Cách đây hai năm, có một nhóm bạn mới tốt nghiệp đại học đi tàu lửa ra Huế để bắt đầu chuyến đi khám phá miền Trung. Trước đó, trong đất nước này, tôi chưa đi đâu xa đến tận Huế bao giờ. Đêm đầu tiên trên tàu người ta mở máy lạnh quá tay. Tôi chập chờn với cái chăn mỏng không thể phủ ấm đôi chân. Tàu lửa vẫn xình xịch xuyên qua màn đêm. Nhà cửa, cây cối mờ ảo bên ngoài cửa sổ cứ giật lùi ra phía sau. Giật mình tỉnh giấc vào khoảng hai giờ sáng, điện thoại di động báo có tin nhắn. Đó là một tin nhắn chúc ngủ ngon từ cô bạn gái. “Trời ạ, hai giờ sáng mà chưa ngủ nữa!” - Tôi tự hỏi và không hiểu bạn tôi thức đến giờ đó để làm gì. Tôi mới đi có mấy tiếng thôi mà! Lật tin nhắn tới lui một hồi, thì ra tin nhắn được nhận trễ vài tiếng đồng hồ. Nó đã được gửi từ trước đó rất lâu. Tôi ngạc nhiên vì có bao giờ gặp chuyện này ở thành phố đâu. Mạng di động có vấn đề gì hay sao? Đúng vậy, tôi trả lời được câu hỏi khi đã để ý đến thiết bị kết nối không dây đó nhiều hơn. Trong suốt chuyến tàu, tàu lửa nhiều lần băng qua những vùng không có sóng di động, những vùng chưa được phủ bằng những cell GSM hình lục giác, những vùng mà mấy cục sóng trên di động của tôi biến đâu mất tiêu. Kết quả là những tin nhắn nhận được vào thời điểm đó sẽ bị delay cho đến khi nào điện thoại di dộng nhận được sóng trở lại…
Cũng cách đây hai năm, vào tháng 4 năm 2005, “The world is flat” của Thomas Friedman được xuất bản lần đầu tiên. Nếu chúng tôi đi khám phá miền Trung, Mr. Friedman trước đó đi khám phá thế giới. Mục đích của Mr. Friedman rõ ràng hơn. Ông muốn chứng minh rằng thế giới này đang trở nên phẳng khi biên giới giữa các quốc gia đang dần mờ đi, các công ty xuyên quốc gia đang chiếm lĩnh nền kinh tế toàn cầu và quan trọng hơn, mọi người có thể kết nối và hợp tác với nhau một cách bình đẳng. Còn tôi, vô tư tận hưởng chuyến đi hơn, cũng nhận ra tôi có thể kết nối với bạn tôi mọi lúc mọi nơi trong đất nước này, dù có những chỗ vẫn còn gồ ghề, chưa được phẳng hoàn toàn, những chỗ chưa được phủ sóng di động, chưa có đường điện thoại hoặc chưa có điện. Nhưng đó đã là sự khác biệt quan trọng so với thời đại của cha ông chúng ta. Đất nước chúng ta đang dần phẳng lên. Và cuộc sống của chúng ta đang thay đổi vì cái sự phẳng đó.
Trong một bài hứa hẹn rất dài này, tôi muốn viết về chúng ta, những người bạn đang sống trong thế giới phẳng. Mọi người có nghề nghiệp khác nhau, những mối quan hệ, và quan niệm về thế giới phẳng cũng khác nhau, nhưng không thể phủ nhận, chúng ta đang sống trong một thế giới rất khác với thế giới của cha mẹ, ông bà chúng ta. Một thế giới không còn nhiều gồ ghề chứa đựng nhiều lợi ích và thách thức, nhiều niềm vui mới và cả những nỗi buồn…
Mr. Friedman ngay trong chương đầu tiên của The world is flat đã tuyên bố: nếu Christopher Columbus ngày xưa dong buồm ra khơi để xác nhận lại trái đất tròn thì Mr. Friedman ở thế kỉ 21 thấy thế giới phẳng như cái màn hình plasma. Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin và việc mở cửa của các quốc gia, thế giới được kết nối và không còn rõ ràng biên giới giữa các quốc gia, các công ty lớn. Và con người cũng được làm phẳng. Họ có đầy đủ những công cụ như nhau để cạnh tranh toàn cầu. Đó là những máy tính nhỏ gọn nhưng mạnh mẽ có thể kết nối mọi lúc, mọi nơi vào mạng toàn cầu. Chúng ta có những phần mềm trong mọi ngành nghề ngày càng tương thích với nhau, những công cụ tìm kiếm thông tin thông minh và nhiều phát kiến khác nữa. Cá nhân chưa bao giờ được trang bị tốt hơn hơn để hợp tác, để cạnh tranh và tận hưởng cuộc sống.
* * *
Trở lại chuyến đi miền Trung năm 2005, ở những nơi cao nhất như [Đăng nhập để xem liên kết. ], chúng tôi vẫn có thể gọi điện thoại di động về thành phố để chia sẻ những cảm xúc ngây ngất với bạn bè. Núi non dãy Trường Sơn trùng trùng điệp điệp trước mắt phẳng làm sao được mà phẳng? Nhưng lạ làm sao, tiếng nói chúng tôi vẫn cứ được chuyển về thành phố với tốc độ đều của ánh sáng, cứ như là chúng đang chuyển động trên một phẳng lì không có ma sát vậy.
* * *
Sau chuyến đi đó, Hiếu (con) lên đường sang Pháp du học. Mọi thứ đã được chuẩn bị từ khi Hiếu còn đang học năm cuối Đại học. Việc đi học nước ngoài không còn quá khó khăn như ngày xưa nữa. Thầy tôi ở Bách Khoa từng kể lại những khó khăn khi thầy nộp hồ sơ cho trường AIT ở Thái Lan vào những năm 90. Lúc đó thông tin về học bổng phải được mật báo qua bạn bè và thầy phải nhờ một anh bạn từ Thái Lan xách hồ sơ về Việt Nam để có đơn mà điền. So với việc bây giờ mọi thông tin về trường học, học bổng đều có thể được tìm kiếm trên web của trường (nếu trường không có web thì thà học ở Việt Nam còn tốt hơn!), hồ sơ có thể điền trực tuyến online thì đúng là có nhiều cánh cửa mở ra trước mắt chúng ta hơn. Chưa kể bạn có thể tìm được những đồng chí, những bậc tiền bối đi trước trên vô số forum, mailing list với những lời khuyên vô cùng hữu ích. Mỗi khi chuẩn bị cho mùa tuyển sinh, những cố vấn tuyển sinh (admission counselor) của những trường Đại học lớn lại sắp xếp hành lý và chuẩn bị cho những chuyến đi dài hơi giới thiệu trường của họ ở các hội thảo du học trên toàn thế giới. Nơi nào họ cũng được chào mừng nồng nhiệt bởi các sinh viên tương lai và các bậc phụ huynh, tôi tin là như vậy. Thậm chí các trường Đại học bên Hàn Quốc và Singapore còn có các giáo sư sang tận các trường Đại học lớn ở Việt Nam để tuyển sinh viên. Họ phỏng vấn trực tiếp sinh viên bằng tiếng Anh để tìm ra những nhân công trí thức thích hợp cho những dự án của họ. Thêm nữa, tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung từ xưa vốn không phải là sở trường của chúng ta. Nhưng mọi thứ đang được cải thiện đáng kể với các kênh truyền hình cáp ra rả ngày đêm, tài nguyên trên Internet luôn sẵn sàng, đĩa CD phần mềm học ngoại ngữ với giá không thể rẻ hơn. Đó là chưa kể trung tâm ngoại ngữ ở thành phố mọc lên như nấm với giáo viên bản xứ hoặc các thầy cô giáo đã được tu nghiệp ở nước ngoài. Sau cùng, điều đáng quý là du học sinh không còn quý hiếm nữa rồi!
Tôi muốn nói thêm về nghề nghiệp của những người còn lại trong nhóm bạn đến miền Trung năm đó. Những người này, may mắn làm sao, bằng nghề nghiệp của mình, đều đang góp những phần khác nhau trong công cuộc làm phẳng thế giới.
Trước khi nối gót Hiếu con sang Hàn Quốc du học, [Đăng nhập để xem liên kết. ] gia nhập TMA Solutions, một công ty nội địa chuyên làm gia công (outsourcing) phần mềm cho những công ty lớn trên toàn thế giới. Có bạn sẽ hỏi, gia công là làm gì vậy? Tôi sắp giải thích ngay đây. Khi tôi còn bé, mẹ tôi là thợ may nhưng không đủ quy mô để mở tiệm. Mẹ tôi nhận may đồ gia công cho một nhà may gần nhà. Mẹ tôi có thể làm một phần hoặc nguyên cái áo, cái quần theo những điều kiện của nhà may đó. Cái áo hay quần sau đó được gắn mác của nhà may và khách hàng cũng không phân biệt được đâu là đồ do ông chủ hay mẹ tôi may nữa. Từ thời xa xưa, mẹ tôi đã làm outsourcing rồi! Thời nay cũng vậy, các công ty lớn trên thế giới chia nhỏ công việc của họ ra và chuyển những công việc đó cho những nơi khác thực hiện nhằm mục đích chính là giảm giá thành nhân công. TMA Solutions là một công ty có tên tuổi ở Việt Nam chuyên làm gia công phần mềm cho các công ty khác trên phạm vi thế giới, rộng hơn nhiều so với nhà tôi và tiệm may gần nhà. Tôi được Hưng kể nhiều về những test cases mà Hưng cùng với testing team thực hiện trên những phần mềm về mạng máy tính. Ngoài ra, có những team khác chuyên lập trình hay viết tài liệu, những công việc được chuyên môn hóa cao không còn được giới hạn trong phạm vi một công ty nữa. [Đăng nhập để xem liên kết. ] đang làm trong một công ty nước ngoài chuyên về cá cược thể thao. Người ta vào những trang web của công ty để đặt cược cho những đội bóng, những kết quả mà họ ưng ý, hay bất kỳ thứ gì mà họ có thể cá cược được. Sau đó, việc chung độ thắng thua sẽ được giải quyết offline thông qua những đại lý (agents). Tuy nhiên, vì việc cá cược bóng đá vẫn chưa hợp pháp ở Việt Nam nên những trang web mà Thiện đang góp phần quản lý dữ liệu phục vụ cho những nước khác là chủ yếu. Mọi công việc vì vậy cũng được tiến hành trực tuyến, kể cả những cuộc hội họp trong công ty. Có thể nói Thiện cũng đang làm outsourcing, nhưng khác Hưng ở chỗ đó là một công ty nước ngoài đầu tư ở Việt Nam. Đồng nghiệp trong công ty cũng đa dạng hơn. Những anh kĩ sư người Thái hay quản lý từ Châu âu được thuê sang làm việc cùng với những kỉ sư người Việt trong một công ty ở Việt Nam mà thị trường nằm ở một đất nước khác. Những công ty như thế xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam. Những nhân viên đánh thuê toàn cầu cũng không phải hiếm. Nếu có dịp đi vào con đường bên hông Super Bowl gần sân bay, bạn sẽ ngạc nhiên vì thấy rất nhiều nhà hàng chuyên các món Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản mà các thượng đế không chỉ là người Việt. Những khu ẩm thức phục vụ quốc tế như thế không còn xa lạ ở Sài gòn nữa!
Công việc của tôi gần giống Thiện, cũng quản lý trang web, nhưng nó có những đặc thù riêng về kinh doanh trên mạng nên tôi cũng muốn góp vui vào đây. Công ty của tôi không lớn, văn phòng ở Úc, quản lý vài trang web về thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến. Website nhận đơn hàng toàn cầu nhưng phần lớn là từ Mỹ. Tôi làm việc tại nhà, giờ giấc linh động và quản lý một trang web từ A đến Z: từ những vấn đề kỷ thuật đến những tác vụ liên quan đến kinh doanh như nhận đơn hàng, xử lý, giải quyết thắc mắc, khiếu nại... Tôi lấy một cái tên tiếng Anh cho thân thiện và tiếp xúc bằng email với khách hàng khắp nơi. Có thể mọi người đang nghĩ việc tạo và quản lý một trang web như thế sẽ đòi hỏi rất nhiều kỉ năng và tiền bạc. Thật ra không phải vậy. Việc sở hữu một trang web nhỏ để kinh doanh rất là phổ biến các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ. Trong tương lai việc này cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn ở Việt Nam khi chúng ta khắc phục được một số hạn chế về thanh toán trực tuyến (online payment), thiếu những luật lệ cụ thể... Tuy nhiên, chúng ta đã có sẵn những thứ khác để bắt đầu kinh doanh từ việc thuê những nơi chứa trang web (hosting) đã có sẵn những phần mềm để buôn bán (e-commerce software) đến việc có những người bán (vendors) cung cấp hàng cho chúng ta ngay trong chính kho hàng của họ (drop-ship). Hay ta có thể làm người mua đi và bán lại (reseller) cho những website lớn hơn. Những website này sẽ hỗ trợ cho chúng ta mọi thứ để bắt đầu kinh doanh với vốn đầu tư tối thiểu nhất: không cần nhiều nhân công, không cần văn phòng, không cần hàng hóa và không cần nhiều kiến thức về kinh doanh và web. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong việc kinh doanh trên mạng vẫn là: chúng ta kiếm khách hàng ở đâu? Nguồn khách hàng quan trọng ban đầu hiện nay đến từ những công cụ tìm kiếm thông tin. Google, Yahoo hay MSN Search sẽ giúp ta quảng cáo trang web miễn phí miễn sao chúng ta chứng minh được trang web của chúng ta giúp ích cho mọi người. Ta có thể tự mình thực hiện việc chứng minh này thông qua công việc tối ưu trang web cho các công cụ tìm kiếm (SEO - Search Engine Optimization)... Đó là những công việc mà tôi đã làm trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, về một mặt nào đó, những việc đó đang đuổi theo câu Think global, act global vốn không phải là kim chỉ nam trong việc kinh doanh. Tôi tận dụng những công cụ toàn cầu, vùng vẫy để khỏi chết chìm trong cái bể lớn ngoài kia nhưng lại khá thờ ơ với những cơ hội tiềm năng ngay trong chính địa phương của mình. Nói cách khác, phải là Think global, act local mới tối ưu kia! Thương mại điện tử đang phát triển ở Việt Nam và có những bạn đang phát huy khả năng cạnh tranh cá nhân của mình trong lĩnh vực khá mới mẻ đó bằng cách tận dụng những công cụ global ngay trong phạm vi local của mình. Tôi đã từng mua đĩa DVD trên mạng, giao hàng và nhận tiền tại nhà. Thêm nữa, ngày nay không khó kiếm những bạn đang rao bán quần áo, thiệp, lịch... ngay trên chính trang blog 360 độ của mình. Viễn cảnh nhà nhà buôn bán trên mạng, nhà nhà mua sắm trên mạng không còn xa...
Bàn tiếp về Think global, act local, công việc hiện tại của [Đăng nhập để xem liên kết. ] chính là một minh họa rõ nét nhất. Diệu đang làm ở PEPSICO International-Vietnam Company, công ty con của một tập đoàn toàn cầu đã quá quen thuộc với tất cả chúng ta. Diệu nói tôi nghe nhiều về tính local của tập đoàn này ở từng quốc gia khi hầu hết lãnh đạo cao nhất của công ty PEPSICO Vietnam đều là người Việt. Người Việt để hiểu người Việt. Họ có những cách tiếp cận khách hàng theo những đặc trưng của từng vùng miền tuy vẫn giữ những cách thức quản lý chuyên nghiệp và thống nhất đã được tích lũy toàn cầu trong suốt chiều dài lịch sử của công ty. Chính vì những ứng xử địa phương như vậy mà chúng ta có sữa đậu nành Body Naturals, một thức uống quen thuộc ở Châu á nói chung và Việt Nam nói riêng. Sắp tới, sau khi hiểu rõ về thói quen ăn uống của người Việt, chắc chắn sẽ còn nhiều sản phẩm thuần địa phương nữa của Pepsi xuất hiện. Mặt khác, thêm một điều thú vị là sự chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh của Diệu. Diệu ngày xưa học kỷ thuật, bây giờ nhảy vào Pepsi làm Marketing. Một anh bạn khác của tôi đang làm sales, sắp tới học lại Computer Science. Đây có thể gọi là quá trình làm phẳng nghề nghiệp. Không còn sự cách biệt quá lớn giữa các ngành nghề trong thời đại này nữa. Các công ty, các trường đại học cũng thích ứng tốt hơn với điều này. Nó có tác dụng làm đa dạng tổ chức. Một anh chàng có cái đầu logic của dân kỷ thuật sau khi được hấp thụ những soft skills từ dân kinh doanh sẽ là vốn quý của bất kỳ tổ chức nào. Ngoài ra, sự chuyển đổi khả dĩ này một phần do nguồn thông tin vô tận mà con người đang sở hữu. Chúng ta có nhiều thông tin hơn để định hướng nghề nghiệp, để tìm hiểu những xu thế mới và để trang bị lại cho mình những kiến thức còn thiếu trong lĩnh vực mới. Nếu ngồi máy tính suốt mà vẫn có thể kinh doanh thì lẽ nào một người kinh doanh chuyển sang ngồi máy tính lại không được? Sau cùng, trong thời đại này, cho dù bạn là kỉ sư hay một nhà kinh doanh, còn kỉ năng nào quan trọng hơn khả năng tự học và kỉ năng hợp tác về mọi người?
The world is flat, I told you so! Thế giới thì phẳng, tôi đã nói bạn nghe rồi đó nha!
Tôi đã khẳng định với các bạn như vậy trong phần trước, [Đăng nhập để xem liên kết. ]. Thế nhưng, trở lại The world is flat của Thomas Friedman, ngay lần xuất bản đầu tiên, bìa sách là bức tranh hai con thuyền cổ đang ở bờ vực của trái đất và chuẩn bị rơi tỏm xuống phía dưới. Bức tranh có tên là I told you so. Vào thời của những con thuyền cổ đó, người ta chưa tin là trái đất hình cầu. Với cách hiểu đơn giản, trái đất phải phẳng thì người ta mới đứng trên nó được chứ! Bởi vậy, nếu cứ dong thuyền đi mãi, đến lúc rơi ra khỏi rìa trái đất thì ráng mà chịu, tui đã nói rồi đó nghen! Tôi ngờ rằng Christopher Columbus ngày xưa cũng đã chuẩn bị tâm lý cho tình huống tồi tệ này khi quyết định khởi hành. Nhưng vì sao một bức tranh của thời xa xưa, mang ý nghĩa tiêu cực như vậy, lại được dùng minh họa cho một cuốn sách lịch sử thế giới đầu thế kỉ 21, lại mang tên là Thế giới phẳng? Tôi đoán là có lý do của nó. Thế giới ngày nay tuy dần phẳng nhưng không liên tục, vẫn còn những chỗ gồ ghề và những vết rạn nứt. Chuyến tàu đưa chúng ta ra thế giới cũng sẽ dằn xóc trên những chỗ gồ ghề. Rồi nó có thể vượt qua những vết rạn nứt bằng khả năng lái tàu của chúng ta cộng thêm chút may mắn. Bằng ngược lại, tàu phải dừng lại và bị cô lập giữa những vết rạn, hoặc tồi tệ hơn, rơi xuống cả vào vực sâu bên dưới...
Phần này chính là lúc chúng ta đang đi vào thế giới không phẳng đó! Bằng con mắt của những hành khách trên chuyến tàu.
* * * Động đất - Đứt cáp - Mạng đờ ra mấy bữa. Mọi liên lạc thông qua nó đều chết cứng, làm cô lập những con người phụ thuộc. Thế giới tưởng như đã phẳng hoàn toàn nhưng những vết rạn đang lớn dần, vài người lọt thỏm trong những hố nứt thẳm tối…
- Trích từ [Đăng nhập để xem liên kết. ] @ blog của Lợi -
Cuối năm 2006, động đất xảy ra ở Đài Loan. Tôi đọc được tin đó ở trang cuối của báo Tuổi Trẻ hàng ngày với cảm giác thờ ơ. Đài Loan ở xa Việt Nam. Đó cũng không phải là một thiên tai thảm khốc. Thiệt hại không nhiều. Thế nhưng, ngay sau đó mọi thứ trở nên nghiêm trọng ở Việt Nam khi mạng Internet gần như tê liệt. Động đất ở Đài Loan làm đứt cáp quang truyền dữ liệu giữa Việt Nam và thế giới. Thế là khỏi lên web, khỏi email, khỏi chat... Tôi gần như bại liệt khi mở máy tính mà không thể làm gì được. Lợi có lý khi kết luận thế giới không phẳng với những vết rạn như thế. Tôi chỉ xin bổ sung thêm. Vì thế giới trở nên phẳng, trở nên phụ thuộc lẫn nhau nên chỉ cần một vết rạn ở đâu đó đều là phản ứng dây chuyền tác động đến tất cả bên liên quan. Như một tấm gương bị đập vào một chỗ nhưng rạn ra nhiều nhánh khác nhau. Tuy nhiên, cũng chính vì phụ thuộc nhau như vậy mà chúng ta cũng đã nhanh chóng tìm được đường kết nối sang hướng khác. Mạng Internet nhờ vậy được hồi phục, dù chậm. Sau cùng, đó là một bài học kinh nghiệm quý giá trong sân chơi phẳng. Ta không thể bàng quang khi tất cả đang cùng ngồi trên một con thuyền. Và bài học đó được dịp thử thách lần nữa gần đây, khi sức mạnh cá nhân trong thế giới phẳng được phát huy sai chỗ, người ta lặn xuống biển cắt cáp quang bán ve chai thì mọi chuyện không còn nghiêm trọng như ngày xưa nữa. Những nhà quản lý cảnh giác hơn tuy là vẫn phải ghi chú bài học mới này. Bài học thêm về con người. Cả thiên nhiên và con người đều có thể rạch một đường trên cái mặt phẳng thế giới, hay tệ hơn, dùng búa đánh xoảng một cái vỡ tan cái màn hình plasma đó...
Riêng chúng ta được bài học về sự lệ thuộc. Lợi và các bạn cấp hai của tôi chắc hẳn sẽ còn nhớ thầy Kiệt, một thầy giáo dạy Toán đã dạy cho chúng tôi bài học này từ rất sớm. Ngày đó, máy vi tính chưa thịnh hành nhưng máy tính calculator đã rất là phổ biến. Học trò đứa nào cũng có một cái và lúc nào cũng dùng để tính toán, ít khi nào tính nhẩm, kể cả những phép tính đơn giản nhất. Riết rồi chúng tôi trở thành nô lệ của máy tính cầm tay. Thầy luôn lên án chuyện này và muốn chúng tôi tính nhẩm nhiều hơn. Câu chuyện mỉa của thầy là một tình huống khi chúng tôi về quê dạy học cho đứa em ở dưới đó. Chúng tôi tự hào về sự học cao hiểu rộng của mình lắm cơ! Nhưng đến lúc cần tính toán gì đó thì phải "xí, để anh chạy về thành phố lấy máy tính cái đã!". Ai cũng cười khi nghe câu chuyện của thầy nhưng đã thành cái bệnh rồi, tính nhẩm thì vừa chậm, lại mang tâm lý không chắc ăn. Không biết học trò bây giờ có lệ thuộc vào calculator như chúng tôi ngày xưa không? Tôi cho là có, và còn lệ thuộc vào nhiều thứ khác hơn như máy vi tính, Internet, điện thoại di động... Tôi, đại diện cho những người được cho là đã hiểu thế giới phẳng lắm lắm, cũng bị bệnh nặng. Nhưng sau những bài học, tôi tự nhủ phải sẵn sàng đối diện những ngày ấy. Khi cúp điện, thủ sẵn vài cuốn sách để đọc như là cuốn Cách sử dụng máy đánh chữ hoặc Sách dạy nấu ăn không dùng nồi cơm điện, tủ lạnh, lò vi ba... Thỉnh thoảng, lại phải sao lưu (backup) email, address book (cả trong máy tính dẫn di động), và Y! message archive (vốn chứa toàn những behind the scenes !). Và quan trọng hơn, học trước một vài nghề đơn giản phòng trường hợp thế giới trở về thời kỳ đồ đá không còn làm IT được nữa, chẳng hạn nghề nhổ lông gà lông vịt hoặc nhồi thú bông. Nếu thế giới không còn phẳng nữa, tôi thì thích gấu bông hơn!
* * * ...Tôi và Hưng đã bất ngờ khi Tung và Xo rút ra mỗi người một cái di động Samsung nắp gập con sò ra để nhận điện thoại. Tôi đã xin số di động của Tung và Xo rồi đây, cả email nữa để rảnh rỗi online chatting chơi (Xo nói thế!). Xo và Tung phân bua với chúng tôi rằng họ nói tiếng Việt không rành bằng tiếng Anh khi tôi nghe họ nói tiếng Anh với nhau... ...Nhìn Xo điệu nghệ chặt từng khúc mía mới thấy chất núi rừng vẫn còn đó bên cạnh những nét mới mà tôi vừa biết...
Trích từ [Đăng nhập để xem liên kết. ] @ blog của Tuấn
Tháng 3 năm 2006, Hưng và tôi có một chuyến du lịch đáng nhớ đến tận miền Tây Bắc xa xôi. Cảnh vật có thể độc đáo, dịch vụ có thể vừa tốt vừa rẻ, nhưng nếu chỉ như vậy thì không thể làm nên một chuyến đi đáng nhớ. Chúng tôi đi để hiểu thêm về những thế giới mà ở đó người ta sống rất khác. Với những nếp nghĩ cũ, tôi cho là những nơi đó vẫn còn gồ ghề. Và vẫn đúng như thế khi ở trong tít những bản làng xa xôi, những cô gái dân tộc phải băng rừng lội suối cả ngày chỉ để lượm vài đống củi mang về. Suy nghĩ của họ vẫn còn đơn giản và ngây ngô vô cùng. Nhưng tôi không muốn nói nhiều về họ, những người chưa thể gọi là chúng ta vì họ chưa thể đọc được bài này, cho dù trên blog hay được in ra giấy. Tuy nhiên, đã có một lớp người dân tộc khác, ngay trong thị trấn Sapa, họ không còn cô lập nữa. Họ có điện thoại di động, mạng Internet và ngôn ngữ tiếng Anh để tích hợp họ vào thế giới. Những điều đó là những chi tiết đắt giá trong nhật ký chuyến đi của chúng tôi. Nhưng liệu họ có sẵn sàng với cuộc sống mới chưa, thế giới của họ có phẳng chưa? Khi sự tò mò hứng khởi qua đi, tôi mơ hồ nhận ra có những thứ đang ngoài tầm kiểm soát của họ...
Tháng 1 năm 2007, Hưng gửi tôi một cái link từ ngoisao.net ghi nhận [Đăng nhập để xem liên kết. ]. Người ta kinh doanh du lịch để kiếm tiền. Người dân tộc ở Sapa cũng thế. Họ hòa nhập với những người nước ngoài, nói chuyện với họ, dẫn họ đi chơi khắp núi rừng. Người dân tộc ở đây còn tự tin và thoải mái hơn nhiều người Sài gòn khi tiếp chuyện với người nước ngoài. Nhưng cái cách toàn cầu hóa để xuất hiện những đứa bé tóc vàng da trắng lang thang khắp núi rừng sao mà cay đắng quá! Nếu tôi tự phân loại đối tượng ở đoạn trên là những người đã sống và hiểu được thế giới phẳng thì chúng ta ở đoạn này là những người vô tư với thế giới phẳng. Nếu ở trên, thế giới không phẳng lì thì dưới đây, thế-giới-tưởng-chừng-không-phẳng-hóa-ra-lại-phẳng cũng không còn phẳng lặng nữa rồi!
* * *
Để cho mọi người tiện theo dõi, tôi xin nhắc lại một chút những việc tôi đang làm. Đầu tiên, tôi muốn viết về chúng ta trong thế giới phẳng. Chúng ta là những người có thể đọc được bài viết này trên blog. Thứ đến, trong phần này, thế giới hóa ra lại không phẳng đối với chúng ta, những người cho là biết thế giới phẳng và cả những người vô tư với nó. Vậy những người ở giữa thì sao? Tôi đang muốn đề cập tiếp đến những người không vô tư với thế giới phẳng và cũng không rõ nó có phẳng thiệt hay không.
Đám cưới [Đăng nhập để xem liên kết. ], một người bạn cấp 3 của tôi diễn vào tháng 5 vừa rồi. Đạm cũng làm IT. Nhưng tôi không phải đang kể về những bức thư tình lãng mạn mà Đạm post trên forum lớp tôi khi tình yêu vừa đến với anh. Chuyện đó thích hợp ở phần sau hơn. Có một chuyện khác thú vị liên quan đến chủ đề Thế giới không phẳng. Hôm đám cưới, cả nhóm đàng trai bưng quả, trên đường về thành phố, bàn tán rôm rả về chuyện thanh toán bằng thẻ tín dụng (credit card). Nhóm đó gồm những người bạn cấp 3: có anh kỉ sư IT, có anh kỉ sư điện tử và có cả bác sĩ. Nói chung là những người không vô tư với thế giới phẳng. Một bạn thắc mắc là làm sao thanh toán bằng thẻ tín dụng lúc mua hàng ngoài đời và trên mạng? Lúc đó, tôi giải thích là khi thanh toán ngoài đời, mình sẽ đưa cho cô nhân viên nguyên cái thẻ để cổ cà vào máy đọc thẻ (card reader). Sau đó cổ xuất ra hóa đơn (receipt), mình kí tên. Đơn giản vậy thôi! Còn thanh toán trên mạng thì mình cung cấp cho trang web thông tin về thẻ như là tên trên thẻ, số thẻ, ngày hết hạn. Thanh toán trên mạng thì đâu còn xa lạ gì với tôi! Tuy nhiên, có một bạn sau đó cắc cớ hỏi: "Rủi cô nhân viên ngoài đời cầm thẻ của mình, lén ghi lại thông tin, sau đó lên mạng mua hàng thì sao? Mất tiền dễ dàng! Xài thẻ như vậy thì quá mạo hiểm!". Chịu, lúc đó tôi đuối lý! Dù từ đầu tôi đã tự phân loại mình vào giai cấp hiểu thế giới phẳng lắm lắm nhưng vẫn thấy cách đó mạo hiểm. Vậy phải giải thích chuyện này như thế nào đây?
Thật ra, ngay từ cái tên gọi của thẻ tín dụng (credit card) đã thể hiện một điều quan trọng trong thế giới phẳng. Đó là lòng tin (credit). Tôi tin anh tôi mới cho anh vay tiền xài trước trả sau. Tôi tin cô tôi mới đưa thẻ của tôi cho cô đi cà. Tôi tin tưởng trang web của bạn an toàn nên tôi mới cho bạn biết thông tin thẻ của tôi. Lòng tin này càng được củng cố khi có luật pháp hỗ trợ. Nếu anh không trả nợ thì sẽ bị đòi bởi luật pháp và lần sau sẽ không ai tin và cho anh mượn nữa. Nếu cô xài thẻ của tôi mà bị phát hiện thì đó là tội ăn cắp và cô sẽ bị trừng trị. Thêm nữa, trang web của tôi đó, nếu anh tấn công vào thì cũng giống như anh đang đột nhập trái phép vào nhà tôi. Hình phạt cho kẻ đột nhập đã có, anh hiểu mà vẫn cứ làm thì xin mời! Thế giới này đủ phẳng để mọi người thấy anh đã làm việc sai trái mà anh không hề biết. Anh đừng nghĩ nó vẫn còn gồ ghề như trong rừng để có thể che dấu anh được.
Có thể nói chúng ta chưa xây dựng được lòng tin này! Và cũng không hiểu hết nó. Ta tự do, tung tẩy trên mạng mà không cần biết nó phẳng đến mức nào. Ngày xưa, tôi đã từng nhờ một anh bạn ngoài Bắc mua dùm domain dùng thẻ tín dụng lậu. Anh bạn đó kể rằng có những anh còn liều ship cả máy tính xách tay về Việt Nam. Pó tay! Rồi có một lần, trong lúc bức bối muốn có một account để xem e-book trên O'Reilly Safari, tôi đã định dùng thẻ lậu. Lúc đó, không khó kiếm một vài account thẻ lậu trên mạng. Và tôi cũng chưa suy xét nhiều đến hậu quả. Chỉ là vài đồng đô la lẻ của mấy anh tư bản giàu sụ thôi mà! Chẳng lẽ họ truy ra rồi qua Việt Nam bắt mình. Cộng thêm cái cảm giác tò mò thôi thúc tôi. Tò mò để thấy mình cũng có có khả năng hưởng lợi từ cái thế giới ảo đó. Và để thấy được cái thế giới ảo đó vẫn còn khờ khạo để cho mình qua mặt! Nhưng, dù trong thế giới nào, đó vẫn là ăn cắp. Nếu bạn nghĩ mình có được sự cạnh tranh bình đẳng trong thế giới phẳng này thì sự trừng phạt cũng sẽ rất công bằng. Tôi đã không nghĩ như vậy vào lúc đó. Cũng may mà Thiện cản tôi lại kịp. Sau cùng, tự trong thâm tâm tôi lúc đó, tôi vẫn cho là thế giới không phẳng, như cái anh chàng ở phía trên vẫn nghĩ!
Nói đi cũng phải nói lại, cái máy tính mà tôi đang ngồi có bao nhiêu phần mềm được gọi là hợp pháp. Chắc sẽ không có cái nào ngoài những phần mềm miễn phí hoặc mã nguồn mở (open source) như Firefox, Unikey,... Việt Nam vẫn là một trong những nước vi phạm bản quyền phần mềm nghiêm trọng nhất trên thế giới. Còn lâu lắm điều này mới được cải thiện. Đó là thực trạng của Việt Nam và chúng ta chấp nhận nó như một phần của cuộc chơi. Cũng như chấp nhận một điều là chúng ta chưa chơi một cách sòng phẳng vậy! Vì vậy, cũng đừng đòi hỏi người ta phải sòng phẳng lại với chúng ta. PayPal, trang web thanh toán trung gian lớn nhất thế giới vẫn chưa chấp nhận cho những tài khoản từ Việt Nam nhận tiền từ tài khoản khác. Họ vẫn chưa tin tưởng đó là những đồng tiền hợp pháp. Một ví dụ khác. Tôi lấy một cái tên tiếng Anh khi làm việc trên mạng cũng không ngoài lý do để mọi người có cái nhìn tin tưởng hơn khi buôn bán với mình. Còn nhiều ví dụ khác nữa về sự phân biệt chủng tộc trong thế giới phẳng, cả ảo lẫn thật. Nhưng thôi thì, đành chấp nhận vẫn còn có hố sâu ngăn cách mình với mọi người vậy.
Nhưng lạc quan đi! Chúng ta đang trên đường xây dựng lòng tin cho chính mình và đối với mọi người: cộng đồng mạng lên án mạnh mẽ việc ăn cắp và xài lậu thẻ tín dụng, tẩy chay ****er mũ đen; các giáo sư nước ngoài ngày càng quan tâm nhiều đến sinh viên Việt Nam bằng chính khả năng và nỗ lực của họ; và quan trọng nhất, Việt Nam gia nhập WTO, sân chơi toàn cầu. Còn nhiều ví dụ khác nữa. Những hố sâu ngăn cách đang dần dần được san lấp!
* * *
Một lần nữa, tôi muốn nói rằng tôi chưa thể nào bao quát tất cả chúng ta trong thế giới không phẳng. Mới chỉ là những mẩu chuyện tản mạn mà tôi nhớ lại và chia sẻ với mọi người. Tuy nhiên, chuyến tàu đi vào thế giới không phẳng là có thật, dù bạn có tin hay không. Mỗi chúng ta bước lên tàu và sẽ có những trải nghiệm khác nhau, dù cùng chọn một lộ trình. Nếu đọc phần này xong mà bạn có thêm niềm tin để bước lên tàu, thêm chút kinh nghiệm để lèo lái thì đó chính là thành công của tôi rồi đó.
Đừng hỏi tôi có bằng lái chưa nhé!
Hẹn gặp lại mọi người vào phần sau, khi tôi cố gắng trả lời cho câu hỏi: "Tuấn nói linh tinh lang tang về thế giới phẳng rồi lại không phẳng, điều quan trọng là tôi có vui vẻ, hạnh phúc hơn trong thế giới đó không?"
Bật mí chút, tôi sẽ vui vẻ, hạnh phúc hơn nếu được nhiều người đọc và còm-men bài này
Hồi sau sẽ rõ hơn.
Theo blog's Tuấn
Nếu bạn scroll con trỏ chuột một cách chậm rãi đến chỗ này thì đó là vinh hạnh cho tôi rồi đó. Tuy nhiên, có thể có bạn thắc mắc: "Tuấn đang viết về Chúng ta trong thế giới phẳng hay là đang khoe về chuyến đi khám phá (lại thậm xưng!) miền Trung năm nào đó cộng thêm bản lý lịch hợp thời của những người bạn? Tôi đâu thấy chúng tôi chỗ nào đâu?" Nếu bạn nghĩ như vậy thì là do tôi chưa khái quát được việc thế giới phẳng tác động đến tất cả ngành nghề như thế nào. Có những người bạn kiến trúc sư, bác sĩ, nghệ sĩ, hay chính khách... chưa được nhắc đến trong phần này. Mới chỉ có vài anh sinh viên, kỉ sư, nhà quản lý... xuất hiện làm người thế thân. Nhưng điều đó không có nghĩa bạn là người ngoài cuộc. Bạn đang đọc bài này trên blog đấy thôi. Blog làm gì có khi Columbus chứng minh trái đất cầu! Chúng ta là những nhân tố đóng góp và hưởng lợi từ thế giới phẳng. Và cả chịu đựng nó nữa, như ở những phần sau bạn sẽ thấy! Sau cùng, thế giới thì phẳng, tôi đã nói bạn nghe rồi đó nha!
Thomas L.Friedan, trong cuốn "Thế giới phẳng" - cuốn sách được đánh giá vào loại bán chạy nhất nước Mỹ - đã chỉ ra 10 yếu tố làm phẳng thế giới.
10 yếu tố này tích hợp lại có thể mô tả thành giản đồ trạng thái phát triển của thế giới trong thời đại chúng ta theo một hệ tọa độ không gian ba chiều. Trong đó, chiều cao (z) là sự phát triển của khoa học công nghệ, chiều ngang (x) là tiến trình toàn cầu hóa kinh tế và chiều dọc (y) là xu thế hòa bình và hợp tác trong nền chính trị thế giới.
Sự phát triển của khoa học - công nghệ: Trong thế giới ngày nay, khoa học - công nghệ phát triển rất nhanh, nhanh hơn rất nhiều so với bất cứ thời kỳ nào trước đó.
Có thể mô tả tốc độ phát triển của khoa học công nghệ theo đồ thị sau:
Từ đồ thị, ta thấy từ nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước, đường cong phát triển của khoa học - công nghệ biến đổi chậm. Nhưng, bắt đầu từ nửa thế kỷ sau, nó diễn ra với tốc độ rất nhanh. Thêm vào đó, tính tương tác giữa các lĩnh vực rất lớn, nghĩa là : Sự phát triển của lĩnh vực này thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của lĩnh vực khác và chúng được kết hợp với nhau tạo ra những sản phẩm kỹ thuật - công nghệ có tính năng vượt trội (Cơ - điện tử, vật liệu mới - công nghệ thông tin, v.v.).
Nếu như, trước những năm 50 của thế kỷ 20, một quốc gia nào đó có trình độ phát triển là A1 và một quốc gia khác có trình độ phát triển là B1 (B1 lớn hơn A1), chênh lệch phát triển của hai quốc gia là P1. Nếu A1 muốn đạt được mức phát triển là B1 cần một thời gian T1. Nhưng từ nửa sau của thế kỷ này, một quốc gia có trình độ phát triển A2 muốn đuổi kịp quốc gia có trình độ phát triển B2 để rút ngắn khoảng cách phát triển P2 (P2>P1), chỉ cần thời gian T2. T2 ngắn hơn nhiều T1.
Như vậy, sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ tạo ra điều kiện cho các nước đi sau rút ngắn được khoảng cách phát triển hoặc nói một cách khác là làm phẳng khoảng cách phát triển trong một thời gian ngắn hơn nhiều so với bất kỳ thời gian nào trước đó. Vấn đề là nước đi sau có tận dụng được cơ hội đó hay không.
Xu hướng toàn cầu hóa: Trước hết, cần khẳng định rằng sự phát triển khoa học công nghệ là động lực của xu thế toàn cầu hóa, nó là nội năng của tiến trình này. Toàn cầu hóa thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu kinh tế từ nước này sang nước khác và mở rộng thương mại giữa các nước, và do đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Quốc gia đi sau nếu biết phát huy lợi thế so sánh để tận dụng tốt cơ hội này sẽ rút ngắn được khoảng cách phát triển.
Xu thế hòa bình và hợp tác trong nền chính trị thế giới: Yếu tố này là "bà đỡ" cho tiến trình toàn cầu hóa. Không thể có Tổ chức Thương mại thế giới bao gồm 150 thành viên như hiện nay và còn gần 30 nước đang xin gia nhập, nếu còn sự đối đầu như thời kỳ chiến tranh lạnh. Trương Đình Tuyển – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mạiTheo Nhân Dân
Người ta nghe nhiều đến chuyện này sau khi Thomas L.Friedman cho ra mắt cuốn sách The World Is Flat (Thế giới phẳng) và bản dịch tiếng Việt được NXB Trẻ phát hành năm 2006.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi cuốn sách này được Financial Times và Golman Sachs Business bình chọn là Cuốn sách hay nhất trong năm 2005. Tác giả cuốn sách này được US. News & Report bình chọn là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất của nước Mỹ. Ông cũng đã nhiều lần được nhận giải thưởng báo chí Pulitzer.
Tác giả đã rất có lý khi chọn ra mười nhân tố có vai trò quyết định trong việc làm phẳng thế giới.
Nhân tố thứ nhất được kể đến là việc bức tường Berlin bị phá đổ vào ngày 2.11.1989, bước mở đầu để mọi người có thể nghĩ đến thế giới như là một cộng đồng chung, một thị trường chung và một nền sinh thái chung. Đây cũng là cơ hội để dẫn đến việc xuất hiện Liên minh Châu Âu và đồng tiền chung euro. Chỉ 6 tháng sau đó phiên bản Windows 3.0 ra đời, xoá bỏ mọi bưng bít thông tin, làm cho mọi người nhìn thế giới như một cộng đồng đơn nhất và có tiềm năng thống nhất.
Nhân tố thứ hai là sự ra đời mạng toàn cầu www (World Wide Web) với địa chỉ trang web đầu tiên do Berners – Lee đưa vào hoạt động từ ngày 6.8.1991. Tiếp đó là việc Công ty Netscape đưa ra trình duyệt thương mại rộng rãi, khiến từ em bé đến cụ già đều có thể dễ dàng sử dụng Internet. Chỉ 15 ngày sau khi Netscape bán cổ phiếu cho công chúng đợt đầu, hệ điều hành Windows 95 đã được chuyển tới khách hàng với tính năng cài sẵn việc hỗ trợ Internet. Giá trị của khả năng số hoá thông tin làm cho mọi người muốn số hoá mọi thứ, và mọi văn bản, hình ảnh, âm nhạc, phim truyện… đều được chuyển thành các đơn vị bit và byte. Người ta chụp ảnh bằng máy ảnh kỹ thuật số, quay phim bằng các máy ghi hình gọn nhẹ, ghi âm bằng máy nhỏ như chiếc bút, gửi thư qua email và có lẽ phim ảnh cùng tem thư sẽ chỉ còn có rất ít người cần thiết sử dụng…
Nhân tố thứ ba là sự đột phá trong xử lý công việc nhờ kết hợp được giữa máy tính cá nhân và email (thư điện tử). Phòng bán hàng có thể nhận đơn đặt hàng qua email, đưa thông tin vào hệ thống máy tính, gửi email cho phòng giao hàng, phòng này chuyển hàng đến người nhận và tự động xuất hoá đơn đã được vi tính hoá ngay tại thời điểm đó. Giấy, mực, máy chữ, cặp ba dây, tủ đựng sổ lưu trữ… chắc sẽ không còn ý nghĩa gì nữa và tham nhũng đâu còn có đất để tự tung, tự tác một cách dễ dàng!. Với giao thức SMPT có thể thực hiện việc trao đổi các thông điệp giữa các hệ thống máy tính khác nhau. Thư không cần người đưa thư, nhưng được chuyển đến mọi nơi trên thế giới trong giây lát và với giá rẻ bất ngờ. HTML là ngôn ngữ cho phép ai cũng có thể thiết kế và xuất bản dữ liệu để truyền đến bất kỳ nơi nào và bất kỳ máy tính nào cũng đều có thể truy cập. Các bác sĩ có thể giúp nhau đọc hộ phim X.quang và cho lời khuyên về một bệnh nhân ở cách xa nửa vòng trái đất. Thương mại điện tử (e – commerce) trở nên phổ biến tới từng gia đình…
Nhân tố thứ tư là việc phát triển phần mềm dựa trên cộng đồng đã trở thành một hoạt động kinh doanh đầy tiềm năng. Các cá nhân không chỉ được sử dụng thông tin mà còn là người sản xuất thông tin trên các công cụ điện tử (hiện đã có 24 triệu blog và mỗi ngày thường có thêm khoảng 7 vạn blog mới). Ai cũng có thể tham gia biên soạn Bách khoa toàn thư mở Wikipedia (với Việt Nam là [Đăng nhập để xem liên kết. ] CollabNet là nhà cung cấp các công cụ và cơ sở hạ tầng để mọi người trên thế giới có thể cộng tác với nhau qua các web an toàn (có mật khẩu mới gia nhập được). Ngày 7.7.2005 xảy ra vụ đánh bom ở tàu điện ngầm tai London, theo đề nghị trên trang web của BBC, chỉ sau 24 giờ đã có tới 2 vạn bài viết, 1.000 bức ảnh, 20 đoạn phim video mà quần chúng gửi về nhằm góp sức cho công cuộc điều tra. Ở nước ta hiện nay bạn có thể không cần mua báo mà vẫn đọc được dăm chục loại báo, mà đúng như trang báo in thật chứ không phải chỉ là tin tức như ở các website trên net.Tuy nhiên mạng với mã nguồn mở cũng phải đối mặt với các thông tin sai hoặc thiếu thiện chí.
Nhân tố thứ năm là khả năng tận dụng nguồn lao động có kỹ năng cao và rẻ tiền, lại lệch múi giờ của các nước đang phát triển để thực hiện một số công đoạn cần thiết và sau đó gắn vào dây chuyền sản xuất của mình. Ấn Độ là một nước nghèo, thay vì khai thác tài nguyên thiên nhiên, họ đã khai thác trí tuệ của dân chúng, đào tạo rất đông những chuyên gia ưu tú trong các ngành khoa học, công nghệ, y khoa. Thi vào một học viện công nghệ ở Ấn Độ còn khó hơn thi vào ĐH Harvard hay Masanchussetts (!). Y2K là sự kiện đến ngày 1.1.2000 nhiều máy tính cũ sẽ ghi là 1.1.00 và cho rằng đó là năm 1900 (!). Mỹ đã bắt tay với Ấn Độ để huy động một lực lượng chuyên gia khổng lồ tham gia giải quyết sự cố này ( kiểm tra tất cả máy tính trên thế giới!). Ngành công nghệ thông tin Ấn Độ đã để lại dấu ấn trên toàn cầu sau sự cố Y2K. Nhà báo học Louis Pasteur đã từng nói: “Vận may mỉm cười với những người luôn sẵn sàng”.
Nhân tố thứ sáu là quá trình chuyển cơ sở sản xuất đến các quốc gia có lực lượng lao động vừa đông, vừa rẻ, lại có thị trường tiêu thụ lớn. Năm 2001 sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã đảm bảo nếu các công ty nước ngoài chuyển các nhà máy tới nước này thì họ sẽ được bảo hộ bởi luật pháp quốc tế và các thực tiễn kinh doanh chuẩn mực. Một cuốn sách về các quy định của WTO được dịch ra tiếng Trung và sau vài tuần đã bán hết 2 triệu bản(!). Trung Quốc có thể cung cấp một số lượng công nhân khổng lồ và lại có một thị trường tiêu thụ sản phẩm vô cùng lớn. Đã có 400/500 công ty hàng đầu của Mỹ đầu tư hơn 2.000 dự án vào Trung Quốc. Gần đây nhiều nước đã chuyển hướng đầu tư nhiều hơn vào nước ta. Nếu tính số tiền đầu tư của nước ngoài theo bình quân đầu người thì có lẽ Việt Nam hiện đã cao hơn Trung Quốc rồi (!).
Nhân tố thứ bảy là tạo ra chuỗi cửa hàng cung cấp toàn cầu mang đến cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất, nhưng với giá trị thấp nhất. Chẳng hạn như khi bạn mua bất kỳ một mặt hàng nào tại siêu thị Wal – Mart và đặt lên bàn mua thì ngay lập tức, tại nơi nào đó trên thế giới sản xuất ra mặt hàng này, người ta lại bắt đầu sản xuất thêm ra đúng một mặt hàng tương tự như vậy. Nơi đó có thể là một nước rất xa xôi nhưng luôn luôn có một dòng chảy tới mọi chi nhánh bán hàng. Vào kỳ Noel tại 4.000 của hiệu của Wal – Mart, đã bán được tới 40 vạn máy vi tính (!). Riêng Wal – Mart đã bán được tới 2.300 triệu kiện hàng hoá mỗi năm trên phạm vi toàn cầu. người ta gọi đó là nhân tố chuỗi cung, một phương pháp cộng tác chiều ngang giữa các nhà cung cấp, người bán lẻ và khách hàng.
Nhân tố thứ tám là đồng bộ hoá thế giới nhờ thuê bao bên ngoài làm. Nói một ví dụ cho dễ hiểu: Công ty UPS trước chỉ làm nhiệm vụ chuyển phát hàng hoá. Họ có đến 270 máy bay, 88.000 xe cơ giới các loại và doanh thu hàng năm lên đến 35 tỉ USD. Nhưng họ đã tự nâng cấp hoạt động của mình lên để trở thành một nhà quản lý chuỗi cung hàng đầy năng động. Chẳng hạn bạn mua một máy tính xách tay hiệu Toshiba, nhưng bị hỏng trong thời hạn bảo hành. Bạn yêu cầu UPS chuyển đến Toshiba để sửa, sửa xong Toshiba lại yêu cầu UPS chuyển tới bạn. Thời gian sẽ dài biết chừng nào và Toshiba sẽ tốn kém biết bao nhiêu. Ngày nay Toshiba huấn luyện để UPS có xưởng sửa chữa ngay tại chỗ và chỉ hai ngày sau bạn có thể nhận lại được máy tính từ Công ty Toshiba hẳn hoi.
Nhân tố thứ chín là có thể tìm thấy bất cứ câu trả lời nào nhờ tìm kiếm trên các trang web mang chức năng của những công cụ tìm, kiếm khổng lồ như Google, Yahoo, MSN, TiVo… Đó là một xu thế mới của Internet – xu thế tự phục vụ!
Nhân tố thứ mười là những tiến bộ của các phương tiện không dây truyền đạt thông tin. Ví dụ máy nghe nhạc số iPaq nhỏ hơn bàn tay có thể kết nối không dây với Internet và những thiết bị khác bằng phát tia từ ngoại ( cách 1m), bằng Bluetooth (cách 9,14m), bằng Wi – fi (cách 45,72m). Điện thoại di động là thiết bị không dây có thể liên hệ tới mọi nơi trên thế giới. Với ổ đĩa USB 2.0 và bộ xử lý Pentium, ngày nay để tải một bức ảnh từ máy ảnh số xuống chỉ cần chưa đến 0,5 giây(!). Với máy nghe nhạc iPod 40GB nhỏ xíu ngày nay bạn có thể lưu giữ vài nghìn bài hát mà bạn yêu thích. Bằng máy tính xách tay, máy tính cá nhân hay PDA và một chiếc microphone đính kèm, bạn có thể gọi điện thoại ra khắp thế giới với giá không đáng kể hoặc hoàn toàn miễn phí nếu sử dụng qua cổng Internet được gọi là VoIP. Với công nghệ đàm thoại qua video, chúng ta có thể tổ chức các hội thảo quốc tế mà không cần tốn phí vé máy bay và chi phí ăn ở. Các bên ngồi trước một bàn dài đối diện với một bức tường có gắn TV màn hình phẳng. Tha hồ tranh cãi nhau và có cảm tưởng nghe được cả hơi thở của nhau (!)…
Tôi không đủ khả năng giới thiệu cuốn sách nổi tiếng “Thế giới phẳng” của Thomas L.Friedman vì nó dày tới 818 trang và hết sức phong phú. Tôi chỉ muốn truyền đạt lại một cách tóm tắt vì sao thế giới hiện nay đang trở thành một thế giới phẳng. Chúng ta vừa gia nhập WTO, tức là tham gia trực tiếp vào phiên chợ toàn cầu với vô vàn cơ hội và cũng không ít thách thức. Cần hiểu rõ chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng để tận dụng các mặt ưu việt của nó và cũng để phòng tránh các tác hại tiêu cực là mặt trái của thế giới phẳng.
GS Nguyễn Lân Dũng
Trích:
Các bạn download tài liệu theo link sau:
[Đăng nhập để xem liên kết. ]
Về cuốn Thế giới phẳng, đã có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau tranh luận về nội dung của nó, bên cạnh những ý kiến ca ngợi, cũng không ít những lời phê phán. Mình xin trích một trong số những ý kiến phê phán đó: Nhận xét chung về cuốn sách, một bài điểm sách trên tờ The Economist cho rằng Thế giới phẳng của Thomas Friedman là một sự “thất bại ảm đạm”, vấn đề không phải là thiếu các chi tiết, mà là có quá ít cái để nói thông qua các chi tiết ấy, và tác giả lúc nào cũng lặp đi lặp lại rằng thế giới này đang nhỏ đi, quá trình này là không thể tránh khỏi, bao nhiêu thứ đang thay đổi, và chúng ta không nên sợ điều này....[Đăng nhập để xem liên kết. ] Còn theo Tuổi Trẻ: " Người Việt thường nói “Trái đất tròn, có ngày sẽ gặp lại”. Chuyện thế giới phẳng hay tròn chỉ là chuyện chữ nghĩa; cái quan trọng là trong thế giới phẳng như miêu tả của Friedman, con người không xích lại gần nhau hơn, họ có thể nhìn thấy nhau nhưng khó lòng giang tay ra nắm thành một vòng tròn như trong thế giới “không phẳng”. [Đăng nhập để xem liên kết. ]
Còn người Việt Nam chúng ta nên nhận định thế nào về "quá trình làm phẳng" đó ??? xin mời tham khảo một [Đăng nhập để xem liên kết. ]
thay đổi nội dung bởi: Gem, 09-09-2007 lúc 04:49 PM.