Go Back   Cựu Học Sinh Lê Quý Đôn - Long An > :: Câu Lạc Bộ :: > ..:: CLB Văn Thơ ::..

..:: CLB Văn Thơ ::.. Văn học , Thơ , Truyện , tùy bút , ..

GÓP NHẶT...

GÓP NHẶT...

this thread has 1 replies and has been viewed 6666 times

Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
Old 01-01-1970, 07:00 AM   #1
Hồ sơ
MANHHAO
Junior Member
 
Tham gia ngày: May 2005
Số bài viết: 12
Tiền: 25
Thanks: 0
Thanked 3 Times in 2 Posts
MANHHAO
Default

Don Quixote

Ông ta “tự chôn mình trong sách, đọc hàng đêm, từ chập tối tới sáng sớm, đọc hàng ngày, từ sáng sớm tới chập tối, và vì ngủ ít quá, đọc nhiều quá, não của ông trở nên khô kiệt, và ông phát khùng”.

Don Quixote, giống như Bà Bovary, là bi kịch của sự đọc. Nhưng cuốn tiểu thuyết của Flaubert là một tác phẩm của chủ nghĩa hiện thực: trí tưởng tượng của Emma bị hư ruỗng bởi thứ sách mà bà đọc, những câu chuyện bá láp, tầm phào nhằm thỏa mãn một đầu óc lãng mạn. Với Don Quixote, một người hùng của sự thái quá, vấn đề chủ yếu không phải ở chỗ những cuốn sách thì dở, mà hoàn toàn là ở số lượng đọc. Đọc không chỉ làm méo mó trí tưởng tượng, mà còn bắt cóc mất nó! Ông ta nghĩ rằng cả thế giới nằm ở bên trong cuốn sách. (Theo Cervantes, mọi thứ, mọi điều Don Quixote nghĩ, nhìn, hay tưởng tượng đều đẻ ra từ việc đọc của ông ta). Ngược hẳn với Emma, thói ham đọc sách quá độ này khiến ông ta chới với, vượt quá ra khỏi sự chừng mực, và hư ruỗng. Nó làm ông ta khùng; nó làm cho ông ta trở nên sâu thẳm, hào hùng, phong nhã nhất mực.

Không chỉ nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, mà cả người kể chuyện cũng mê mẩn đọc. Người kể chuyện trong Don Quixote cho biết, anh ta thèm đọc đến nỗi không từ cả mấy mẩu giấy nằm lăn lóc trên đường phố. Tuy nhiên, nếu hậu quả việc đọc thái quá của Don Quixote là sự khùng điên, thì việc đọc thái quá của người kể chuyện đưa đến cái gọi là sáng tác, trở thành tác giả.

Đúng là bản “hùng ca” đầu tiên và vĩ đại nhất về... sự nghiện. Don Quixote vừa tố cáo văn chương, vừa nhiệt nồng mời gọi văn chương. Một cuốn sách còn hoài, chẳng bao giờ cạn kiệt. Đề tài của nó là tất cả (trọn thế giới) và chẳng là gì cả (cái nằm bên trong đầu của một con người, tức là sự khùng điên). Cứ thế tiến tới, cứ kéo mãi ra, tự ăn thịt mình, nhìn lại mình, nhởn nhơ chơi, bất cần mọi chuyện, bồi thêm mãi, tự nhân mình ra mãi: Cuốn tiểu thuyết của Cervantes chính là hình ảnh của cái tuồng ảo hóa tuyệt vời, tầng tầng lớp lớp vốn là văn chương, và cái rồ dại mong manh của việc sáng tác, với tất cả sức khoáng trương điên cuồng của nó.

Một nhà văn trước tiên là một độc giả - một độc giả phát rồ, một độc giả đểu cáng, một độc giả hỗn xược rao to lên rằng ta có thể làm hay hơn cái ta đọc. Tuy nhiên, sự thật là, khi vị tác giả còn sống vĩ đại nhất soạn câu chuyện ngụ ngôn chung quyết của mình về thiên chức nhà văn, ông ta bịa ra một nhà văn đầu thế kỷ 20, ông này chọn việc viết (những chương hồi của) Don Quixote như là tác phẩm nhiều tham vọng nhất của mình. Lại một lần nữa. Y như chính nó đã từng. Bởi vì Don Quixote, hơn bất kỳ cuốn sách nào từng được viết, là văn chương.
(st)
MANHHAO is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Old 01-01-1970, 07:00 AM   #2
Hồ sơ
MANHHAO
Junior Member
 
Tham gia ngày: May 2005
Số bài viết: 12
Tiền: 25
Thanks: 0
Thanked 3 Times in 2 Posts
MANHHAO
Default

Cervantes chàng hiệp sĩ Phục hưng

Trên bản đồ châu Âu, nếu chúng ta lấy thủ đô Madrid - nơi Cervantes đang nằm yên nghỉ trong tu viện Trinitare từ năm 1616 - làm điểm xuất phát để kẻ hai đường thẳng, một tới thủ đô London của nước Anh, hai tới thủ đô Rome của nước Ý, rồi kẻ tiếp một đường thẳng thứ ba nối London và Rome, ta sẽ được một tam giác cân. Chúng tôi gọi tam giác này là Tam giác Phục hưng. Phong trào văn nghệ Phục hưng kéo dài ba thế kỷ bắt đầu từ thuở người khổng lồ Dante (1265-1321), bằng kiệt tác Thần khúc đã kết thúc thời kỳ Trung cổ, báo hiệu thời đại Phục hưng. Vì vậy, đỉnh của tam giác Phục hưng chính là Rome, quê hương của những nghệ sĩ vĩ đại được coi ngang với thần linh như Leonard de Vinci (1452-1519), Michel Angelo (1475-1564) và Raphael (1483-1520)... Hai góc của tam giác Phục hưng này chính là Madrid và London, quê hương của hai thiên tài văn chương số một nhân loại: Shakespeare (1564-1616) của nước Anh và Michel de Cervantes Saavedra (1547-1616) của Tây Ban Nha mà tài năng được sánh ngang với Dante thần thánh... Trong lòng tam giác Phục hưng của thế kỷ 14, 15, 16 này là những Rabelais (1494 -1553), Ronsard (1524 -1585), một người đưa thơ và một người đưa văn xuôi Pháp thoát khỏi thời đại Trung cổ. Đáp lại tiếng đập cửa địa ngục và thiên đường ầm vang trong kiệt tác Thần khúc làm rung chuyển châu Âu trung cổ của Dante, Cervantes và Shakespeare đã mở toang cánh cửa vào thời đại Phục hưng như mở hai bìa của cuốn sách có tên là nhân loại. Hai chàng hiệp sĩ Phục hưng Shakespeare và Cervantes này sau khi hoàn tất sứ mệnh lịch sử kỳ vĩ, mặc dù ở cách xa nhau hàng nghìn cây số, kỳ lạ thay, đều chọn ngày 23 tháng 4 năm 1616 để giã từ cõi thế.

Từ thuở ấy đến nay, Cervantes vẫn yên nghỉ trong tu viện Trinitaire giữa thủ đô Madrid nhưng không ai biết mộ ông đích xác nằm ở chỗ nào. Mùa thu, lá sồi vàng mang hình nước Tây Ban Nha vẫn rụng xuống ôm lấy những nấm mộ vô danh trong đó có di hài của đại văn hào Cervantes, như thể chúng được đắp bằng ráng đỏ buổi hoàng hôn chói lọi của thời đại Phục hưng vừa đi qua bầu trời nhân loại. Hầu như ít nhà văn nào lại có số phận bi hùng và cuộc đời đầy chông gai khổ ải như Cervantes. Chừng như thời Trung cổ nặng nề tăm tối nhất châu Âu của Tây Ban Nha đã biến thành một cây thập giá khổng lồ mà lịch sử tinh thần của nước này đã buộc Cervantes phải vác qua đồi Golgotha Trung cổ để đến thời đại Phục hưng. May mắn thay cho Cervantes, chính sự xuất hiện của anh chàng nửa khôn nửa dại, ấm ớ và tưng tửng trong niềm khát vọng tự do đến hầu như mất trí Don Quixote, một nhân vật văn học kỳ vĩ, một sự hóa thân của tác giả đã giải thoát địa ngục ra khỏi đời sống trần gian nơi nhà văn. Chính người anh hùng rơm Don Quixote xuất hiện qua hư cấu văn học, đã thành Simon vác đỡ cho Cervantes cây khổ giá có tên là nước Tây Ban Nha Trung cổ.

Cervantes sinh ngày 29/9/1547 tại thị trấn Alcala de Henares gần Madrid trong một gia đình quý tộc không lấy gì làm giàu có. Thế kỷ thứ 16 là thế kỷ vàng, thế kỷ cường thịnh nhất của đế quốc Tây Ban Nha, thế kỷ của Hạm đội vô địch đã đẩy hải quân Thổ Nhĩ Kỳ khỏi Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, biến biển cả thành ao nhà của các vua Madrid. Nhưng nước Tây Ban Nha hùng mạnh trên đất liền và biển cả chưa biết rằng nó vừa sinh ra một con người sau này sẽ trở thành một hạm đội tinh thần không bao giờ bị đánh đắm, làm vinh quang cho xứ sở và tiếng Tây Ban Nha. Con người ấy vừa sinh ra đã bị những vần thơ Tây Ban Nha mê hoặc như mưa phùn đại dương miền duyên hải Galice bị những ngọn gió bò tót Pyrénée quyến rũ. Nước Tây Ban Nha trung cổ vốn thực tế đến tàn bạo và mơ mộng đến hoang đường, từng lấy vạt áo chùng thâm của thày tu làm vòm trời che xứ sở, chưa biết đã xuất hiện một con người sẽ làm bầu trời xanh lại màu xanh vườn nho bạt ngàn Andalusia. Con người đó đang ghì xiết ngực mình vào cây đàn Tây Ban Cầm xứ sở như muốn uống cạn những dòng sông thi ca đất nước, chợt đứng lên thành chàng trai 22 tuổi, theo đức Hồng y Acquaviva vượt biển sang Rome để tìm hiểu Chúa Trời và nền văn nghệ Phục hưng. Chàng trai đó là Cervantes, một năm sau đã trở thành người lính hạm đội của Don Juan d"Autriche. Với sức mạnh bò tót và thanh kiếm trong tay, đứa con trai của Madrid ở độ cao 600 mét so với mặt biển, chợt như chim ưng lao vào quân Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ đảo Cyprus; như trước đó 76 năm Christophe Colomb giăng hết cỡ buồm cánh dơi hạm đội, hút hết gió Đại Tây Dương lao vào mũi Guanahani (San Salvador) miền đất đầu tiên của châu Mỹ, để nới rộng chân trời Tây Ban Nha tới muôn trùng tân thế giới.

Nhìn thoáng qua trên bản đồ, nước Tây Ban Nha trông giống một lá sồi. Nhưng nhìn kỹ, nó giống một cái đầu bò tót với hai chiếc sừng là vùng tây bắc Galice và vùng đông bắc Catalogne. Mõm con bò tót ấy là vùng Andalusia trù phú, hướng vào eo biển Gibraltar, canh giữ cửa ra vào Địa Trung Hải. Tây Ban Nha xưa từng thịnh vượng với bảy thế kỷ hòa bình La Mã (Pax Romana) với tên cũ của nó: Hispania. Thế kỷ thứ tám sau công nguyên, người Ảrập vượt eo biển Gibraltar tàn phá đất nước này, biến nó thành địa ngục. Người Ảrập bắt tất cả triều đình, vương tôn quý tộc, bắt tất cả con gái đẹp của một quốc gia về làm nô lệ, cướp hết thảy của cải châu báu của Hispania, biến nước này thành vệt dài tù binh kéo thành hàng trăm cây số qua Maroco, Algeria, Tunisia, Libya, Ai Cập... về tới thủ đô Baghdad của họ. Người Ảrập đã lấy máu Tây Ban Nha cải đạo Hồi cho dân Thiên chúa giáo, phá tan các giáo đường Gothique, biến xứ sở này thành Al-Andalus và công quốc Cordoue, như ngọn hải đăng của đạo Hồi ở phương Tây. Nhưng rồi phong trào chinh phục lại (Reconquista) năm 1469 của những người Thiên chúa giáo đã đánh đuổi được người Môrơ Hồi giáo ra khỏi Tây Ban nha, xóa bình địa vương quốc Grenade. Máu đã chảy thành sông, xương đã chất thành núi trên Tây Ban Nha đau thương suốt thời trung cổ. Rồi tòa án giáo hội bập bùng những giàn hoả thiêu khắp đất nước. Hàng triệu người Do Thái than khóc khi không cải đạo Ki-tô bị đuổi ra khỏi Tây Ban Nha, bị thiêu, bị mổ bụng... cùng một năm với việc Colomb tìm ra châu Mỹ - 1492. May mà nước Tây Ban Nha chỗ nào cũng có núi, khiến niềm mơ mộng và lòng trắc ẩn của con người còn có cơ ẩn nấp. Máu của người Thiên chúa giáo, của người Ảrập Hồi giáo, của người Do thái giáo đã đổ ra ướt đẫm đất Tây Ban Nha, khiến cỏ, lúa mì và vườn nho tươi tốt nuôi sống con người. Cervantes được sinh ra từ nguồn mạch kinh hoàng và bi thảm đó. Trong xương thịt ông có sự hùng vĩ của núi Pyrénées mây trắng và ngọn gió ngăm ngăm huyền bí sa mạc Ảrập cùng cơn bão cát ngang tàng, như bò tót của lục địa đen còn cuồn cuộn chảy trong huyết mạch ông. Cervantes hay là một Tây Ban Nha vừa được thu nhỏ lại trong một hợp chủng văn hóa, trong bi kịch và tang thương của lịch sử bán đảo Ibérique từng quằn quại giữa các cuộc chiến tranh tôn giáo và chủng tộc tàn khốc suốt thời Trung cổ.

Trong cuộc chiến với quân Thổ ở Lépante, chàng kỵ mã hải quân Cervantes đã bị thương nặng ở ngực và bị chặt mất bàn tay trái. Trong thời gian dưỡng thương tại Messine, chàng tranh thủ học tiếng Ý để thu vào hồn mình dòng thơ linh thiêng của Dante, thấm đẫm những trang văn mỹ lệ của Boccasio. Sau khi lành vết thương, Cervantes dù không còn bàn tay trái, không có nghề nghiệp gì ngoài cái nghề chém giết, đành tiếp tục tham gia quân đội và chiến đấu rất dũng cảm tại các mặt trận Navarin, Tunis, Goulette. Năm 1575, mang linh hồn nước Ý Phục hưng về Tây Ban Nha, Cervantes bị cướp biển bắt làm nô lệ 5 năm tại Alger. Năm năm kinh hoàng đó, Cervantes đã bị rơi xuống địa ngục thực sự. Được chuộc ra khỏi hang ổ bọn cướp bể, về Tây Ban Nha, Cervantes lấy vợ và sống một chuỗi ngày nghèo khổ, cơ cực cho đến hết đời. Khổ cực, đói khát tới mức ông đã để vợ vào tu viện sống qua ngày. Ông đã từng bị bỏ tù hai lần vì bị nghi làm thụt két công quỹ. Chiếc dạ dày không thể co bóp suông một thứ thi hứng hư vô thời trai trẻ và những suy tư triết học kinh viện của Augustin và Thomas d"Aquin được nữa. Chiếc dạ dày cụ thể, dung tục kia rốt cuộc đã hành hạ ông hơn bọn cướp bể Maroco hồi nào. Để cứu chiếc dạ dày đang làm giặc kia, Cervantes đã dùng chiếc bút lông ngỗng làm con chiến mã phi như bay trên trang giấy mốc meo, hy vọng tìm bánh mì và sữa bằng cách để lại những dòng chữ ngoằn ngoèo và đặt tên cho nó là văn chương. Ông đã viết như đánh giặc, viết cật lực như chèo thuyền hồi làm nô lệ, viết hàng trăm tác phẩm từ thơ ca, truyện ngắn, truyện dài, bi hài kịch. Nhưng văn chương vẫn không nuôi sống được con người. Có lúc ông cầu Chúa cho mình chết hoặc điên, hoặc là bị mộng du mãi mãi. Nước Tây Ban Nha hai lần trung cổ, đến con kiến cũng buộc phải tin Chúa này khiến ông không sao thoát được dù có nghìn đêm theo Dante xuống địa ngục. Và Chúa ơi, trong cùng cực tàn nhẫn của thực tại bi thảm dồn nén, hầu như toàn bộ cuộc đời chưa thể thành cuộc đời của ông, được ai đó cứ nấp trong hồn như quỷ sứ, chợt nhúng ông vào một dung dịch không phải là chất lỏng, cũng không phải là khí, khiến tư tưởng và tâm hồn ông được lột xác như rắn. Cervantes chừng như không còn là Cervantes nữa mà chợt mang một tên gọi khác vừa ngỗ nghịch, vừa dễ thương, vừa ma mị vừa chân thật oai hùng đến ngớ ngẩn là Don Quixote.

Năm 1605, phần một cuốn tiểu thuyết vĩ đại Don Quixote được Cervantes viết trong cơn ma ám ra đời làm ngơ ngác nước Tây Ban Nha trung cổ. Cây thập ác tinh thần mà xứ sở bò tót bắt ông vác đỡ, đã được dựng trên núi Sọ. Tâm hồn Cervantes hầu như đã bị nghệ thuật đóng đinh câu rút để phục sinh thành nhân vật Don Quixote. Nước Tây Ban Nha trung cổ chợt hóa thành con khủng long vĩ đại hứng chí nhảy lên vồ người anh hùng quẫn trí đi tìm tự do trong một thế giới phi thực tại. Nhưng nhân vật Don Quixote kia hầu như không có thân xác; nó chỉ là một linh hồn biết cưỡi ngựa, một linh hồn vừa chạy thoát khỏi lò luyện tội trung cổ, quyết lao vào thế giới thực tại đến tàn nhẫn kia để chứng minh sự tồn tại đang đến của niềm phục sinh dị giáo có tên là Phục hưng. Cái nhân vật siêu thực tại toàn được cấu tạo bằng linh hồn ấy cho đến nay như vẫn còn bị nhân loại săn đuổi hoặc là lẽo đẽo đuổi theo nhân loại để thề thốt rằng nó chính là một thân xác, một thân xác có tên là hiệp sĩ xứ Macha, vẫn một mình làm cuộc chiến đấu với chính ảo tưởng của con người mình. Đấy chính là cuộc chiến đấu vĩnh hằng của Don Quixote với cối xay gió ảo vọng, như là cuộc chiến đấu của chàng Hamlet với chính tồn tại của chàng, cuộc chiến đấu giữa Faust với chính linh hồn mình đã bị bán cho quỷ Méphisto để đổi lấy sự khoái lạc và hiểu biết...

Don Quixote, một bi hài kịch vĩ đại vào bậc nhất của nền văn chương thế giới, một sự quằn quại lột xác của thời đại Trung cổ để hóa thân thành thời đại Phục hưng. Anh chàng dở người Don Quixote cầm giáo cưỡi trên con chiến mã đã về hưu, dắt theo một đồ đệ ngây ngô và chân thành đến thánh thiện là Sancho Pancha ngự trên con lừa thổ tả, tôn nàng Thị Nở Dulcinea lên thành Người Đẹp lý tưởng cần bảo vệ. Rồi thày trò liều mình lao thẳng vào cái thế giới giả tưởng này để chiến đấu đến ốm đòn đòi giải phóng và cứu chuộc nó. Đằng sau trò cười cứu đời, cứu thế ấm ớ và phi lý của Don Quixote là bi kịch của cả thời Trung cổ dồn hết lên đầu nhân vật nửa người nửa ma, nửa người nửa thánh này. Cả cái thời đại phục cổ quay về tinh thần nhân văn dị giáo tiền Ki-tô kia chừng như chàng đều phải gánh chịu? Don Quichote là nước mắt, là sự bất lực của lý trí kinh viện Trung cổ, hay là tiếng cười, là niềm mê mẩn tự do đến choáng váng của thời đại Phục hưng đang đến? Lòng tốt, đức hy sinh, tinh thần yêu tự do, đòi giải phóng tất cả từ đàn cừu đến đức Mẹ Maria... của thầy trò Don Quixote chừng như vẫn còn đồng hành cùng thời đại chúng ta? Và những tên khổng lồ cối xay gió mà thày trò người anh hùng yêu tự do đến tuyệt đối kia chiến đấu thuở nào, hầu như vẫn còn đứng lù lù chặn đường nhân loại đi lên phía trước?

Cervantes đã có hơn 450 tuổi, nhân vật Don Quixote năm 2005 này tròn 400 tuổi mà chừng như mới được sinh ra. Con người vừa đi vừa phải đánh nhau một cách khá ác liệt với những ngộ nhận của chính mình. Ngộ nhận này chết đi, ngộ nhận khác lại tìm đến thay thế. Hóa ra, chỉ có món cối xay gió của Don Quixote là bất tử. Bất tử thay con người đã sáng tạo ra kỳ tích văn học: chàng hiệp sĩ Phục hưng Cervantes. Mùa xuân này, cả Tây Ban Nha đang rừng rực vũ điệu pasodoble của sông Tage như muốn ghì xiết lấy Madrid bằng những nhịp nhảy núi đồi, hy vọng tìm lại người của hơn 450 trước, tìm lại chàng Don Quixote mê cứu thế hơn mê cứu mình của 400 năm trước...

MANHHAO is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời



Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Website sử dụng phần mềm vBulletin phiên bản 3.6.8
do Công ty TNHH Jelsoft giữ bản quyền từ 2000 - 2024.
Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 06:28 AM.

Hội CHS Lê Quý Đôn-Long An giữ bản quyền nội dung của website này

Tự động[F9]TELEX VNI VIQR VIQR* TắtKiểm chính tảDấu cũ
phan mem quan ly ban hang | thuê vps