Mỗi lần nghỉ giải lao giữa buổi học, ra quán Phương Vi trước cổng trường, ngồi ngắm mấy Miss Văn khoa, vừa nhâm nhi ly cà phê sữa đá với thằng Ân, thằng Trung, thế nào tụi nó cũng nhắc tôi chuyện dẫn về nhà chơi. “Ừ, thì về”. Mạnh miệng nói vậy nhưng trong bụng thì nghĩ lung lắm:” Xứ mình ở thì có cái gì vậy cà?”...
Không có núi, chẳng thấy biển, sông thì không rộng cũng chẳng sâu như miệt Tiền Giang hay Hậu Giang. Đi từ Sài Gòn về, dừng lại trên cây cầu Tân An, ngó nghiêng hai bên sông, có lẽ hai thằng bạn chung “đạo cà phê sữa đá” của tôi sẽ thất vọng lắm. Gió từ ngoài sông thổi vô mát rượi, nhưng con sông, sao nhỏ quá và dòng nước thì ... nhẹ nhàng ... chảy xuôi ... chứ không cuồn cuộn như sông Tiền của thằng Ân. Con sông Vàm chỉ đủ để tắm mát tuổi thơ tôi bằng những buổi trốn học đi tắm sông, những bận đi hái bình bát ... những ngày hè bơi xuồng câu cá giữa đám bông lục bình tím ngắt... Vậy thôi. Bây giờ nghĩ lại, tôi mới ngờ rằng thì ra mình cũng có một dòng sông để nhớ.
Cái thị xã nhỏ xíu nằm kế bên bờ sông, nhìn kĩ, sao mà nó giống cái phố huyện nghèo của ông Thạch Lam và hai đứa trẻ quá nè trời. Thị xã của những dì Hai bán cháo chay trước cổng nhà thiếu nhi, cô Ba bánh trán muối dưới chân cầu đúc, chú Út Đẹt chạy xích lô, của ông thầy thuốc nam có tiếng Võ Tấn Hảo, của ông thầy Tri khó tính mà sao học trò đứa nào cũng thương ... Ở đó, dường như cuộc sống cũng chậm rãi như chính những giề lục bình xanh ngắt đang bập bềnh trên dòng kênh Bảo Định. Ở đó, đang dở tay nấu nồi canh chua, thiếu trái me, trái ớt, người ta (hay chính là tôi) cũng muốn lấy xe chạy ra chợ. Ừ, thì sẽ chạy qua quốc lộ, ra chợ, được chia một chút náo nhiệt của cuộc sống thị thành. Trong cái không gian nhỏ bé và tĩnh lặng ấy, gần trăm ngàn con người ... quây quần ... sống với nhau bằng cái tình. Thì có tình là có thương có ghét có hờn có giận chứ gì đâu.
“Vậy thì tao sẽ dắt tụi bây đi chơi ở chỗ nào đây hả hai thằng kia ?”. Thôi, về nhà tao nghỉ trước đi nghen, để từ từ rồi tính. Về nhà, tụi bây sẽ được gặp ba má tao và thằng Bi.
Đó, má tao đó, bà không mập mạp như tụi bây nghĩ đâu, mà nhỏ người lắm. Đừng sợ, bước vô đại đi, má tao hiền lắm, bà đang quét sân, thấy hai đứa mày, bà sẽ biểu xuống đằng sau nhà rửa mặt rồi kêu tao lấy nước uống. Chờ chút nữa là thấy má tất tả xách giỏ ra chợ. Má sẽ tới sạp thịt, mua vài trăm ram, ghé chú Tư bán mắm, rồi qua hàng rau sống của nhỏ Diệp. Nhỏ bằng chang tuổi mình đó, con gái Long An chánh gốc, mới hai chục tuổi đầu đã là bà chủ sạp rau... Trước lúc về nhà, thế nào má cũng ghé chỗ anh điên, giúi cho anh bịch bánh hay củ khoai gì đó. “Ừ, thì người ta điên mà, không nhà không cửa, chỉ sống nhờ vô lòng hảo tâm của mấy cô mấy dì trong chợ thôi con à” ... Má tôi là vậy, ngồi coi “Ngôi nhà mơ ước”, thấy người ta khổ mà khóc hoài. Hỏi má đau ở đâu. “Tổ cha mày, thì không biết đau ở đâu mà nước mắt nó cứ rớt rớt hoài vậy”, má nói.
“Sao hả Ân, mày nói tao bất hiếu quá hả. Má gọi điện hỏi thăm mà nói chuyện tiếng một vậy à”. Trời đất quỷ thần ơi, tao biết chứ, tao thương má tao thì thôi đi chứ. Nhớ hồi chưa xa nhà lên Sài Gòn học, má tao cũng lo như vậy. Ra đừơng coi chừng xe cộ, trời mưa thì nhớ bận áo mưa, rồi bệnh tật ... rồi bao nhiêu thứ cám dỗ, cạm bẫy chết người ... Má không lo sao được. Má tao hay má mày cũng vậy thôi Ân à. Tất cả những người đàn bà trên cái đất này, ngàn đời nay, tài sản lớn nhất của họ, chính là là chồng là con.
Má đi chợ về, đưa cái giỏ cho ba. Vậy là bữa nay tụi bây hên rồi, ba tao sẽ nấu mắm kho cho tụi bây ăn. Ở nhà, ít khi ba nấu cơm, ông chỉ nấu độc một món là mắm kho thôi. Mắm kho ba tao nấu có cái ngọt lừ của đậu bắp, cái mặn mà của cà tím xen lẫn với một chút đắng cay của khổ qua, ớt sừng trâu ... và hình như ... trong nồi mắm đang bốc khói thơm lừng, ông bỏ cả cuộc đời mình vô đó.
Vị mặn của giọt nước mắt nuốt vội trong lòng khi nhìn người anh của mình lịm dần trên giường bệnh vì không có tiền mua thuốc. Những đắng cay của cuộc đời công chức “trên đe dưới búa”. Trong cái thế giới tưởng chừng như êm ả, bạn bè hay đối thủ chỉ là trong tích tắc... Một cái giơ tay... vài lời nói, có thể biến người đồng nghiệp mà mình quý mến trở nên xa lạ. Nhiều khi, nhìn mấy người dân quê lê lết chầu chực ở cổng cơ quan, nhớ ra thằng bạn có nhiệm vụ giải quyết công việc cho họ đang ngồi nhậu ở quán Sông Quê hay Chân Quê gì đó, ba lại thấy nhói ran, rã rời,... Ừ, thì đời làm thằng đàn ông, nhiều khi cũng phải mượn thứ nước đó để quên, để vui, để buồn... nhưng làm ơn đừng nhậu luôn nỗi lo của của những người dân đen đã lặn lội mấy chục cây số lên đây kiếm mình như vậy. Thất đức lắm con ơi.
Vậy thôi, quê tao có bi nhiêu thôi, tụi bây đã đi khắp rồi.
Xứ này có nhiều người giống ba má tao.
Xứ này cũng có nhiều người con giống tao, không chịu đựơc khổ, “ghét gió, kị mù sương, ra đường thì nhảy mũi”.
Đã biết mang giày để chân khỏi đóng phèn rồi ...
Nhìn tựa ngỡ là du học sinh
Đọc vào thấy giống như mình đang đọc truyện của mấy nhà văn thuở xưa
Duy ngắm nhìn mấy Miss Văn Khoa, nghe chữ giống hồi trước 75, mấy Ms đó cùng trường hay Duy ở trường đối diện? Chắc cùng trường
Dù ở trường nào, mong sau này em không bị cơm áo gạo tiền cuốn trôi mất hết những cảm xúc này
Tổng chào các cụ, em học khoá 2003, bây giờ đang học năm 3 trường nhân văn, chung ngành anh Giang.
Cảm ơn các cụ, đã đọc bài của e, bài này e viết không được văn cho lắm, dùng nhiều từ bình dân (vì e học đội văn nhưng cứ bị thầy Hải chê là "văn khô" hoài ).
Mong được làm quen với nhiều cụ LQĐ khoá trước vì tới đời e thì hình như truyền thống bị "thất truyền" rồi.