Chiều nay, mực nước các sông Trung Bộ chỉ còn trên báo động 1, người dân đang dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều huyện miền núi vẫn trong tình trạng cô lập do các tuyến giao thông bị sạt lở nặng, việc khắc phục phải nhiều ngày nữa mới xong.
Tại Quảng Ngãi, 16h chiều nay, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Trương Quang Tưởng thông báo cho VnExpress một tin vui, 2 chiếc trực thăng của Sư đoàn Không quân 372 đã đáp xuống được Trà My, huyện miền núi duy nhất vẫn còn bị cô lập. Một chiếc chở lãnh đạo tỉnh xuống thị sát tình hình và thăm hỏi những gia đình bị thiệt hại. Một chiếc mang theo 3 tấn mì tôm, 100 áo ấm cho trẻ nhỏ và nhiều thùng dầu nhiên liệu để phát điện.
Trước đó, ngày 28/11, do tình hình nguy cấp của Tây Trà, máy bay trực thăng đã cố gắng đáp xuống mang lương thực, thực phẩm cho bà con, nhưng do thời tiết quá xấu, việc cứu trợ bất thành. "Hiện đường từ tỉnh xuống Trà My bị sạt lở đến mười mấy đoạn nên không thể sớm khắc phục được. Tỉnh sẽ sử dụng máy bay và phương pháp thủ công là gùi lương thực, thực phẩm đến cho bà con ở huyện này", ông Tưởng nói.
Đến chiều nay, số người thiệt mạng do lũ ở Quảng Ngãi tạm dừng ở 11. Hiện mực nước các sông ở Quảng Ngãi rút xuống dưới báo động 2. Cùng với việc vận động nhân dân làm vệ sinh nhà cửa, đường sá, UBND tỉnh đã có báo cáo đề nghị Chính phủ hỗ trợ 20 tỷ đồng (thiệt hại do lũ là 30 tỷ đồng) để khắc phục giao thông, thủy lợi, hỗ trợ di dời dân khẩn cấp khỏi các điểm sạt lở, mua giống sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân, mua vacxin phòng chống bệnh lở mồm long móng và cứu đói giáp hạt.
Tại Quảng Nam, ông Nguyễn Ngọc Phương, thường trực Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh cho biết, hôm nay, đường từ tỉnh xuống các huyện miền núi như Nam Trà My, Tây Giang, Phước Sơn vẫn chưa thông. Lý do nước lũ đã rút, nhưng đường bị sạt lở nghiêm trọng với tổng khối lượng lên đến 450.000 m3 đất đá. Rất nhiều cầu tạm bị hư hỏng và lũ cuốn trôi. Toàn tỉnh có gần 3.000 ha cây công nghiệp ngắn ngày, rau màu các loại và trên 200 ha nuôi trồng thủy sản bị hư hại. Giống lúa bị ngập và trôi gần 250 tấn. Tổng thiệt hại vất chất ước tính 150 tỷ đồng.
Tổn thất nặng nề nhất là về người. Tỉnh Quảng Nam có 14 người chết do bị lũ cuốn, bị lật ghe và thương tâm nhất là một số người đi vớt củi trên suối đã bị lũ cuốn. Có 2 người mất tích và 5 người bị thương. Đô thị cổ Hội An đã thoát khỏi tình trạng bị lũ đe dọa. Hiện nước đã rút, đường Nguyễn Thái Học, nơi tập trung nhiều nhà cổ, chỉ bị ngập một số đoạn. "Chắc chắn mưa lũ ảnh hưởng tới nhà cổ, nhưng rất may tới giờ này chưa có ngôi nào bị sụp. Người dân đang dùng dầm thủ công chống đỡ", ông Phương nói.
Trong buổi làm việc với Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm qua, Quảng Nam đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ để thông các tuyến đường đang bị sạt lở nặng, đặc biệt là những tuyến trọng điểm như 14D, đường Hồ Chí Minh; khắc phục các công trình thủy lợi, kênh mương; đảm bảo giống cây trồng cho nông dân sản xuất vụ đông xuân; hỗ trợ đời sống cho nhân dân ở vùng sạt lở mất nhà, mất đất sản xuất.
Tại Thừa Thiên - Huế, theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh, hôm nay số người chết do lũ tăng lên thành 9, còn 4 người ở huyện Nam Đông đi làm rẫy và hiện chưa biết tin tức. Mực nước lũ trên sông Hương và Bồ đã xuống còn dưới báo động 2, nhưng một số xã vùng sâu của huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phú Điền vẫn còn ngập.
Toàn tỉnh có 195 nhà dân bị sập và tốc mái do lũ và lốc, trong đó nặng nhất là huyện A Lưới (110 nhà) và huyện Phú Lộc (64). Về sạt lở sông, biển, ngoài hai điểm ở xã Hải Dương (Hương Trà) và Tư Hiền (Phú Lộc), đến ngày 28/11, bờ đê của phá Tam Giang, Cầu Hai còn bị vỡ và sạt lỡ nhiều đoạn trên chiều dài khoảng 23 km. Tổng thiệt hại vật chất do lũ của Thừa Thiên - Huế là 107 tỷ đồng, trong đó riêng giao thông là 30 tỷ đồng.
Tại Quảng Trị và Quảng Bình, hôm nay thiệt hại do lũ thông thay đổi so với hôm qua. Nước đã rút còn báo động 1, trời quang và mây tạnh. Tuy nhiên, huyện vùng thấp như Hải Lăng và Triệu Phong (Quảng Trị) vẫn còn ngập ở một số xã. Hiện hai tỉnh này đang khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt, nhanh chóng ổn định đời sống.
Như Trang