Khi bạn đến một vùng đất mới, khi bạn trở thành người nhập cư ở một thành phố lạ...thì những điều mà bạn thấy mình cần quan tâm nhất là gì?
Bạn có thể sẽ phải ngập ngừng ít nhất vài mươi giây, và với nhiều người có thể là vài phút... để trả lời câu hỏi này. Nhưng có một người đoan chắc rằng sẽ không lãng phí quá vài giây để suy nghĩ, vì câu trả lời của anh thật sự đơn giản, rất ngắn ngọn: “Tôi quan tâm đến tất cả...!”
Đó là ấn tượng đầu tiên về Sydney yêu thương.
Có bài viết ngắn chỉ độ vài trăm chữ, có bài viết dài đến cả 5 trang giấy... Sydney yêu thương phần nào đó giống như một collection những kỉ niệm trong những ngày tháng làm du học sinh chuyên ngành ngành sản xuất truyền hình (Đại học kỹ thuật Sydney) của tác giả. Những ngày đầu đến với Sydney là những ngày rong rủi đi tìm nhà trọ để sống, mà triết lý muôn đời ai cũng biết nhà đẹp thì đắt tiền, nhà rẻ thì không gian hoặc tiện nghi không thoải mái...Rồi thì cuối cùng cũng tìm được một chổ thích hợp để yên ấm, và trong giây phút nào đó bất ngờ nhận ra rằng trong ngôi nhà mình đang ở thuê kia tất cả các căn phòng của chủ nhà lẫn người trọ đều không có khóa hay bấm chốt cửa. Vì ở Úc người ta không bao giờ muốn có những “vách ngăn” trong không gian gia đình...
Những câu chuyện về bạn bè đến từ khắp nơi trên thế giới trong cái lớp học đa sắc tộc và tôn giáo dành cho những người trẻ luôn ấp ủ niềm đam mê cầu tiến mỗi ngày. Những người Việt, trẻ có giá có, sống và bươn chải nơi xứ lạ, cố gắng giữ trong tim những mơ ước đâm chồi dù trong bất cứ nghịch cảnh nào. Và đọc được những chia sẻ đầy trách nhiệm về quan điểm sống về cách mỗi người chỉ nên tắm bao nhiêu phút dưới vòi sen, dùng bao nhiêu điện là đủ...Hay là cách cư dân của xứ sở Kangaroo vẫn để một hộp thư trước nhà để chờ đợi những cánh thư viết tay mang nhiều câu chữ đầy cảm xúc cần được giữ lại giữa cuộc sống hiện đại nhiều gấp gáp.
Nhưng, cũng giống như tâm thế của bao người xa nhà khác, Sydney yêu thương phảng phất những nỗi niềm của một người trẻ thường ngoái nhìn lại phía quê nhà. Một góc nhà ga trung tâm với những hình ảnh của người đi kẻ ở, mùa hoa Jacaranda tím không gian đầy lãng mạn trên những con đường đi học nơi xứ người...đều nhắc nhớ về những yêu thương đã rất xa hay chỉ mới ngày hôm qua. Cho dù niềm háo hức được gặp các thần tượng của giới trẻ thế giới, những ngôi sao mang quốc tịch Úc vẫn chưa bao giờ tan biến đi qua góc nhìn và cả những bức ảnh đẹp của chính tác giả cuốn sách: Nicole Kidman, Delta Goodrem, Zac Efron, David Beckham... Thậm chí là chuyện chính trị, chuyện chơi thể thao với nhiều lạ lẫm, bất ngờ.
Đi, viết, và chụp lại những khoảnh khắc mà mình muốn lưu giữ. Tác giả cuốn sách gần như có tất cả mọi thế mạnh trong tay của mình. Vấn đề là làm sao cho tất cả những trải nghiệm đó thật sự sâu sắc chứ không đơn giản chỉ là những cảm xúc nhất thời đến và mất đi như cách mà mình đặt một đồng phỉnh vào máy đánh bạc và...mất hút.
Sydney yêu thương là một cách giúp cho bạn biết yêu thương những thành phố lạ. Cho dù bạn chưa từng đến đó, bạn vẫn có thể yêu thương nó qua những trang sách này, và nếu bạn đã từng đến đó, bạn sẽ thấy yêu thương hơn vì những điều mình có thể đã không nhận ra lúc ở đấy...
Sydney Opera House là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất nước Úc. Nhưng bạn có biết là đã có rất nhiều người phụ nữ của thành phố xinh đẹp kia đã từng rao bán nụ hôn của mình với giá 77 đô la để quyên tiền xây dựng nên kì quan lộng lẫy đó...
Hãy bắt đầu từ những chi tiết nhỏ như thế khi đọc và lúc gấp lại cuốn sách này.
P/S: Sydney yêu thương hiện đã có trên các kệ sách ngoài thị trường, cùng lúc đó cuốn sách Bí mật ở Cannes viết về Liên hoan phim quốc tế Cannes nổi tiếng mà tác giả từng tham dự cũng đã phát hành. Tác giả Trung Nghĩa là nhà báo kiêm nhiếp ảnh gia ở mảng Văn hóa- Nghệ thuật và cả Thể thao ở báo Tuổi Trẻ. Hiện tại thì Trung Nghĩa đang phụ trách talkshow truyền hình của bộ phận Media trên Tuổi Trẻ Online. Và có lẽ... là tháng 4/2009 này như Trung Nghĩa cho biết, anh sẽ trở lại Sydney để học một thời gian nữa với một chuyên ngành hoàn toàn mới.