Long An là tỉnh nằm trong Vùng Kinh tế trọng điểm Phía Nam. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của vùng, cơ sở hạ tầng nói chung, giao thông nói riêng của tỉnh đã từng bước được đầu tư hoàn chỉnh. Điều này đã góp phần thu hút đầu tư cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số bất cập nhỏ mà nếu được ngành chức năng quan tâm khắc phục sớm sẽ làm cho bộ mặt giao thông Long An thêm phần khang trang hơn. Đó chính là việc lắp đặt các biển chỉ đường.
Điều dễ dàng nhận ra khi lưu thông trên các tuyến đường của tỉnh hiện nay là sự thiếu vắng những biển chỉ đường. Từ các tuyến quốc lộ lớn như quốc lộ 1A, quốc lộ 50, quốc lộ 62, quốc lộ N2 đến các tuyến đường tỉnh (ĐT) trọng điểm như ĐT830 (Bến Lức – Đức Hòa), ĐT823, ĐT824, ĐT825 (huyện Đức Hòa), ĐT826 (huyện Cần Đước), ĐT835 (huyện Cần Giuộc)… hầu như có rất ít biển chỉ đường được lắp đặt. Số biển hiện hữu chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Điều này gây khó khăn cho người tham gia lưu thông, nhất là người từ các tỉnh thành khác đến. Ngay như quốc lộ 1A với chiều dài trên địa bàn Long An khoảng 26km với rất nhiều giao lộ nhưng chỉ có vỏn vẹn 3 biển chỉ dẫn. Mà hầu hết các biển này đều do trung ương lắp đặt, gồm 1 bảng tại nghĩa trang liệt sỹ tỉnh (chỉ dẫn các hướng đi Tân Trụ, Thủ Thừa, thị xã Tân An và thành phố Cần Thơ), 1 bảng trước trung tâm viễn thông Long An (chỉ dẫn các hướng đi Mộc Hóa, thị xã Tân An và thành phố Mỹ Tho), bảng còn lại ở ngã tư đường tránh thị xã và quốc lộ 62.
Tại các giao lộ khác trên quốc lộ 1A, người tham gia lưu thông không biết đường nào mà lần nếu không mở miệng hỏi. Ngã ba Gò Đen, xã Long Hiệp huyện Bến Lức, một giao lộ lớn, một đầu mối giao thông trọng điểm để đi các huyện vùng hạ của tỉnh và kết nối với quốc lộ 50 thông qua ĐT835, ĐT826. Quan trọng là vậy nhưng ở đây không hề có bất kỳ một biển chỉ đường nào trên cả hai chiều: chiều từ TP.HCM xuống và chiều từ Long An lên. Có lẽ không quá tốn kém chi phí để lắp đặt thêm một cái bảng diện tích vài mét vuông. Cái mất lớn nhất trong nhiều năm qua không chỉ là hiệu quả và an toàn trong lưu thông mà còn là cơ hội để quảng bá các địa danh nổi tiếng của Long An. Người dân cả nước chắc hẳn không quá xa lạ với một đặc sản của Long An là gạo nàng thơm Chợ Đào, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước. Nhưng đi suốt trên chiều dài của quốc lộ 1A đoạn qua Long An khách thập phương muốn rẽ về Cần Đước không thể tìm đâu ra sự chỉ dẫn cần thiết mà đáng lẽ ra phải có. Hay tại thị xã Tân An, di tích lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức cũng rất nổi tiếng nhưng ngoài cái cổng lăng nằm bề thế cặp theo quốc lộ 1A thì từ cả hai hướng Miền Tây lên hay thành phố xuống, trước khi vào khu vực giao lộ ngã ba lăng đều không có biển chỉ dẫn.
Còn, còn rất nhiều những trường hợp tương tự như thế mà người dân ai cũng có thể nhận ra nếu có dịp rong ruổi trên quốc lộ 1A. Chỉ riêng mỗi ngành chức năng hình như không thấy, không hay, không biết đã từ rất nhiều những năm qua. Ai cũng rõ quốc lộ 1A là trục giao thông xương sống, có ý nghĩa sống còn đối với Long An. Từ con đường 1A này, nhiều tuyến lộ huyết mạch tỏa đi khắp các địa bàn huyện thị trong tỉnh. Hướng chỉ dẫn đi Cần Giuộc, Cần Đước bị lãng quên tại ngã ba Gò Đen như nêu ở trên. Biển chỉ đường vào lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức – thị xã Tân An cũng không “buồn” được lắp đặt. Vậy thì ngoài ý nghĩa, tác dụng trong giao thông, Long An tự giới thiệu được gì về mình trên con đường có quá nhiều lợi thế này mà nhiều địa phương khác mơ ước? Long An đang trong quá trình hội nhập với Vùng Kinh tế trọng điểm Phía Nam. Qua các bảng chỉ đường ít ỏi như đã đề cập, các tên địa danh hành chính, các địa điểm văn hóa lịch sử tự mình đã làm giảm đi sự gần gũi với bạn bè khu vực. Nhưng điều đáng nói, đáng buồn hơn cả là tại các giao lộ giữa quốc lộ 1A với đường vào các khu, cụm công nghiệp trọng điểm của tỉnh cũng hầu như thiếu vắng hẳn các bảng chỉ dẫn! Ngã tư Long Kim, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức cần lắm một biển chỉ dẫn để tạo cầu nối thông tin cho những ai, nhất là những nhà đầu tư tìm đến với các khu công nghiệp đầy tiềm năng ở Đức Hòa (phía Bắc quốc lộ 1A) hay gần hơn là khu, cụm công nghiệp Long Định – Long Cang (phía Nam quốc lộ 1A, cách quốc lộ này non vài cây số). Bên kia cầu Bến Lức, ngã tư Nhựt Chánh đã được nâng cấp khang trang, chỉn chu, mở đường phát triển cho các khu công nghiệp sôi động phía trong như Thạnh Đức, Thanh Yến, An Nhựt Tân… cũng đang chờ một bảng chỉ dẫn như thế. Hay như ngã ba Bình Anh huyện Thủ Thừa cũng trống tuênh toang dù không thiếu không gian dành cho hai cái trụ sắt, một tấm biển xanh vài ba mét vuông chỉ để nói lên một điều hết sức đơn giản nhưng cần thiết và hiệu quả: từ đây vào được huyện Thủ Thừa hay KCN rác Tân Thành đã thai nghén từ nhiều năm qua! Tình trạng tương tự tại ngã ba Cầu Voi (đi các xã Quê Mỹ Thạnh, Lạc Tấn – huyện Tân Trụ), ngã ba quốc lộ 1A – đường vào cảng Bourbon – huyện Bến Lức…
Rời quốc lộ 1A, người viết thử đi khảo sát tiếp các tuyến đường khác. Trên quốc lộ 50, quốc lộ 62, các biển chỉ đường cũng rất nghèo nàn. Quốc lộ N2 đoạn từ ngã ba Hòa Khánh huyện Đức Hòa đến huyện Thạnh Hóa dài khoảng 40km vừa được xây dựng. Con đường đi xuyên qua vùng đất mới vốn là rốn lũ Đồng Tháp Mười của Long An với ngút ngàn tầm mắt, hứa hẹn mở ra một hành lang phát triển mới, rộng lớn cho tỉnh nhà. Do nằm trên địa bàn trũng thấp, đang trong quá trình khai hoang phục hóa nên quốc lộ N2 cắt ngang sông, kênh rạch nhiều hơn giao cắt với các đường bộ. Tuy vậy, tại các giao lộ đường bộ hiếm hoi này, các biển chỉ dẫn vừa thiếu lại vừa có vấn đề. Thiếu là vì ở điểm giao cắt với ĐT830 nối dài thuộc xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, trên cả hai hướng: hướng về Đức Hòa và hướng về Thạnh Hóa đều không được lắp biển báo. Trong khi đó, điểm giao cắt này chỉ cách ĐT824, ĐT830, Khu công nghiệp Khu dân cư Tân Đức đúng 01 km. Rõ ràng nếu có được các thông tin này, người tham gia lưu thông muốn di chuyển về thị trấn Đức Hòa không phải đi vòng đến tận ngã ba Hòa Khánh rồi mới rẽ về theo ĐT825 đang xuống cấp nặng nề. Hay như các bác tài muốn về Bến Lức cũng phải lưu thông theo đường vòng như thế, vừa mất thời gian vừa tốn thêm nhiên liệu (xa hơn gần chục km). Còn tại ngã ba quốc lộ 62 – quốc lộ N2, biển chỉ đường khá đầy đủ ở cả ba hướng vào khu vực giao lộ. Tuy nhiên, trên các biển chỉ dẫn này, không hiểu vì lý do gì mà hướng mũi tên về Đức Hòa bị bôi xóa một cách nham nhở. Việc bôi xóa diễn ra đã khá lâu. Nếu ngành chức năng có ý tưởng sáng tạo hay đột phá gì mới cho các biển báo – vốn đã có quy chuẩn, quy cách hẳn hoi – cũng cần thực hiện sớm để người tham gia lưu thông trên hai quốc lộ quan trọng này không phải phân tâm một cách không cần thiết!
Một ngày ngang qua địa bàn Long An trên những con đường mới, một nhịp điệu phát triển sôi động đang định hình. Đây là kết quả đáng mừng, đáp lại sự quan tâm đầu tư của tỉnh và mong đợi của nhân dân. Nhưng nhịp điệu ấy sẽ còn sôi động hơn nếu những con đường đã được đầu tư khang trang ấy có thể hướng và đưa nhà đầu tư đến xây nhà máy, công xưởng; hướng và đưa du khách thập phương đến tham quan thăm viếng. Điều tưởng chừng khó khăn lại có thể thực hiện đơn giản, hiệu quả thông qua các biển chỉ đường. Những ngã tư Đức Hòa, Đức Lập, Tân Mỹ, Xoài Đôi, Lạc Tấn…; ngã ba Mỹ Hạnh, Gò Mối, Tua Một, Lộc Giang, Hiệp Hòa… đã rộng mở đến tận cổng các khu, cụm công nghiệp bề thế, các di tích, danh thắng nổi tiếng của tỉnh nhưng vẫn chưa nhiều người biết đến và bước chân lui tới. Thiết nghĩ trách nhiệm không chỉ riêng của ngành giao thông vận tải mà là của tất cả những ai nặng lòng với sự phát triển của Long An sao cho xứng đáng với vị thế và tiềm năng. doannguyenminh
Những điều cứ tưởng là đơn giản nhưng nếu thực hiện được thì hữu ích biết mấy.
Ngoài những điều bác doannguyenminh đề cập, tôi ước ao 2 cửa ngõ: Saigon xuống LA hay từ Tiền Giang vào LA có đặt Travel Centers: cung cấp miễn phí mọi thông tin về LA qua brochure hay bản đồ chi tiết LA & có bãi đậu xe nghĩ chân thoáng mát nhiều cây xanh cho khách xe gắn máy hay xe hơi & hệ thống nhà vệ sinh chất lượng cao & kết hợp với kết cấu quán ăn cho tư nhân thuê mặt bằng (làm theo kiểu "Vân Mập"...- quán ăn lớn khi về miền Tây). Có lẽ có người nói lấy kinh phí ở đâu ra: đất đai thì nhà nước có & còn kinh phí xây dựng nếu tiếp thị tốt sẽ có các công ty muốn quảng cáo sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra đài thọ.