Những ngày qua, không ít trình dược viên của các hãng dược phẩm nước ngoài cũng như trong nước… đã không tin vào mắt mình khi một số bác sĩ của bệnh viện công mở phòng mạch tư và “ăn” chiết khấu hoa hồng mua thuốc, kê toa thuốc rất cao. Theo phản ánh của một số trình dược viên, có bác sĩ được chiết khấu lên tới 30% với nửa tỷ đồng/tháng. Sự thật đã được hé lộ!
Minh hoạ: A. DŨNG
Mỗi tháng mua nửa căn hộ
“Mục sở thị” bảng tổng kết bán hàng của nhân viên Công ty Dược phẩm Shering - Plough thuộc một tập đoàn dược của Mỹ có văn phòng đại diện tại Việt Nam, nhiều bác sĩ thực sự “choáng” bởi chiết khấu hoa hồng cao ngất ngưởng. Cứ mỗi sản phẩm kê đơn, bác sĩ được chiết khấu tới 10%, thậm chí 30% giá trị. Cụ thể, chỉ với hai loại thuốc đặc trị viêm gan là P.50 (Peg-intron 50mcg) và P.80 (Peg-intron 80mcg), mỗi tháng có bác sĩ được chiết khấu lên tới nửa tỷ đồng, tương đương trị giá nửa căn hộ chung cư hiện nay.
Bảng tổng kết bán hàng tháng 7-2009 của một nhân viên Công ty Dược Shering - Plough cho thấy, nhân viên này đã “đi” thuốc cho phòng mạch của BS Trương Bá Trung (nằm trên đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, TPHCM) 300 lọ thuốc P.50 với giá 1,8 triệu đồng/lọ, và 525 lọ P.80 với giá 3 triệu đồng/lọ. Được biết, với chiết khấu cho BS Trung bình quân 25% như “thoả thuận”, bác sĩ này đã “ẵm” trọn số tiền 528 triệu đồng.
Còn trong tháng 8-2009, bác sĩ Trung đã sử dụng 612 lọ thuốc P.80 và đương nhiên, số tiền hoa hồng mà Công ty Dược Shering -Plough đã chiết khấu cũng lên tới 459 triệu đồng… Qua điều tra được biết, BS Trung là một chuyên gia về gan mật đang công tác tại BV Đại học Y Dược TPHCM. Ngoài công tác tại bệnh viện công, phòng mạch của BS Trung luôn đông bệnh nhân mắc các bệnh lý về gan mật và có số lượng dùng thuốc đặc trị P.50 và P.80 rất lớn…
Tương tự, thông tin mà PV Báo SGGP có được cho thấy, bác sĩ Đinh Dạ Lý Hương, cũng đang công tác tại BV Đại học Y Dược TPHCM, có phòng mạch riêng và thường xuyên được Công ty Shering - Plough chiết khấu hoa hồng cao.
Trong tháng 8-2009, phòng mạch của bác sĩ Hương được chiết khấu 226 triệu đồng từ thuốc P.50 và P.80. Một số bác sĩ khác như bác sĩ B.V.Đ (công tác tại BV Chợ Rẫy), có phòng mạch ở đường Nguyễn Trãi, quận 1; bác sĩ T.Th. (công tác tại Trung tâm Medic TPHCM) cũng thường xuyên kê đơn thuốc P.50 và P.80, được nhà phân phối trả hoa hồng cả trăm triệu đồng mỗi tháng. Chẳng hạn tháng 6-2009, hoa hồng của bác sĩ Đ. là 90 triệu đồng; tháng 7-2009 là 207 triệu đồng, và tháng 8 là 126 triệu đồng…
Lật tẩy chiêu bài của hãng dược
Từ cuối năm 2009, Công ty Dược Shering - Plough được sáp nhập vào Hãng Dược phẩm Merck Sharp & Dohme (MSD) tại Việt Nam. Khi đó, ông Tôn Thất Lương Nguyên được thuê làm Trưởng đại diện Công ty Dược Shering - Plough tại Việt Nam. Trên cương vị này, ông Nguyên chỉ đạo ráo riết chiết khấu hoa hồng cho bác sĩ để vừa được tiếng vừa được miếng. Nhiều đơn đặt hàng thuốc P.50 và P.80 từ một số nhà thuốc trên địa bàn TPHCM được ông Nguyên ra “nghị quyết” chiết khấu 30% trên đơn hàng.
Thông qua một công ty phân phối dược phẩm tại Việt Nam, nhiều đơn đặt hàng thuốc đặc trị gan P.50 và P.80 của Công ty Shering - Plough đồng ý chiết khấu hoa hồng, có đơn hàng chiết khấu từ hơn 200 - 500 triệu đồng.
Theo tìm hiểu, trưởng đại diện Công ty Dược Shering - Plough quy định chế độ chiết khấu 30% cho tất cả bác sĩ đối với sản phẩm thuốc điều trị gan P.50 và P.80. Tuy nhiên khi áp dụng thì có sự phân biệt: bác sĩ nào dùng thuốc nhiều thì mức chiết khấu cao (20% - 30%), bác sĩ nào dùng ít thì mức chiết khấu thấp (10%). Một số trình dược viên cho biết mỗi tháng sản phẩm P.50 và P.80 của Công ty Shering - Plough tại TPHCM bán được khoảng 6 tỷ đồng, và nếu tính theo tỷ lệ ăn chia và “chế độ” riêng thì ông Trưởng đại diện công ty này hưởng 10%, tương đương khoảng 1 tỷ đồng từ chiết khấu/tháng.
Để bác sĩ nhận hoa hồng từ các hãng dược, trình dược viên có nhiệm vụ lấy số liệu thuốc của công ty mình do bác sĩ kê toa từ khoa dược bệnh viện. Có thể bằng cách nhờ nhân viên tại mỗi khoa thống kê số lượng thuốc đã dùng của công ty. Hoặc không trình dược viên tới nhà thuốc của bệnh viện mà thuốc của họ có bán trong đó, để xem toa thuốc của mình được bác sĩ kê có nhiều không, sau đó đối chiếu và trích hoa hồng cho bác sĩ.
Ngoài ra, để nhận chiết khấu, bác sĩ sẽ kê toa và yêu cầu bệnh nhân ra một số nhà thuốc “mối” của mình để mua. Tại đây nhà thuốc ghi lại toa thuốc có loại thuốc mà bác sĩ kê và hàng tháng thống kê lại, sau đó công ty dược sẽ chiết khấu phần trăm trên tổng giá trị mà người bệnh mua được…
Với những lắt léo kết hợp giữa bác sĩ + trình dược viên + hãng dược, bệnh nhân bị uống thuốc tràn lan trong khi bệnh của họ chưa đến mức phải dùng đến thuốc… đặc trị. Theo nhận định của một số nhà quản lý, một loại thuốc xuất xưởng phải chịu không biết bao chi phí, từ nguyên vật liệu, chi phí tiếp thị, quảng cáo và hoa hồng cho bác sĩ… Do đó, giá thuốc cứ ở “trên trời” và oằn lưng gánh chịu không ai ngoài người bệnh.
Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, xử lý
Trước thông tin “hãng dược cầm tay bác sĩ kê đơn”, Văn phòng Chính phủ cũng vừa có công văn truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ làm rõ tình trạng bác sĩ trong các bệnh viện ở TPHCM liên kết với nhà thuốc, trình dược viên kê toa tràn lan để được hưởng chiết khấu lớn từ các hãng dược. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với UBND TPHCM kiểm tra việc phản ánh tình trạng trên, nếu đúng phải có biện pháp xử lý kịp thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 29-3, lãnh đạo của Trường Đại học Y Dược TPHCM và BV Đại học Y Dược TPHCM đã có buổi làm việc với báo giới xung quanh việc một số bác sĩ, cán bộ của 2 đơn vị này nhận chiết khấu hoa hồng cao của Công ty Dược Shering - Plough.
PGS-TS Phan Chiến Thắng, PGĐ BV Đại học Y Dược TPHCM, cho biết đã tạm ngưng công tác khám chữa bệnh đối với TS-BS Trương Bá Trung và cũng ngưng công tác giảng dạy đối với bác sĩ này. Ngoài ra, cũng chấm dứt hợp đồng làm việc tại phòng khám gan với bác sĩ Đinh Dạ Lý Hương.
TS Nguyễn Hoàng Bắc, PGĐ BV Đại học Y - Dược TPHCM, cũng cho biết đã yêu cầu khoa Dược của bệnh viện kiểm tra lại toàn bộ thuốc, đặc biệt thuốc về điều trị gan để đánh giá bác sĩ có lạm dụng kê toa hay không.
Còn TS Lê Quan Nghiệm, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TPHCM kiêm Trưởng khoa Dược, nói lãnh đạo trường đã tạm đình chỉ công tác đối với PGS-TS Nguyễn [Đăng nhập để xem liên kết. ] - giảng viên bộ môn hoá kiểm nghiệm thuộc khoa Dược để viết bản tường trình về những thông tin vị PGS này làm Giám đốc Marketting cho 2 sản phẩm P.50 và P.80 của Công ty Dược Shering - Plough.
Mình có người quen đang điều trị Interferron, mình thấy giá thuốc đắt quá nên tìm cách liên hệ trực tiếp với trình dược của hãng, để hy vọng có giá rẽ hơn.
Vì 18 tháng điều trị bằng Pegasys giá 4.480.000/ lọ / tuần, tổng chi phí lên đến trên 200tr.
Mình gọi điện thoại cho sếp của hãng, vị này giảng mình 1 bài về chế độ chăm sóc bác sĩ và khẳng định chỉ muốn làm việc trực tiếp với bác sĩ điều trị. Vì vị này biết rằng, bệnh nhân phải mua thuốc và muốn tiền chiết khấu phải đến đúng tay bác sĩ kê đơn.
Ngoài ra, công ty còn có chính sách khuyến mãi xét nghiệm miễn phí cho bệnh nhân. Ba tháng bệnh nhân được định lượng HVC ARN 1 lần ( Khoảng 500.000/đ/ lần), số này chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận. Điều này cực kỳ nguy hiểm, vì có thể gian dối trong kết quả xét nghiệm, là gia tăng hiệu quả ảo của điều trị.
Người nhà khác của mình tin tuyến trên chất lượng điều trị tốt hơn so với bs tỉnh, dù mình và một số bạn bè chuyên điều trị Viêm gan SV đã có những cảnh báo rất khoa học.
Khi cân nhắc chi phí điều trị, chúng tôi khuyên điều trị tối thiểu 12 tháng.
Tuy nhiên danh tiếng GV ĐH Y dược và bằng cấp TS, đã làm người nhà mờ mắt, khi khẳng định chỉ cần 6 tháng.... ( làm quê dễ sợ..)
Sau 6 tháng sau, vị này tỉnh bơ tuyên bố, chích tiếp 6 tháng nữa.
Đã phóng lao thì phải theo lao.... đúng là 1 bài học cho điều trị...Hãy nói điều bệnh nhân muốn nghe.
Chủ nhật tuần rối 1 bệnh nhân đến than phiền, bs sao giá thuốc tang thêm 50.000 lọ. Hỏi ra mới biết hãng dược đã tăng thêm 10-15% các mặt hàng.
Mình cũng từng làm trình dược từng cầm tiền chung chi... nhưng so với cá mập mình chỉ là lòng tong ao nhà.
TP - TS Nguyễn Hoàng Bắc - Phó Giám đốc BV Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, lãnh đạo bệnh viện vừa đình chỉ công tác hai cán bộ để điều tra làm rõ vụ hưởng chiết khấu từ Cty dược Shering Plough thuộc hãng dược MSD mà Tiền Phong đã thông tin.
Hai cán bộ bị đình chỉ là Bác sỹ -Tiến sĩ T.B.T- Trưởng phòng khám gan và bác sĩ Đ.D.L.H thuộc phòng khám gan
Tại khuôn viên một bệnh viện ở TPHCM. Ảnh: L.N
“Tôi cũng choáng!” TS Nguyễn Hoàng Bắc cho biết sau khi báo đăng, lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đã yêu cầu hai bác sĩ trên viết bản tường trình, đồng thời lãnh đạo bệnh viện cũng yêu cầu xem lại các toa thuốc trong một năm đối với thuốc P.50 (Peg-intron 50mcg) và P.80 (Peg-intron 80mcg) - là hai loại thuốc đặc trị viêm gan.
Theo TS Nguyễn Hoàng Bắc, hai bác sĩ trên có chuyên môn rất giỏi trong lĩnh vực gan. Tuy nhiên không vì thế mà không xử lý khi họ sai phạm. “Đối với việc kê toa ở bệnh viện, chúng tôi kiểm soát cũng khá chặt, tuy nhiên việc kê toa ở phòng mạch của các bác sĩ thì bệnh viện không kiểm soát được”- ông Bắc cho biết.
Cũng theo TS Nguyễn Hoàng Bắc, sau khi báo đăng, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Dược kiêm hiệu trưởng trường ĐH Y dược là PGS Chu Tấn Sơn, mặc dù đang đi công tác ở châu Âu nhưng cũng gọi điện về yêu cầu phải xem xét, xử lý nghiêm.
Nhà thuốc cũng được chiết khấu
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không những các bác sỹ ở các phòng mạch được Cty dược Shering Plough chiết khấu 30% mà các nhà thuốc cũng được chiết khấu với mức tương tự.
Đơn cử như nhà thuốc H.L ở quận 5. Theo nguồn tin của Tiền Phong từ nhân viên của nhà phân phối dược phẩm là Cty Zuellig Pharma Việt Nam, muốn lấy thuốc đặc trị viêm gan, nhà thuốc H.L đặt hàng qua nhân viên phụ trách nhãn hàng này của nhà phân phối Zuellig Pharma Việt Nam.
Sau đó nhân viên này gởi thông tin cho ông Tôn Thất Lương Nguyên - Trưởng đại diện của Shering Plough. Ông này đồng ý đơn hàng và quyết định mức chiết khấu “discount” 30%. Và sau khi đơn hàng được xử lý, thuốc được giao cho nhà thuốc H.L, nhân viên Cty Zuellig Pharma Việt Nam có trách nhiệm trả lời lại với ông Nguyên là giao dịch đã thành công.
Mới đây nhất, ngày 1-3-2010, hiệu thuốc số 5 ở đường Nguyễn Huy Lượng, quận Bình Thạnh đặt 130 hộp Peg-intron 80mcg với giá 2.900.952,00 đồng/hộp chưa bao gồm thuế và đã được chiết khấu 30%.
Chưa hết, ngày 19-3-2010, khi nhà thuốc H.L ở quận 10 đặt 130 lọ Peg-intron 80mcg với giá 2.900.952,00 cũng được ghi chiết khấu 30%. Ngay cả khi nhà thuốc T.T quận 5 đặt 195 hộp Peg-intron 80 mcg với giá 2.900.952,00 đồng, cũng được chiết khấu 30%.
Liên quan đến Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đức Tuấn, người đang là giảng viên bộ môn hoá kiểm nghiệm - Khoa Dược trường ĐH Y Dược TPHCM, nhiều năm vừa là giảng viên chính của trường vừa kiêm Giám đốc makerting của hai loại thuốc Peg-intron 50mcg và Peg-intron 80mcg thuộc Cty Shering- Plough, TS Nguyễn Hoàng Bắc cho biết, hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược đã có chỉ đạo làm rõ. Theo TS Bắc, sáng nay (29-3) lãnh đạo trường sẽ có cuộc họp để xử lý vấn đề này.
Lê Nguyễn
Mình ngồi nói chuyện với 1 bạn trình dược, vô tình được biết chung chi cho PK Viêm Gan này, hàng tháng lên đến cả tỷ.
Mình không tin...
Nay đọc xong mà vã mồ hôi hột.
Chỉ định điều trị thì đúng.
Nhưng giá thuốc trên trời
Những bác sĩ chân chính ( hoặc muốn điều trị cho người thân).. cũng bó tay.
Ngành nghề nào cũng có luật im lặng... Khi 1 nhân tố trong đó phá vỡ luật im lặng thì tạo ra 1 phản ứng dây chuyền... Hi vọng phản ứng này đem lại 1 hiệu quả tốt cho người bệnh...
__________________
Kẻ lang thang đã gặp tiểu thư...
Thời đại tham nhũng, ngành nào cũng ăn hoa hồng. Ăn ít không phải vì không muốn, mà là do không được.
Thuốc nào cũng là thuốc, đắt rẻ chút đỉnh thì có gì đâu. Phải để cho bác sĩ có đời sống thoải mái mà lo cho bệnh nhân chứ. Bác sĩ nghèo rót mồng tơi, làm nghề tay trái để kiếm sống thì còn hơi sức đâu mà lo cho sức khỏe bệnh nhân. Các bác muốn ngành Y giống như Giáo dục à, và cả mấy bác làm công chức nữa.
Phải kiếm sống (đầy đủ và sung túc) bằng nghề của mình, thì mới cống hiến đàng hoàng được.
Thời đại tham nhũng, ngành nào cũng ăn hoa hồng. Ăn ít không phải vì không muốn, mà là do không được.
Thuốc nào cũng là thuốc, đắt rẻ chút đỉnh thì có gì đâu. Phải để cho bác sĩ có đời sống thoải mái mà lo cho bệnh nhân chứ. Bác sĩ nghèo rót mồng tơi, làm nghề tay trái để kiếm sống thì còn hơi sức đâu mà lo cho sức khỏe bệnh nhân. Các bác muốn ngành Y giống như Giáo dục à, và cả mấy bác làm công chức nữa.
Phải kiếm sống (đầy đủ và sung túc) bằng nghề của mình, thì mới cống hiến đàng hoàng được.
Hoa hồng nhưng cũng có giới hạn... 30% của 3tr mấy gần 1 triệu đồng cho 1 lọ thuốc. Ăn kiểu này... dễ trúng thực