Ưng Hoàng Phúc (trái), ca sĩ nổi lên với những ca khúc điển hình hát như nói.
Tình yêu trong nhạc trẻ bây giờ không còn mang sắc thái bay bổng, lãng mạn như ngày trước, trái lại rất “thực tế”, “đời thường” với những ca từ hết sức “bình dân học vụ” mà thoạt nghe qua khán giả không hiểu đây có phải là bài hát hay là những câu văn nói thô thiển có kèm thêm nhạc điệu.
Chẳng cần những hình ảnh bóng bẩy, chẳng cần những lời ca hoa mỹ, ca từ nhạc trẻ ngày nay “thật” và “thẳng” đến mức quá tự nhiên chủ nghĩa, gây “sốc” cho người nghe.
Bàn tay biên tập ở đâu?
Hát như văn nói, ca từ tào lao, đó là chưa kể tình trạng lời ca “nửa tây, nửa ta”. Đêm nay em rất xinh, nơi đây em rất xinh, cho ta quay quay nhanh theo tiếng nhạc DJ” (Vũ điệu Boom Boom), Oh first kiss, chẳng muốn ta rời bước đi, chỉ muốn tan vào với nhau (Nụ hôn bất ngờ). Nghe xong bài mới biết tiếng Anh first kiss nghĩa là nụ hôn bất ngờ!
Cùng với xu hướng ca từ “bình dân học vụ”, “tự nhiên chủ nghĩa”, tựa bài hát cũng được đặt “sát” thực tế hơn, không chắt lọc như các ca khúc xưa nữa. Những tên bài dài ngoằng kiểu Anh chỉ biết câm nín nghe tiếng em khóc, Đàn ông không được quên (Hết tình còn nghĩa), Anh không muốn bất công với em, Làm sao tốt cho cả hai...xuất hiện ngày càng nhiều, trở thành “mốt”.
Những ca khúc nhạc trẻ trên thực sự không thể gọi là âm nhạc bởi mục tiêu của âm nhạc là giúp con người thăng hoa tâm hồn, đưa con người đến sự hướng thiện. Trong khi đó, những ca khúc này chỉ dẫn người nghe đến những suy nghĩ bi quan, những quan niệm tiêu cực, thực dụng về cuộc sống, về tình yêu. Không hiểu vai trò kiểm duyệt, biên tập của các cơ quan chức năng ở đâu mà lại để cho những bài hát có ca từ nhảm nhí kiểu này được phép lưu hành, phổ biến rộng rãi trong album của các ca sĩ trẻ, phát ra rả trong các chương trình ca nhạc trên các đài truyền hình.
Theo Người Lao Động