Sinh viên tấp nập mở tài khoản</span>
<span style=\'color:purple\'>Chỉ trong 2 tháng gần đây, số lượng sinh viên (SV) mở tài khoản ở các ngân hàng tăng đột biến. Việc sử dụng tài khoản đã tỏ ra nhiều ưu điểm.
Thẻ ATM lên ngôi
“Thông thường, khi nhận được giấy báo lĩnh tiền, em phải lên trường hoặc nơi đăng ký tạm trú xin xác nhận rồi mới qua bưu điện rút tiền. Tính từ lúc gia đình gửi tiền lên cho tới khi tới tay phải mất 3 - 4 ngày” - Nguyễn Thị Hoàn (Lớp KT8AB-Trường Cán bộ quản lý VHTT) bày tỏ.
Hoàn quê ở Điện Biên (Lai Châu). Ngoài tiền học phí đóng đầu năm học, hằng tháng, bố mẹ Hoàn phải đều đặn ra bưu điện gửi tiền chi tiêu xuống cho cô. Nhưng việc chờ đợi và mất thời gian với những thủ tục không còn nữa, Hoàn là một trong những SV đầu tiên trong lớp mở tài khoản tại ngân hàng và dùng thẻ ATM rút tiền.
Hoàn cho biết: “Em thấy phương thức thanh toán này nhanh, chi phí thấp lại rất an toàn. Nếu ngày trước, lúc nào em cũng phải mang tiền chi tiêu cả tháng kè kè bên mình đến lớp, lên thư viện, đi chơi... vì không dám để ở nhà trọ thì bây giờ em rất yên tâm với chiếc thẻ nhỏ nhắn này. Bố mẹ em đã ra “định mức” hàng tháng và gửi tiền trong tài khoản, dùng đến đâu thì ra rút tới đó”.
Ngày 15/7, 10 ngân hàng (NH) triển khai kết nối hệ thống thanh toán liên minh thẻ trên toàn quốc như: NH Cổ phần Quân đội, NH Ngoại thương Việt Nam, NH Cổ phần Thương mại (CPTM) Kỹ thương, NH CPTM Nhà Hà Nội, NH TMCP Quốc tế... Số lượng khách hàng mở tài khoản tăng đột biến, trong đó SV chiếm tới 80%.
Chị Nguyễn Thị Thảo - Kế toán NH Cổ phần Quân đội (Chi nhánh Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) - cho biết, chưa bao giờ số người đăng ký mở tài khoản và sử dụng thẻ ATM nhiều như thời điểm này. Mỗi tháng đã có hàng trăm SV các trường ở quận Cầu Giấy tới mở tài khoản.
Không nằm trong tuyến liên minh, nhưng một NH vừa tung ra đợt khuyến mại mở và phát hành thẻ ATM miễn phí. Tại đường Cầu Giấy - Xuân Thủy có tới 4 cột điểm dịch vụ ngân hàng tự động nhưng lúc nào cũng trong tình trạng quá tải.
Riêng điểm đăng ký dùng thẻ ATM của ngân hàng này tại ĐH Quốc gia Hà Nội trong một tháng đã cấp hơn 1.000 thẻ cho SV.
“Thần giữ của” của nam SV
Đối với nữ SV, việc chi tiêu cho vừa “định mức” hàng tháng đã khó thì đối với phái nam, chuyện tiền nong là cả vấn đề.
Gặp Nguyễn Văn Nam (Khoa Toán, ĐH Sư phạm I Hà Nội) tại điểm dịch vụ ngân hàng, tay cầm thẻ chờ đến lượt rút tiền, Nam bộc bạch: “Tụi em thường rơi vào tình trạng đầu tháng “xông xênh” nên bạn bè gặp nhau là chén anh, chén chú, lại thêm chút đồ nhắm. Cũng có khi mấy đứa bạn cùng quê “móm” quá, chúng kéo đến chỗ mình, chẳng lẽ để tụi nó nhịn đói mà về? Thế là luôn “thâm hụt ngân sách”.
Ngọc Thành (ĐH Xây dựng) bổ sung: “Tháng có 4 tuần thì đến tuần thứ 3 đã viêm màng túi. Đến cuối tháng, tụi em toàn ăn mì tôm hoặc... ngủ vùi cho qua bữa. Bố mẹ biết chuyện khuyên em mở tài khoản, cứ 2 tuần các cụ lại gửi đủ cho em chi tiêu”.
Nhiều bạn nam cho biết, nhờ gửi tiền trong tài khoản nên việc chi tiêu đã có “kế hoạch” hơn, hạn chế việc ghi nợ với các chủ quán. Điều quan trọng là trong điều kiện nhà trọ mất an toàn thì cũng không lo bị mất cắp.
Dùng thẻ ATM cũng là cách hạ bớt việc “vung tay quá trán” của cánh mày râu.
Phương Hiếu
|