Nhìn từ Học viện bóng đá JMG - Arsenal - Hoàng Anh Gia Lai
Triết lý dạy trẻ em đá bóng của JMG - Arsenal - Hoàng Anh Gia Lai gần như ngược với những gì mà bóng đá VN đã làm. Những HLV ở đây trước tiên phải là những nhà giáo dục, và phương châm của họ là nhân cách và trí tuệ trước, bóng đá sau. Bởi chính nhân cách và trí tuệ lại giúp ích rất nhiều cho việc phát triển chuyên môn…
Bài 1:
Một ngày ở Học viện Hàm Rồng
TT - “Mẹ ơi, đi ăn khuya với tụi con đi mẹ”. “Tụi con đi đi, mẹ không ăn đâu!”. “Đi mà, mẹ phải ráng ăn để cứng cáp đôi chân chớ!”. “Mẹ có đá banh đâu mà cần cứng chân...”. “Thì mẹ cần cứng chân để... đêm còn đi rình bắt tụi con chớ”… Chị Lê Thị Phương Hảo, bảo mẫu của lớp, kể chúng tôi nghe câu chuyện này kèm với nụ cười.
Thế đó, dù phải sống tập trung trong một môi trường kỷ luật nghiêm ngặt, nhưng cái lém lỉnh học trò không mất đi với các cầu thủ nhí đang ở lứa tuổi 12, 13 này.
Các học viên vui đùa trong một tiệc sinh nhật - Ảnh: S.H.
Ca tập trái giờ…
Buổi sáng, khuôn viên lãng mạn của Học viện Hàm Rồng khá yên ắng vì các cầu thủ nhí đã đến trường học chữ. Họ được đưa đón bằng một chiếc xe buýt sang trọng - vốn là xe của đội một Hoàng Anh Gia Lai đi thi đấu.
Các nhân vật chính vắng nhà, nhưng “hậu cần” vẫn căng mình cùng công việc hằng ngày. Ở văn phòng huấn luyện, Graechen Guillaume và Minh Ninh (cựu tiền đạo của Hoàng Anh Gia Lai) đang cặm cụi đọc sơ đồ giáo án trên máy tính. Cách đó một dãy nhà, bếp ăn đang chộn rộn chuẩn bị bữa ăn trưa. Hai cô bảo mẫu đang gom áo quần dơ cho vào máy giặt…
Cả một bộ máy đồng bộ cùng chuẩn bị cho một ngày của 16 cậu nhỏ.
Hơn 11g. Guillaume và Minh Ninh rời văn phòng, mang dụng cụ tập luyện ra sân bóng. Cùng lúc, chiếc xe buýt đã trở về. Không có nhiều tiếng reo òa trẻ thơ, chỉ thấy những nụ cười rất tươi và những vòng tay khoanh chào người lạ rất lễ phép. 16 cậu nhí đã quen, trở về phòng ăn vội bánh trái mà các cô bảo mẫu bày sẵn rồi thay trang phục tập luyện.
Bữa trưa đang chờ. Nhưng thay vì đến nhà ăn, 16 cầu thủ nhí đi thẳng đến sân bóng và bắt đầu các bài tập tâng bóng dưới sự quan sát của hai HLV một nội, một ngoại. Các bài tập đơn giản nhưng đòi hỏi độ chính xác cao: tâng bóng bằng đầu và hai vai; bằng ngực và đầu gối; bằng mu bàn chân ngực… Không thấy cảm giác mệt mỏi nào từ các cậu nhỏ.
Điều băn khoăn của chúng tôi về việc tập ngay sau giờ học chỉ được Guillaume nhún vai giải thích đơn giản: “Để các em say với trái bóng và quen với điều kiện thời tiết không tốt”.
Nắng hay mưa đều phải ra sân ngay sau khi đi học về như thế.
Thực đơn hơn cả… đội tuyển quốc gia
Thầy trò ăn cùng mâm - Ảnh: S.H.
Bữa cơm trưa của các nhí - cùng lúc với các tuyển thủ quốc gia đang tập trung tại đây - không khác nhau. “Không phải là bữa ăn đặc biệt vì có đội tuyển đến đâu - anh Trần Văn Minh, quản lý Học viện Hàm Rồng, cho hay - thực đơn bao giờ cũng thế!”. Nhìn các tuyển thủ ngon miệng trong bữa ăn, có thể hiểu vì sao những nhà tuyển trạch của học viện tự tin tuyên bố với phụ huynh những ngày đầu: đừng lo về chuyện thấp bé nhẹ cân của các cháu.
Liệt kê thực đơn một bữa ăn: giò heo giả cầy, cá đồng chiên, chả ram, sườn nướng, tôm sú luộc, canh bí đỏ, cải thìa xốt dầu hào và tráng miệng bằng dưa hấu, sữa chua, chè… Có thể thấy chế độ dinh dưỡng và sự ngon miệng luôn được ưu tiên hàng đầu.
Các nhí nhập tiệc khá muộn. Bài tập giữa trưa xong, tắm rửa và đến nhà ăn. 16 cậu nhỏ được chia thành bốn bàn, mỗi bàn sẽ có một người lớn ngồi kèm: hai HLV và hai bảo mẫu chia ra cùng ăn, nhưng sự thật, nhiệm vụ của họ là quan sát xem khẩu phần và khẩu vị có hợp với các em.
Nhiều tuyển thủ quốc gia sau đợt tập trung tại Hàm Rồng vừa rồi đã thẳng thắn cho biết chuyện ăn uống, điều kiện sinh hoạt, tập luyện mà các cầu thủ nhí của học viện đang thụ hưởng, hoàn toàn ăn đứt những gì mà đội tuyển được hưởng trong những đợt tập trung tại các trung tâm huấn luyện quốc gia!
Điệp vụ sau giờ giới nghiêm
Và trò chơi rèn trí lực được ưa thích: cờ vua -Ảnh: S.H.
Buổi tập chiều bắt đầu lúc 15g cho đến khi tắt nắng. Khi các nhí sau khi vùng vẫy thỏa thích ở hồ bơi, xong bữa cơm chiều thì anh Trần Văn Minh lái xe ngược về thành phố Pleiku đón cô Trần Thị Ái Vân, giáo viên của trung tâm sinh ngữ thành phố. 19g30, buổi học Anh văn bắt đầu.
Có mặt cùng lớp học, chúng tôi chứng kiến sự sinh động đến bất ngờ. Mỗi câu hỏi của cô giáo đều có hàng chục cánh tay đưa lên đòi trả lời. Nói cách khác, các nhí đều chuẩn bị bài rất kỹ. Đông Triều, một nhí đến từ Quảng Nam, thậm chí còn phàn nàn: “Sao cô không cho em trả lời…”.
Buổi học sinh ngữ kết thúc, đến giờ ôn tập bài ở phòng riêng. Trên mỗi bàn học đều có một phù điêu gỗ với hoa văn sắc sảo và tên của chủ nhân đặt ở vị trí trang trọng. 21g30 sẽ là giờ ngủ.
Nhưng đây cũng là lúc các nhí canh me các bảo mẫu. Chỉ cần nhìn thấy phòng bảo mẫu tắt đèn là… hai ba phòng sẽ dồn lại một, kéo nệm xuống nằm chung và rủ rỉ trò chuyện. Chị Lê Thị Phương Hảo than đến là khổ với tụi nhỏ và các điệp vụ như thế, cho nên hai cô bảo mẫu phải thay nhau đi tuần thường xuyên.
Chị Hảo cũng cho biết 16 cậu nhí đều có điện thoại di động, nhưng chỉ cần không kiểm soát là chuông sẽ réo liên tục từ cái này sang cái khác. Quy định mới ra đời: tối chủ nhật, 16 cái điện thọai sẽ được nộp về… kho và chiều thứ bảy sẽ được hoàn trả các chủ nhân để nối mạng với gia đình và thế giới bên ngoài.
***
Một điều kiện sống lý tưởng trong một khuôn viên xanh ngát với cỏ và cây, hồ bơi, biệt lập hẳn khu dân cư xung quanh; sự chăm sóc chu đáo ở mức độ khoa học tốt nhất có thể cùng những niềm vui trẻ thơ đúng nghĩa đang, ít nhất bằng quan sát của chúng tôi, giúp các em hoàn thiện cả cơ thể lẫn nhân cách.
ĐÌNH THẮNG - SĨ HUYÊN