- Khó có thể đưa ra một cái nhìn toàn diện về những vấn đề được đưa ra trong Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 3 vừa diễn ra tại HN từ 5-7/12 bởi phạm vi của nó quá rộng. Có thể nói hội thảo lần này đã vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại, trước cánh cửa hội nhập.
Nhận diện Việt Nam qua các nghiên cứu liên ngành
Luôn thiếu thời gian
Chủ đề của cuộc hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần này có quy mô cực lớn. Có tới 18 tiểu ban được thành lập để thảo luận về tất cả các lĩnh vực liên quan đến Việt Nam: Lịch sử truyền thống; Lịch sử hiện đại; Văn hoá VN; Giao lưu văn hoá; Kinh tế VN; Xã hội VN; Nông thông-nông nghiệp VN; Đô thị và đô thị hoá; Ngôn ngữ và tiếng Việt; Văn học và nghệ thuật; Giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực; Quan hệ quốc tế của Việt Nam với các nước và khu vực; Các nguồn tư liệu phục vụ nghiên cứu VN và phương pháp khai thác, xử lý thông tin; Những vấn đề lý thuyết và phương pháp đào tạo VN học trên thế giới và VN, Những nghiên cứu tổng hợp về Thăng Long-HN, khu vực Nam Bộ và các khu vực khác của VN.
Tiểu ban cuối cùng và cũng là tiểu ban mới toanh lần đầu tiên được thành lập là Tiểu ban Tài nguyên thiên nhiên, môi trường và phát triển bền vững của VN. Đây cũng là hội thảo quốc tế đầu tiên về Việt Nam học có tiểu ban về Pháp luật VN. Mặc dù vậy tiểu ban này đã thu hút sự tham gia đông đảo của giới Luật sư.
Sự tham dự của hơn 500 học giả trong nước và quốc tế, trong đó đa số là các Phó Giáo sư và Giáo sư đầu ngành cho thấy qui mô và tầm cỡ của sự kiện đặc biệt này. Những vấn đề nghiên cứu đa dạng về Việt Nam học của cả các học giả trong nước và nước ngoài đã cung cấp cả những cái nhìn bên trong và bên ngoài về Việt Nam.
Mặc dù có tới 8 phiên họp diễn ra liên tục trong vòng 3 ngày nhưng chừng đó thời gian không đủ để các học giả thể hiện hết vấn đề mình quan tâm. Gần như ở tất cả các tiểu ban đều không thể giới thiệu hết được các tham luận các học giả đã đăng ký, phần trao đổi thảo luận luôn sôi nổi và rơi vào tình trạng thiếu thời gian bởi có quá nhiều vấn đề được đưa ra trong khuôn khổ mỗi phiên họp.
Rất nhiều kiến nghị, đề xuất của các nhà khoa học về nhiều vấn đề đã được đưa ra nhưng rất tiếc, nó mới chỉ được gói gọn trong khuôn khổ của cuộc hội thảo lần này. GS Phạm Tất Dong, trưởng tiểu ban Giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực than thở: "Số báo cáo dự kiến thảo luận là 29 nhưng rất tiếc có 5 nhà khoa học xin vắng mặt nên chúng tôi chỉ thực hiện được 24 báo cáo. Tuy rằng rút bớt 5 tham luận nhưng thời gian báo cáo vẫn thiếu. Những nhận xét thì đồng chí thư ký đã ghi rồi. Chúng tôi đánh giá các bài viết của các Giáo sư trong nước và nước ngoài là những bài viết cẩn thận, là tư liệu cần để tham khảo. Nhưng thảo luận như vậy nhưng lại vắng bóng các nhà quản lý. Chúng tôi mong muốn các ý kiến của chúng tôi sẽ được ban tổ chức chuyển đến các vị đó".
Điều đáng nói là thời gian dành cho thảo luận luôn chiếm phần nhiều ở mỗi tiểu ban và các nhà khoa học cũng không ngần ngại chất vấn nhau về những vấn đề gây tranh cãi.
Học giả ngày càng trẻ hoá
Là cuộc hội thảo quy tụ những nhà nghiên cứu về ngành Việt Nam học nên các học giả nước ngoài am hiểu về Việt Nam đa số đều nói rất tốt tiếng Việt. Chính vì thế, việc các học giả nước ngoài đọc tham luận vanh vách bằng tiếng Việt như vị Tiến sĩ người Nga Sokolov Anatoli bàn về "Văn hoá VN: Toàn cầu hoá và thị trường" là hình ảnh thường thấy ở các tiểu ban.
Hội thảo lần này đã cho thấy một dấu hiệu mới là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các học giả trung niên và trẻ tuổi bên cạnh những "cây đa cây đề".
"Điều tôi muốn lưu ý trong hội thảo lần này, ít nhất là ở hai tiểu ban của tôi, là số học giả lớn tuổi rất ít. Nhưng điều rất đáng mừng là số học giả trung niên và đặc biệt là học giả trẻ tuổi chiếm ưu thế hoàn toàn. Họ có những báo cáo xuất sắc, nhiều tìm tòi và đề xuất mới mẻ. Điều này cho thấy bước tiến của ngành Việt Nam Học, cho thấy sự ra đời và trưởng thành của một thế hệ trẻ tuổi nghiên cứu của VN", GS Sử học Phan Huy Lê, đại diện cho tiểu ban Lịch sử truyền thống và hiện đại VN nói.
Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 3 đã kết thúc tại Hà Nội
Chủ đề của Hội thảo Việt Nam học lần này là Việt Nam: hội nhập và phát triển. Do vậy, tiểu ban Giao lưu văn hoá cũng dành được sự chú ý đặc biệt với sự tham gia của hơn 100 báo cáo gửi đến. Nhiều khái niệm mới cũng đã được đưa ra như: toàn cầu hoá văn hoá đa tuyến và toàn cầu hoá văn hoá đơn tuyến mang màu sắc Mỹ hoá văn hoá thế giới.
"Gần như tất cả các ý kiến ở cả hai tiểu ban 3 và 4 đều có những bài tham luận đề cập trực tiếp đến vấn đề văn hoá VN trong vấn đề hội nhập và toàn cầu hoá hiện nay. Gần như tất cả các ý kiến đều cho rằng bên cạnh vấn đề toàn cầu hoá nói chung mà thực chất là toàn cầu hoá về kinh tế, thế giới cũng đang diễn ra làn sóng toàn cầu hoá về văn hoá. Đó là thực tế không thể đảo ngược và VN nên chủ động hội nhập, chủ động đón nhận làn sóng toàn cầu hoá này", GS. Ngô Đức Thịnh, trưởng tiểu ban Văn hoá VN và Giao lưu văn hoá nhận xét.
Những vấn đề "nóng" của xã hội như: đảm bảo lợi ích của nông dân trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, những biến đổi xã hội ở nông thôn VN do quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế, đạo đức và văn hoá trong kinh doanh.... cũng đã được đưa ra mổ xẻ.
Ở tiểu ban Đô thị và Đô thị hoá, có học giả còn cho rằng đô thị VN phát triển thiếu lý luận đến mức có quá nhiều đô thị, quá nhiều qui hoạch dẫn đến rối loạn. GS. Đỗ Thị Minh Đức, trưởng tiểu ban Đô thị và Đô thị hoá nhận xét: "Nhiều tác giả nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm phát triển đô thị ở các nước và đặt ra các vấn đề cho VN như giải quyết nạn quá tải ở các đô thị lớn, làm sao để kết hợp phát triển đô thị với nông thôn".
Chủ đề “nóng” rất được quan tâm tại cuộc hội thảo lần này là Quan hệ quốc tế của VN với các nước trong khu vực. Các vấn đề Đường lối hội nhập quốc tế của VN - lịch sử và vấn đề quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, Tương lai của quan hệ Việt - Mỹ, Quan hệ Việt Nam – Đông Á, Đông Nam Á và EU. “Nhiều phần thảo luận sôi nổi đến mức khi xong thì đã hết cơm ăn”, GS. Vũ Dương Ninh nói.
Kết quả nghiên cứu về VN của các học giả trong - ngoài nước đã cùng nhau mở ra một cửa sổ để chính phủ và nhân dân các nước trên thế giới hiểu biết toàn diện, chính xác và sâu sắc hơn về đất nước và con người VN, đồng thời cũng mở ra những cơ hội mới cho Việt Nam hòa nhập với thế giới.
Nguồn: [Đăng nhập để xem liên kết. ]
Rất nhiều học giả uyên thâm về Việt Nam đã tập trung và thuyết trình, báo cáo. Đây cũng là dịp người VN tự nhìn lại mình qua con mắt khách quan.
Tiếc rằng, những bài báo về kết quả rất hiếm hoi. Hông hiểu tại sao.
Chẳng một tham luận nào được trích dẫn và phổ biến cho báo giới?