Cải lương, nghĩa đen là đổi mới, là một loại hình nghệ thuật sân khấu kịch hát của miền nam Việt Nam, trên cơ sở dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long, nhạc tế lễ, và bản Vọng cổ. Nghệ thuật này ra đời vào năm 1917, chịu nhiều ảnh hưởng của âm nhạc Tây phương hơn so với các nghệ thuật thuần túy như hát chèo và hát bội. Đề tài của các tuồng cải lương thường liên quan đến các điển tích và những vấn đề xã hội. Hiện nay cải lương vẫn còn thịnh hành, đặc biệt là tại miền nam Việt Nam.
Lịch sử
Tiền thân của nghệ thuật cải lương là các tài tử hát ca trong các buổi lễ gia tư, không trên sân khấu hay trước nhiều người. Vào năm 1911, ông Nguyễn Tống Triều (Tư Triều), người lãnh đạo một ban tài tử, muốn có nhiều khán giả nên đã thương lượng với ông chủ của một khách sạn ở Mỹ Tho cho nhóm ông biểu diễn cho các khách. Họ được khán giả đón tiếp nồng nhiệt và được sự để ý của một ông chủ rạp hát bóng gần đó và được đề nghị biểu diễn tại đó. Lúc đó sân khấu rất đơn giản, các tài tử bận quốc phục ngồi trên một bộ ván biểu diễn, không giống cải lương bây giờ. Dần dần cách biểu diễn này được lan tràn vào Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ. Tên cải lương xuất hiện lần đầu vào năm 1920 tại bản hiệu gánh hát Tần Thịnh trên câu liên đối:
"Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh"