Go Back   Cựu Học Sinh Lê Quý Đôn - Long An > :: Câu Lạc Bộ :: > ..:: CLB Văn Thơ ::..

..:: CLB Văn Thơ ::.. Văn học , Thơ , Truyện , tùy bút , ..

Các tác phẩm của Bàn Tiên sinh

Các tác phẩm của Bàn Tiên sinh

this thread has 4 replies and has been viewed 15566 times

Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
Old 17-01-2008, 03:59 PM   #1
Hồ sơ
myhanh
 
myhanh's Avatar
 
Tham gia ngày: Dec 2004
Cư ngụ: Love Planet
Tuổi: 44
Số bài viết: 7,404
Tiền: 0
Thanks: 2,122
Thanked 5,472 Times in 2,040 Posts
myhanh is on a distinguished road
Default Các tác phẩm của Bàn Tiên sinh

LẬP TRÌNH SƯ (Bàn Tải Cân)

Vài thế kỷ trước tại Hà thành có chàng trai trẻ tên gọi Tích Gia Văn, là sinh viên năm cuối khoa Công nghệ thông tin Đại học Bách khoa Hà Nội. Văn bình sinh thích viết phần mềm máy tính, rất có kỹ năng lập trình. Không những bạn bè đồng khoá đều khâm phục chàng mà ngay cả các giáo sư uyên bác cũng phải nể vì, coi Văn như một tài năng thuật toán đầy triển vọng. Các đoạn mã Văn viết ra bao giờ cũng sáng sủa, lề chuẩn, đầy đủ comment nhưng lại rất súc tích và tối ưu về giải thuật.

Tốt nghiệp loại xuất sắc nhưng Tích Gia Văn không vội vàng tiếp nhận những lời đề nghị làm việc ở những vị trí then chốt trong các công ty phần mềm lớn. Cái mà chàng cần lúc này là một sự nghiệp lẫy lừng, một danh tiếng vọng toả trong giới lập trình viên toàn thế giới. Văn quyết định tiếp tục con đường học vấn. Chàng tìm sang Ấn Độ làm thạc sĩ khoa học dưới sự hướng dẫn của một vị giáo sư uyên bác người Việt gốc Mỹ, giảng viên một trường đại học lớn ở Bangalore. Sau buổi sát hạch, vị giáo sư bảo Văn: “Cậu có kỹ năng tốt, chỉ còn thiếu kỷ luật”. Văn buồn lắm, nhưng ý chí cầu tiến khiến chàng trong suốt ba năm ròng rã quyết tâm theo thầy mà tự khép mình vào thứ kỷ luật nghiệt ngã của đủ mọi loại qui trình sản xuất và qui trình quản lý chất lượng phần mềm. Sau ba năm Tích Gia Văn đã trở nên một trưởng dự án siêu hạng, có thể phụ trách những project cực lớn với sự tham gia đồng thời của hàng chục ngàn lập trình viên thuộc đủ mọi sắc tộc.

Xong luận án thạc sĩ ở Ấn độ, Văn xin được học bổng sang Hoa Kỳ làm tiến sĩ ở Silicon Valley, tiếp tục con đường phát triển sự nghiệp của mình. Ông thầy tiếp theo của Văn là một học giả lớn gốc Campuchia, người chuyên viết các khảo cứu về chất lượng mã nguồn cho các công ty phần mềm đạt tiêu chuẩn CMM5 trở lên. Sau khi tiếp xúc, ông bảo Văn: “Cậu có kỹ năng và kỷ luật tốt, chỉ còn thiếu sáng tạo”. Cảm thấy hổ thẹn về lời nhận xét quá chính xác, Văn cật lực theo ông thầy lăn vào những cuộc luyện tập sáng tạo vô bờ. Kết quả của công cuộc đó là những phần mềm tuy nhỏ, nhưng kỳ diệu đến mức có sản phẩm đã được đề cử Probel - một giải thưởng dành cho những phần mềm sáng tạo xuất chúng, tương đương với giải Nobel trong khoa học. Ba năm sau, vào năm Giáp Dậu, trong buổi lễ nhận văn bằng tiến sĩ, ông thầy gọi Văn đến mà bảo rằng: “Trình độ của ta nay cũng không bén gót cậu được nữa, giờ là lúc cậu tung hoành rồi”. Nói đoạn cho Văn xuất môn.

Cũng vào mùa thu năm đó, Việt nam đứng ra đăng cai tổ chức cuộc thi Lập trình Quốc tế lần thứ nhất tại núi Trúc, ngọn núi cao nhất trong dãy núi Bò ở thủ đô Hà Nội. Đây là cuộc thi thu hút các tài năng lẫy lừng nhất trên khắp thế giới về tham dự. Tất nhiên Tích Gia Văn không thể bỏ lỡ cơ hội mỗi năm có một này, bởi đó là dịp để chàng thể hiện tài năng xuất chúng cùng những tuyệt chiêu cái thế sau bao năm tu luyện ở hải ngoại. Văn tự tin rằng với trình độ hiện có, chàng sẽ nắm chắc giải nhất, nếu không nói là giải đặc biệt. Quả thật lúc đó danh tiếng của Tích Gia Văn đã lớn đến mức khi chàng đáp máy bay trở về Việt nam dự thi, hơn hai ngàn thiếu nữ mắt vàng môi tím quần lót áo yếm - là mốt thời thượng khi đó đã chầu chực sẵn ở sân bay Nội Bài để được chiêm ngưỡng dung nhan và xin chữ ký của chàng. Bộ trưởng Bộ Phần mềm cũng đích thân ra tận chân cầu thang máy bay đón nhân tài đất Việt hồi hương.

Vòng sơ khảo diễn ra khẩn trương, các đối thủ bọt bèo nhanh chóng bị loại. Nhiều thí sinh đến từ Mỹ, Ailen, Israel, Trung Quốc, Ấn Độ… hết sức buồn rầu, thất vọng và tức giận vì không được lọt vào vòng trong. Nhưng biết làm sao khi họ không đủ tài năng và đức độ. Tích Gia Văn dẫn đầu vòng sơ khảo và lọt vào vòng chung kết cùng hai thí sinh khác, đều là người Việt, tên là Tồn Toàn Lương và Mặc Kim Chân. Cuộc thi chung kết được tổ chức đúng vào một buổi tối mùa thu heo may nhè nhẹ, khán giả tập trung về núi Trúc đông đến nghẹt thở. Một hàng rào cảnh sát được giăng kín dưới chân núi để đảm bảo an toàn cho cuộc thi. Trên đỉnh núi đèn hoa chăng rực rỡ. Sau lời khai mạc trọng thể và cảm động, Ban giám khảo dõng dạc đọc đề thi chung cho cả ba thí sinh: “Lập phần mềm diễn giải các giấc mơ theo vô thức tập thể của Jung”. Thời gian làm bài là 30 phút, không kể thời gian cúi chào. Trên khán đài, ba nàng thiếu nữ sắc đẹp mê hồn cơ thể tuyệt mỹ ăn vận hở hang đang nằm tênh hênh thiu thiu ngủ trên ba chiếc xô-pha. Những bộ cảm biến vô cùng tinh tế được gắn vào vầng trán thanh khiết của các mỹ nhân, thu lại những cơn mơ êm ái và truyền vào hệ thống máy tính như đầu nhập dữ liệu. Một màn hình không gian cực lớn độ nét siêu đẳng được trang trọng đặt giữa khán đài, khiến cho trong vòng trăm dặm đều có thể thấy rõ những gì đang diễn biến.

Tích Gia Văn thở phảo nhẹ nhõm. Đề thi lần này chàng thông hiểu như lòng bàn tay vì đã lập không ít hơn 300 phần mềm tương tự. Là người trình diễn đầu tiên, Văn tự tin bước lên khán đài. Chàng cúi chào khán giả trong tiếng vỗ tay hoan nghênh nồng nhiệt của các ái mộ viên, rồi khoan thai bước đến bên chiếc máy tính để sẵn. Văn nhắm mắt hít một hơi thật sâu và đặt nhẹ hai tay lên bàn phím. Toàn bộ design cùng hàng ngàn diagram của bài toán đã được chàng thiết kế hết sức cặn kẽ - bên trong não bộ. Đột nhiên từng dòng từng dòng mã lệnh tuôn trào từ đôi bàn tay thanh tú. Các khối lệnh cùng các mảng nhị phân do Văn trực tiếp gõ bằng mã máy cứ dồn lên dồn xuống nhịp nhàng, hào hoa và vô cùng chuẩn xác. Không một lần phải nhấn nút Delete, không một lần cần bấm BackSpace. Ban giám khảo chỉ biết nín thở lắc đầu thán phục. Tích Gia Văn hoàn tất bài thi trước thời gian qui định 5 phút. Toàn bộ chương trình của chàng không hề có lấy một lỗi nhỏ trong cú pháp hay thuật toán, hơn nữa còn được tối ưu bởi phép biến mã Korpio-Kaluza-Klein. Nắm chắc giải vô địch trong tay, Văn kiêu hãnh cúi chào khán giả, khẽ hôn gió cảm tạ ba thiếu nữ vẫn đang mơ màng giấc điệp rồi khoanh tay lùi qua một bên.

Sau Tích Gia Văn là phần trình diễn của Tồn Toàn Lương, thí sinh thứ hai. Lương người nhỏ gầy, da trắng, vốn là tiến sĩ nhạc viện Hà nội nhưng vì trót thích vi tính nên đã học thêm bằng hai về kỹ nghệ phần mềm. Tồn Toàn Lương quay sang nhìn Văn đầy vẻ thông cảm, đoạn yêu cầu Ban giám khảo cho đặt một chiếc micro nhạy cạnh bàn phím nơi chàng trình diễn. Không gian đột nhiên tĩnh lặng. Đám đông hàng trăm ngàn người mà im phăng phắc, chỉ còn lác đác những tiếng tim đập rộn ràng vì hồi hộp của các thiếu nữ mới lớn. Bỗng những âm hưởng lạ lùng bất chợt vang lên, khi sâu lắng da diết, khi hào hùng cuồn cuộn. Đó là những âm thanh của sự tiếp xúc những ngón tay Lương với các con chữ trên bàn phím. Chúng làm nên cả một dàn nhạc giao hưởng với hàng trăm loại nhạc cụ khác nhau, hoà quyện trong giai điệu tuyệt vời của bản giao hưởng Hành khất, số 9 op 16 cung fa giáng trưởng của nhạc sĩ thiên tài Phsytomum. Song song với đó là những dòng lệnh bất tận tuôn trào trên màn hình cực lớn. Mọi người cùng choáng lặng đi trong những âm thanh trầm hùng, trong khung cảnh của một buổi đại hoà nhạc lạ lùng nhất thế kỷ. Bàn giao hưởng kéo dài đúng 29 phút 35 giây, và phần mềm được hoàn tất với đầy đủ các tính năng cần có, không lỗi và trọn vẹn.

Phần thi thứ ba do thí sinh Mặc Kim Chân trình diễn. Chân người cao lớn, mặt rất đen, vận bộ đồ ký giả, trông đăm chiêu ngơ ngác như đang suy tính điều gì mông lung lắm. Chương trình của Chân làm ra cũng được đánh giá là không kém phần hoàn thiện so với hai chương trình trước, nhưng cách gõ lệnh của Chân không có được nhạc tính hào hùng như của Lương, thời gian làm bài lại lâu hơn của Văn chừng 2 phút. Tuy nhiên khi ban giám khảo review lại những đoạn code Chân viết thì cả biển người bỗng sững sờ kinh ngạc. Văn cũng lặng đi vì hãi hùng khi đọc thấy trên màn hình không chỉ là những trang mã lệnh khô khan mà là cả một trường thi đại tác. Cách sử dụng cú pháp liên hoàn của 32 liên ngữ lập trình, cách đặt tên biến và tên hàm, cách khai báo các lớp và khởi tạo đối tượng của Mặc Kim Chân khéo léo đến độ đã biến toàn bộ những dòng lệnh và chú giải xen kẽ trong chương trình thành một bài thơ lục bát liên hoàn, lời lời tựa mây vần gió vũ uyển chuyển bất tận, đọc xuôi cũng không được mà đọc ngược cũng không xong. Không những thế phần mềm của Chân còn sinh thêm những yếu tố ngẫu nhiên trong cách luận giải giấc mơ, khiến kết quả trở nên vô cùng chính xác.

Tất nhiên năm đó Tích Gia Văn đành ngậm ngùi ôm giải ba. Tài năng của Tồn Toàn Lương và Mặc Kim Chân khiến chàng cảm thấy bất lực trên con đường chinh phục đỉnh cao của trình nghiệp. Có kẻ cho Văn hay rằng cả hai đối thủ trong cuộc thi hôm đó đều là đệ tử chân truyền của một đại cao thủ hiện đang ẩn thân trên hang Gió thuộc đỉnh Phan-xi-păng quanh năm mây phủ. Không chần chừ, chàng lại khăn gói quả mướp đem lễ vật leo núi tầm sư học đạo. Tới nơi, Văn gặp một cụ già lông trắng tóc xanh, gần như khoả thân đang múa hát giữa gió núi lồng lộng. Xung quanh hoa cỏ tưng bừng, chim thú tụ tập rất đông. Biết là kỳ nhân Văn vội đến quì lạy, hai tay nâng chiếc laptop cấu hình cực mạnh lên làm lễ vật, đoạn xin khấu kiến. Chỉ thấy ông già mỉm cười âu yếm, bước lại gần Văn hỏi: “Cậu xin học gì”. Văn đáp: “Xin học lập trình”. Ông già lại nhẹ nhàng hỏi: “Không có máy tính cậu có lập trình được không?”. Văn nghe vậy thì giật mình, run tay đánh rơi cả lễ vật. Chiếc laptop tuột khỏi tay lao thẳng xuống vực sâu muôn trượng vỡ tan như cát bụi. Ông già ngắm Văn một chặp rồi cười nói: “Cậu có kỹ năng, kỷ luật và sáng tạo tốt, chỉ còn thiếu duyên dáng”. Văn nghe vậy thì hoang mang quá, không dám ngẩng đầu lên. Ông già lại tiếp: “Con người vốn đã quen lập trình từ rất lâu trước khi có computer. Bác thợ săn lập trình cho đường tên mũi đạn, anh nông dân lập trình cho mùa vụ bội thu, đám thương gia lập trình cho đầu tư sinh lãi, các tình nhân lập trình để chăn gối giao hoan, bà nội trợ lập trình cho gạo cơm bếp núc, ông văn sĩ lập trình cho con chữ câu thơ. Thoảng hoặc có nhà tư tưởng vĩ đại lập trình cho phát triển của toàn xã hội, có vị hoàng đế hùng mạnh lập trình cho số phận của cả quốc gia… Chung qui lại cũng không thoát khỏi cái Chương trình lớn đã được lập trình sẵn bởi Tạo Hoá”. Văn bắt đầu ngộ ra, thưa: “Vậy lập trình không máy tính là thế nào?”. Ông già cười ha hả, đáp: “Người là máy, máy là người, khi không có máy thì mọi vật đều là máy, khi có máy thì máy cũng không còn là máy nữa. Làm sao tự lập trình được cho bản ngã mới là công quả vậy”. Cứ thế hai thày trò một người giảng giải, một người lắng nghe. Khát thì uống sương trời ngưng đọng. Đói thì ăn chim thú rán giòn. Chốc đà mấy thu đã trôi qua.

Ba năm sau Tích Gia Văn từ biệt sư phụ hạ sơn về miền trung lập nghiệp, thành lập công ty du lịch lữ hành và khách sạn lớn nhất ở bãi biển Thiên Cầm thuộc huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh. Hàng ngày nghe tiếng sóng gió lao xao, nhìn bờ cát trắng thoải dài, ngắm hai bờ đá núi xanh ngắt. Sáng lên non chạy đua chim bướm, chiều xuống biển lặn thi cá rồng. Lấy vợ đẻ con. Ngâm thơ uống rượu. Vào mùa khách khứa thì tất bật lo toan, những lúc rảnh rang thì chơi golf tennis. Có điều lạ là Tích Gia Văn tuyệt nhiên không động đến máy tính, thiết bị, nối mạng, bảo mật, lại càng không bao giờ lập trình nữa. Thế mà thiên hạ ai cũng gọi Văn là Lập trình sư.

Đại từ điển Bách khoa thư tiếng Việt, xuất bản năm 2056, trang 4581, dòng 21 có định nghĩa về Lập trình sư: “Là lập trình viên đẳng cấp cao, tự lập trình được cho bản ngã, chương trình chạy ít lỗi, tiết kiệm tài chính, bảo mật, an toàn trước tai hoạ và môi sinh, ổn định trước nổi trôi của thế cuộc, khiến cuộc sống bản thể thêm kỳ diệu lo âu mà huyền ảo, khiến xã hội thêm đa dạng rối ren mà phong phú”. Theo định nghĩa này thì Tích Gia Văn cũng đáng được gọi là Lập trình sư vậy.
__________________
Necessity is the mother of in(ter)vention.
Speak softly & carry a big stick.
My Technical Blog

thay đổi nội dung bởi: myhanh, 17-01-2008 lúc 04:07 PM. Lý do: Chỉnh sửa sắc đẹp của em một tị
myhanh is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Old 17-01-2008, 04:01 PM   #2
Hồ sơ
TheDeath
CEO CLBCK
 
Tham gia ngày: Oct 2007
Số bài viết: 5,744
Tiền: 8283
Thanks: 456
Thanked 3,066 Times in 1,371 Posts
TheDeath is an unknown quantity at this point
Default Ðề: Các tác phẩm của Bàn Tiên sinh

Bác myhanh tăm tút lại một chút coi, mấy chỗ cách đoạn nên xuống hàng và đừng có in nghiêng làm độc giả khó xem lắm!
__________________
Không thể thay đổi ngày hôm qua!
TheDeath is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Đã có thành viên gửi lời cám ơn đến TheDeath vì bạn đã đăng bài:
myhanh (17-01-2008)
Old 18-01-2008, 08:44 AM   #3
Hồ sơ
myhanh
 
myhanh's Avatar
 
Tham gia ngày: Dec 2004
Cư ngụ: Love Planet
Tuổi: 44
Số bài viết: 7,404
Tiền: 0
Thanks: 2,122
Thanked 5,472 Times in 2,040 Posts
myhanh is on a distinguished road
Default Ðề: Các tác phẩm của Bàn Tiên sinh

TỬU SƯ (Bàn Tải Cân)
Phan Hùng là bác sĩ sản ngoại bậc một tại viện C, nổi tiếng trong ngành có tay nghề cao. Vết mổ sản phụ được Phan phẫu thuật chỉ sau ba ngày trông đã đẹp như nét sổ hoành tráng của bậc thầy thư pháp, sau năm ngày trở nên hồng và trong suốt như thứ lụa mỏng mà Tây Thi thường xé , sau một tuần chỉ mảnh như sợi tơ nhện, đàn ông tinh mắt lắm nhìn mới thấy. Mỗi ngày Phan thực hiện chừng hai chục ca, mỗi ca được nhà nước bỗi dưỡng hai ngàn đồng, lại được người nhà sản phụ phong bao thêm khoảng vài trăm ngàn nên cuộc sống so với đa phần thị dân ở Hà thành cũng có phần dư dật. Có điều Phan không thích gì ngoài rượu, tiền làm được phần lớn cũng là dành mua rượu. Vợ Phan thoạt đầu thấy chồng mê mẩn rượu chè tỏ ra khó chịu, nhưng sau lại nghĩ chẳng thà mê rượu còn hơn mê gái nên mới đổi buồn làm vui.

Nhà Phan ở phố Hàm Long có thiết kế riêng một chiếc tủ to, choán hết bức tường phía tây, khung chế tác bằng gỗ linh hương thơm ngát, cánh thửa pha-lê trong suốt. Ngăn dưới Phan kê các bình rượu ngâm, nào là bìm bịp trăm tuổi, linh chi ngàn năm hay kể đến tay gấu, ong non, rắn độc… đều không thiếu loại quí nào. Các ngăn phía trên có máy lạnh duy trì nhiệt độ ổn định 16oC bảo tồn hơn trăm loại vang và champagne nổi tiếng. Những ngăn cao hơn chứa rượu quí đủ loại, từ Mouton Rothschild Pauillac đến Haut Brion Pessac-Léognan, hay cao cấp như Petrus Pomerol hoặc Romanée Conti cũng đồng tâm hiện diện.

Phan thường thích mời bạn bè đến nhà thưởng rượu, lại đặc biệt trọng đãi những khách hiểu rượu. Nghe nói có vị đến nhà Phan, khi uống phán đúng tuổi và quê quán một loại vang đỏ vùng Florence mà lúc ra về được chủ nhân tặng riêng một chai Château Lafite niên đại vua Louis 14 để tỏ lòng tri kỷ. Lúc rảnh Phan cũng thường hay lân la khắp các tửu quán Hà thành, phần vì muốn thưởng ngoạn và sưu tầm mỹ tửu khắp thiên hạ, phần cũng muốn giao du với tửu hữu để kết mối tuý tình.

Một chiều sau khi mổ cấp cứu đồng thời tám ca đẻ khó với chất lượng tuyệt hảo, Phan về nhà cao hứng bèn độc ẩm. Thấy uống nhiều lắm mà mãi không say, bèn nhân khi gió mát trăng thanh liền khoác áo dạo một vòng phố vắng. Lúc ấy chân nam đá chân chiêu mà bàn toạ rất vững vàng, tâm trí linh mẫn nhạy cảm. Chợt thấy ven hồ có một gã chạc tuổi mình ôm cây guitare gỗ, vừa gõ vào hộp đàn vừa nghêu ngao hát rằng:

“Hề! Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Hề! Bình khang quân tử khứ vô hồi
Hề! Vấn ngã tại hà liên giao hợp
Hề! Lồ phồn tửu. Hề! Mỹ nhân bôi


Phan lấy làm lạ vội đến gần, thấy người này hình dung cổ quái, miệng mỏng tai to, người ngả nghiêng lơi lả như say mà hởi thở không có mùi rượu. Biết là cao nhân Phan vội vòng tay cung kính hỏi: “Tại hạ cũng là đệ tử Lưu Linh, sớm tối say sưa, trong nhà có hơn ngàn chai rượu. Đã từng nghe nhiều về chén dạ quang, chén hổ phách, bản thân hiện cũng sở hữu cả chén vàng lẫn chén ngọc mà sao tuyệt nhiên chưa từng được nghe về mỹ nhân bôi”. Khách cười thông cảm, đoạn ôn tồn giải thích: “Trên đời mỗi thứ rượu đều có cách uống riêng, mỗi cách phải sử dụng loại chén riêng, chén lại phải được giữ ủ ở nhiệt độ thích hợp. Như vang nho de Memreihm phải để lạnh đúng 53,6 độ Fahrenheit, khi uống đưa miệng chén phalê Bohemien ngang qua mũi để thưởng hết hương thơm. Thứ Sán lùng đặc sản Hạnh Hoa thôn nhất định phải được hâm đến chín chục độ trong chén gỗ Bách hợp. Riêng ở đất Thổ Lồ Phồn có thứ rượu cực lạ, vị mặn hơi chua, hương nồng ngai ngái, quả là một loại rượu vô cùng trân quí, không thể uống ở nhiệt độ nào khác ngoài 37 độ Celcius. Xưa các bậc hiền nhân uống loại rượu này thường chọn mỹ nữ eo thon rốn sâu, cho khoả thân nằm ngửa, dùng rốn người đẹp làm chén ngọc 37 độ mà cùng nhau ngồi quanh vừa thưởng thức rượu ngon vừa luận bàn thiên hạ, gọi là mỹ nhân bôi vậy”. Phan nghe như nuốt từng lời, lại hỏi thêm về nhiều tuyệt kỹ uống rượu khác đã thất truyền, đều được khách chỉ điểm chu đáo, thấy kiến ngưỡng về rượu rộng lớn vô cùng. Lát rồi tâm đầu ý hợp quá Phan bèn nài khách vào một quán rượu ven đường làm vài ly tri kỷ.

Phan vào cuộc uống hết sức hào sảng, gọi nguyên một bình to mà cạn chén liên miên. Thấy nài ép mãi mà khách cũng chỉ nhấp môi, Phan hơi bực mình hỏi: “Huynh không nâng chén là có ý chê rượu lạt hay xem thường ta chăng?”. Khách đáp: “Không dám. Có điều đã tự nhận là tửu nhân thì phải biết dùng mắt hiểu được vị ngon của rượu, dùng tai nghe được hương thơm của rượu, dùng mũi ngửi được sắc thái của rượu. Còn như đã phải dùng đến miệng để uống rượu thì đều chỉ là hạng tục tửu vậy”. Lại hỏi Phan: “Thử xem lại thứ huynh vừa uống là thứ gì?”. Phan vội ôm bình rượu lên kiểm tra chỉ thấy toàn nước lã, giật mình buông tay khiến nước trong bình nước chảy ra ướt lạnh cả đùi non, kinh hãi tỉnh dậy nhìn quanh đã chẳng thấy kỳ khách với tửu quán đâu cả, lại thấy mình đang nằm tơ hơ trên bãi cỏ trên đường Cổ ngư ven hồ Dâm Đàm, đũng quần ướt sũng.

Đêm đó Phan trở về nhà tắt điện diện bích suy tư, đến sáng nét mặt trở nên cực kỳ thanh nhã thoát tục. Con bé Oshin quen lệ rót một cốc vang Margaux đóng chai năm 1833 cho chủ nhân súc miệng, vô cùng ngạc nhiên khi thấy Phan khoát tay từ chối rồi đứng dậy lẳng lặng đến bên tủ linh hương từ từ lôi từng chai rượu quí xuống đập vỡ, rượu thơm chảy tràn như suối. Vợ Phan lao đến can ngăn thì Phan nhẹ nhàng thơm mà bảo vợ: “Toàn là nước lã cả, nâng niu gìn giữ làm gì”, đoạn đập cho kỳ hết tủ rượu.
Về sau cũng có những lúc rượu bia cùng bạn bè Phan thường chỉ gọi cho mình một chai nước khoáng lạnh hoặc sinh tố hoa quả, ép mấy cũng không uống rượu, hỏi chỉ cười nói: “Quân tử đàm giao đạm nhược thuỷ” . Cũng từ đó Phan càng nổi tiếng là bác sĩ sản ngoại giỏi nhất viện C. Vết mổ sản phụ được Phan phẫu thuật chỉ sau ba ngày trông đã hồng và trong suốt như thứ lụa mỏng mà Tây Thi thường xé, sau năm ngày mảnh như sợi tơ nhện mắt đàn ông tinh lắm nhìn mới thấy, sau một tuần thì không còn dấu vết gì, nhẵn đẹp như da bụng của thục nữ còn trinh, thật là khí độ của một đại gia sản ngoại vậy./.
__________________
Necessity is the mother of in(ter)vention.
Speak softly & carry a big stick.
My Technical Blog
myhanh is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Đã có 2 thành viên gửi lời cám ơn đến myhanh vì bạn đã đăng bài:
JosephDora (13-06-2014), RobertJab (20-06-2014)
Old 20-01-2008, 11:25 AM   #4
Hồ sơ
myhanh
 
myhanh's Avatar
 
Tham gia ngày: Dec 2004
Cư ngụ: Love Planet
Tuổi: 44
Số bài viết: 7,404
Tiền: 0
Thanks: 2,122
Thanked 5,472 Times in 2,040 Posts
myhanh is on a distinguished road
Default Ðề: Các tác phẩm của Bàn Tiên sinh


INTERNET CAFE (Bàn Tải Cân)

Internet là một phương tiện truyền thông thời cổ, phát triển rất mạnh vào khoảng đầu thế kỷ hai mươi mốt. Ông Vương Yến Ngọc, ban tôi, nhà sử học tình dục thường nói: “Những gì tốt lành từ Internet đều là mạo nhận vậy”. Ông Phùng Tất Đắc, chủ bút tờ “Chó Chết Chẹt” cũng có cùng chủ kiến: “Internet chỉ giỏi phục vụ công nghiệp tình dục, lừa đảo và cờ bạc mà thôi”. Riêng bản thân tôi nhận thấy rằng ngày xưa đã từng có thời kỳ mà Internet quán – tục gọi là Internet Cafe, được mở tràn lan ở các nước thứ ba. Chúng không những gây tác hại lớn đối với bản sắc văn hoá dân tộc, làm ảnh hưởng trầm trọng đến thuần phong mỹ tục mà còn chính là môi trường vô cùng thuận lợi để ma quỉ hoành hành và tác oai tác quái. Câu chuyện dưới đây do tôi tình cờ lượm được trong một xó xỉnh của mạng Internet cổ, âu cũng có thể coi là một trong những ví dụ điển hình về tác hại của nó vậy.

Xưa ở Hà thành có bần sĩ họ Phạm tên Thiềm, nhưng sinh nhằm năm Kỷ Tuất nên còn có tên gọi là Phạm Tuất Sinh, làm nghề tự do, quê ở Hào Nam, thân mình nở nang cao lớn, da trắng mặt đẹp, chỗ kín có nhiều nốt ruồi đỏ. Sinh vốn khiếu văn thơ ca hát, bản tính lại hào hoa phong nhã, hết sức nịnh đầm nên rất được phụ nữ thương yêu quí cảm. Đặc biệt mông Sinh thường ngày vẫn tiết ra một thứ hương lạ, vô cùng kỳ dị, đàn ông dính phải thì nóng bụng sốt ruột, đau óc váng đầu, đàn bà ngửi lâu thì sảng khoái đê mê, tâm thần dễ chịu. Có điều thứ hương này hoàn toàn không mùi không vị, nên nữ giới cứ gần Sinh là lúng liếng lả lơi mà chẳng hiểu nguyên nhân nguồn gốc, còn các bậc chính nhân quân tử thấy Sinh sát gái như nam châm hút nước thì ghen tức mà kháo nhau rằng Sinh lạm dụng bùa ngải để quyến rũ nữ nhân vậy.

Nhân tết Đoan ngọ năm Canh Hợi Sinh đi chơi đền chùa, khi qua chân cầu Cương Châu chợt thấy một ông già khăn xếp áo dài, đầu tóc gọn gàng mà lông miệng rậm rạp, ngồi bên cạnh một chiếc máy in cổ kính nối mạng, thiên hạ xúm quanh xem rất đông. Sinh tò mò vươn cổ chen chân, thấy ông già đang coi bói cho khách, chính xác đến độ những chuyện trăm năm sau vẫn có thể kể ra vanh vách, không sai một chi tiết. Tất thẩy đều xì xào sợ hãi khâm phục. Sinh thấy thú vị quá bèn xếp hàng bỏ tiền xin một quẻ cầu may, nào ngờ lúc máy in ra lá số, chỉ thấy ông già cau mắt nhíu mày, hai tai giật giật, miệng lẩm bẩm: “Số này nghèo hèn mà phú quí, tình này dâm dục mà đoan trang, mệnh này đoản thọ mà trường sinh, thật là phá cách không sao hiểu được!”. Sinh sốt ruột gặng hỏi, ông già bèn nói: “Nếu chỉ coi bằng lá số thôi thì chưa đủ, xin thí chủ cho xem toàn bộ nhân diện cùng thân dạng” - Nói đoạn kêu Sinh cởi bỏ hoàn toàn y phục, Sinh bất đắc dĩ phải nghe theo. Thiên hạ thấy sự kỳ lạ hiếm có, kháo nhau kéo đến xem đông như kiến. Ông già vừa ngắm vừa ngửi Sinh rất kỹ càng, chốc lại ngửa mặt lên trời lấy ngón tay bấm bấm, chừng độ một giờ ba khắc sau mới lắc đầu mà phán rằng: “Năm nay bản mệnh rất mờ mà tinh hoa lại phát tiết hết ra hai quả mông rồi, xác suất tử nạn trong 6 tháng đầu năm đạt 47%, trong sáu tháng cuối năm đạt 54%, tổng là 101% nên chắc chắn không thoát khỏi nạn kiếp, vậy xin thí chủ liệu đường mà lo trước hậu sự”. Nói xong ông già tắt máy rút điện rũ tay phủi áo đứng dậy ra về, ai hỏi cũng không nói thêm câu nào nữa. Nên nhớ thời đó chuyện tướng số tử vi kinh dịch tử bình phong thuỷ bấm độn vẫn bị coi là mê tín dị đoan, không có cơ sở khoa học. Sinh là người cứng bóng vía, lại có chút học vấn sơ khai nên coi những lời ông già nói chỉ là đồng cốt mê sảng không đáng tin mà quên bẵng đi.

Tháng ba năm đó kinh tế toàn cầu suy thoái, Phạm Tuất Sinh lâm vào cảnh túng thiếu, thường phải ăn chịu ở quán cơm bụi gần nhà. Mụ chủ quán cơm tên là Tồn Như Liên, ước chừng hai mươi bốn tuổi sáu tháng rưỡi, tuy không còn trẻ trung gì nhưng cũng thuộc loại lả lơi nhan sắc. Như Liên vốn cảm cái hương lạ của Sinh mỗi khi Sinh đến ăn chịu nên chẳng buồn để ý đến chuyện đòi tiền cơm nước, lại còn nhân lúc vắng khách buông lời ong bướm gạ gẫm: “Cậu mà chịu đồng sàng thì bao nhiêu nợ nần cơm bụi tôi hứa sẽ một tay xoá một tay tẩy mà bỏ hết, lại còn ngày ngày cơm rượu ba bữa, đồng thời sẽ kiếm cho cậu một việc làm an nhàn mà ổn định”. Sinh cả mừng, từ đấy sống cùng Như Liên già nhân ngãi non vợ chồng, nghĩa cơm bụi tình gối chăn xem ra rất đằm thắm. Thứ hương lạ phát ra từ mông Sinh chính là sợi dây vô hình nối kết tình cảm giữa hai người vậy.

Như Liên có cậu em vợ làm nghề vi tính, mở một quán Internet Cafe rất khang trang ở ngay đầu Giảng Võ, bèn giới thiệu để Sinh vào làm phục vụ. Công việc của Sinh là đếm giờ thu tiền, pha cà phê nước chanh chè Dilmah, mời chào học sinh choai choai tây ba lô khách vãng lai. Lúc rảnh ít khách Sinh cũng tranh thủ ngồi tập toẹ sử dụng Internet, nào ngờ bản tính vốn thông minh nên tiếp thu rất nhanh. Sinh lại tự đọc sách thiết kế được web site riêng cho quán, có khả năng thoả mãn các yêu cầu kín đáo riêng tư của khách hàng nên được chủ quán rất tín nhiệm. Có điều Sinh trở nên mê Internet như điếu đổ, ngày nào không trực tuyến độ dăm ba tiếng đồng hồ là cơ thể bứt rứt không sao chịu được. Đến giữa tháng năm Sinh đã trở thành cao thủ có tiếng về tìm kiếm thông tin thiết kế lập trình viết thư hội thoại tán gẫu, trình độ giả tên đổi giống cũng đã đến độ xuất quỉ nhập thần. Đêm đêm Sinh thường hay lang thang khắp Internet trêu chọc tán tỉnh hẹn hò lăng nhăng, tự cảm thấy vô cùng thi vị.

Một đêm gió mưa tầm tã, Internet quán chẳng có mống khách nào, Sinh mắc màn ngủ sớm. Nửa đêm tỉnh dậy đi tiểu, Sinh tranh thủ bật máy định tán gẫu một lát cho vui, nhưng lạ thay kết nối vào đâu cũng thấy vắng ngắt như chùa Bà Đanh, chờ đến đầu canh ba mới thấy có nick hoamai, hành tung lạ lùng, thoắt ẩn thoắt hiện như là ma vậy. Sinh cả mừng bắn tin chào hỏi, gõ phím tanh tách. Nói chuyện hồi lâu thấy hoamai tâm đầu ý hợp lắm, cảm thấy nàng đáng yêu vô cùng, cách hành văn lại thỏ thẻ yểu điệu nhẹ nhàng như thục nữ còn trinh. Sinh cao hứng quá không còn kìm giữ được nữa, bao nhiêu tài lẻ đều phun ra hết, lăn chuột thành ảnh đẹp, xuất phím thành thơ hay. Hoamai cũng hưởng ứng nhiệt tình, ngợi khen nức nở, nhận được thơ Sinh gửi bao giờ cũng hồi âm phúc đáp, mà lời lẽ ý tứ của nàng thường thâm thuý sâu sắc hơn hẳn, nhưng vẫn tỏ vẻ khiêm cung nhún nhường để Sinh khỏi hổ thẹn. Cứ thế hàng đêm Sinh cùng mỹ nhân làm thơ xướng hoạ, thật là mãn nguyện lắm lắm. Cũng từ đó lúc nào Sinh cũng ngơ ngác như người mất hồn, chẳng buồn làm việc gì, cả ngày chỉ rạo rực chờ đến đầu canh ba để được tâm tình cùng hoamai, thật là chưa thấy dung nhan mà đã cảm nhau đến tận chân tơ kẽ tóc vậy.

Thời gian thấm thoắt, chốc đà chớm thu, Hà thành đã vào tiết mưa ngâu rồi. Nhân một đêm mưa dầm, hội thoại cùng hoamai trên mạng, Sinh thu hết can đảm mà gạn hỏi nàng về thân thế: “Nàng tên là Phí Hoa Mai, tuổi tròn mười bẩy chân dài ngực săn thì ta biết rồi. Chỉ buồn vì nàng dứt khoát không cho thấy ngọc diện, cương quyết chẳng cho nghe ngọc âm. Chắc chỉ coi ta như vật giải sầu trong thế giới ảo thôi chăng?”. Hoa Mai bị Sinh hỏi dồn, biết giấu cũng không được đành gạt lệ nói: “Việc đã đến nước này là do chàng ép thiếp đấy. Thiếp ra ở riêng ba tháng nay rồi, nhà cuối khu Văn Điển, sau Đài hoá thân…”. Sinh là người nhạy cảm, nghe nói đã có ý ngờ rằng nàng là ma, nhưng để chắc chắn Sinh vẫn nhấc phone gọi đến số điện thoại nàng cho để thẩm định lại. Quả nhiên người nhà thông báo Phí Hoa Mai bị cảm phong trúng gió trong khi mở cửa sổ chatting, trong vòng mười phút quên mất không thở nên đã tạ thế đúng vào đầu canh ba, cách đây tròn ba tháng rồi.

Tuất Sinh nghe vậy thì bi luỵ lắm, hôm sau bèn xin nghỉ phép đến thắp hương bên mộ chí của nàng ở Văn Điển mà lầm rầm khấn rằng: “Hôm nay trời nhẹ mây trôi, Tuất Sinh cảm khái đến ngồi thắp hương, buồn thay môi đỏ má hường, hồng nhan bạc mệnh xót thương vô cùng…”. Đang lúc nước mắt lã chã bỗng đâu có trận gió cuốn cờ xảy đến, cát bụi mịt mờ, Sinh thoảng ngửi thấy có mùi son phấn Hàn quốc cùng trầm hương hoà quện ngào ngạt, lại thấy chập chờn có bóng thiếu nữ áo trắng từ trong mộ chí lãng đãng lại gần ôm lấy đầu Sinh mà thơm vào trán. Trong chốc lát cảnh vật trở lại yên ắng như không có chuyện gì xẩy ra. Sinh bần thần chạy ra cổng nghĩa trang trả tiền gửi vé lấy xe phóng về, đến nhà soi gương đã thấy trên đầu có một chiếc mụn lớn, kích thước bằng hạt lạc, mọc ngay giữa trán.

Tồn Như Liên bình sinh vốn thích nặn mụn với trứng cá, ngặt vì bấy lâu nay Sinh được ăn uống no đủ, chăn gối thoả thuê, kem dưỡng da và sữa rửa mặt lại dùng toàn của hãng có tên tuổi nên nước da nhẵn bóng mịn màng tựa như làn da của trẻ nhỏ vậy, dù là cố tình bới lông tìm vết cũng không bói nổi một chiếc mụn con nào. Nay Như Liên thấy trán Sinh mọc mụn to tướng thì cả mừng, âu yếm đè ngửa Sinh ra salon định nặn bóp cho đã đời, cho phọt ra hết cả nhân lẫn mủ. Nào ngờ lúc vừa chạm nhẹ vào chiếc mụn thì người Sinh bỗng như bị điện giật, các cơ vòng co duỗi liên hồi, mắt đờ đẫn vô hồn trợn ngược, mép sùi bọt trắng xoá. Như Liên kinh hãi vội dìu Sinh lên giường ủ chăn đắp mền, tận tình chăm sóc đến tận đầu canh ba Sinh mới dần hồi tỉnh. Từ đó Sinh trở nên sợ hãi không dám cho ai sờ vào mụn nhọt của mình, mà Như Liên cũng cạch chẳng bao giờ dám nặn trứng cá cho người khác phái nữa.
Chiếc mụn mọc trên trán Sinh ngày nhỏ mà mềm mại, đêm to mà cứng ngắc, đặc biệt cứ sau nửa đêm khoảng đầu canh ba thì to đúng bằng hột vịt lộn lòng đào, cương lên khiến đầu Sinh đau buốt không thể tả. Một đêm đau quá không chịu được, Sinh liều mình một tay chuẩn bị bông gạc tẩm xianua thuỷ ngân để sát trùng, một tay dùng dao cạo khứa mạnh. Tưởng rằng sẽ tung ra một đống máu mủ trắng đỏ lẫn lộn, nào ngờ chỉ cảm thấy cơ thể nhẹ nhàng lâng lâng bay bổng, mà từ vết thương có một con bướm nhỏ bay ra, đôi cánh một chiếc xanh một chiếc đỏ trông vô cùng ngoạn mục. Sinh ngạc nhiên nhìn kỹ thì thấy thân bướm là một thiếu nữ tí hon đang khoả thân, cơ thể có đầy đủ các bộ phận như người lớn mà lại cân đối tuyệt đẹp. Con bướm như có vẻ e thẹn ngượng ngùng mà khép cánh che các chỗ kín lại, rồi thoắt cái bỗng to lên như thiếu nữ trưởng thành, khuôn mặt cực kỳ khả ái, cao chừng thước bẩy nặng sáu mươi cân. Cánh trái cuốn dưới đùi biến thành chiếc quần bò ngố màu xanh nước biển, cánh phải che trên ngực biến ra chiếc coóc-xê lụa đỏ màu cam rất đẹp. Sinh biết ngay là Hoa Mai hiển linh, bèn cầm tay âu yếm cười cười nói nói, trước cũng thăm hỏi dăm câu cho lịch sự, sau là đưa nhau lên giường mà đồng sàng giao hoan. Thật là thoả thuê mãn nguyện, bẩy mươi hai thế phượng rồng chẳng thế nào mà chưa từng thử qua vài ba lượt.

Sinh cùng Hoa Mai làm xong việc lớn, nghỉ ngơi uống nước cho đến khi có tiếng gà con gáy lảnh lót, chợt thấy Hoa Mai rùng mình, cơ thể biến đổi lạ lùng, chiếc cooc-xê lụa đỏ màu cam tung ra biến thành chiếc cánh màu đỏ bên phải, quần bò ngố mùa xanh nước biển tụt xuống thành chiếc cánh màu xanh bên trái, trong chốc lát Hoa Mai lại trở thành con bướm tuyệt đẹp chấp chới đôi cánh xanh đỏ mà bay dính vào trán Sinh tạo thành chiếc mụn lớn. Từ đó mỗi khi vắng vẻ Hoa Mai lại bay ra cùng Sinh tình tự, đôi lứa rất là tâm đắc. Có điều sau mỗi lần cùng nàng Sinh thường cảm thấy vô cùng mệt mỏi, tựa như nguyên khí bị suy kiệt tổn hao rất nhiều vậy.

Một lần nhân việc đi mua linh kiện nâng cấp máy cho Internet Cafe, Sinh rủ Tồn Như Liên qua lại cầu Cương Châu, thấy ông già xem bói đầu tóc gọn gàng mà lông miệng rậm rạp vẫn đang ngồi đó. Nhớ lại hồi đầu năm Tết Đoan ngọ mất tiền oan, lại phải làm trò đùa khoả thân giữa trời cho thiên hạ cười cợt, Sinh căm tức lắm, bèn rẽ đám đông bước vào chào hỏi: “Cụ ạ, nhờ trước được cụ bói cho một quẻ mà bây giờ những gì cụ không nói đều linh nghiệm cả, thật là ơn này không biết lấy gì mà đền đáp”. Nói xong Sinh đặt lễ một tập đô-la tiền âm phủ, vái hai vái rồi lui ra, trong dạ rất lấy làm đắc chí. Nào ngờ chỉ thấy ông già nhẹ nhàng chỉ tay vào mặt Sinh rồi chậm rãi nói: “Tiếc thay, chết đến nơi rồi mà không chịu hối”, lại quay sang Như Liên bảo: “Nàng phải sống với hạng người này âu cũng là duyên nợ tiền kiếp mà thôi, liệu mà về sắm sửa hậu sự cho hắn thật chu đáo”. Nói đoạn cầm tập đô-la âm phủ Sinh đưa xé tan làm ngàn mảnh, tung lên trời hoá ra một đàn nhặng xanh vo ve hồi lâu rồi bay đi mất.

Đến đầu tháng chín năm đó Sinh bắt đầu ngã bệnh, thoạt đầu chỉ thấy hoa mắt nhức đầu, mỏi xương đau khớp. Sau bệnh tình ngày càng nặng, sức lực cạn kiệt, hàng ngày chăn gối cùng Như Liên không quá nổi ba lần, hơn nữa mỗi khi đồng sàng, chiếc mụn trên trán lại sưng tấy đỏ ửng, đau nhức như trăm ngàn mũi kim chọc thẳng vào não bộ khiến cho cuộc truy hoan cũng không được trọn vẹn hoàn mỹ. Đến độ trung tuần tháng mười thì căn bệnh phát ra nhiều biểu hiện kỳ dị với các triệu chứng lâm sàng đặc biệt lạ lùng, thí dụ cứ đêm ngủ là đồng tử con ngươi lại giãn rộng, hoặc sáng sớm ngủ dậy là lại cảm thấy buồn đi tiểu. Những triệu chứng như vậy khiến các bác sĩ giỏi ở các bệnh viện lớn cũng không thể nắm bắt được nguyên nhân nguồn cơn của gốc bệnh chứ chưa nói gì đến việc chữa chạy. Như Liên vô cùng lo lắng, nhưng lần nào đưa Sinh vào viện cũng đều bị trả về gia đình nên nàng chẳng biết phải giải quyết thế nào.

Một đêm đầu canh ba, con bướm Phí Hoa Mai lại bay ra đòi giao hợp. Sinh rền rĩ cáo ốm. Hoa Mai không chịu, cứ thế khoả thân lên giường mà nằm. Sinh sợ nguy đến sức khoẻ, lấy tay ẩn nàng ra. Hoa Mai vừa thẹn vừa tức, bèn dùng móng tay mổ toang bụng dưới của Sinh, dễ dàng như ta dùng dao mổ trâu giết gà vậy, bao nhiêu lòng dạ tung ra hết. Hoa Mai chỉ vào đôi quả nhỏ màu trắng, dính vào nhánh dưới bên phải của hành tá tràng mà nói rằng: “Thứ hương lạ trên người chàng là do quả cật trắng này tiết ra, có gì là quí báu lãng mạn đâu mà phải tinh vi thế”, nói đoạn dứt đứt ném mạnh ra sân cho gà. Sinh đau quá hét toáng lên, choàng tỉnh giấc mộng, thấy phía dưới chăn đệm đã ướt sũng rồi. Từ đấy bệnh tình càng ngày càng nguy kịch.

Tồn Như Liên vốn có tình cảm sâu đậm với Tuất Sinh nên không đành lòng thấy cảnh người yêu hấp hối đau đớn. Nhân nhớ về ông già coi bói chân cầu Cương Châu, một bữa cuối tháng chạp nàng bèn gọi xe ôm, đem lễ vật đến quì xuống mà cầu khẩn xin cứu giúp. Ông già cười nói lơi lả: “Nàng vẫn còn trẻ đẹp, lại đường đường là chủ một quán cơm bụi, việc gì phải hết lòng với một kẻ phàm phu tục tử, bạc tình bạc nghĩa như hắn?”. Như Liên cứ kiên nhẫn quì mà không chịu đứng lên. Một lát ông già lại hỏi: “Người đẹp có dám hôn ta chăng?”. Như Liên nhìn ông già tuy còn tráng khí minh mẫn nhưng nước da đã đến hồi nhăn nheo, mà lông miệng lại rậm rạp quá nên cũng có ý ngại, chỉ hiềm nghĩ đến Sinh nên cố nén kinh tởm mà vươn cổ há miệng thơm ông già một cái. Lúc chạm vào môi ông già những tưởng toàn mùi thuốc lào bia rượu, nào ngờ chỉ thấy hương thơm LipIce toả ra ngào ngạt, lại thấy hai chiếc răng cửa của ông già bỗng nhiên mắc dính vào cổ họng mình, không làm sao nhổ ra được. Ông già được Như Liên thơm xong chẳng nói câu nào, phủi áo đứng dậy, cười ha hả để lộ khuôn miệng trống hai răng cửa rồi bỏ đi mất.

Như Liên cảm thấy vô cùng uất hận nhục nhã, chỉ mong sao chết đi cho rồi. Bèn chạy về nhà định tự tử thì thấy Sinh cũng đang cơn hấp hối, tay đã bắt đầu bắt bươm bướm, mà con bươm bướm này lại rất đẹp, một cánh xanh một cánh đỏ cứ chập chờn bay trong giường, đuổi thế nào cũng không đi, đánh thế nào cũng không chết. Như Liên giận quá bèn quát lớn, bỗng nhiên cảm thấy hai chiếc răng của ông già trong cổ họng được văng ra, bèn đưa tay ra đỡ thì ra là một chiếc vợt bướm tuyệt đẹp, trên cán có đề ”Made in Hell”. Như Liên tiện tay vợt một cái, đã thấy con bướm xanh đỏ mắc ngay vào trong vợt. Con bướm giãy giụa cắn xé điên cuồng nhưng chiếc vợt như có ma lực nên nó không sao thoát được. Như Liên đang định lấy búa tạ đập chết bướm, bỗng thấy ông già xem bói xuất hiện ngay trên bệ cửa sổ. Ông già liếc mắt đưa tình, béo má Như Liên một cái rồi nói: “Con bướm này ngày xưa vốn ở trên trời, một bữa dám lẻn vào vườn cấm mà hút nhuỵ hoa mai nên bị đầy xuống trần làm kiếp người trong mười bẩy năm. Lẽ ra khi chết phải về trời để được đầu thai chuyển kiếp, nhưng do trong thời gian sống dưới trần trót ham thích Internet, bản tính vốn lại là loài bướm ong ưa chuyện dâm dục nên linh hồn vẫn cố nấn ná chui lủi trong mạng mà tròng ghẹo nam nhân. Thôi để ta thu phục đưa nó về trời”. Nói đoạn rút trong túi ra một bao nhỏ trong suốt làm bằng cao su mỏng, quát to lên một tiếng, thấy có làn khói trắng từ chiếc vợt bay thẳng vào bao. Ông già buộc thắt miệng bao lại, hôn gió Như Liên rồi quay người nhảy qua cửa sổ mà bỏ đi mất.

Lát sau Phạm Tuất Sinh chợt tỉnh lại, tựa hồ như vừa trải qua một cơn ác mộng, tâm thần ngơ ngác chẳng nhớ những chuyện đã xảy ra. Được mấy hôm thì sức khoẻ phục hồi như cũ, chỉ hiềm thứ hương lạ không mùi từ mông Sinh không còn toả ra như trước được nữa. Dầu vậy Như Liên vẫn còn yêu Sinh lắm, lại còn lấy làm yên tâm rằng từ nay Sinh không còn cuốn hút nữ nhân được, bèn làm lễ cưới linh đình. Sau rồi chồng ra mở riêng quán Internet Cafe, vợ làm chủ quán cơm bụi, con cháu đầy nhà. Thật là khí độ của một đại gia vậy.

Sau khi ông già đi, bên trong chiếc vợt vẫn còn thân xác của con bướm kỳ lạ, một cánh xanh một cánh đỏ mà thân bướm trông giống hệt cơ thể thiếu nữ đương thì với đầy đủ các bộ phận. Như Liên bèn đem ngâm fooc-môn làm tiêu bản rồi tặng lại cho ông Thái Kim Châm là một nhà côn trùng học có tiếng thời bấy giờ. Đến nay tiêu bản đặc biệt này vẫn còn được trưng bày ở tầng 3, viện bảo tàng sinh học Paris.
__________________
Necessity is the mother of in(ter)vention.
Speak softly & carry a big stick.
My Technical Blog
myhanh is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Old 20-01-2008, 11:35 AM   #5
Hồ sơ
myhanh
 
myhanh's Avatar
 
Tham gia ngày: Dec 2004
Cư ngụ: Love Planet
Tuổi: 44
Số bài viết: 7,404
Tiền: 0
Thanks: 2,122
Thanked 5,472 Times in 2,040 Posts
myhanh is on a distinguished road
Default Ðề: Các tác phẩm của Bàn Tiên sinh

Chắc myhanh demo 3 tác phảm này thôi còn những tác phẩm còn lại không tiện đưa lên đây ai có quan tâm thì lên tiếng myhanh gửi riêng nha.
__________________
Necessity is the mother of in(ter)vention.
Speak softly & carry a big stick.
My Technical Blog
myhanh is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời



Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Website sử dụng phần mềm vBulletin phiên bản 3.6.8
do Công ty TNHH Jelsoft giữ bản quyền từ 2000 - 2024.
Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 04:39 AM.

Hội CHS Lê Quý Đôn-Long An giữ bản quyền nội dung của website này

Tự động[F9]TELEX VNI VIQR VIQR* TắtKiểm chính tảDấu cũ
phan mem quan ly ban hang | thuê vps