Thiếu kiềm chế bản thân, các bạn trẻ rất dễ đi quá giới hạn... (Ảnh minh họa)
(Dân trí) - Nhiều chàng trai không kiềm chế được bản thân trước sự cám dỗ ngọt ngào mang tên “trái cấm” từ chính bạn gái, hoặc chấp nhận “lột xác” để lấy tiếng chịu chơi, sành điệu trước mặt người yêu. Có phải con trai đang "bị hư" bởi con gái?
Những thay đổi “vượt thời gian”
Cô ấy ngượng ngùng, thoáng chút sợ hãi. Tôi thấy mình là một thằng con trai chả ra gì, lợi dụng hoàn cảnh của cô ấy để “đòi hỏi”, tôi thật sự đã muốn dừng lại nhưng cô ấy kéo tôi sát gần và nói “Anh cứ tiếp tục đi, em tự nguyện mà…”. Đức Mạnh (1990, T.H) nhớ lại. Xoay chiếc điện thoại trên bàn, mãi một lúc lâu M mới mở gallery xem lại những tấm ảnh kỷ niệm cùng với bạn gái cũ.
Là con út trong gia đình có ba anh em, hai anh lớn đã trưởng thành và lập gia đình nên cậu được bố mẹ cưng nhất. Học giỏi lại ngoan, Mạnh được thầy cô và bạn bè quý mến bầu làm lớp trưởng. Trong lớp có bạn nào điều kiện đặc biệt, hoặc sức học yếu, Mạnh luôn nhiệt tình giúp đỡ rất vô tư.
Giữa năm lớp 11, Phương H là bạn gái mới chuyển vào lớp và chính cô giáo đã gọi riêng Mạnh ra để chú ý động viên. Giúp H hòa nhập với môi trường học mới, làm quen với các bạn xung quanh. Cách đây một năm, bố mẹ H đã ly thân và hiện tại, mẹ H đang làm việc ở thành phố Vinh, H ở cùng với bố ngoài Hà Nội. Bố hay phải đi công tác xa nên nhà chỉ còn H với bà nội. Trong con mắt của Mạnh lúc đó thì “ H là một cô gái rất ngây thơ, trong sáng, có chút gì đó yếu đuối, cần một sự chở che. Sau khi biết được hoàn cảnh của H, tôi lại càng quan tâm đến cô ấy nhiều hơn”.
Nhưng vài lần đến nhà H để giảng bài, Mạnh bắt đầu cảm thấy “H có chút gì đó không bình thường. H dường như cố tình mặc những chiếc váy ngủ thật mỏng khi cả hai đứa cùng ngồi học với nhau”. Bà nội của H đi chợ xong, thường chạy qua nhà hàng xóm chơi đến trưa mới về nấu cơm, nên Mạnh có thể ở nhà H cả buổi sáng cũng không bị ai chú ý.
Một hôm, khoảng chừng chục phút ngồi học, H kêu mệt và lên giường nằm. “Nhìn H ngủ, trong người tôi bắt đầu cảm thấy rạo rực. Tôi nhẹ nhàng chạm vào cô ấy và…”. Liên tiếp những ngày sau đó, Mạnh đến nhà H thường xuyên hơn, gần như là tất cả các buổi sáng. Nhưng bây giờ vị trí đã được hoán đổi lại, H trở thành “cô giáo” còn Mạnh thì như một cậu học sinh nhỏ. “Tôi không còn là mình nữa, tôi hoàn toàn phụ thuộc vào H, để mặc cho cô ấy sai khiến và tôi còn thấy hạnh phúc vì nghĩ rằng H quả là một cô gái mạnh mẽ, từng trải”.
Ở bên H nhiều hơn, Mạnh càng nhìn rõ thấy những từng trải và mạnh mẽ của H là gì. “Buông thả và phóng túng, H còn không ngượng miệng khoe những lần trốn bà đi chơi đêm”. Tự ý thức đó là những điều xấu, hư hỏng nhưng chính Mạnh chẳng thể kiềm chề được bản thân khi chấp nhận “yêu và chung sống” với H.
Chưa đầy một tháng, mà Mạnh “lột xác” biến thành con người mới đến mức bố mẹ, bạn bè cũng không nhận ra. Gương mặt cậu vẫn vậy, nhưng từng ánh mắt, của chỉ, lời nói của chàng trai tốt bụng, hiền lành nay đã được thế chỗ bởi một “tay chơi” lọc lõi.
Đỗ đại học, cũng là lúc Mạnh chia tay mối tình đầu. Không còn yêu, nhưng cậu vẫn nhớ tới H như người con gái làm thay đổi mình. Chỉ tiếc là, sự thay đổi đó đã lấy đi của Mạnh tuổi học trò trong sáng vô tư.
“Cute girl” thì phải “cặp” với “cool boy”
Câu chuyện của Mạnh là một trong nhiều câu chuyện minh chứng cho lời nhận xét của bác Nguyễn Bích Châu (43 tuổi, N.C.T, Hà Nội) về sự thay đổi nhanh chóng, đột ngột tâm sinh lý của nhiều bạn trẻ hiện nay: “Bác cũng từng có tuổi trẻ nông nổi, sống đam mê và nhiệt huyết. Nhưng ngày xưa, vẫn thấy con gái ngoan và lành hơn con trai. Còn bây giờ thì không phân biệt, đánh giá được. Thậm chí, con trai còn bị làm hư bởi con gái là đằng khác”.
Q.Cường (1988, sinh viên năm 2 Đại học MTCN HN) từng rất thích H.Vân (1993). Hai người quen nhau trong một triển lãm tranh ở Yết Kiêu. Vân xinh, nhí nhảnh và nghịch ngợm, hay làm nũng kiểu trẻ con nên cô bé dễ dàng làm “chết đứ đừ” Cường ngay lần hẹn hò đầu tiên. Vân thích chụp ảnh nên cô biết hết những địa điểm đẹp mà các bạn trẻ hay đến để “pâu” cho hấp dẫn. Hầu như tuần nào, Vân cũng phải kì kèo Cường mượn máy ảnh “pro” để cô được diễn, được làm “người mẫu độc quyền”.
Mới đầu chỉ là post lên blog chung của hai người, nhưng nghĩ “ảnh đẹp mà giấu đi thì phí của”, Vân giấu Cường up lên vài forum nổi tiếng là “tụ điểm của cute girl, cool boy”. Bộ ảnh đăng lên được rất nhiều người vào khen, Vân lại cố gắng chụp “năng suất” hơn nữa. Dần dần, Vân cũng chẳng ngại up những tấm hình khêu gợi, lúc thì hở vai, lúc thì chỉ quấn độc một tấm khăn trên người ra trước bàn dân thiên hạ.
Cường được một người bạn gửi link kèm theo lời nhắn mỉa mai: “Em của mày khoe hàng hơi kinh đấy. Ảnh của mình thì phải dập dấu bản quyền chớ, cứ để chạy rông thế à”. Nói với Vân, Cường tưởng cô sẽ xin lỗi hoặc gỡ ảnh xuống, nào ngờ Vân còn thản nhiên: “Mấy tấm đó đẹp, hình em, em thích gửi, thích làm gì là quyền của em chứ. Anh không biết “cute girl” (con gái dễ thương) là phải đi với “cool boy” (con trai cá tính) à. Anh thử xem lại mình xem có xứng với em không?”
Quá giận và tự ái, Cường tìm cách để trả đũa người yêu. Cậu tìm được một cô gái khác cũng xinh không kém gì Vân, nhưng “rút kinh nghiệm lần trước”, Cường cũng trở thành nhân vật chính trong bộ ảnh. Cậu còn đầu tư mua quần áo, dầu bóng, kem làm nâu da để sở hữu những shoot ảnh lung linh như người mẫu. Chẳng mấy chốc, Cường từ một anh chàng không tên tuổi “hóa” thành “hot boy” uống rượu ngoại, xài đô hiệu, cặp kè với rất nhiều “hot girl” khác. Nhưng bạn bè thì ai cũng biết vì cậu bị “đá đau” nên mới “đâm ra thù đời, sa ngã như vậy”.
Vẫn biết đánh giá một con người không chỉ qua vẻ bề ngoài, nhưng nếu vì muốn chiều lòng hay chứng tỏ với bạn gái mà con trai phải “lột xác”, tự xóa đi những tính cách đẹp của mình thì ranh giới từ “hot boy” đến “bad boy” cũng không xa là bao. Văn hào Bernard Shaw đã từng nói: “Chiếc áo của nhiều cô gái giống như hàng rào kẽm gai, bảo vệ dinh cơ chứ không giới hạn tầm nhìn”. Và biết đâu, chỉ vì “giới hạn” của một cô gái cũng có thể làm hư một chàng trai.
Ly Vũ