Theo Nam Phương (VNE)
Suốt 8 năm bà Thơ (65 tuổi, Hà Nội) ròng rã đi các phòng khám da liễu, phụ khoa, để chữa bệnh ngứa âm đạo mà không khỏi. Chỉ đến khi đi kiểm tra đường huyết, bà mới biết mình bị đái tháo đường, và ngứa âm đạo mãn tính là một biến chứng của bệnh này.
Trường hợp mắc bệnh mà không biết như của bà Thơ không phải là hiếm gặp. Có tới 65% trong số khoảng 4,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường trên toàn quốc nhưng không biết mình mắc bệnh, con số được đưa ra ngày hôm qua trong buổi họp mặt báo chí nhân ngày Đái tháo đường thế giới.
Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa cacbonhydrat trong cơ thể khi hoóc môn insulin cùa tuyến tụy bị thiếu hay giảm tác động.
Số người bệnh đang gia tăng, tập trung chủ yếu ở thành thị và khu công nghiêp. Điều đặc biệt là ngày càng có nhiều người trẻ mắc đái tháo đường. Trước kia người mắc chủ yếu trên 40 tuổi thì nay phổ biến ở cả độ tuổi 30-40, thậm chí có trẻ 11 tuổi, ông Tạ Văn Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược phòng chống bệnh đái tháo đường cho biết.
Cũng theo ông nguyên nhân chính là do sự thay đổi lối sống. Thanh niên bây giờ ít vận động, ăn tinh nhiều hơn ăn xơ, xem ti vi, ngồi máy tính nhiều, cộng thêm stress trong xã hội ngày càng nhiều.
Bệnh đái tháo đường gây nhiều biến chứng nguy hiểm, phổ biến nhất là biến chứng ở mắt. Sau thời gian mắc 15 năm thì 100% người bệnh có biến chứng về mắt, là nguyên nhân gây mù lòa lớn nhất. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến thận, thần kinh và tim mạch. Trong đó, biến chứng về tim mạch là nguyên nhân gây tử vong chính, trên 80%.
"Đái tháo đường là một bệnh nguy hiểm vì có tỷ lệ tử vong cao, đứng thứ 2 trong số các bệnh không lây (tương đương với số người chết vì bệnh HIV/AIDS)", ông Bình nói.
Không chỉ nguy hiểm, việc chữa trị bệnh còn rất tốn kém. Bệnh không thể chữa khỏi mà phải chữa suốt đời. Một người mắc bệnh mà không có biến chứng trung bình một tuần ít cũng mất 300.000 đồng, nếu có biến chứng thì có thể lên đến hàng chục triệu, theo bác sĩ Lâm Đình Phúc, nguyên trưởng khoa Nội tiết Đái tháo đường, Bệnh viện nội tiết Trung ương.
Thế nhưng 80% bệnh nhân đến viện khi đã quá muộn, có người còn cắt cụt cả tay, chân vì bị hoại tử. Giải thích việc này, ông Bình cho rằng trước hết đó là do người bệnh còn thiếu hiểu biết. Hơn nữa số lượng bác sĩ chuyên khoa là rất ít, vì thế việc chẩn đoán sớm bệnh là rất hạn chế. Thực trạng chữa trị tại Việt Nam cũng đang ở mức báo động khi chỉ có 0,97 giường bệnh trên 100.000 người dân. Toàn quốc chỉ có 86 bác sĩ được đào tạo chính quy về nội tiết đái tháo đường.
Trước thực trạng đó, Tổng hội Y học Việt Nam đã khởi xướng dự án "Nâng cao nhận thức, tư vấn và hỗ trợ về bệnh đái tháo đường cho cộng đồng". Trong ngày 14/11 sẽ diễn tra mitting vì người bệnh đái tháo đường tại Hội trường Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Ngoài ra, người bệnh có thể được khám và phát thuốc miễn phí trong "Ngày thứ 7 tình nguyện" được tổ chức tại các tỉnh Cần Thơ, TP HCM, Đà Nẵng, Vinh. Tại Hà Nội là vào ngày 27/12 tại Đại học Y Hà Nội.
Ông Tạ Văn Bình cũng cho biết số bệnh nhân đái tháo đường đang tăng nhưng chúng ta hoàn toàn có thể dự phòng được. Những người có nguy cơ mắc bệnh nếu có môt chế độ ăn và luyện tập hợp lý có thể làm giảm 60% nguy cơ.
Những người khi thấy có 2 yếu tố nguy cơ là ăn nhiều, đái nhiều cộng thêm với một số yếu tố nguy cơ như phụ nữ sảy thai tự nhiên, thai chết lưu không rõ nguyên nhân, gia đình có người bị đái tháo đường, thời gian làm việc tĩnh tại quá lâu... thì nên đi kiểm tra đường huyết thường xuyên để phòng bệnh.