Có nhiều đại dương trong lòng trái đất?
Ở độ sâu hơn 1.000 km trong lòng đất, các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện ít nhất... 2 đại dương.
Nước từ đâu ra?
Nạn đại hồng thủy được tả trong Kinh Thánh tưởng chỉ là thần thoại, song nhiều nhà khoa học tin rằng có thật. Trên các lục địa có vô số dấu vết lụt lội, rồi các hồ nước mặn ở cách bờ biển... hàng ngàn cây số. Nhưng trái đất lấy đâu ra nhiều nước để gây nên thảm họa là đại hồng thủy toàn cầu, khiến ông già Noe phải ghé thuyền vào đỉnh núi Ararat? Có vô số giả thuyết:
Một thiên thạch rơi xuống đại dương tạo nên đợt sóng thần khổng lồ. Hoặc các khối băng tan vì khí hậu ấm lên, khiến tất cả ngập lụt. Hoặc ngược lại, trái đất lạnh đi, băng phủ kín các dòng sông, đẩy nước còn lại trong các đại dương dâng cao ghê gớm... Song mãi gần đây vẫn chưa có những tư liệu khoa học nghiêm túc làm chỗ dựa cho các giả thuyết.
Trong lòng trái đất có 2 đại dương?
Đến tháng 2 vừa qua, có tin chấn động về phát hiện của 2 nhà khoa học Mỹ, làm cơ sở cho một giả thuyết (nếu xuất hiện trước kia sẽ bị xem là... điên rồ): nước gây ra đại hồng thủy đến từ... lòng đất.
2 đại dương trong lòng đất
Trên trái đất có một hệ thống máy ghi địa chấn, ghi lại các trận động đất, thể hiện trên các địa chấn đồ. So sánh những ghi chép này ở các khu vực khác nhau, có thể theo dõi sóng lan truyền trên vỏ và trong lòng trái đất. Michael Wysseion, giáo sư địa chấn học Đại học Washington và Jesse Lawrence, học trò của ông, hiện làm việc tại Đại học California, đã nghiên cứu 600.000 địa chấn đồ. Kết quả phân tích của thầy trò Wesseion làm chấn động giới khoa học, vì cho thấy ít nhất ở 2 nơi - bên dưới phần phía Đông của lục địa Á-Âu và bên dưới Bắc Mỹ - có... 2 biển nước khổng lồ.
Các nhà khoa học đã lập mô hình 3 chiều ở 2 nơi trên và xác định rằng nước ở đây không ít hơn ở Bắc Băng Dương. Nước ở độ sâu từ 1.200 đến 1.400 km. Giữa năm 2006, các nhà khoa học Anh ở Đại học Manchester cũng từng phát hiện có nước biển trong lòng đất. Họ nhận ra dấu vết của nó trong khí CO2 thoát ra từ độ sâu gần 1.500 km. Nhưng bấy giờ họ chưa tin.
Nước đã chui vào lòng đất như thế nào, chưa biết chính xác, không loại trừ rằng nó được tạo ra cùng với hành tinh, nghĩa là nước đã luôn nằm sẵn ở đó. Song nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nước trong lòng đất định kỳ phun lên bề mặt. Và ngược lại, nước ở các đại dương trên bề mặt ngấm dần xuống. Nói theo ngôn ngữ khoa học, khối lượng thủy quyển của trái đất có thể thay đổi. Cần nói thêm, dưới đáy đại dương có các lỗ, từ đó nước nóng 400OC phun mạnh lên. Có thể đó là nước từ trong lòng đất.
Không loại trừ khả năng vào thời hồng hoang, các bể nước ngầm bị bục vỡ, nước mặn và nóng cùng hơi nước bắt đầu phun lên như từ chiếc nồi hơi bị vỡ. Mực nước các đại dương dâng cao, trên không trung thì do hơi nước gặp lạnh hóa thành mưa lớn đổ xuống suốt 40 ngày đêm. Vậy là xảy ra nạn đại hồng thủy. Sau đó nước ngấm trở lại vào lòng đất.
Điều đó có nghĩa, ít ra về mặt lý thuyết, thảm họa tương tự có thể lặp lại. Giáo sư Wysseion nói, bên dưới 2 đại dương mà ông phát hiện cũng còn có nhiều, rất nhiều nước. Khối lượng nước, theo đánh giá của ông, có thể nhiều gấp 5 lần lượng nước hiện có ở tất cả các đại dương.
Theo LÊ THIẾU HUYỀN -
Sài Gòn giải phóng