Khi nhu cầu về nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) đang trở nên cấp thiết, việc xuất hiện các đơn vị đào tạo ngoài đại học là xu hướng tất yếu. Ngày càng có nhiều người lựa chọn việc học nghề hơn là lấy bằng cử nhân. Họ đã chứng minh làm thợ vẫn thành công trong nền kinh tế hiện đại
Chiến lược phát triển công nghiệp phần mềm của Việt Nam đến 2010 cần ít nhất 50.000 chuyên gia CNTT ở các trình độ khác nhau, nhưng hiện nay, có tới 63,4% công ty phần mềm khẳng định thiếu nhân viên trình độ cao. Có lẽ đó là lý do khiến việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT được mở rộng trong nhiều trường đại học, tổ chức chính quy và phi chính quy. Theo thống kê của Hội Tin học TP HCM, hiện có 70 trường đại học đào tạo kỹ sư, cử nhân CNTT, 105 trường cao đẳng giáo dục cử nhân cao đẳng và 50 trung tâm/trường cấp bằng cao đẳng thực hành (diploma). Tuy nhiên, có một thực tế là các trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế chương trình 2-3 năm cấp bằng diploma như Aptech, NIIT... ngày càng thu hút nhiều học viên.
1001 lý do... từ chối đại học
Đối với Lê Tùng Linh (18 tuổi), chiếc PC là người bạn tâm giao từ thuở nhỏ. Năm học lớp 5, với một cuốn Pascal trong tay, Linh đã tập lập trình ra giấy. Vì thế mà từ khi đang học cấp 2, Linh luôn tâm niệm rằng nhất định cậu sẽ phải trở thành một lập trình viên. Nhưng sự lựa chọn của Linh lại không phải là giảng đường đại học và cậu vấp phải những phản đối quyết liệt của gia đình. "Thậm chí, ông bác ở nước ngoài cũng gửi thư về khuyên răn. Nhưng tôi biết là tôi đang làm gì", Linh chia sẻ. "Tôi biết chắc chắn các doanh nghiệp phần mềm đang cần người thực sự có tài chứ không phải bằng cấp".
Hiện tại, Lê Tùng Linh là học viên của Học viện công nghệ thông tin HanoiCTT. Mục tiêu của Linh là giành được học bổng chương trình liên thông với các trường quốc tế của Học viện. Đó cũng là cách để Linh khẳng định với gia đình về sự lựa chọn của mình.
Trong khi anh trai từng đỗ tới 3 trường đại học thì việc thi rớt càng là một áp lực lớn đối với Bùi Phương Đông, một thanh niên sinh năm 1987 ở Phú Thọ. Dù nghe theo lời khuyên của gia đình lên Hà Nội ở với anh để ôn luyện cho kỳ thi năm sau, Đông vẫn cảm thấy tương lai trước mắt rất mờ mịt. Thời gian đó, để giảm bớt căng thẳng và tâm trạng chán nản, Đông thường dùng máy tính của anh để mày mò làm một trang web tặng bạn gái. Và rồi Đông say mê với những công thức lập trình lúc nào không hay. Khi vô tình đọc được mẩu quảng cáo tuyển sinh của Trung tâm Aptech, Đông đã quyết định một bước ngoặt lớn trong đời mình: bỏ ôn thi đại học và ghi danh vào Trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế FPT Aptech. Giờ đây, Đông trở thành một trong những học viên đứng đầu lớp. "Tôi không còn lo nghĩ chuyện mình sẽ làm việc ở đâu khi ra trường mà quan trọng là tôi biết mình sẽ làm gì", Đông tự tin nói.
Tiếp xúc với Hoàng Yên Bình, một thanh niên Hà Nội 22 tuổi với cá tính nghịch ngợm, quần áo đầu tóc luôn theo phong cách hip hop, người ta khó có thể tin rằng học viên năm cuối của FPT Aptech này đang điều hành một công ty thương mại điện tử của riêng mình và là giám đốc kỹ thuật cho doanh nghiệp khác với mức thu nhập xấp xỉ 7 triệu đồng/tháng. Nhưng điều khó tin hơn cả là dù chưa hề được học cấp 3, Bình vẫn là một học viên ưu tú của Aptech.
Bình kể, vì hoàn cảnh gia đình nên sau khi tốt nghiệp phổ thông cơ sở, anh không thể tiếp tục học cấp 3. Hai năm nghỉ ở nhà với vốn kiến thức ít ỏi đã khiến ước mơ vào đại học trở thành vô vọng. Qua báo chí, Bình biết đến Aptech và quyết định đăng ký thi vào học tại đây. "Con đường mà tôi chọn đã thay đổi cuộc đời tôi. Chỉ hai năm theo học lập trình viên quốc tế, tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều về mọi mặt", Bình tâm sự. "Tôi không còn cảm giác mình là kẻ vô học. Quan trọng hơn, tôi hiểu ra rằng nếu muốn thành tài không chỉ có con đường duy nhất là vào đại học".
Trung tâm FPT Aptech, nơi Bình và Đông đang theo học, mỗi năm tuyển sinh khoảng 300 học viên. Nhưng trong số đó có tới 60% đang học đại học (gồm cả ngành CNTT lẫn các ngành khác) và khoảng 10-15% số học viên đến đây sau khi thi trượt đại học. Trung tâm HanoiCTT cũng tiếp nhận khoảng 300 học viên mỗi năm với 40% là những người thi rớt đại học, 40% khác là sinh viên học song song với các trường đại học, cao đẳng, 20% còn lại là những người đang đi làm hoặc trong hoàn cảnh khác.
Đam mê + chất lượng đào tạo = thành công
Theo thống kê của các trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế, học viện CNTT được chuyển giao công nghệ từ nước ngoài như Aptech, NIIT... số lượng học viên ra trường và có việc làm là trên 90%, một tỷ lệ vượt xa nhiều hình thức đào tạo khác trong nước, kể cả đại học. Đây chính là điều hấp dẫn nhiều bạn trẻ như Bình, Đông, Linh... theo đuổi học nghề tại đây. Tuy nhiên, chỉ với 2-3 năm học, một học viên không dễ dàng thành công đến thế.
Tại Aptech, 1 tuần có 4 buổi lên lớp, mỗi buổi 2 tiếng. Nhưng nếu chỉ học có 2 giờ trên lớp, 2 giờ ở nhà thì... chẳng để làm gì. "Ở đây các thầy chỉ hướng nghiệp, thành tài hay không phụ thuộc hầu hết vào việc tự học, tự nghiên cứu của học viên. Hầu hết những người học giỏi phải đầu tư không dưới 10 tiếng mỗi ngày miệt mài bên máy tính và sách vở", Hoàng Yên Bình khẳng định.
Thực tế rất nhiều bạn cho rằng lập trình là một công việc sang trọng, nhàn hạ và sạch sẽ hoặc trường hợp gia đình có điều kiện kinh tế khá giả nhưng con thi đại học thì rớt lên rớt xuống thì cố ép vào học tại các Trung tâm đào tạo CNTT quốc tế. Hậu quả là mỗi năm số lượng học viên "rớt đài" tại đây cũng chiếm tới mấy chục phần trăm.
"Đến với các Trung tâm dạy nghề CNTT trình độ cao là một sự lựa chọn không tồi", ông Nguyễn Khắc Thành, Giám đốc FPT Aptech, phân tích. "Tuy nhiên, với thời gian rút ngắn chỉ có 2 năm để trở thành thợ lành nghề thì đòi hỏi người học phải có niềm đam mê thực sự".
"Bí quyết là hãy toàn tâm toàn ý với mục đích của mình. Chất lượng đào tạo tại các trung tâm dạy nghề bậc cao hoàn toàn không thua kém đại học", Bùi Phương Đông chia sẻ. "Chỉ cần bạn thích và hết mình với sở thích đó. Vậy là thành công".
Không thể tất cả đều là thày
Khi quyết định lựa chọn con đường học vấn và lập nghiệp ngoài đại học, Lê Tùng Linh, Bùi Phương Đông và nhiều bạn trẻ khác đã phải vất vả thuyết phục gia đình. Đối với nhiều người, đặc biệt là các bậc phụ huynh lớn tuổi, thì chỉ có tấm bằng đại học mới là "giấy thông hành" vào đời tốt nhất. Nhưng thực tế không phải vậy. "Nếu nói nhân lực làm phần mềm nhất thiết phải qua đại học thì không ổn, bởi cũng như nhiều ngành khác, CNTT đòi hỏi phải có cả thày và thợ", TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội Tin học TP HCM, phân tích. "Trình độ của người thợ ngành phần mềm chính là ở mức cao đẳng thực hành".
Đối với một nền kinh tế nói chung và CNTT nói riêng phát triển như ở Ấn Độ, nhân công trình độ cao đẳng thực hành chiếm tỷ lệ lớn hơn cả cử nhân. Nhưng ở VN, ngoại trừ các trung tâm quốc tế hoặc chuyển giao công nghệ đào tạo từ nước ngoài về thì hệ thống giáo dục chính quy chưa chú trọng mảng này. "Chưa bàn đến chuyện chất lượng, nếu tất cả đều được đào tạo để làm thày thì đó cũng không phải là cơ cấu nhân sự cần thiết cho một nền kinh tế", Chủ tịch Hội Tin học TP HCM nhận định.
Nếu như trước đây, giáo dục dạy nghề chỉ đến trình độ trung cấp thì trong Luật Giáo dục sửa đổi (vừa được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2006) đã quy định đến cao đẳng. Điều đó có nghĩa là việc đào tạo công nhân cho nền kinh tế phát triển ở mức độ cao tại VN bắt đầu được chuẩn hoá.