Nên quy thu nhập vợ chồng về một mối hay tiền ai nấy giữ, cần “chung” thì xùy ra...
Những giằng co về tiền chung, tiền riêng vẫn là chuyện nóng ở nhiều gia đình.
Tiêu tiền... hai túi!
TT - Hai túi cùng sống chung một nhà nhưng túi này luôn đề phòng túi kia. Túi nào có nuốt tiền vào cũng dấm dúi không cho túi kia biết... Đấy là túi chồng và túi vợ ở một số gia đình hiện nay!
Phương - bạn tôi là nhân viên văn phòng, lương 2,5 triệu đồng, còn chồng là trưởng văn phòng của một công ty Nhật Bản tại VN, lương vài nghìn đô một tháng. Ấy thế mà Phương thường than hết tiền, tiết kiệm lắm nhưng chưa đầy hai tuần đã sạch bách. Mọi người thắc mắc, Phương thật thà: “Chả bao giờ hỏi tiền chồng. Ngại lắm! Ai lại xin tiền chồng bao giờ”.
Vì suy nghĩ ấy mà Phương suốt ngày lo lắng chuyện tiền nong, tằn tiện chi tiêu cho cả nhà. Tiền chợ búa, điện nước... cứ ngốn trọn lương của cô. Anh chồng thì vô tư, lúc nào cũng yên trí vợ thừa sức lo ba cái thứ “lặt vặt” ấy nên chỉ quan tâm sắm những vật dụng to tát hơn như máy giặt, tủ lạnh, máy điều hòa...
Còn lại, tiền anh, anh khư khư trong tài khoản, Phương chả bao giờ được biết chính xác chồng có bao nhiêu. Rồi anh sắm sửa cho em gái anh xe máy, mua cho nhà anh ba máy điều hòa mỗi phòng một cái mà chẳng thèm hỏi ý vợ. Anh cho rằng mình có quyền với tiền của mình.
“Quy chế thu chi” của gia đình tôi:
- Mọi khoản tiền đều phải nộp về cho vợ. Nghiêm cấm cất giấu lén lút.
- Vợ chồng cùng bàn bạc và chi tiêu.
- Nếu không thống nhất, phải bàn cho ra vấn đề, tránh để bụng ấm ức.
- Chi hay không chi, vợ chồng phải cùng nhất trí.
- Vợ không được có thái độ: khi chồng đưa tiền về thì hớn hở, cất cho kỹ; chồng muốn lấy tiền ra thì mặt nặng mày nhẹ, cằn nhằn.
- Vợ chi tiêu tiết kiệm, công bằng với cả hai bên nội ngoại.
- Vợ phải thường xuyên thông báo cho chồng tình hình kinh tế gia đình để cùng nhau tiết kiệm và có trách nhiệm.
Cho đến một hôm, Phương phát hiện chồng cặp bồ. Anh hối lỗi bằng việc bỏ bồ và hằng tháng đưa hết tiền cho cô để chứng tỏ “lòng thành”. Nhưng với Phương, những đồng tiền chồng đưa chẳng còn ý nghĩa. Phương cảm giác như bị chồng mua chuộc tình cảm để chuộc lại tội lỗi chứ chẳng phải anh tình nguyện. Chị Hằng của tôi làm trong một viện nghiên cứu xã hội, chồng làm kinh doanh. Anh coi công việc của vợ chỉ làm cho vui nên tiền nong trong nhà anh quản lý hết. Các khoản chi tiêu trong tháng anh đưa vợ một khoản, hết chị lại hỏi chồng.
Một hôm anh đang vội, chị bảo anh đưa tiền. Anh buông một câu: “Hết rồi cơ à, tiêu gì mà nhanh thế?”. Miệng nói, tay anh đưa tiền cho vợ. Chồng nói xong rồi quay đi, chắc anh cũng chẳng để ý lời mình vừa nói. Nhưng chị Hằng thì nhớ mãi, ngấm cái thân phận phụ thuộc kinh tế vào chồng.
Chuyện chi tiêu hai túi tạo ra tính ích kỷ và thiếu trách nhiệm của người đàn ông đối với gia đình. Rất nhiều đàn ông có suy nghĩ nộp hết tiền lương cho vợ là xong nghĩa vụ hằng tháng với gia đình. Chưa kể giữa các cặp vợ chồng phát sinh tính đối phó và giấu giếm nhau vì những khoản tiền ngoài lương.
Vợ bỗng biến thành kẻ đi rình rập, khám túi chồng, chồng trở thành chuyên gia giấu tiền. Thế mới có chuyện anh họa sĩ thiết kế của một tờ báo vừa kiếm được một khoản mà vợ không thể biết.
Chỉ hơn 1 triệu bạc, gửi tài khoản thì không được, vợ đã cầm thẻ; giấu vào túi áo tất nhiên không được, ngày nào vợ cũng khám túi. Nhét vào tất hay giày, bài đã quá cũ. Anh “sáng kiến” nhét hai tờ 500.000 đồng vào chiếc đĩa CD. Trước mặt vợ, anh ném choách cái đĩa xuống bàn, dặn cấm vợ con động vào cái đĩa này nhá. Đĩa thiết kế makét báo, động vào nó mà xước một cái là vứt cả đĩa, công toi tiền toi đấy nhá! Thế là vợ con chẳng ai dám mó máy vào chiếc đĩa - chỗ giấu tiền trứ danh của ông chồng ma mãnh.
CHUNG NHI
Tiền anh vào tay ả: dễ vào, khó ra!
Chuyện chồng giao nộp tiền cho vợ dưới mắt một ông chồng.
Hồi mới cưới tôi rất hãnh diện khi mang lương về nộp vợ và rất sung sướng khi được vợ... phát lại tiền tiêu vặt. Hạnh phúc đang ngọt ngào, đưa con tôm bự lượm lại con tép nhỏ xíu cũng thấy vui. Lâu dần những rắc rối bắt đầu nảy sinh. Đó là khi cha mẹ đau ốm, anh em cần giúp đỡ, xã giao với bạn bè... Đành rằng những khoản chi chính đáng vợ vui vẻ móc hầu bao, nhưng những khoản chi “có vấn đề” đàn đúm bạn bè là vợ mè nheo.
Lắm lúc tôi ước vợ được lập trình như... máy ATM, chỉ cần hôn một cái là tiền đưa ra, khỏi trình bày lý do, khỏi cằn nhằn lôi thôi.
Cái khó ló cái khôn, tôi đành lập quỹ đen để tự cứu nguy. Có tiền rủng rẻng bỗng thấy mình tự tin hơn nhiều, ra đường không còn cúm rúm, thót ruột thót gan khi xảy ra sự cố, cũng không còn cảnh ngửa tay xin tiền vợ. Vợ cũng có nghi ngờ nhưng đám anh em cùng cảnh ngộ “bọc lót” cho nhau rất tốt, vợ ba đầu sáu tay cũng không cách nào mò ra chân tướng. Nhiều khi thấy vợ nát óc tính toán thu chi, tôi thấy mình cũng hơi... nhẫn tâm. Nhưng nhớ đến cảnh bị vợ càm ràm mỗi khi lạm chi thì tôi không đủ can đảm thú tội! Có lần má vợ bệnh nặng, vợ phải về quê, giao lại tay hòm chìa khóa để tôi “tự biên tự diễn”. Thú thật bỗng dưng tôi có cảm giác như chim sổ lồng. Nhưng mới hai tuần tôi đã nướng sạch cả tháng tiền chợ.
Đêm nằm gác tay lên trán tôi thầm khâm phục vợ. Cũng bấy nhiêu tiền mà vợ xoay xở gọn hơ, còn dành dụm được chút ít. Tôi làm chồng, không cảm thông chia sẻ lại còn “rút ruột” xài hoang. Từ đó tôi công khai minh bạch tài chính với vợ, giảm bớt những cuộc nhậu và tiêu xài hoang phí.
Theo tôi, vợ chồng cần có sự tin tưởng, thông cảm lẫn nhau khi nói đến tiền nong. Vợ nên hiểu chồng cần có những khoản chi như giao tế, giúp đỡ gia đình..., chồng rất ngại khi giải trình với vợ. Gặp vợ ky bo, không hiểu chuyện, chồng đành phải tìm cách giật gấu vá vai. Vì vậy, tay hòm chìa khóa giỏi là làm sao để chồng công khai tài chính, không giấu tiền riêng. Ngược lại, chồng cũng phải hiểu nỗi khổ của vợ, nhất là đang lúc vật giá leo thang. Chồng cần cảm thông, chia sẻ, bàn bạc với vợ cách chi tiêu sao cho hợp lý.
Tôi làm cuộc phỏng vấn bỏ túi với hơn 50 người quen. Trong đó khoảng 80% tán thành giao tiền cho vợ giữ. Vì phụ nữ biết dành dụm, lo xa, trong khi đàn ông ăn to xài lớn nên chẳng mấy chốc sẽ rỗng túi. Ông trời đã phú cho phụ nữ tính cẩn thận, chi li... thì hãy để chị em phát huy vai trò.
12% chọn giải pháp tiền ai nấy giữ. Những cặp vợ chồng này thường có thu nhập cao như nhau nên không ai cầm quyền ai. Tôi cho rằng những gia đình này sự gắn kết có phần lỏng lẻo.
8% còn lại đàn ông giữ tiền, vì người chồng mất lòng tin vào tay hòm chìa khóa của vợ, sợ “giao trứng cho ác”. Hoặc tệ hơn, đó là người đàn ông gia trưởng còn sót lại.
Nói tóm lại, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, ai giữ tiền cũng được miễn sao cửa nhà yên ấm và người được giao trọng trách phải tế nhị trong cách ứng xử, không quá lạm dụng quyền hạn để làm bạn đời khó xử.
NGUYỄN VĂN ĐỨC