(VietNamNet) - Có lẽ chưa bao giờ giới trẻ Việt Nam lại hăng say sưu tầm những bài nhạc chế như hiện nay. Vào bất cứ trang web âm nhạc nào cũng có thể dễ dàng nghe những bài có cái tên như Dại gái, Ma nữ đa tình, Học ngu mà đòi đua xe, Tao là dân giang hồ, Biết tin em có thai, Hận đàn bà, Tình sì ke...
Rác...xịn 100%!
Những ngôn ngữ bậy bạ, rác rưởi, cách viết lời thiếu văn hoá được mặc sức tung hoành cùng với những suy nghĩ bệnh hoạn. Bài Biết tin em có thai, mở đầu bằng giọng đọc khào khào "Ưng Hoàng Phúc remix" và lải nhải chuyện tình dục và ca ngợi thói sở khanh. Còn bài Kỹ sư đào mỏ giới thiệu luôn tên ca sĩ là Trần Thiện, có đoạn "Vì tôi đẹp trai bao nhiêu cô cứ theo hoài. Vì tôi đẹp trai nên bao nhiêu cô đã rớt đài và nhiều người đã có thai...".
Nguy hiểm hơn, những bài hát độc hại này đã được giới băng đĩa lậu tiếp tay phát tán trong những CD ở các cửa hàng băng đĩa. Rất dễ dàng để có trong tay một VCD nhạc chế với chủ đề Bikini được lắp ghép theo công thức hình ảnh những cô gái mặc đồ lót uốn éo còn audio là những bài nhạc chế. Những bài hát rác rưởi như: Lambada, Chưa đánh đã khai, Anh cho em tiền đô ... cứ thế lải nhải cùng với những cô gái hết cởi đồ, lại mặc đồ rồi tiếp tục cởi....cho đến hết.
Ngông nghênh và thách thức hơn, VCD nhạc chế Bikini còn có lời giới thiệu hùng hồn: "Tuyết Nhung xin kính chào quý vị! Và để thay mặt Trung tâm băng nhạc Cười (?), giới thiệu chương trình dạ vũ Trần Thiện (tên giọng hát nhạc chế) với những giây phút vui tươi và thoải mải...". Bây giờ nhạc rác đã có trung tâm hẳn hoi, cứ như có đăng ký kinh doanh và có thương hiệu vậy.
Kinh khủng hơn, thị trường đã xuất hiện những bài hát khóc than cuộc sống tù đày và chửi đời đen bạc. Những bài hát này cũng được bán với dạng nhạc chế nhưng là sản phẩm sáng tác bằng những đầu óc cực kỳ bệnh hoạn.
Thương hiệu của văn hoá rác
Trong lúc các ngành chức năng ngăn chặn không kịp những thứ nhạc rác rưởi trên thì hơn tháng nay, từ hải ngoại đổ về chương trình Thuý Nga 77 với chủ đề 30 năm viễn xứ. Đây là chương trình phản động của những kẻ sau 30 năm vẫn muốn sống cuộc đời nô lệ và được đội lốt như một chương trình nghệ thuật nghiêm túc và tốn kém. Những giọng hát ỉ ôi, ca thán qua những bài hát được minh họa bằng hình ảnh: Tôi cố bám lấy nước tôi (Khánh Ly), Đêm chôn dầu vượt biển (Như Quỳnh), Hải ngoại thương ca (Lệ Thu), Viễn khúc Việt Nam (Dương Triệu Vũ)... Sau thời gian đầu được bày bán loạn xạ, hiện nay, một số cửa hàng băng đĩa đã từ chối bán chương trình ca nhạc này và nói thẳng lý do: "Thuý Nga 77 phản động quá em không bán".
Giới sáng tác được biết thêm một Nhất Trung, ca sĩ kiêm nhạc sĩ nhóm AXN với những sáng tác tư duy hời hợt. Trong các bảng xếp hạng nhạc được nghe nhiều trên các website âm nhạc, nhạc của AXN (không biết vô tình hay cố ý) như Người ấy và tôi em phải chọn được đứng cùng bảng với nhạc chế Đời đâm chém.
Bằng một lối tư duy hời hợt, thiếu sáng tạo, thiên về kể lể, AXN đã vẻ lên những hình mẫu như thế này: "Người ấy và chính tôi trong cuộc tình chúng ta, em phải nhận ra một người thôiiiiii, em chọn đi!" (Người ấy và tôi em phải chọn), "Tại vì một người đã trót yêu anh mà thôi. Tại vì một người đã khóc rất nhiều vì anh. Cho nên dù anh đang buồn đau, đau rất nhiều, anh vẫn chấp nhận không oán than" (Mong người ta luôn tốt luôn yêu em)
Mới đây thôi, ca sĩ Lam Trường giới thiệu VCD Katy được tung hô đầu tư cả trăm triệu và có đạo diễn nước ngoài. Với số tiền đó, Lam Trường đổ vào những hình ảnh mang màu sắc xã hội đen kiểu Hồng Kông còn bìa album là ca sĩ Lam Trường lem nhem máu, thương tích đầy mặt và tay. Một ca sĩ ngôi sao như Lam Trường, có cần thiết phải "đánh dấu" sự nghiệp bằng một kiểu rẻ tiền và học đòi như vậy?
Thanh Chung