Một nhà xã hội học Mỹ đã từng ví von: “Sinh ra ở Thụy Điển vào thế kỷ 20, thế kỷ 21 thì coi như đã trúng số”! Thậm chí một người trúng số cũng khó có được cuộc sống sung túc như ở Thụy Điển. Vì sao?
Mời bạn đọc cùng Tuổi Trẻ ghé thăm Thụy Điển, đất nước Bắc Âu có khoảng 9 triệu dân đang là biểu tượng của sự phồn vinh thuộc vào loại bậc nhất châu Âu và thế giới.
"Đất nước của những người trúng số" - Kỳ 1: “Thương hiệu toàn cầu”
Quảng trường Sergel nổi tiếng ở trung tâm Stockholm là nơi thường xuyên tổ chức hội chợ, lễ hội, biểu diễn nghệ thuật, và cũng là nơi tụ tập cử tri để các ứng cử viên tranh cử, nơi các nhóm đảng phái hoặc các lực lượng xã hội biểu tình, bày tỏ chính kiến - Ảnh: D.Trường
TT - Người Thụy Điển đang sở hữu rất nhiều “thương hiệu toàn cầu”: giải thưởng Nobel, độ C bách phân (Celsius), ban nhạc ABBA, xe hơi Volvo, tủ lạnh Electrolux, đồ nội thất IKEA, vodka Absolut, điện thoại di động Ericsson... Bản thân “mô hình Thụy Điển” cũng là một “thương hiệu” lừng lẫy - mô hình nhà nước của phúc lợi xã hội toàn dân, với GDP bình quân đầu người năm 2006 đạt 31.600 USD.
Xứ sở của... miễn phí!
Giá cả sinh hoạt của Thụy Điển thuộc vào loại đắt đỏ nhất thế giới. Một trái chuối xanh giá 2 couron (gần 5.000 đồng VN). Một cái hot-dog kiểu Pháp bán ở lề đường Stockholm gồm một ổ bánh mì ba-ghết khoét ruột, cắm trọn cái xúc xích dài chưa hết gang tay, pha với sốt ớt, sốt cà chua, ăn vào là mất đứt 20 couron. Một đĩa phi lê cá chiên kèm khoai tây và vài cọng rau lấy mất của bạn 90 couron. Bó hoa cỡ trung bình 50 couron, vé tham quan bảo tàng 80 couron, đôi giày loại thường trên 300 couron... Dân xứ ta sang đây mà ngày nào cũng nhẩm tính chuyện ăn xài theo VN đồng thì sớm muộn gì cũng... đứt ruột.
Ấy thế mà đất nước Bắc Âu này lại nổi tiếng thế giới về những khoản miễn phí dành cho công dân nước mình. Trẻ em Thụy Điển được chăm sóc miễn phí từ khi còn trong bụng mẹ. Khi sinh ra, các em được gửi đến các nhà trẻ miễn phí. Lúc cắp sách đến trường, toàn bộ hệ thống giáo dục đều miễn phí. Hệ thống bảo hiểm sức khỏe đảm bảo mọi người được chăm sóc y tế, hỗ trợ thuốc men, thậm chí cả chi phí chăm sóc răng miệng. Người cao tuổi được nhà nước chăm lo đầy đủ. Thụy Điển có một hệ thống tài chính hỗ trợ nhà ở, trợ cấp thất nghiệp, trả lương khi người lao động đau ốm, trợ cấp cho gia đình có trẻ con và nhiều hình thức hỗ trợ xã hội khác... Tóm lại, người Thụy Điển thường bị “anh em tứ hải” ghen tị mà chế giễu là những người được nhà nước “cơm bưng nước rót” từ khi khóc chào đời đến lúc cười xuống mồ.
Thụy Điển có một hệ thống phúc lợi xã hội dựa trên việc đánh thuế thu nhập cá nhân rất cao, nhằm chia sẻ lợi ích giữa các tầng lớp xã hội, bảo đảm mọi công dân dù trong hoàn cảnh nào cũng hoàn toàn yên tâm về những bảo đảm cho các nhu cầu cơ bản. Dân trí lại rất cao. Nguời Thụy Điển được xếp vào nhóm những người đọc báo nhiều nhất thế giới, cả nước có khoảng 170 nhật báo với hơn 4 triệu bản in, nghĩa là hằng ngày cứ hai người thì có một tờ báo cầm tay. Internet phổ cập đến 90% người dân. Nước này áp dụng chính sách giáo dục song ngữ, mỗi học sinh được học tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh nên thanh niên Thụy Điển nói tiếng Anh như... gió biển Baltic, có thể đi khắp nơi làm công dân toàn cầu.
Cuộc sống no đủ nên ngay cả những người bán hàng ăn trên phố cũng “dọn gánh” rất sớm. Phần lớn các tiệm ăn chỉ buôn bán cho đến xế chiều. Sau 18 giờ chiều, cửa hàng cửa tiệm đều đóng cửa cài then, chỉ số ít siêu thị, nhà hàng, vài trung tâm thương mại còn mở, mà cũng chỉ đến 21 giờ là khóa sổ, làm những du khách dạo bộ phố khuya tiếc ngẩn ngơ.
Chè Thái, gái... Thụy Điển!
Ảnh: Đ.D.
Cho phép tôi đem toàn bộ cổ phiếu cá nhân của mình ra mà “thề” rằng: phụ nữ Thụy Điển xinh đẹp nhất châu Âu, thậm chí phải là hạng nhì thế giới, nghĩa là chỉ xếp sau... phụ nữ VN mà thôi! Kết luận này không phải căn cứ vào số lượng và “chất lượng” các cô minh tinh, hoa hậu, người mẫu nước này xuất hiện trên báo chí, phim ảnh, truyền hình, poster, banner đường phố..., mà là dựa vào trung bình cộng “nhan sắc” của toàn bộ phụ nữ mọi lứa tuổi mà tôi đã bắt gặp trong thời gian ngây ngất ở xứ sở phương Bắc này, rồi đem nhân với ý kiến của tất cả đàn ông mà tôi quen biết đã từng đến đây!
Đa số các nàng tóc vàng, mắt xanh. Có khi tóc vàng được thay bằng màu hạt dẻ, bạch kim hoặc nâu. Mắt luôn nhuộm màu của nước hồ xanh màu trời, rất trong và có chiều sâu. Ai cũng mũi cao thanh tú, môi đỏ như thịt cá hồi, da trắng như tuyết trên núi cao, và đặc biệt là chân dài rất... xa! Mỗi lần đi ngang qua các cửa hàng cửa hiệu thời trang dành cho quí bà, nhiều lúc tôi bỗng dưng tràn trề mặc cảm về chiều cao của mình khi nhìn thấy những bộ trang phục của những cô nàng có mức sàn từ 1,70m.
Nhưng trái với vẻ đẹp dịu dàng, thùy mị, nết na của phụ nữ VN, vẻ đẹp thật sự của phụ nữ Thụy Điển nằm chính ở sự tự tin. Các chị, các cô suy nghĩ, đi đứng, ăn nói từ trong nhà ra ngoài phố hết sức tự tin, mạnh mẽ và độc lập. Phụ nữ xứ này dẫn đầu thế giới về tỉ lệ tốt nghiệp đại học, có việc làm, có chức vụ quan trọng nơi làm việc. Quốc hội có đến 158/349 nghị sĩ là nữ, Chính phủ có 10/22 bộ trưởng là nữ. Phụ nữ được làm hết thảy mọi nghề, kể cả làm quân nhân. Mọi hành vi xâm phạm phụ nữ đều bất hợp pháp. Quảng cáo tìm người theo giọng điệu “ưu tiên nam giới” sẽ bị kiện ra tòa vì tội phân biệt giới tính.
Hằng năm, các công ty phải báo cáo so sánh mức lương của mọi nhân viên, nếu bị phát hiện trả lương thấp hơn cho phụ nữ là bị lôi ra tòa ngay. Phụ nữ khi sinh con được nghỉ hưởng lương rất dài (cả cặp vợ chồng được thay phiên nhau nghỉ đến một năm, trong đó buộc người chồng phải nghỉ ít nhất hai tháng để chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con). Thụy Điển có nhiều trung tâm chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, nhất là trước và sau khi sinh, đặc biệt là với những bà mẹ nuôi con đơn thân.
Có phải đời sống sung túc, thiên nhiên Bắc Âu tuyệt vời... đã làm nên nhan sắc Thụy Điển
Nhưng càng “say đắm” nhan sắc phụ nữ Thụy Điển bao nhiêu, tôi lại càng “buồn giận” cánh đàn ông xứ này bấy nhiêu! Ngoài phố, bạn thường gặp cảnh các ông bố đẩy xe nôi hoặc dắt tay con, trong khi người mẹ một mình tung tăng cười nói. Vào nhà, có thể bạn sẽ thấy anh chồng vào bếp nấu nướng (mà lại nấu nướng rất ngon!) hoặc tắm rửa cho con, trong khi vợ xem tivi hoặc đang làm việc trên laptop. Các anh lại không nhậu nhẹt gì, vì rượu được quản lý rất chặt chẽ, chỉ được bán trong một hệ thống cửa hàng riêng biệt, và các nhà hàng, quán bar phải có giấy phép riêng mới được kinh doanh chuyện “lai rai”. Ở đất nước này, mại dâm là bất hợp pháp, và khi bị bắt quả tang, nhà chức trách không đụng chạm đến các “nàng Kiều” mà chỉ tập trung phạt tiền rất nặng những kẻ “mua hoa”...
Đàn ông Thụy Điển ngoan hiền quá, nghiêm túc quá, nhưng lại làm “gương xấu” cho chị em nước khác có cớ mà “dạy dỗ” các đức ông chồng. Tôi cứ có một suy nghĩ “tăm tối” là đừng nên để chị em xứ ta đi du lịch Thụy Điển làm chi cho... hậu quả nghiêm trọng với các ông chồng!
DUYÊN TRƯỜNG
Vương quốc Thụy Điển nằm trên bán đảo Scandinavia ở Bắc Âu. Thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất Thụy Điển là Stockholm (dân số 783.000 người), diện tích 449.964 km².
“Mô hình Thụy Điển”, một khái niệm của thập niên 1970, tức chỉ hệ thống phúc lợi và chăm lo xã hội rộng khắp, là kết quả của sự phát triển hàng trăm năm. Từ năm 1890-1930, một phần cơ sở cho một hệ thống phúc lợi xã hội đã thành hình, bắt đầu được đẩy mạnh. Hệ thống phúc lợi xã hội Thụy Điển chăm lo tất cả mọi người từ trẻ em (thông qua hệ thống chăm sóc trẻ em của làng xã) cho đến những người về hưu (thông qua hệ thống chăm sóc người già của làng xã).
(Nguồn: Wikipedia)
oOo
Ở đất nước Bắc Âu xinh đẹp này, tình yêu sâu đậm với thiên nhiên tồn tại như một tôn giáo không nghi lễ. Ở đây, tên đất, tên người thường mượn tên hoa lá, cỏ cây. Cứ có nhà cửa, có con người là có hoa.
nguồn: [Đăng nhập để xem liên kết. ]
Thấy người mà ngẫm đến ta....................
__________________ Đặng Minh Tiến - K96
ĐÀN ÔNG VIỆT NAM THỜI NAY:
1. Một Vợ
2. Hai Con
3. Ba Lầu
4. Bốn Bánh.....