương, còn chúng ta đã bao giờ chúng ta tự hỏi: chúng ta đã hơn một lần sống trí trá, lọc lừa, im lặng và đồng loã với những điều sai trái và tội ác? Chúng ta bất lương, nhưng chúng ta hơn Chí Phèo là biết cách lấp liếm, trí trá, để khoác lên người chúng ta cái áo khoác đạo đức giả.
Chí Phèo tự kết liễu đời mình là vì hắn biết chắc rằng: “Hắn bất lương”, và khi biết không còn lương thiện được nữa thì, cũng kịp lúc giết chết tên ác ôn Bá Kiến để trừ tai hoạ cho xã hội, âu cũng là cứu cánh biện minh cho phương tiện vậy.
Xét cho cùng, trên cõi đời này chưa mấy ai làm được như Chí Phèo: Thiết tha muốn sống làm người lương thiện và khi biết không thể làm người lương thiện thì tự kết liễu đời mình.
Chí Phèo - Kẻ tuẫn đạo - muôn năm!!!
Rất mong được quý bạn đọc quan tâm và tham gia vào việc bày tỏ quan điểm về: “Nguỵ quân tử, một thực tại sống?” để làm sáng tỏ vấn đề hơn. Xin cám ơn.
Xin quý bạn đọc chờ xem hồi sau: “Tản mạn về Nguỵ quân tử, một thực tại sống”.
khi ta bước một chân về phía trước một chân sẽ còn lại ở phía sau, khi ta đi thì một chân phải ỡ dưới đất nhưng khi ta chạy thì có khi cả hai chân đề rời mặt đất --> người ta sẽ xa rời lý tưởng hoàn toàn trở thành ngụy quân tử khi ta muốn tiến thật nhanh
__________________
Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Cuộc đời như nước chảy hoa trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương mãi để đời.