Địa ốc VN thoát 'đội sổ' về tính minh bạch
Nguồn: Đô Thị. Net
Việt Nam xếp thứ 77 trên tổng số 82 quốc gia trong bảng xếp hạng chỉ số minh bạch của thị trường bất động sản toàn cầu năm 2008, do Tập đoàn Dịch vụ Bất động sản Jones Lang LaSalle, công bố ngày 30/6.
Việt Nam được 4,29 điểm, đã thăng hạng, nhưng hiện đứng ở vị trí cuối cùng của nhóm "minh bạch thấp". Năm 2006, Việt Nam xếp hạng 56/56 nước và ở nhóm "không minh bạch". Theo ông Andrew Brown, Tổng giám đốc Công ty Jones Lang LaSalle, nguyên nhân giúp Việt Nam cải thiện được vị trí trong bảng xếp hạng này là do môi trường pháp lý liên quan tới đầu tư bất động sản và luật pháp đã được thay đổi theo hướng tích cực. Việt Nam cũng đang nổi lên là một điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. Các tập đoàn đa quốc gia cũng đang mở rộng hoặc thiết lập các hoạt động kinh doanh mới.
Tính minh bạch của địa ốc Việt Nam đang dần được cải thiện. Ảnh: Hoàng Hà
Bảng xếp hạng tính minh bạch toàn cầu năm nay có tổng cộng 82 quốc gia, mở rộng thêm 26 nước so với lần gần đây nhất. Trong danh sách này, ngoài Việt Nam, đã có 7 quốc gia, khu vực và các vùng quản lý hành chính được tăng nhóm. Trong đó, Dubai (Các tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất), Romania, Ukraina và Nga có vị trí cải thiện đáng kể nhất. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng được đánh giá cao vì sự minh bạch ngày một cải thiện. Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ là những cái tên được nhắc đến nhiều nhất ở khu vực này. Venuezuela là nước duy nhất có điểm minh bạch thấp hơn so với năm 2006, do những thay đổi trong các quy định của nhà nước và các chính sách thuế quan mới áp đặt lên các nhà đầu tư nước ngoài.
Các quốc gia lần đầu tiên có mặt trên bảng xếp hạng nằm rải rác ở nhiều nhóm, trong đó Estonia được đánh giá cao nhất với vị trí 30, thuộc nhóm "bán minh bạch" còn Algeria và Syria đã thế chỗ Việt Nam nằm ở vị trí đội sổ, đều thuộc nhóm "không minh bạch".
Canada là nơi có thị trường bất động sản minh bạch nhất thế giới hiện nay, với 1,17 điểm nhờ đưa thêm vào các điều chỉnh về chất lượng và tần suất của việc định giá, tính minh bạch của phí dịch vụ và tài chính. Những quốc gia như Mỹ, Australia, New Zealand, Anh, Hà Lan, Pháp, Thụy Điển, Bỉ, Ireland đứng ở các vị trí tiếp theo trong nhóm minh bạch nhất thế giới.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Jones Lang LaSalle cảnh báo, sự minh bạch cao không đồng nghĩa với việc các thị trường bất động sản sẽ không gặp rủi ro. Tính minh bạch cao không ngăn ngừa được sự biến động của thị trường vì hầu hết những phương tiện đầu tư bất động sản minh bạch, rõ ràng, được liệt kê trên sàn giao dịch chứng khoán đều không ổn định.
Chỉ số minh bạch toàn cầu (RETI) được đưa ra lần đầu năm 1999 và hiện nay trong danh sách có 82 quốc gia, khu vực và vùng quản lý hành chính trên 6 lục địa. Chỉ số này dựa trên 5 yếu tố gồm thị trường, tài sản niêm yết, môi trường luật pháp, cách thức giao dịch và lượng hóa hiệu quả. Các quốc gia được chia theo 5 nhóm gồm Minh bạch ở mức độ cao (Bậc 1), Minh bạch (Bậc 2), Bán minh bạch (Bậc 3), Minh bạch thấp (Bậc 4) và Không minh bạch (Bậc 5). Điểm số cao nhất là 1 và thấp nhất là 5.
Linh Hương